Tóm tắt:
Giáo dục pháp luật là bước đầu tiên của quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống, do vậy, công tác giáo dục pháp luật có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, bồi đắp tình cảm và hành vi pháp lý đúng đắn cho học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội nói riêng. Trong thời gian qua, công tác giáo dục pháp luật cho học viên của các đơn vị này đã đạt được nhiều kết quả, góp phần làm giảm đáng kể số vụ việc vi phạm pháp luật của nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội, các vi phạm kỷ luật trong các Học viện, trường sĩ quan. Tuy nhiên, hoạt động này hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, dẫn đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trên thực tế còn thấp.
Từ khóa: Giáo dục pháp luật, giáo dục pháp luật chính khóa, giáo dục pháp luật ngoại khóa, công tác giáo dục pháp luật, học viên, Học viện, trường sĩ quan.
Trong tiến trình đổi mới đất nước, xây dựng “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và một “xã hội công dân” đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, xây dựng một xã hội trong đó mọi người đều có ý thức tôn trọng pháp luật, tự nguyện tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần bảo vệ pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Để thực hiện mục tiêu này, song song với việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, một trong những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt là phải đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho mọi nhóm đối tượng, trong đó có sĩ quan, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sĩ quan, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, song một trong những nghĩa vụ quan trọng của họ là phải nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật quốc gia cũng như pháp luật quốc tế.
Công tác giáo dục pháp luật cho sĩ quan, chiến sĩ, những người phục vụ trong quân đội sẽ có hiệu quả cao hơn khi nâng cao được chất lượng giáo dục pháp luật trong các Học viện, các trường sĩ quan của Quân đội. Bởi học viên của các Học viện, các trường sĩ quan sẽ là những sĩ quan trong tương lai, họ sẽ đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong quân đội và có ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục chiến sĩ, nhân viên phục vụ trong quân đội về ý thức chấp hành pháp luật, điều lệnh quân đội…
* Vai trò của giáo dục pháp luật cho học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội
Công tác giáo dục pháp luật cho các đối tượng này có vị trí và vai trò hết sức quan trọng bởi nó trực tiếp góp phần củng cố các chuẩn mực đạo đức, xây dựng niềm tin, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của các học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội. Việc hình thành ý thức pháp luật cho các học viên này có thể bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng công tác giáo dục pháp luật cho họ là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, mang tính khách quan bởi học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội sau khi ra trường họ sẽ nhận nhiệm vụ tại mọi miền của Tổ quốc với những vị trí, cương vị khác nhau, những môi trường làm việc và sinh hoạt khác nhau.
Công tác giáo dục pháp luật cho sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam càng trở nên quan trọng trong điều kiện hiện nay khi quân đội không chỉ làm nhiệm vụ chiến đấu, họ còn phải tham gia vào rất nhiều những hoạt động xã hội khác, trong đó có các hoạt động nhân đạo quốc tế, tham gia giữ gìn hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt trong giai đoạn hội nhập hiện nay, nhiều học viên sau khi ra trường được phân công thực hiện các nhiệm vụ quốc tế. Do vậy, công tác giáo dục pháp luật họ có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục pháp luật cho học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội
Cũng như các dạng hoạt động xã hội khác, hoạt động giáo dục pháp luật cho học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội luôn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm các yếu tố chủ quan và các yếu tố khách quan. Tất nhiên, sự phân chia các yếu tố chủ quan và khách quan chỉ mang ý nghĩa tương đối, vì về cơ bản, các yếu tố này luôn nằm trong sự đan xen, hòa quyện lẫn nhau và có quan hệ mật thiết với nhau. Điều đó giúp giải thích tại sao, cùng trong điều kiện, hoàn cảnh như nhau, hoạt động giáo dục pháp luật cho học viên ở Học viện, trường sĩ quan này lại diễn ra tích cực, đạt hiệu quả cao; ở nơi khác lại mang tính chất cầm chừng và kém hiệu quả. Các yếu tố chủ quan và khách quan hòa quyện với nhau và tác động mạnh mẽ đến hoạt động giáo dục pháp luật cho học viên thể hiện tập trung trong yếu tố sau:
Thứ nhất, yếu tố tâm, sinh lý của học viên và trạng thái ý thức pháp luật của học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội.
Học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội là một bộ phận của sinh viên nói chung, sinh viên là một tầng lớp xã hội quan trọng đối với mọi thể chế chính trị. Học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội có những đặc thù riêng, họ là những cán bộ tương lai, trực tiếp chỉ huy, quản lý bộ đội ở các cơ sở trong toàn quân. Giáo dục pháp luật cho đối tượng này giúp họ nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ tại Học viện, trường sĩ quan trong quân đội, qua đó quyết định trực tiếp đến kết quả huấn luyện, rèn luyện bộ đội ở các đơn vị cơ sở.
Học viên là nhóm người có vị trí chuyển tiếp, chuẩn bị cho một đội ngũ tri thức có trình độ và nghề nghiệp tương đối cao của quân đội và của nhà nước. Học viên là một công dân thực thụ của đất nước với đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ trước pháp luật. Như vậy xã hội coi họ là một thành viên chính thức, một người trưởng thành. Tuy nhiên, do đang ngồi trên ghế nhà trường, được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ về sinh hoạt và học tập, chưa tham gia trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất nên học viên chưa hoàn toàn là một người tự lập về mọi mặt so với những thanh niên cùng độ tuổi phải vào đời sớm. Tất cả những điều này làm cho học viên có vai trò, vị trí xã hội rõ rệt. Do vậy, công tác giáo dục tích cực trong Học viện, trường sĩ quan trong quân đội là nhân tố quan trọng nhất của sự hình thành nhân cách học viên.
Nghiên cứu đặc điểm về ý thức và năng lực nhận thức pháp luật của học viên, chúng ta thấy đặc điểm ý thức pháp luật của học viên nổi lên một số đặc điểm như: Hiểu biết pháp luật chung chung, chưa đầy đủ, toàn diện, thiếu chính xác và thiếu hệ thống; hạn chế trong việc vận dụng kiến thức pháp luật vào thực tế cuộc sống; ý thức pháp luật của học viên dễ biến động, dễ chịu tác động ảnh hưởng trực tiếp của môi trường và ý thức pháp luật của những người xung quanh.
Thứ hai, mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật.
Mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật là một trong các yếu tố có ảnh hưởng nhiều nhất tới hoạt động giáo dục pháp luật cho học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội. Có nhiều tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật, trong đó có các tiêu chuẩn cơ bản là: tính toàn diện, tính thống nhất, tính phù hợp và trình độ kỹ thuật pháp lý được sử dụng để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Mỗi tiêu chuẩn nêu trên đều có tác động nhất định tới công tác giáo dục pháp luật cho học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội.
Hệ thống pháp luật về giáo dục pháp luật là yếu tố quan trọng đảm bảo cho hoạt động giáo dục pháp luật cho học viên các các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội được triển khai nghiêm túc và đầy đủ. Các quy định của pháp luật xác định rõ ràng quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể giáo dục pháp luật, đối tượng giáo dục pháp luật, xây dựng cơ chế phù hợp để thực hiện các quy định đó, đồng thời huy động sức mạnh của toàn quân tham gia vào giáo dục pháp luật cho học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội.
Thứ ba, một số yếu tố khác (yếu tố kinh tế - xã hội, yếu tố chính trị - xã hội, yếu tố văn hóa - xã hội).
Hoạt động giáo dục pháp luật cho học viên luôn diễn ra trong một môi trường xã hội nhất định, phụ thuộc vào các điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa của xã hội ở từng giai đoạn phát triển nhất định. Môi trường xã hội thuận lợi với các điều kiện cần thiết về kinh tế, chính trị, văn hóa là tiền đề cơ bản, quan trọng giúp hoạt động giáo dục pháp luật cho học viên đi vào nền nếp, có chiều sâu và đạt chất lượng, hiệu quả cao. Ngược lại, môi trường xã hội không thuận lợi, các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa không đảm bảo, công tác giáo dục pháp luật cho học viên sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập. Chính vì vậy, việc đảm bảo các điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa là một trong những yêu cầu không thể thiếu nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục cho học viên.
3. Thực tiễn giáo dục pháp luật cho học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội hiện nay
Thời gian qua, công tác giáo dục pháp luật cho học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội đã đạt được một số thành quả nhất định, đồng thời còn tồn tại một số mặt hạn chế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về giáo dục chính khóa và giáo dục ngoại khóa.
Giáo dục pháp luật tại các Học viện, trường sĩ quan chủ yếu được tiến hành theo hai phương thức: Thông qua tích hợp nội dung pháp luật trong các môn học trong chương trình chính khoá (nội dung giáo dục pháp luật được tích hợp trong một số môn học như Nhà nước và pháp luật, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật về an toàn giao thông …) và thông qua các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp. Trong đó, chương trình giáo dục pháp luật chính khóa góp phần quan trọng trong việc trang bị cho học viên những kiến thức pháp luật cơ bản, giúp hình thành ý thức pháp luật cho học viên.
Bên cạnh việc triển khai giảng dạy kiến thức môn Nhà nước và pháp luật, một số Học viện, trường sĩ quan trong quân đội đã đưa các nội dung pháp luật chuyên ngành vào chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn ngành nghề (như Luật Hành chính, Luật Khám chữa bệnh, Pháp luật về phòng, chống tham nhũng). Bên cạnh những mặt mạnh như trên thì chương trình giáo dục pháp luật chính khóa trong các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội còn tồn tại một số hạn chế như: việc đưa môn nhà nước và pháp luật vào giảng dạy ở tất cả các ngành đào tạo ở các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội chưa được triển khai đồng bộ, chưa ban hành được chương trình, giáo trình môn nhà nước pháp luật dùng chung cho tất cả các học viện, trường sĩ quan; chương trình, giáo trình môn nhà nước và pháp luật còn lạc hậu chậm đổi mới chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn; nội dung chương trình giáo dục pháp luật chính khóa còn dàn trải, nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn và chưa phù hợp với đối tượng đào tạo; hình thức giáo dục pháp luật chưa đa dạng, chưa phù hợp, chưa kết hợp hài hòa giữa trang bị kiến thức pháp luật với việc hình thành kỹ năng, hành vi và thói quen pháp luật cũng như kích thích hoạt động và điều chỉnh hành vi của học viên. Đặc biệt là còn thiếu hướng dẫn học viên phương thức rèn luyện, tu dưỡng nhân cách theo những chuẩn mực đạo đức, pháp luật. Tư duy áp đặt, bao cấp về tư tưởng và hành vi của học viên thay vì định hướng, giáo dục thuyết phục vẫn tồn tại khá phổ biến trong công tác giáo dục pháp luật.
Tuy nhiên, trong điều kiện đưa nội dung giáo dục pháp luật vào chương trình giáo dục chính khóa hết sức khó khăn do phải đảm bảo chương trình, thời lượng các môn học và tránh gây quá tải cho học viên thì việc giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động ngoại khóa đã thể hiện nhiều hiệu quả. Thông qua hoạt động giáo dục ngoại khóa, học viên sẽ được tiếp thu các kiến thức pháp luật một cách tự nhiên, sinh động, đồng thời hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khóa cũng chính là những sân chơi lành mạnh thu hút được nhiều học viên tham gia.
Tại một số Học viện, trường sĩ quan trong quân đội, công tác giáo dục pháp luật thông qua việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp như sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn, hội, đội, sinh hoạt theo chủ đề, các câu lạc bộ, nghe nói chuyện về pháp luật, học tập nội quy, quy chế Học viện, trường sĩ quan, tham gia thi tìm hiểu pháp luật, tham dự các phiên toàn xét xử các vụ án, tham quan trụ sở các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp… đã thật sự có tác dụng rất lớn và thu hút học viên, thích nghi với đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi học viên
Mặc dù các Học viện, trường sĩ quan đã chú trọng đến việc GDPL ngoại khóa cho học viên, tuy nhiên thực tế việc học viên tham gia vào các hoạt động GDPL ngoại khóa còn hạn chế, do tâm lý học coi đây là hoạt động phụ tham gia cũng được không tham gia cũng được; bên cạnh đó hình thức, nội dung GDPL ngoại khóa tại một số đơn vị còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn.
Thứ hai, về đội ngũ giảng viên giảng dạy pháp luật tại các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội.
Giảng viên dạy môn pháp luật không chỉ là người tổ chức dạy học mà còn là người có vai trò chủ đạo trong việc triển khai các hoạt động GDPL cho học viên các Học viện, trường sĩ quan. Trong thời gian qua, phần lớn đội ngũ giảng viên này được khẳng định là có tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy, gương mẫu trong cuộc sống đã góp phần không nhỏ vào GDPL cho học viên, chiến sĩ tại các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội.
Bên cạnh những mặt mạnh như trên thì đội ngũ giảng viên giảng dạy pháp luật còn một số hạn chế:
- Đội ngũ giảng viên giảng dạy pháp luật còn thiếu về số lượng và chưa được chuẩn hóa về mặt chất lượng. Nhiều giảng viên giảng dạy pháp luật không được đào tạo đúng chuyên ngành mà được đào tạo từ các chuyên ngành khác. Việc thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức pháp luật và năng lực giảng dạy của nhiều giảng viên dẫn đến chất lượng giảng dạy các môn pháp luật không cao.
- Một bộ phận giảng viên giảng dạy pháp luật trong các Học viện, trường sĩ quan có trình độ, năng lực còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Một bộ phận giảng viên còn chưa thực sự yên tâm công tác lâu dài tại đơn vị bởi đời sống vật chất và tinh thần của giảng viên giảng dạy các môn pháp luật còn khó khăn. Đến nay chưa có chế độ, chính sách thỏa đáng để động viên thu hút giảng viên giảng dạy các môn Khoa học xã hội nhân văn nói chung và môn pháp luật nói riêng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư cũng như sự an tâm của các giảng viên trong công tác giảng dạy.
Thứ ba, kết quả về nhận thức và hành vi.
Tại các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội, đa số các học viên đã được học và có hiểu biết về pháp luật. 100% học viên đã được học pháp luật thông qua môn giáo dục công dân ở phổ thông, ngoài ra các ngành luật mà các em biết tương đối nhiều và đa dạng. Đồng thời, các em đều đánh giá rất cao về vai trò của công tác GDPL, đại bộ phận học viên có ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành nội quy, quy chế của các nhà trường, thực hiện tốt các quy tắc và lối sống công cộng, cũng như các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, còn một bộ phận học viên có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, kỷ luật thậm chí phạm tội làm cho cả gia đình, nhà trường và xã hội phải quan tâm lo lắng.
4. Một số giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật cho học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội hiện nay
Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội phải có bản lĩnh, trí tuệ, hiểu biết trên nhiều lĩnh vực, trong đó giáo dục pháp luật cho học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội - những cán bộ, sĩ quan trực tiếp chỉ huy, quản lý, rèn luyện bộ đội ở các đơn vị cơ sở trong tương lai là cơ sở, nền tảng. Vì vậy, giáo dục pháp luật cho đối tượng này trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu cấp thiết và cần tập trung vào một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:
Một là, nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục pháp luật trong quân đội, đặc biệt là trong các Học viện và trường sĩ quan.
Giáo dục pháp luật cho học viên các học viện, trường sĩ quan trong quân đội phải được các Bộ, Ban, Ngành, các Học viện, trường sĩ quan nhận thức toàn diện, đúng đắn và tích cực hơn về vị trí, vai trò của công tác này. Cấp ủy, người chỉ huy các cấp nhận thức đúng đắn và xác định là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Thực tiễn chỉ ra rằng, chỉ khi nào và ở đâu, cấp ủy, người chỉ huy đơn vị có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục pháp luật, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức, thì ở đó công tác giáo dục pháp luật luôn đạt hiệu quả cao, đơn vị bảo đảm an toàn tuyệt đối, các học viên luôn chấp hành tốt quy định của pháp luật, điều lệnh, điều lệ của quân đội, kỷ luật của đơn vị và ngược lại.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên giảng dạy pháp luật có vai trò quyết định đối với việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các kiến thức pháp luật trong nhà trường. Do vậy để thực hiện GDPL cho học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội cần phải có một đội ngũ giảng viên được đào tạo tốt cả về kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Hiện nay, đội ngũ này còn thiếu về số lượng, chưa chuẩn hóa về trình độ đào tạo. Vì vậy, việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ này cả về kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy phải là lựa chọn ưu tiên trong kế hoạch công tác giáo dục pháp luật cho học viên các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội.
Hai là, hoàn thiện các quy định pháp luật và các thể chế liên quan đến giáo dục pháp luật trong Học viện, các trường sĩ quan trong quân đội.
Chúng ta đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó các quan hệ pháp luật cơ bản phải được điều chỉnh bằng pháp luật. GDPL trong nhà trường nói chung và GDPL học viên các Học viện, trường sĩ quan, do vậy cũng cần phải tổ chức theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên do sự thay đổi của các điều kiện kinh tế - xã hội, nên trong quá trình thực hiện cần có những điều chỉnh và hoàn thiện các văn bản nhằm tạo điều kiện tổ chức GDPL trong nhà trường nói chung và học viên các Học viện, trường sĩ quan nói riêng một cách bài bản, ổn định và có hiệu quả cao. Để thực hiện tốt giải pháp này cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề sau:
- Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các Học viện, trường sĩ quan phải rà soát các văn bản quy định về GDPL trong nhà trường nói chung và các Học viện, trường sĩ quan nói riêng, xem những văn bản nào đã lạc hậu, không còn phù hợp với tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thì đề nghị nhà nước bãi bỏ. Những văn bản nào còn hiệu lực nhưng có những điểm không hợp lý, thiếu tính thực tiễn và cần bổ sung thêm các quy định mới cho phù hợp với tình hình hiện nay thì kiến nghị Nhà nước, các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
- Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng cần quy định phải giảng dạy môn nhà nước và pháp luật trong chương trình chính khóa với số lượng là 60 tiết trong tất cả các chương trình đào tạo nếu không sắp xếp được với một số đối tượng giảng dạy khác phải quy định thời lượng tối thiểu là 45 tiết.
- Các Học viện, trường sĩ quan cần quy định, hướng dẫn về công tác GDPL trong nhà trường cho học viên, như quy định về đánh giá kết quả học tập, đánh giá rèn luyện…
Ba là, đổi mới nội dung, chương trình dạy và học pháp luật cho phù hợp với tình hình hiện nay và tương lai.
Để đáp ứng được yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, thực hiện công cuộc CNH và HĐH đất nước, thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà thì cần thiết phải quy định chuẩn cho chương trình GDPL chính khóa trong các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội. Việc quy định chuẩn của chương trình GDPL chính khóa có ý nghĩa rất lớn. Nó cung cấp tiêu chí về nội dung giảng dạy, trình độ phải đạt được, đo lường mức độ đáp ứng yêu cầu đào tạo, đáp ứng nhu cầu của học viên, của giảng viên, của Học viện, nhà trường và của xã hội. Chuẩn của chương trình GDPL chính khóa là cơ sở để áp dụng chương trình giảng dạy thống nhất trong cả nước, thống nhất trong tất cả các lĩnh vực của Học viện, trường sĩ quan trong quân đội đào tạo. Cụ thể: nội dung chương trình GDPL chính khóa phải đảm bảo phục vụ mục tiêu giáo dục, thể hiện được tính liên tục, tính hệ thống, tính kế thừa, tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa GDPL với giáo dục chuyên môn nghề nghiệp...
Bốn là, tổ chức thực hiện nghiêm nội dung, chương trình dạy và học, đổi mới phương pháp dạy và học, tài liệu học tập…
Mặc dù trong các năm qua, các Học viện, trường sĩ quan trong quân đội đã từng bước áp dụng các biện pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy và học nói chung và các môn pháp luật nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, phương pháp giảng dạy pháp luật phải coi trọng thực hành, tránh lối dạy thiên về lý thuyết, khô khan, xa rời thực tế, phải xuất phát từ thực tế cuộc sống và vốn sống của học viên. Phương pháp giáo dục pháp luật hướng tới mục tiêu vì người học và phát huy nhân tố người học, người học là trung tâm. Nhà trường hướng tới mục tiêu là đào tạo ra những con người biết suy nghĩ và hành động động lập và coi việc phục vụ xã hội là ý nghĩa sống còn của mỗi con người. Do đó, phương pháp giáo dục theo hướng tích cực chuyển mạnh theo hướng chuẩn thái độ và khả năng giải quyết vấn đề ngay trong quá trình học tập, trên cơ sở tiếp cận những tình huống thường gặp trong đời sống xã hội và trong công việc sau này. Đổi mới phương pháp giảng dạy xuất phát từ đặc điểm chung về phương pháp dạy môn học. Phương pháp dạy học các môn pháp luật phải phát huy được tính tích cực chủ động, sáng tạo của học viên. Giảng viên phải căn cứ vào mục tiêu của môn học, căn cứ vào điều kiện thực tế và trình độ học viên để giảng dạy bao gồm cả phương pháp truyền thống (thuyết trình, diễn giảng, đàm thoại, trực quan) và các phương pháp hiện đại (thảo luận nhóm, đóng vai, tổ chức trò chơi, xử lý tình huống, điều tra tìm hiểu thực tế…) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy môn học.TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa IX, Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
2. Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
3. Bộ Quốc phòng, Thông tư số 42/2016/TT-BQP ngày 30/3/2016 quy định về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Bộ Quốc phòng.
4. Quốc hội, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012.
5. Quốc hội, Luật Giáo dục đại học năm 2012.
6. Bộ Quốc phòng, Báo cáo của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật Bộ Quốc phòng năm 2014.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quyết định số 366/2016/QĐ-BGDĐT ban hành “Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật ngoại khóa cho học viên, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2013-2016”.
8. Tổng cục Kỹ thuật, Thông báo số 666/TB-TCKT ngày 03/2/2016 của TCKT về tình hình tai nạn lao động, cháy nổ 5 năm (2010-2015).
STRENGTHENING LEGAL EDUCATION FOR STUDENTS OF MILITARY ACADEMIES AND SCHOOLS
MA. Nguyen Thu Huong
Faculty of Party Task and Politics Task, Vietnam Military Medical University
ABSTRACT:
Legal education is the first step in the process of bringing the law to life. As a result, legal education has a very important role in social life of both students. Over the past years, legal education work for students of these units has achieved many results, contributing to significantly reduce the number of violations of the law, regulations of the army and the school. However, this activity still has some limitations, inadequacies, resulting in low quality, efficiency and effectiveness.
Keywords: Legal education, law education, extracurricular education, law education, trainees, academy, officer school.