Một số bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp ở Việt Nam hiện nay

PHAN THỊ THU THỦY (Khoa Luật Kinh tế - Trường Đại học Tài chính kế toán)

Tóm tắt: 

Bài viết tập trung phân tích và chỉ ra một số điểm bất cập, hạn chế của quy định hiện hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp ở Việt Nam, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định về vấn đề này trong thời gian tới.

Từ khóa: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nước thải công nghiệp, hoàn thiện pháp luật.

1. Một số vấn đề chung về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (NTCN) có vai trò quan trọng trong kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là trong việc phòng ngừa, cảnh báo sớm ô nhiễm, sự cố môi trường. Đây được xem là công cụ vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính kỹ thuật.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, quy chuẩn kỹ thuật môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản bắt buộc áp dụng để bảo vệ môi trường. Như vậy, quy chuẩn kỹ thuật môi trường là các quy định mang tính chất bắt buộc áp dụng để bảo vệ môi trường.

Hiện nay, để kiểm soát ô nhiễm môi trường do NTCN có 2 nhóm quy chuẩn cơ bản: Nhóm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN nói chung và nhóm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN của một số ngành đặc thù.

Một là, đối với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN nói chung: Đó là QCVN 40:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN (thay thế TCVN 5945:2005). Theo đó, nội dung chủ yếu của QCVN 40:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN bao gồm:

- Quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải.

- Quy định nguồn tiếp nhận của NTCN: Hệ thống đấu nối chung của khu công nghiệp, hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư; sông, suối, khe, rạch; kênh, mương; hồ, ao, đầm; vùng nước biển ven bờ có mục đích sử dụng xác định.

- Quy định loại hình sản xuất của doanh nghiệp thông thường NTCN có 33 thông số cần phân tích theo QCVN 40:2011/BTNMT: Nhiệt độ, màu, pH, BOD5 (20oC), COD, chất rắn lơ lửng, Asen, thủy ngân, chì, Cadimi, Crom (VI), Crom (III)…

Hai là, nhóm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN của một số ngành đặc thù: Tùy thuộc vào mỗi ngành công nghiệp khác nhau, pháp luật quy định bộ quy chuẩn riêng áp dụng cho từng ngành. Chẳng hạn:

QCVN 52:2017/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN sản xuất thép (thay thế QCVN 52:2013/BTNMT từ ngày 29/12/2017). Quy chuẩn này ban hành 24 thông số, gồm:Nhiệt độ, độ màu, pH, BOD5, COD, Tổng rắn lơ lửng, Tổng Xyanua, Tổng phenol, Tổng dầu mỡ khoáng, Amoni, Tổng Nitơ, Tổng Phốtpho, Sunfua (S2-), Florua (F-), Thuỷ ngân (Hg), Crom VI (Cr6+), Crom tổng (Cr), Chì (Pb), Cadmi (Cd), Đồng (Cu), Kẽm (Zn), Niken (Ni), Mangan (Mn), Sắt (Fe).

QCVN 63:2017/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến tinh bột sắn có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2017. Quy chuẩn này được ban hành với 8 thông số (pH, chất rắn lơ lửng (TSS), BODE (20°C), COD, Tổng Nitơ (tinh theo N), Tổng Xianua (CN-), Tổng Phốtpho (P), Tổng Coliform).

QCVN 62-MT:2016/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi có hiệu lực thi hành từ ngày 15/06/2016. Quy chuẩn này được ban hành với 6 thông số (pH, BOD5, COD, Tổng chất rắn lơ lửng, Tổng Nitơ (theo N), Tổng Coliform).

QCVN 11-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN chế biến thủy sản (thay thế QCVN 11:2008/BTNMT từ ngày 31/12/2015). Quy chuẩn này được ban hành với 10 thông số (pH, BOD5, COD, Tổng chất rắn lơ lửng (TSS),  Amoni, Tổng nitơ (tính theo N), Tổng phốt pho (tính theo P), Tổng dầu, mỡ động thực vật, Clo, Tổng Coliforms).

QCVN 01-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên (thay thế QCVN 01:2008/BTNMT từ ngày 01/06/2015). Quy chuẩn  này được ban hành với 6 thông số (pH, BOD5, COD, TSS, Tổng Nito, Amoni).

QCVN 12-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN giấy và bột giấy  (thay thế QCVN 12:2008/BTNMT từ ngày 01/06/2015). Quy chuẩn này được ban hành với 8 thông số (Nhiệt độ, pH, độ màu, BOD5, COD, TSS, Halogen hữu cơ dễ bị hấp thụ (AOX), Dioxin).

QCVN 13-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN dệt nhuộm (thay     thế QCVN            13:2008/BTNMT từ ngày 01/06/2015). Quy chuẩn này được ban hành với 10 thông số (Nhiệt độ, pH, độ màu, BOD5, COD, TSS, Xyanua, Clo dư, Crôm VI Cr6+, Tổng các chất hoạt động bề mặt).

QCVN 29:2010/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của kho và cửa hàng xăng dầu. Quy chuẩn này được ban hành với 4 thông số (pH, Tổng chất rắn lơ lửng (TSS), Nhu cầu ô xy hóa học (COD), Dầu mỡ khoáng (tổng hydrocarbon)…

2. Những hạn chế, bất cập của pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp

Trong thời gian qua, với việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN nêu trên đã góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát, đánh giá mức độ ô nhiễm của các nguồn thải công nghiệp trước khi xả thải ra môi trường từ các ngành sản xuất công nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, sự cố môi trường nói chung và ô nhiễm, sự cố môi trường biển nói riêng. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN ở nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định:

Một là, việc ban hành và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN còn có sự không thống nhất. Theo quy định hiện hành, các nguồn nước thải từ các hoạt động công nghiệp khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải phải tuân thủ QCVN về chất lượng môi trường, cụ thể là phải tuân thủ theo QCVN 40:2011/BTNMT về NTCN. Đối với NTCN của một số ngành đặc thù, được áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng. Tuy nhiên, quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong NTCN khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải giữa quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về  NTCN của một số ngành đặc thù được nới lỏng hơn so với QCVN 40:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN (Quy chuẩn chung). Chẳng hạn, đối với ngành Sản xuất thép, theo quy chuẩn chung về NTCN yêu cầu nước thải phải đảm bảo 33 chỉ tiêu kỹ thuật trước khi xả thải ra môi trường thì QCVN 52:2017/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN sản xuất thép ngành Sản xuất thép quy định chỉ có 24 thông số ô nhiễm trong nước thải Khu liên hợp sản xuất gang thép để làm cơ sở tính giá trị chỉ tiêu hoặc 13 thông số ô nhiễm trong nước thải của các cơ sở luyện cán thép để làm cơ sở tính giá trị tối đa cho phép; ngành Công nghiệp giấy và bột giấy, nếu quy chuẩn chung là 33 tiêu chí thì QCVN12 - MT: 2015/BTNMT chỉ quy định 8 chỉ tiêu… Theo tác giả, quy chuẩn xả thải quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải một số ngành được nới lỏng hơn so với QCVN 40:2011/BTNMT sẽ tạo ra sự không thống nhất trong việc áp dụng. Chính vì vậy, với quy định về quy chuẩn xả thải đặc thù như hiện nay, vấn đề kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng từ NTCN con người vẫn khó có thể ứng phó và khắc phục trong hiện tại và tương lai.

Ở Nhật Bản, tiêu chuẩn nước thải thống nhất toàn quốc (tiêu chuẩn nồng độ) đã được thiết lập cho tất cả các nhà máy và cơ sở kinh doanh và những cơ sở có liên quan được quy định theo đó. Trường hợp nhận thấy tiêu chuẩn thống nhất toàn quốc không bảo vệ môi trường nước một cách đầy đủ, mỗi địa phương có quyền thiết lập các quy định với các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn tiêu chuẩn thống nhất toàn quốc. Đối với những vùng biển khép kín, khó có thể đạt được Tiêu chuẩn Chất lượng môi trường cho ô nhiễm nước; ngay cả với những quy định nàykhi áp dụng tổng tải lượng ô nhiễm và một phương pháp kiểm soát nước thải được gọi là “kiểm soát tổng tải lượng ô nhiễm”. Đây là quy chế về lượng phát thải của tải lượng ô nhiễm. Tại Nhật Bản, về mặt hệ thống, tổng tải lượng ô nhiễm được xem là một phương pháp dành cho những vùng biển khép kín bị ô nhiễm nước nghiêm trọng. Ngay cả khi các địa phương bổ sung các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn, những trị số tiêu chuẩn cho tiêu chuẩn bổ trợ được quyết định dựa trên quan niệm hạn chế tải ô nhiễm thải vào nguồn nước trong một phạm vi nhất định nhằm mục đích BVMT nước. Quan niệm này kết hợp chặt chẽ với quan niệm kiểm soát tổng tải[1].

Hai là, việc xây dựng và ban hành các quy chuẩn về NTCN đã không căn cứ vào sức chịu tải của môi trường tiếp nhận. Theo Khoản 17 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì: “Sức chịu tải của môi trường là giới hạn chịu đựng của môi trường đối với các nhân tố tác động để môi trường có thể tự phục hồi”. Đây được xem là một trong những nội dung quan trọng cần được quan tâm khi xây dựng và ban hành các quy chuẩn về NTCN. Bởi việc phát triển công nghiệp ở nước ta hiện nay có sự chênh lệch, không giống nhau, không đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực. Ví dụ, những tỉnh, thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh có tốc độ phát triển công nghiệp cao hơn nhiều so với một số địa phương khác như: Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên… Thực tế, địa phương nào có tốc độ phát triển công nghiệp càng cao, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế được hình thành thì tương ứng với nó là lượng NTCN từ các khu kinh tế, khu công nghiệp xả thải ra môi trường ngày càng nhiều hơn và điều này làm cho khả năng tự làm sạch môi trường hay sức chịu tải của môi trường tiếp nhận là vượt quá sức chịu đựng. Trong khi đó, theo QCVN 40:2011/BTNMT, cũng như QCVN về NTCN của một số ngành đặc thù chủ yếu quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong NTCN khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải và đưa ra cách thức, công thức tính toán các số liệu… Đối với nội dung bảo vệ chất lượng môi trường tiếp nhận chỉ được đề cập thông qua khái niệm, chưa có quy định cụ thể nào đề cập đến cách thức bảo vệ môi trường tiếp nhận, mặc dù đây là một nội dung cũng vô cùng quan trọng nhưng chưa được quy định đầy đủ và chặt chẽ trong QCVN 40:2011/BTNMT, cũng như các QCVN khác liên quan đến NTCN. Vì vậy, nếu môi trường tiếp nhận quá sức tải thì khả năng gây ô nhiễm, sự cố môi trường bởi NTCN là điều tất yếu. Do đó, khi xây dựng QCVN về NTCN cần phải dựa trên các kết quả nghiên cứu, điều tra, đánh giá và báo cáo về hiện trạng chất lượng môi trường tiếp nhận hiện tại và những dự báo trong tương lai của sức chịu tải của môi trường ở từng khu vực xả thải để đặt ra các quy định điều chỉnh cho phù hợp.

Ba là, một số quy định liên quan đến nội dung trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN ở Việt Nam còn lỏng lẻo, nhiều quy định chưa được đề cập đến. Chẳng hạn, QCVN 40:2011/BTNMT quy định hệ số Kq đối với nguồn tiếp nhận nước thải là vùng nước lợ, tuy nhiên cho đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định thế nào là vùng nước lợ nên việc áp dụng, triển khai trong thực tiễn còn nhiều lúng túng, không có tính khả thi và khả năng áp dụng. Hoặc là các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN chưa có những quy định về tổng lượng thải, về thời điểm xả thải. Hiện nay, các quy định trong QCVN 40:2011/BTNMT, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN của một số ngành đặc thù, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển... chỉ quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong NTCN khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải nhưng chưa có quy định về tổng lượng thải, thời điểm xả thải. Điều này cho ta thấy một số hạn chế của pháp luật và hệ lụy có thể xảy ra nếu không quy định về tổng lượng thải, thời điểm xả thải. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, nếu không quy định về tổng lượng thải, sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các cơ sở sản xuất - kinh doanh. Bởi cùng là một loại NTCN, nhưng các cơ sở sản xuất - kinh doanh hoặc nhà máy xử lý nước thải tập trung có đấu nối nước thải của cơ sở công nghiệp khác nhau sẽ có tổng lượng thải khác nhau. Nghĩa là, cơ sở sản xuất, dịch vụ càng lớn, lượng nước thải phát ra sẽ càng nhiều và ngược lại. Vì lượng nước thải được thải ra phụ thuộc vào quy mô, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ của các cơ sở đó.

Thứ hai, trong trường hợp mặc dù các cơ sở sản xuất - kinh doanh hoặc nhà máy xử lý nước thải tập trung có đấu nối nước thải của cơ sở công nghiệp đáp ứng các yêu cầu về các quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong NTCN khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải, nhưng trong cùng một thời, điểm lượng nước thải thải ra quá lớn, khả năng chịu đựng của môi trường tiếp nhận cũng sẽ quá tải và điều đó dẫn có thể dẫn đến môi trường bị ô nhiễm hoặc sự cố.

Bốn là, trong thời gian qua, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, cho đến nay, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN vẫn áp dụng chuẩn từ năm 2011 là QCVN 40:2011/BTNMT vẫn chưa có kế hoạch ban hành quy chuẩn thay thế và thiếu một số quy chuẩn NTCN của một số ngành cũng được coi là mũi nhọn của ngành công nghiệp, như: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN vật liệu xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN sản xuất thiết bị điện, điện tử, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN sản xuất điện năng… Do đó, với tiến trình phát triển kinh tế của đất nước và hàng loạt các quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải một số ngành đã ban hành, cần có những thay đổi, bổ sung và thay thế cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay.

3. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải ngành công nghiệp

Để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường. Thiết nghĩ, đối với các quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN cần hoàn thiện theo các hướng sau:

Một là, rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp với điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, kết hợp thải lượng chất ô nhiễm và sức chịu tải của môi trường. Với quy định, các ngành công nghiệp ở Việt Nam vừa đang được kiểm soát xả thải theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN-QCVN 40:2011/BTNMT, vừa áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN của một số ngành đặc thù, dẫn đến tồn tại nhiều bất cập khi áp dụng trong thực tiễn, vì mỗi nhóm đối tượng, mỗi ngành sản xuất công nghiệp có những đặc trưng khác nhau về lượng thải và mức độ tác động tới môi trường cũng khác nhau. Vì vậy, cần phải tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn đã ban hành cho thống nhất và phù hợp với tình hình thực tiễn. Xác định mối quan hệ giữa quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN nói chung với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN áp dụng riêng cho một số ngành công nghiệp đặc thù theo hướng quy chuẩn áp dụng riêng phải có yêu cầu cao hơn quy chuẩn chung.

Hai là, một số nội dung được quy định trong QCVN 40:2011/BTNMT nhưng chỉ mang tính nguyên tắc, quy định chưa cụ thể. Điển hình như trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN QCVN 40:2011/BTNMT quy định hệ số Kq đối với nguồn tiếp nhận nước thải là vùng nước lợ, tuy nhiên, không có văn bản hướng dẫn, quy định thế nào là vùng nước lợ nên việc áp dụng trong thực tế là khó khả thi. Vì vậy, một số quy định liên quan đến QCVN về NTCN cần phải được rà soát, điều chỉnh và ban hành để hướng dẫn nhằm đảm bảo tính khả thi khi triển khai áp dụng.

Ba là, việc xây dựng và ban hành các quy chuẩn về NTCN hiện nay không căn cứ vào sức chịu tải của môi trường tiếp nhận cụ thể ở từng nơi không tương thích với thực tế từng địa điểm, khu vực. Các quy chuẩn xả thải hiện nay của nước ta đã được ban hành, tuy nhiên đây mới là quy chuẩn cho từng loại nguồn thải khác nhau đối với từng loại chất thải. Thực tế, nhiều khi từng nguồn thải đều đạt quy chuẩn môi trường, nhưng tổng các nguồn thải lại vượt quá sức chịu tải của môi trường. Điều này dẫn đến hệ lụy  làm cho một lưu vực sông, một vùng biển bị ô nhiễm hay sự cố môi trường rất dễ xảy ra. Vì vậy, việc ban hành bộ quy chuẩn tổng thải để kiểm soát ô nhiễm là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Bốn là, cho đến nay, Việt Nam đã ban hành một số quy chuẩn kỹ thuật về NTCN cho một số ngành sản xuất (thép, chế biến tinh bột sắn, chăn nuôi, giấy và bột giấy, chế biến thuỷ sản, chế biến cao su, dệt nhuộm…). Tuy nhiên, tính đến nay, vẫn còn một số ngành chưa có quy chuẩn riêng. Chính vì vậy, một trong những trọng tâm đối với công tác bảo vệ môi trường hiện nay đó là tiếp tục xây dựng và ban hành các quy chuẩn ngành còn thiếu: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN vật liệu xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN sản xuất thiết bị điện, điện tử, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTCN sản xuất điện năng… Do đó, với tiến trình phát triển kinh tế của đất nước và hàng loạt các quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải một số ngành đã ban hành, cần có những thay đổi, bổ sung và thay thế cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về NTCN của các nước phát triển trên thế giới. Trên cơ sở đó, đề xuất hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường về NTCN trong điều kiện hội nhập quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2010, 2011, 2015, 2016, 2017), Quy chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp, Hà Nội.
  2. Quốc hội (2005), Luật Bảo vệ môi trường, Hà Nội.
  3. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường, Hà Nội.
  4. Văn phòng Quản lý Môi trường các vùng ven biển khép kín, Bộ phận Môi trường Nước, Cục Quản lý Môi trường, Bộ Môi trường Nhật Bản (2011), Hướng dẫn áp dụng Hệ thống Kiểm soát Tổng tải lượng ô nhiễm. Nguồn:https://www.env.go.jp/en/water/ecs/pdf/vietnamese.pdf.

SOME INADEQUACIES AND SOLUTIONS TO IMPROVE THE LAW ON NATIONAL TECHNICAL REGULATIONS ON INDUSTRIAL WASTEWATER IN VIETNAM TODAY

PHAN THI THU THUY

Faculty Economic Law

Univercity of Finance and Accountancy

Abstract: The paper focuses on analyzing and pointing out the shortcomings and limitations of current law on national technical regulation on industrial wastewater; then proposes some solutions to improve this issue in the coming time.

Keywords: Technical regulation; industrial wastewater.