Một số đề xuất điều chỉnh pháp luật về đất xây dựng công trình ngầm Việt Nam, gợi mở từ kinh nghiệm của Singapore và Nhật Bản

Bài nghiên cứu "Một số đề xuất điều chỉnh pháp luật về đất xây dựng công trình ngầm Việt Nam, gợi mở từ kinh nghiệm của Singapore và Nhật Bản" do Hồ Hoàng Thu Lê, Hồ Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Thanh Long, Huỳnh Hoàng Thuận (Sinh viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia - Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu về đất xây dựng công trình ngầmthông qua phân tích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời đánh giá quy định pháp luật Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. Qua đó, kiến nghị xây dựng khung pháp lý điều chỉnh đất xây dựng công trình ngầm ở Việt Nam, như: (i) công nhận quyền sử dụng đất xây dựng công trình ngầm; (ii) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất xây dựng công trình ngầm; (iii) phân tầng và đặt ra giới hạn độ sâu ngầm; (iv) kế thừa và phát triển chính sách tạo điều kiện và phát huy nguồn lực nhằm đẩy mạnh quá trình ngầm hoá đô thị một cách bền vững, an toàn và bảo vệ môi trường.

Từ khóa: quyền sử dụng đất, đất xây dựng công trình ngầm, Luật Đất đai.

1. Đặt vấn đề

Phát triển công trình ngầm và khai thác không gian ngầm là xu hướng tất yếu của phát triển, đặc biệt trong điều kiện các quốc gia không thể mở rộng lãnh thổ và diện tích tự nhiên đưa vào sử dụng dần tiệm cận 100%. Không gian ngầm, đặc biệt là không gian ngầm đô thị sẽ giúp giải quyết những khó khăn do không đủ bề mặt đất để xây dựng và sử dụng. Bên cạnh đó, công trình ngầm ở nhiều nơi còn giúp con người đối phó với hệ quả của biến đổi khí hậu như tránh bão, tránh rét… hiệu quả; hay góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Việt Nam trong những năm gần đây, dù không xuất hiện thêm những địa đạo như địa đạo Củ Chi để đối phó với chiến tranh; nhưng người dân ở một số vùng đã đào hầm, hào tránh bão để đối phó với thiên tai[1]. Ở một số quốc gia có khí hậu khắc nghiệt, không gian ngầm đô thị được khai thác sử dụng để tránh tuyết, rét, bão và nắng nóng. Hệ thống cống ngầm, hầm đường bộ cũng được nhiều nước khai thác triệt để cho cả mục đích an ninh quốc phòng, triển khai lực lượng và thế trận khi bị tấn công vũ trang. Không gian ngầm hiện được nhiều quốc gia coi là tài nguyên thiên nhiên quý giá. Việc khai thác tài nguyên này ở nước ta hứa hẹn rất nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức, khó khăn. Rất cần thiết phải có khung pháp lý hoàn chỉnh cho vấn đề không gian ngầm bởi không giống như không gian trên bề mặt, một khi đã khai thác sử dụng, đất đai không thể trở về trạng thái cũ. Tương tự, không gian ngầm sẽ không thể quy hoạch lại khi đã thực hiện.

đất xây dựng công trình ngầm
Hình minh họa

2. Thực tế quy định pháp luật Việt Nam về đất xây dựng công trình ngầm

2.1. Khái niệm đất xây dựng công trình ngầm

 Luật Đất đai hiện hành chỉ quy định đất xây dựng công trình ngầm “là phần đất để xây dựng công trình mà công trình này không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất”. Luật Đất đai 2024 đã có thay đổi lớn về nhận diện loại đất này. Theo đó, đất xây dựng công trình ngầm sẽ bao gồm “đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm và không gian dưới lòng đất để xây dựng công trình trong lòng đất mà công trình này không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất”.

2.2. Quy định về sử dụng đất công trình ngầm

Thứ nhất, về tiếp cận đất xây dựng công trình ngầm: Theo quy định của Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm thông qua hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm[2] và được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh[3].

Luật Đất đai năm 2024 quy định Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các dự án xây dựng công trình ngầm. Như trình bày ở trên, đất xây dựng công trình ngầm được hiểu gồm cả đất xây dựng công trình trên mặt đất nên Luật Đất đai 2024 đã phân tách hình thức tiếp cận đất đai đối với trường hợp này. Cụ thể chỉ còn giao đất không thu tiền sử dụng đất cho đất xây dựng công trình công cộng không vì mục đích kinh doanh, còn lại sẽ phải thuê đất trả tiền hàng năm.

Vấn đề đặt ra là pháp luật cần quy định cụ thể thủ tục thuê đất để xây dựng công trình trong lòng đất, vì bản chất ở đây là giao không gian, sẽ khác với giao đất thông thường. Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai[4] mới chỉ quy định trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất để xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm tương tự như các công trình trên mặt đất khác.

Thứ hai, về quyền của người sử dụng đất xây dựng công trình ngầm: Luật Đất đai năm 2024 có sự điều chỉnh pháp luật cụ thể hơn Luật Đất đai hiện hành về quyền của chủ thể sử dụng đất xây dựng công trình ngầm. Luật Đất đai đã tách bạch (i) quyền đối với phần đất bên trên phục vụ cho việc vận hành phần công trình ngầm và (ii) quyền đối với phần công trình ngầm. Theo đó, người sử dụng đất sẽ được được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với diện tích đất xây dựng công trình trên mặt đất và chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình ngầm dưới mặt đất. Đối với công trình trên mặt đất, việc cấp giấy giấy chứng nhận có thể kế thừa quy định hiện hành; nhưng riêng cấp “chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình ngầm dưới mặt đất” sẽ phải giải quyết vấn đề xác định không gian ngầm sử dụng.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 cũng quy định chủ sở hữu công trình ngầm được thực hiện quyền của chủ sở hữu như: được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại không gian dưới lòng đất sau khi được Nhà nước xác định theo quy định của pháp luật về xây dựng, quy hoạch, kiến trúc[5].

Thứ ba, v nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất xây dựng công trình ngầm: Theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành, tổ chức kinh tế thực hiện dự án sử dụng đất xây dựng công trình ngầm phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với đơn giá thuê đất sẽ không quá 30% đơn giá thuê đất trên bề mặt có cùng mục đích sử dụng với cả hai hình thức là thuê đất trả tiền thuê một lần và thuê đất trả tiền thuê hằng năm.[6] Với việc triển khai Luật Đất đai năm 2024, cần thiết phải quy định rõ vấn đề này trong trường hợp mục đích sử dụng đất trên bề mặt và mục đích sử dụng không gian trong lòng đất cho công trình trong lòng đất không giống nhau. Mặc dù ở cả 2 văn bản luật đều có quy định về quyền của chủ thể được thực hiện đối với đất xây dựng công trình ngầm, thế nhưng không có quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất này và trên Giấy chứng nhận hiện nay cũng không có ghi nhận nội dung về đất xây dựng công trình ngầm, điều này là không phù hợp với điều kiện thực hiện quyền là phải có Giấy chứng nhận.[7]

3. Một số đề xuất điều chỉnh pháp luật về đất xây dựng công trình ngầm Việt Nam, gợi mở từ kinh nghiệm của Singapore và Nhật Bản

Luật Đất đai 2024 chưa ghi nhận quyền sử dụng đất xây dựng công trình ngầm thuộc không gian dưới lòng đất để xây dựng công trình trong lòng đất mà chỉ công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với diện tích đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm. Quy định trên sẽ là không đủ trong trường hợp chủ sở hữu công trình trong lòng đất và chủ sử dụng đất trên bề mặt là hai chủ thể khác nhau. Bởi không phải diện tích công trình ngầm thuộc không gian dưới lòng đất và diện tích đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm đều trùng khớp theo chiều thẳng đứng. Như vậy, ranh giới về quyền và phạm vi không gian của quyền sử dụng đất của công trình bên trên bề mặt và công trình trong lòng đất xác định như thế nào. Điều này dẫn đến thiếu căn cứ để chủ sở hữu công trình ngầm xác định phạm vi thực hiện dự án dựa trên quyền của mình. Kéo theo đó là những khó khăn trong công tác quản lý thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đất xây dựng công trình ngầm.

Tham khảo quy định của Singapore về nội dung trên, quốc gia này có 2 khái niệm mà tổng hòa của 2 khái niệm chính là định nghĩa của quyền sử dụng đất dưới lòng đất:

(i) "Chủ sở hữu" có nghĩa là bất kỳ người nào xuất hiện từ sổ đăng ký đất đai là người được hưởng di sản hoặc lợi ích đối với bất kỳ vùng đất nào đã được đưa ra theo quy định của Đạo luật này và bao gồm cả người thế chấp, người được tính phí và người thuê[8];

(ii) “Đất đai” có nghĩa là bề mặt của bất kỳ lô đất xác định nào trên trái đất, phần lớn không gian ngầm bên dưới và phần lớn cột vùng trời phía trên bề mặt dù có hay không tách biệt khỏi bề mặt với một giới hạn hợp lý cho việc sử dụng và hưởng thụ của chủ sở hữu, và bao gồm bất kỳ phần nào bất động sản hoặc quyền lợi trong đó và tất cả cây cối mọc trên đó và các công trình gắn liền với đó[9].

Pháp luật Singapore không quy định một cách tường minh về quyền sở hữu này, tuy nhiên, theo Đạo luật về Quyền sở hữu đất đai thì phạm vi đất đai bao gồm bề mặt thửa đất, phần không gian dưới lòng đất và vùng trời[10] hoặc hoặc bất kỳ không gian ngầm nào dù có hoặc không tách biệt với bề mặt trái đất[11]. Còn chủ sở hữu đất được định nghĩa là bất kỳ chủ thể nào được ghi trong sổ đăng ký theo quy định của Đạo luật ký đất đai[12]. Từ 2 định nghĩa trên, có thể nhận định, chủ sở hữu tư nhân được mặc nhiên công nhận quyền sở hữu không chỉ đối với phần bề mặt và còn bao hàm cả không gian ngầm dưới bề mặt của thửa đất. Về giới hạn quyền sở hữu, Singapore quy định tại Đạo luật Đất đai rằng chủ sở hữu đất trên bề mặt chỉ có thể sử dụng không gian ngầm ở “mức cần thiết và hợp lý”[13]. Ngoài ra, đối với việc cấp Giấy chứng nhận, vì đã được công nhận quyền sở hữu đối với không gian ngầm nên khi chủ sở hữu thực hiện việc đăng ký thì cơ quan đăng ký quyền sở hữu đất đai Singapore sẽ ghi nhận thông tin thửa đất vào sổ đăng ký[14], đồng thời cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu bao gồm các nội dung sau: Các chi tiết về quyền sở hữu (bao gồm cả quyền sở hữu không gian ngầm đến một độ sâu nhất định), mô tả pháp lý về thửa đất và các giao dịch có liên quan[15]. Do đó, nội dung của Giấy chứng nhận được cấp sẽ bao gồm cả quyền sở hữu bên trên và bên dưới bề mặt. Chủ sở hữu đất đã đăng ký sẽ giữ một bản sao Giấy chứng nhận làm bằng chứng về quyền sở hữu.

Nhóm tác giả cho rằng, pháp luật Việt Nam cần có quy định để ghi quyền sử dụng đất xây dựng công trình ngầm một cách cụ thể hơn. Có như vậy mới đảm bảo xác định được nghĩa vụ tài chính, thủ tục pháp lý khác về đất xây dựng công trình ngầm được vận hành, áp dụng hiệu quả và giảm thiểu các tranh chấp liên quan.

Một là, để phát triển không gian ngầm nhanh chóng, kịp thời và bền vững, cần phải chuyển đổi từ sơ đồ thửa đất (2D) trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang hệ quy chiếu 3D nhằm định vị được “khối” không gian trong lòng đất mà chủ thể được sử dụng và thể hiện được đồng thời phần bên trên và bên dưới của bề mặt thửa đất. Đây chính là cơ sở để thực hiện công tác quản lý, cũng như hoạt động khai thác công trình ngầm. Thay đổi này có thể giúp xác định phạm vi sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm chuẩn xác, đồng thời tạo dựng các tiêu chí phân biệt đất xây dựng công trình ngầm dựa trên mục đích sử dụng và phân tầng không gian ngầm.

Hai là, cần quy định về độ sâu ngầm. Một trong những yếu tố cốt lõi khi thi công xây dựng công trình ngầm là xác định độ sâu ngầm, tuy nhiên pháp luật đất đai hiện hành chưa có sự ghi nhận đối với vấn đề này. Đặt ra được giới hạn cho độ sâu ngầm giúp tháo gỡ được nhiều vướng mắc mà thực trạng phát triển công trình ngầm hiện đang gặp phải. Cụ thể, theo kinh nghiệm từ các quốc gia Singapore hay Nhật Bản, xác định độ sâu ngầm giúp Nhà nước phân định rạch ròi ranh giới quyền sử dụng đất hay sở hữu công trình ngầm của cá nhân, tổ chức, so với phần thuộc sở hữu của Nhà nước. So sánh với thực tiễn tại Việt Nam, có thể thấy nếu thiếu khung pháp lý quy định về yếu tố trọng điểm này sẽ dẫn đến sự kìm hãm quá trình phát triển không gian ngầm hoặc sẽ gây ra rất nhiều sự chồng chéo cũng như xung đột giữa các chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai.

Vì thế, nhóm tác giả kiến nghị bổ sung quy định về độ sâu lòng đất tối đa mà người sử dụng đất được công nhận trong phạm vi quyền sử dụng đất. Cùng với những tìm hiểu về kinh nghiệm lập pháp của Singapore, đề xuất xây dựng pháp lý về giới hạn độ sâu ngầm như sau: “Không gian ngầm cần thiết một cách hợp lý để sử dụng và được xác định không gian ngầm cách x mét tính từ độ cao 0 mét so với mặt đất.”

Tuy nhiên, để xác định được độ sâu x là sự tổng hòa của nhiều yếu tố như khảo sát địa chất, chiều cao công trình ở bên trên, sự an toàn về thoát hiểm khi khai thác sâu vào lòng đất, đảm bảo không khí, ánh sáng và phần lớn còn tùy thuộc vào trình độ khoa học kỹ thuật. Tại Singapore, xác định độ sâu ngầm tối đa là 30 mét tính từ mốc chuẩn thẳng đứng ở độ cao 0 mét; trong khi đó Nhật Bản đặt ra độ sâu là 40 mét. Từ đó có thể thấy độ sâu ngầm tối đa đặt ra đối với người sử dụng đất ở mỗi khu vực, địa phương hay vùng lãnh thổ là khác nhau. Cụ thể, chính phủ Singapore dựa trên thực tiễn độ sâu hầm ngầm của các tòa nhà, sau đó tính toán đến chỉ số an toàn chịu lực, đồng thời cân nhắc đến sự bố trí công trình tiện ích như mạch nước ngầm, hệ thống cấp, thoát nước… toàn bộ quá trình này cần được đo lường và khảo sát kỹ càng. Mặt khác, ở Nhật Bản, độ sâu ngầm lại được xác định bởi tổng hệ số kích thước các tầng trong công trình. Về khía cạnh này, mỗi quốc gia sẽ có một quan điểm khác nhau để ban hành độ sâu này. Tuy vậy, một yếu tố tiên quyết cần phải được xem xét đó là phân loại và đặc tính đất, bởi lẽ đây là yếu tố chi phối phần lớn trong quá trình thi công xây dựng công trình ngầm. Theo quan điểm của nhóm, để tối ưu hóa quy định này, khi áp dụng quy định về độ sâu lòng tại Việt Nam, cần mở rộng theo hướng dựa trên quy định của Luật và Quy hoạch tổng thể Quốc gia, cho phép địa phương ban hành mức độ sâu phù hợp trong Quy hoạch chung của địa phương đó. Sở dĩ, Việt Nam là quốc gia có sự phân hóa đất đa dạng cùng với nguồn tài nguyên đất dồi dào thế nên nếu áp dụng một mức độ sâu ngầm đối với toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ dẫn đến việc không đảm bảo được địa chất giữa các địa phương. Theo nhóm tác giả, nếu khung pháp luật bổ sung quy định về giới hạn độ sâu ngầm sẽ giải quyết được những vướng mắc hiện nay, đồng thời quá trình phát triển công trình ngầm được siết chặt và phát huy tối đa công năng hơn.

4. Kết luận

Không gian ngầm là loại tài nguyên khi đã khai thác thì không thể đảo ngược bởi khi đã sử dụng thì đất đai không thể trở lại trạng thái ban đầu được nữa. Vì thế, việc quy hoạch không gian ngầm, xây dựng công trình ngầm nhất thiết phải cẩn trọng, kỹ lưỡng, để bảo đảm phát triển bền vững. Một khung pháp lý với những dự liệu chuẩn xác để bảo đảm mục tiêu quản lý, sử dụng hiệu quả đất xây dựng công trình ngầm là yêu cầu cần thiết hiện nay. Mặc dù Luật Đất đai 2024 đã có sự điều chỉnh đối với quyền của người sử dụng đất xây dựng công trình ngầm, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có nội dung quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xây dựng công trình ngầm. Những phân tích trên nhằm làm rõ những khoảng trống pháp lý trong quy định pháp luật, đồng thời đưa ra 2 kiến nghị về việc cấp Giấy chứng nhận và giới hạn độ sâu ngầm được sử dụng để việc sử dụng đất xây dựng công trình ngầm đạt hiệu quả tốt.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 https://tuoitre.vn/nguoi-dan-ven-bien-dao-ham-tranh-bao-so-9-20201027125704025.htm

2 Điều 178 Luật Đất đai 2013.

3 Điều 57 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

4 Bản lấy ý kiến theo Quyết định số 2091/BTNMT-ĐKDLTTĐĐ ngày 03/4/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường

5 Khoản 2, Điểm b Khoản 6 Điều 216 Luật Đất đai 2024.

6 Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

7 Điều 188, Điều 45 Luật Đất đai 2013.

8 Mục 4 Đạo luật Sở hữu Đất đai Singapore 1993.

9 Mục 4 Đạo luật Sở hữu Đất đai Singapore 1993.

10 Mục 4(1) “Đất” (a) Đạo Luật Đất đai Nhà nước Singapore 1920, phiên bản sửa đổi năm 2020. 

11 Mục 4(1) “Đất” (b) Đạo Luật Đất đai Nhà nước Singapore 1920, phiên bản sửa đổi năm 2020. 

12 Mục 4 Đạo luật Quyền sở hữu Đất đai Singapore 1993, phiên bản sửa đổi năm 2020.

13 Mục 9(1) Đạo Luật Đất đai Nhà nước Singapore 1920, phiên bản sửa đổi năm 2020.

14 Mục 28 (2) Đạo luật Quyền sở hữu Đất đai Singapore 1993, phiên bản sửa đổi năm 2020.

15 Mục 29 (1) Đạo luật Quyền sở hữu Đất đai Singapore 1993, phiên bản sửa đổi năm 2020.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Nhung (2022). Pháp luật Singapore về thu hồi đất và kinh nghiệm cho Việt Nam trong tiến trình hoàn thiện pháp luật về thu hồi đất. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
  2. Trần Vang Phủ, (2022). Kinh nghiệm của Malaysia về đất ngầm và kiến nghị đối với Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10 (458).
  3. Nguyễn Quang Phích, Dương Khánh Toàn, (2008). Rủi ro và các biện pháp phòng tránh trong xây dựng công trình ngầm thành phố. Hội thảo “Những bài học kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về công trình ngầm đô thị. TP. Hồ Chí Minh, 209-219.
  4. Nguyễn Văn Quảng (2009). Một số ý kiến về vấn đề xây dựng công trình ngầm đô thị ở Việt Nam. Tạp chí Xây dựng và Đô thị số 6.2009.
  5. Nikken Sekkei Civil Engineering (2008). Thực trạng sử dụng không gian ngầm đô thị tại Nhật Bản và vấn đề xúc tiến sử dụng công trình ngầm tại Việt Nam. Tạp chí Kiến trúc 2008.
  6. Bảo An (2023). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần quy định rõ về quản lý, sử dụng đất, không gian ngầm. Báo Pháp luật, Truy cập tại https://baophapluat.vn/bds/du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-can-quy-dinh-ro-ve-quan-ly-su-dung-dat-khong-gian-ngam-post484101.html
  7. Bảo Ngọc, Quang Thế (2022). Không gian ngầm đô thị - “Mỏ vàng” chờ khai phá. Truy cập tại https://tuoitre.vn/khong-gian-ngam-do-thi-mo-vang-cho-khai-pha-20221125084855252.htm
  8. Lưu Đức Hải (2021). Quy hoạch không gian ngầm đô thị. Tạp chí Kiến trúc, truy cập tại https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/quy-hoach-khong-gian-ngam-do-thi.html
  9. Lê Văn Lạc, Hoàng Phương Hoa (2011). Công trình ngầm. Nhà xuất bản Xây dựng.
  10. Vũ Sỹ Kiên và các cán bộ phối hợp (2013). Nghiên cứu thực trạng và đề xuất cơ chế quản lý đất đối với các công trình ngầm. Đề tài nghiên cứu cấp Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội.

SOME RECOMMENDATIONS TO STRENGTHEN VIETNAM’S REGULATIONS ON UNDERGROUND CONSTRUCTION LAND FROM THE EXPERIENCES OF SINGAPORE AND JAPAN

Ho Hoang Thu Le1

Ho Nguyen Kim Anh1

Nguyen Thanh Long1

Huynh Hoang Thuan1

1Student, Faculty of Law, University of Economics and Law, Vietnam National University - Ho Chi Minh

ABSTRACT:

This paper analyzed underground construction land by analyzing the orientations and policies of the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam. The paper also assessed Vietnam’s current related regulations and those of several countries in the world. Based on the paper’s findings, some recommendations were made to strengthen Vietnam’s legal framework for underground construction land. These recommendations include recognizing the rights to use underground construction land, issuing the certificate of land use right for underground construction land, zoning and setting depth limits for underground construction, inheriting and developing policies to create conditions, and utilizing resources to enhance sustainable, safe, and environmentally protective urban underground development.
Keywords: land use rights, land for underground construction, the Law on Land.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13 tháng 6 năm 2024]