Một số giải pháp thúc đẩy giáo dục quyền con người trong Quân đội hiện nay

NGUYỄN VĂN VI (Trường Đại học Trần Đại Nghĩa)

TÓM TẮT:

Giáo dục quyền con người đã trở thành vấn đề quốc tế quan trọng sau Hội nghị quốc tế về quyền con người được tổ chức tại thủ đô Viên (Áo). Ở Việt Nam, Điều 65 Hiến pháp năm 2013, đã bổ sung thêm một nhiệm vụ mới của Quân đội là làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Để hoàn thành nhiệm vụ này, mọi cán bộ, chiến sĩ cần nắm chắc không chỉ pháp luật Việt Nam mà còn phải có hiểu biết đầy đủ hơn về luật pháp quốc tế. Vì vậy, giáo dục quyền con người trong Quân đội là rất cần thiết. Bài viết đề xuất một số giải pháp thúc đẩy giáo dục quyền con người trong Quân đội hiện nay.

Từ khóa: Giáo dục quyền con người, Quân đội nhân dân Việt Nam, Giáo dục pháp luật.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập, Quân đội ngày càng tham gia vào nhiều hoạt động quốc tế. Vậy nên, việc tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội bao gồm cả giáo dục quyền con người là một yêu cầu cấp thiết, khách quan. Nhiệm vụ này cần được thực hiện trong tất cả các khía cạnh, từ nhận thức đến nội dung, hình thức, phương pháp, mục tiêu, kết quả cũng như sự đảm bảo về tổ chức nhân sự và cơ sở vật chất. Giáo dục pháp luật trong Quân đội những năm tới cần được bổ sung thêm việc giáo dục quyền con người và Luật Nhân đạo quốc tế.

2. Giáo dục quyền con người - quan niệm và quá trình nhận thức

Theo nghĩa chung nhất, quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc, làm tổn hại đến nhân phẩm, tự do cơ bản của con người.

Việc giáo dục quyền con người trong Quân đội là một công tác rất quan trọng. “Giáo dục và đào tạo nhân quyền bao gồm tất cả các hoạt động giáo dục, đào tạo, thông tin, nâng cao nhận thức và học tập nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ tất cả các quyền con người và các quyền tự do cơ bản, do đó góp phần ngăn chặn các vi phạm nhân quyền bằng cách cung cấp cho mọi người kiến thức, kỹ năng, sự hiểu biết và phát triển thái độ, hành vi của họ để trao quyền cho họ đóng góp vào việc xây dựng và thúc đẩy văn hóa phổ quát về quyền con người”[1].

Nghị quyết số 59/113A, ngày 10 /12/1994 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tuyên bố kỷ nguyên giáo dục quyền con người giai đoạn 1995 - 2004, đã khẳng định: “Các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý trong việc giáo dục nhân quyền; đồng thời nên đưa vào các chính sách giáo dục ở cấp độ quốc gia”. Sau đó, 3 chương trình giáo dục quyền con người đã được tiếp tục bổ sung từ năm 2005 đến 2019.

Ở Việt Nam, trước năm 1986, các nghiên cứu về nhân quyền và giáo dục đào tạo về nhân quyền hầu như không được chấp nhận. Năm 1986, Đảng ta đã khởi xướng đường lối đổi mới với quan điểm lấy con người là trung tâm của hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1991, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng đề cập đến quyền con người: “Nhà nước định ra các đạo luật quy định quyền công dân, quyền con người”. Sau đó, Hiến pháp năm 1992, lần đầu tiên, khái niệm về quyền con người đã được ghi nhận ở Điều 50.

Từ năm 1992 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn kiện về quyền con người, trong đó có Quyết định số 1039/QĐ-TTg, ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thông qua Đề án đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục chính thống của hệ thống giáo dục quốc dân. Quyết định ghi: Đến năm 2025 nội dung giáo dục quyền con người sẽ được đưa vào 100% các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam.

Hiện nay, giáo dục và đào tạo về quyền con người đã được triển khai rộng khắp gồm cả trong chương trình giáo dục chính thức và không chính thức.

Giáo dục chính thức: Trong các cơ sở giáo dục quốc dân, từ cấp tiểu học, trung học, đại học không chuyên luật và chuyên luật; chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý trung cấp và cao cấp trong hệ thống chính trị. Giáo dục quyền con người còn được thực hiện ở cấp sau đại học cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành quyền con người tại Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Khoa học xã hội và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Giáo dục không chính thức: Thông qua các khóa tập huấn, hội nghị, giáo dục ngoại khóa.

3. Thực trạng giáo dục quyền con người trong Quân đội hiện nay

Ngày 25/9/2018, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1650/QĐ-CT và Quyết định số 1651/QĐ-CT về việc Ban hành chương trình giáo dục các môn khoa học xã hội và nhân văn đào tạo sĩ quan cấp phân đội, trình độ đại học trong Quân đội. Theo đó, trong Quyết định số 1650 có một chuyên đề công ước quốc tế về chống tra tấn, Quyết định số 1651 có chuyên đề Luật Quốc tế.

Ngày 11/12/2018, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã ban hành Quyết định số 2159/QĐ-CT về Chương trình đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ trung cấp. Trong chương trình này có 2 chuyên đề về giáo dục quyền con người: Quyền con người và Công ước quốc tế về chống tra tấn.

Ngoài các hình thức giáo dục bắt buộc trong các chương trình giáo dục chính khóa nêu trên, năm 2018 và 2019, tất cả các đơn vị trong Quân đội còn tổ chức các chuyên đề giáo dục pháp luật ngoại khóa cho cán bộ, chiến sĩ: Quyền con người trong tố tụng hình sự và Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.

Mặc dù, một số đơn vị đã đưa các nội dung giáo dục quyền con người vào công tác giáo dục pháp luật nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế:

Thứ nhất, mặc dù nội dung về giáo dục quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục tại một số trường sĩ quan nhưng còn thiếu tính chỉnh thể, tính liên thông, tính cập nhật và thống nhất theo cách tiếp cận “giáo dục dựa trên quyền”, cách tiếp cận phổ biến của cộng đồng quốc tế hiện nay.

Thứ hai, dung lượng kiến thức về giáo dục quyền con người trong chương trình giảng dạy của đa số các trường sĩ quan còn quá ít, chưa tương xứng với yêu cầu trong nhiệm vụ mới của Quân đội; đặc biệt chưa đưa ra các quan điểm, cách tiếp cận của Đảng, Nhà nước Việt Nam về giáo dục quyền con người, giúp người học nhận diện và phê phán các quan điểm sai trái trên lĩnh vực bảo vệ quyền con người ở Việt Nam;

Thứ ba, chưa có một chương trình chi tiết về giáo dục quyền con người thống nhất trong các trường sĩ quan; việc đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giảng dạy còn tùy thuộc vào nhận thức về mức độ cần thiết và năng lực của mỗi đơn vị.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, người học và chiến sĩ chưa được trang bị các kiến thức cơ bản về giáo dục quyền con người. Điều này ảnh hưởng lớn đến nhận thức, kỹ năng và việc triển khai giáo dục quyền con người trong các nhiệm vụ quốc tế mà Quân đội đang thực hiện;

Thứ năm, các tài liệu giảng dạy, học tập về giáo dục quyền con người ở các cơ sở đào tạo trong Quân đội còn thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả.

4. Một số giải pháp thúc đẩy giáo dục quyền con người trong Quân đội hiện nay

Để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quốc tế của Quân đội trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ, kịp thời các nhóm giải pháp sau đây:

Một là, làm cho từng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cũng như từng sĩ quan, chiến sĩ nhận thức được vai trò của giáo dục quyền con người trong Quân đội nhân dân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Giáo dục quyền con người đã trở thành một vấn đề quốc tế quan trọng sau Hội nghị quốc tế về quyền con người tổ chức tại Viên năm 1993. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng được ghi ở Lời thề Thứ Năm trong 10 Lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam: Nêu cao tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa... làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước.

Giáo dục tốt nội dung này, còn giúp cán bộ, chiến sĩ có nhận thức và hành động đúng trong đối xử với tù hàng binh. Bởi vì, bản chất của chiến tranh là việc sử dụng bạo lực của các bên nhằm làm suy yếu và phá hủy sức mạnh quân sự của kẻ thù. Bất luận trong trường hợp nào, chiến tranh không bao giờ là mối quan hệ giữa con người với nhau mà là quan hệ giữa các quốc gia, trong đó các cá nhân vô tình trở thành kẻ thù của nhau không phải với tư cách con người hay công dân nói chung mà là với tư cách của những người lính. Bởi vì mục đích của chiến tranh là tiêu diệt kẻ thù, cho nên việc giết người lính của đối phương khi họ đang cầm súng được coi là hợp pháp. Nhưng khi họ đã hạ vũ khí và đầu hàng, họ không còn là kẻ địch mà là một người dân thường. Bởi vậy, việc giết chết họ trong trường hợp này là bất hợp pháp[2].

Hai là, tổ chức nguồn nhân lực, vật lực cho giáo dục quyền con người trong Quân đội. Giáo viên pháp luật và báo cáo viên pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong công tác giáo dục quyền con người hiện nay. Vì vậy, cần tăng cường công tác tổ chức cán bộ và bảo đảm vật chất cho giáo dục quyền con người. Trong những năm tới, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể: Xây dựng đội ngũ giáo viên pháp luật và báo cáo viên pháp luật đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; Đưa hoạt động của các Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật đi vào nền nếp; Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể trong giáo dục quyền con người nhất là Công đoàn, Hội Phụ nữ các cấp trong Quân đội.

Bên cạnh việc tăng cường nguồn nhân lực kể trên thì việc tăng cường đầu tư giáo trình, tài liệu tham khảo chính thống cho các đơn vị là vô cùng quan trọng. Mặc dù trong thời đại bùng nổ thông tin, trên các trang mạng xã hội, chúng ta có thể thấy vô số các thông tin về nhân quyền. Tuy nhiên, việc đảm bảo thống nhất nguồn tài liệu chính thống nhằm định hướng nội dung, bảo đảm tính nhất quán theo quan điểm đường lối của Đảng, giúp cán bộ, chiến sĩ nhận diện và phòng chống các thông tin xấu, độc về nhân quyền có ý nghĩa quan trọng.

Ba là, không ngừng đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp giáo dục quyền con người trong Quân đội theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Chuẩn hóa chương trình, nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục quyền con người theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng là một giải pháp quan trọng hàng đầu. Bởi khi nội dung chương trình chưa thống nhất, đầy đủ thì các chủ thể giáo dục rất khó để có được hình thức, phương pháp giáo dục thống nhất và hiệu quả. Để thực hiện giải pháp này, cần tiến hành một số công việc: Chuẩn hóa và công nghệ hóa nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục pháp luật nhằm đảm bảo sự thống nhất về chất lượng giáo dục quyền con người trong toàn quân; Chú trọng các hình thức sân khấu hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục quyền con người cho cán bộ, chiến sĩ; Tăng cường hơn nữa nội dung quyền con người và Luật Nhân đạo quốc tế vào chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ hàng năm.

Bốn là, tập trung vào giáo dục quyền con người trong các trường quân đội. Giáo dục quyền con người trong Quân đội hiện nay gồm 2 mảng chính: Giáo dục chính thức trong các nhà trường quân đội; Giáo dục không chính thức thông qua mô hình “Ngày Pháp luật” hàng tháng được thực hiện ở tất cả các đơn vị trong toàn quân. Ngày pháp luật đã và đang được các đơn vị trong toàn quân thực hiệt rất tốt và ngày càng chứng minh hiệu quả của mô hình này thông qua chỉ số vi phạm pháp luật trong toàn quân đang giảm dần, nhận thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ ngày càng được củng cố và nâng cao. Tuy nhiên, trước hết cần tập trung vào giáo dục quyền con người trong các nhà trường quân đội. Bởi vì, nhà trường quân đội là nơi đào tạo ra các sĩ quan chỉ huy, các giáo viên và báo cáo viên pháp luật cho các đơn vị trong toàn quân. Vì vậy, việc đào tạo các cán bộ nòng cốt về giáo dục quyền con người có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Các nhà trường quân đội, nhất là các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy và sĩ quan chính trị cần được đầu tư nhiều hơn cả nội dung chương trình và cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy để thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động giáo dục quyền con người trong toàn quân nhằm thực hiện tốt hơn Quyết định số 1039 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Kết luận

Giáo dục quyền con người là điều cần thiết để thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ quyền con người. Thông qua đó, ta có thể phát triển các kỹ năng và thái độ thúc đẩy sự bình đẳng, nhân phẩm và tôn trọng trong cộng đồng xã hội và trên toàn thế giới.

Lời mở đầu của Hiến chương Liên hợp quốc khẳng định:

“Chúng tôi, người dân của các quốc gia thống nhất quyết tâm:

Ngăn chặn các thế hệ tương lai khỏi thảm họa chiến tranh hai lần trong cuộc sống của chúng ta gây ra đau khổ vô hạn cho nhân loại;

Tuyên bố một lần nữa niềm tin vào các quyền cơ bản, nhân phẩm và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng nam nữ, về quyền bình đẳng giữa các nước lớn và nhỏ "[3].

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Quốc hội (2011), Điều 2 Tuyên ngôn Liên hợp quốc về giáo dục quyền con người năm 2011.

[2] Jean Jacques Rousseau (2013),  Bàn về khế ước xã hội, Nxb Chính trị - Hành chính, H. 2013, tr. 61.

[3] Liên Hợp quốc (1945), Hiến chương Liên Hợp quốc, 1945, trang 1.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

  1. Quốc hội (2013), Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 1309/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Đề án đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
  3. Tổng cục Chính trị (2018), Quyết định số 1560/QĐ-CT về việc Ban hành chương trình các môn khoa học xã hội và nhân văn đào tạo sĩ quan kỹ thuật, hậu cần, tình báo trình đọ đại học trong Quân đội nhân dân Việt Nam..
  4. Tổng cục Chính trị (2018), Quyết định số 2159/QĐ-CT về việc Ban hành chương trình đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ trung cấp (24 tháng); trung đội, tiểu đội trưởng; sĩ quan dự bị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

SOLUTIONS FOR PROMOTING THE HUMAN RIGHTS EDUCATION IN THE PEOPLE’S ARMY OF VIETNAM

PhD. NGUYEN VAN VI

Tran Dai Nghia University

ABSTRACT:

Human rights education has become an important international issue after the World Conference on Human rights in Vienna in 1993. The article 65 of the Vietnamese Constitution in 2013 supplemented a new task, performing international obligations, for the People’s Army of Vietnam. In order to fully carry out this new task, all officers and soldiers in the People’s Army of Vietnam have to have profound understanding not only about Vietnam’s laws but also international laws. As a result, human rights education is a necessary task for the People’s Army of Vietnam. This article is to propose some solutions for promoting the human rights education in the People’s Army of Vietnam.

Keywords: Human rights education, People's Army of Vietnam, legal education.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2020]