Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam: Thực trạng và giải pháp thúc đẩy

Đại tá, ThS. NGUYỄN VĂN VI (Trường Đại học Trần Đại Nghĩa (Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự Vinhempich))

TÓM TẮT:

Giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, bồi đắp tình cảm và hành vi pháp lý đúng đắn cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ năm 2011 đến nay, công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị quân đội đã đạt được nhiều kết quả, góp phần làm giảm đáng kể số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, các vi phạm kỷ luật trong toàn quân. Mặc dù vậy, hoạt động này hiện vẫn còn những hạn chế bất cập, thể hiện ở tính hình thức còn cao, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong thực tế còn thấp.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH,HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế và Thông tư số 42/ 2016/TT-BQP ngày 30/3/2016 quy định về công các phổ biến, giáo dục pháp luật trong Bộ Quốc phòng, các đơn vị trong toàn quân đang tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật để nâng cao chất lượng công tác này, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế hiện nay.

Từ khóa: Thực trạng, giáo dục pháp luật, giải pháp thúc đẩy, Quân đội nhân dân Việt Nam.

1. Khái niệm, sự cần thiết của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam

1.1. Khái niệm giáo dục pháp luật

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Giáo dục pháp luật là quá trình tác động của cả hai nhân tố chủ quan và khách quan đến việc hình thành và phát triển ý thức pháp luật của cá nhân. Nhân tố khách quan là điều kiện kinh tế, chế độ chính trị xã hội, môi trường sống trực tiếp của cá nhân (gia đình, bạn bè…). Nhân tố chủ quan là hoạt động định hướng có tổ chức, có hệ thống của các thể chế trong nhà nước và xã hội”.

Quan niệm về giáo dục pháp luật (GDPL) như trên được hiểu theo nghĩa rộng của giáo dục nói chung. Khái niệm này bao hàm cả GDPL của các cơ quan, tổ chức và tác động chung của môi trường xã hội đến ý thức pháp luật của cá nhân. Theo cách tiếp cận hệ thống của PGS. TS. Phạm Viết Vượng: “Giáo dục là hoạt động có mục đích, có tổ chức của chủ thể giáo dục tác động tới đối tượng giáo dục nhằm cung cấp tri thức, rèn luyện kỹ năng và hình thành hành vi chuẩn mực theo mục đích đề ra cho đối tượng giáo dục thông qua hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục nhất định”.

Theo cách tiếp cận này, GDPL là một hệ thống bao gồm các yếu tố cấu thành: Chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện, mục đích, kết quả của GDPL. Theo đó, muốn nâng cao chất lượng GDPL, chúng ta cần chuẩn hóa và từng bước nâng cao các yếu tố cấu thành của GDPL, bao gồm: Chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện, mục đích, kết quả của GDPL.

Từ những phân tích trên, có thể xác định khái niệm GDPL trong Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) như sau: GDPL trong QĐNDVN là hoạt động có mục đích, có tổ chức của đơn vị quân đội nhằm cung cấp tri thức pháp luật, bồi đắp tình cảm và hành vi hợp pháp cho cán bộ, chiến sĩ trong QĐNDVN thông qua hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục nhất định.

GDPL trong QĐNDVN là hoạt động có định hướng, có tổ chức của các đơn vị trong toàn quân. Để đánh giá đúng thực trạng GDPL trong QĐNDVN, cần nắm chắc các yếu tố cấu thành chung của GDPL như sau:

- Nội dung của GDPL là cung cấp tri thức pháp luật, bồi dưỡng tình cảm và hành vi hợp pháp cho đối tượng giáo dục. Tri thức pháp luật bao gồm sự am hiểu bản chất giai cấp, bản chất xã hội - pháp lý, vai trò của pháp luật trong xã hội, các hiểu biết về lịch sử pháp luật và các quy định của hệ thống pháp luật thực định, nhận thức đúng đắn về thực tiễn pháp lý. Trên cơ sở tri thức pháp luật đó, chủ thể giáo dục thực hiện việc bồi dưỡng tình cảm và hành vi hợp pháp cho công dân;

- Mục đích của GDPL là hình thành ở đối tượng ý thức, tình cảm pháp luật đúng đắn, thói quen tuân thủ pháp luật và tự giác tham gia các hoạt động pháp lý tích cực.

- Hình thức của GDPL là cách thức thực hiện nội dung GDPL như tuyên truyền miệng, thi tìm hiểu pháp luật, sân khấu hóa, tranh cổ động, họp báo…

- Phương pháp của GDPL là các biện pháp tổ chức thực hiện nội dung GDPL như thuyết trình, thảo luận nhóm, nêu vấn đề, hỏi đáp, xử lý tình huống, đóng vai…

- Phương tiện vật chất bảo đảm của GDPL là các điều kiện kinh tế bảo đảm cho việc thực hiện các hình thức, phương pháp GDPL như kinh phí bảo đảm, máy chiếu, phương tiện nghe nhìn, tài liệu học tập…

- Chủ thể GDPL là nhà giáo dục bao gồm các giáo viên giảng dạy pháp luật và các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại các đơn vị trong QĐNDVN.

- Đối tượng GDPL trong QĐNDVN bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng (gọi chung là cán bộ) và hạ sĩ quan, học viên, chiến sĩ (gọi chung là chiến sĩ).

- Kết quả GDPL (chuẩn đầu ra) là những thay đổi về nhận thức pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống pháp luật và hành vi chuẩn mực theo pháp luật, không vi phạm pháp luật.

Hoạt động GDPL chỉ có chất lượng cao khi được thực hiện trên cơ sở nắm vững các yếu tố cấu thành như trên. Tuy nhiên, tùy theo từng điều kiện cụ thể về đối tượng, nhu cầu, các điều kiện khách quan cũng như chủ quan khác để xác định nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục hợp lý. Ví dụ, không phải đối với tất cả mọi đối tượng cùng một lúc cũng cần và có thể cung cấp tất cả tri thức pháp luật giống nhau: Đối với đối tượng chiến sĩ cần phải có chương trình khác với đối tượng cán bộ, những người đã được đào tạo bài bản trong các nhà trường quân đội, trong đó có học phần nhà nước và pháp luật; Hoặc chương trình GDPL với đối tượng học viên trung cấp là hoàn toàn khác với chương trình GDPL của đối tượng học viên đại học vì hai đối tượng này có chuẩn đầu vào và thời gian đào tạo khác nhau.

1.2. Vai trò của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Nghị quyết Trung ương số 29/2013/NQ-TW đã chỉ rõ một trong 9 nhiệm vụ của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đến năm 2030 là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học… Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân”.

Lần đầu tiên trong một văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước ta đã đề cập trực tiếp đến mục tiêu giáo dục tri thức pháp luật cho công dân. Đây là những cơ sở lý luận rất quan trọng cho công tác GDPL trong tương lai. Điều này một lần nữa được khẳng định trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng ta vào tháng 1 năm 2016: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật… Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái ác, cái thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người”.

Từ những văn kiện nêu trên của Đảng, có thể thấy GDPL có vai trò rất quan trọng. Vai trò của GDPL bắt nguồn từ vai trò và giá trị xã hội của pháp luật trong nhà nước pháp quyền. Nếu như pháp luật là phương tiện quan trọng nhất để Nhà nước quản lý xã hội, để công dân bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì GDPL giúp cho Nhà nước (thông qua các cơ quan của mình) và công dân biết cách sử dụng phương tiện đó thế nào cho đúng đắn, hữu hiệu. Để thực hiện được mục tiêu nâng cao tri thức pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ý thức chấp hành pháp luật cho mọi công dân, Luật Phổ biến, GDPL đã được ban hành năm 2012. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác GDPL trong QĐNDVN nói riêng và cả nước nói chung.

Trong mối liên quan đến QĐNDVN, Điều 65 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Như vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền và xu thế hội nhập quốc tế, ngoài việc thường xuyên củng cố và xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, QĐNDVN rất chú trọng công tác phổ biến, GDPL cho cán bộ, chiến sĩ, coi đây là một nhiệm vụ không thể thiếu trong kế hoạch công tác Đảng, công tác chính trị của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. So với các bộ, ngành khác thì hoạt động GDPL trong QĐNDVN có rất nhiều thuận lợi nhưng không phải là không có những khó khăn nhất định. Những thuận lợi và khó khăn này xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của QĐNDVN trong tình hình mới.

QĐNDVN là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang, là đội quân có kỷ luật sắt và nghiêm minh. Ngoài việc phải nắm chắc và tuân theo pháp luật chung của Nhà nước, các quân nhân hàng ngày còn phải tuân theo Điều lệnh, Điều lệ thống nhất trong toàn quân. Đây là những lợi thế mà chỉ quân đội mới có để thực hiện GDPL một cách tập trung, thống nhất trong toàn quân. Trong thời bình, ngoài nhiệm vụ quan trọng là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, QĐNDVN còn làm nhiệm vụ kinh tế và nhiều nhiệm vụ công tác khác, trong đó có cả nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác của mình việc giáo dục pháp luật cho quân nhân có ý nghĩa rất quan trọng. GDPL giúp cho CBCS hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình khi thiết lập các quan hệ pháp luật với tư cách là một công dân. Do đặc thù của hoạt động quân sự, trong các quan hệ công tác quân sự giữa các quân nhân với nhau luôn bị chi phối bởi yếu tố cấp trên với cấp dưới. Đó là mối quan hệ mang tính mệnh lệnh - phục tùng, “Quân lệnh như sơn”. Trong cơ chế thị trường, các quân nhân ngày càng tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế, lao động nhiều hơn. Là một chủ thể bình đẳng với các chủ thể khác trong các quan hệ pháp luật này, các quân nhân cần xác định rõ địa vị pháp lý của mình theo quy định của pháp luật. Đành rằng trong một số lĩnh vực hành chính như giao thông, chính sách xã hội các quân nhân có một số quyền ưu tiên hơn các chủ thể dân sự khác, nhưng trong các lĩnh vực dân sự thì quân nhân có địa vị bình đẳng giống như các chủ thể dân sự khác. Do đó, trong các quan hệ pháp luật dân sự, các quân nhân cần xác định rõ địa vị bình đẳng, không có sự ưu tiên, không có thứ bậc cao thấp, nhất là đối với các quân nhân có chức vụ cao.

Mặt khác, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, rất nhiều quân nhân được bầu vào các chức vụ quan trọng ở các cơ quan dân sự. Do đó, việc quân đội thực hiện GDPL một cách chính quy, bài bản (24 buổi cho một chiến sĩ nghĩa vụ quân sự) sẽ có ý nghĩa không chỉ đối với các đơn vị quân đội mà còn có sức lan tỏa rất lớn đến các địa phương, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi.

2. Thực trạng giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác GDPL, ngày 18/8/1983, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 1114/1983/QĐ-BQP về việc ban hành chương trình chính thức môn học pháp luật pháp chế dùng cho các trường sĩ quan. Chương trình gồm 3 phần với 10 bài. Từ đó đến nay, chương trình GDPL trong các nhà trường Quân đội có nhiều thay đổi. Hiện nay theo Quyết định số 917/QĐ-CT ngày 30/6/2010 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về việc ban hành chương trình môn học khoa học xã hội và nhân văn đào tạo sĩ quan cấp phân đội-bậc đại học, cấp chiến thuật- chiến dịch tại các học viện, trường Sĩ quan Quân đội, môn học nhà nước và pháp luật là môn học bắt buộc với tổng số thời gian 60/875 tiết của các môn KHXH&NV (6,9%). Ngoài ra, theo công văn số 423 ngày 28/5/2014 của Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu về việc thực hiện Chỉ thị số 10/2013/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung giảng dạy Phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong các nhà trường, môn học này còn được bổ sung 15 tiết. Như vậy, sau nhiều lần sửa đổi, chương trình môn học nhà nước pháp luật gồm 75/875 tiết (chiếm tỷ lệ 8,6% các môn khoa học xã hội và nhân văn).

Bên cạnh nội dung chương trình chính khóa như trên, các học viên trong các nhà trường quân đội còn có nội dung giáo dục pháp luật qua mô hình Ngày Pháp luật hàng tháng giống như tất cả các cán bộ, chiến sĩ theo chương trình chung của Bộ Quốc phòng.

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT–BQP ngày 20/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thực hiện “Ngày Pháp luật” trong Bộ Quốc phòng, việc tổ chức Ngày Pháp luật ở các đơn vị đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong kế hoạch công tác Đảng, công tác chính trị của các cơ quan, đơn vị. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 04 của Bộ Quốc phòng (được thay thế bởi Thông tư số 42/2016/TT-BQP), hoạt động GDPL của các đơn vị được tiến hành bằng 2 kênh chính thức: GDPL qua môn học GDPL chính khóa và qua mô hình Ngày Pháp luật hàng tháng ở tất cả các đơn vị đối với tất cả các đối tượng. Qua 5 năm triển khai thực hiện Ngày Pháp luật, có thể thấy việc tổ chức Ngày Pháp luật là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao ý thức pháp luật cho CBCS trong toàn quân. Tuy nhiên, việc tổ chức Ngày Pháp luật là một công việc mới mẻ, mang tính chất khô khan lại đòi hỏi phải có chuyên gia vừa có hiểu biết pháp luật, vừa có kỹ năng tuyên truyền. Trên thực tế, một số đơn vị còn lúng túng về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật. Việc tổ chức Ngày Pháp luật còn mang tính hình thức chưa có hiệu quả.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện qua 8 cuộc khảo sát năm 2016 với 200 cán bộ, sĩ quan, QNCN - gọi chung là cán bộ và 600 học viên, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng- gọi chung là chiến sĩ của 8 đơn vị quân đội: Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4); Lữ đoàn Phòng không 77 (Quân khu 7); Bệnh viện Quân y 175, Liên hiệp xí nghiệp Z751, Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (TP.HCM); Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Ô tô (Sơn Tây, Hà Nội); Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân Khí (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc); Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung (Nha Trang, Khánh Hòa), trong đó, mỗi đơn vị có 25 cán bộ (sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp) và 75 hạ sĩ quan, chiến sĩ hay công nhân, viên chức quốc phòng cho thấy: Hoạt động GDPL đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, bước đầu làm thay đổi nhận thức, hành vi của CBCS về vai trò của pháp luật trong quản lý bộ đội. Theo Báo cáo của Hội đồng PHPBGDPL của Bộ Quốc phòng năm 2014: “Tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường trong toàn quân là 0,3%, có đơn vị dưới 0,1%”. Con số này cho thấy kết quả bước đầu khả quan của công tác GDPL trong QĐNDVN sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ngày 09/12/2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đây là bước đệm quan trọng để thúc đẩy công tác GDPL trong QĐNDVN trong những năm tới.

Trong số 800 CBCS được khảo sát thì hầu hết CBCS có thâm niên công tác trong các đơn vị từ 2 năm trở lên: 282/800 (35,3%) có thâm niên trên 5 năm, 474/800 (59,3%) có thâm niên từ 1 đến 2 năm, 44/800 (5,5%) có thâm niên từ 2 đến 5 năm. Mặc dù, hầu hết cán bộ khảo sát có thâm niên công tác trong các đơn vị từ trên 5 năm, đây là khoảng thời gian mà kế hoạch triển khai thực hiện Ngày Pháp luật được tổ chức hàng tháng theo Chỉ thị số 04 của Bộ quốc phòng. Điều này đồng nghĩa với việc đa số cán bộ đã tham gia khoảng 60 buổi học tập pháp luật.

Kết quả khảo sát cho thấy có 618/800 (77,25%) CBCS được hỏi cho rằng pháp luật có vai trò rất quan trọng, 174/800 (21,75%) CBCS chọn đáp án quan trọng, 07 (0,875%) học viên cho rằng ít quan trọng và 01 học viên cho rằng pháp luật không có vai trò quan trọng trong quản lý bộ đội (0,125%). Điều này cho thấy đại đa số CBCS đã nhận thức được tầm quan trọng của pháp luật trong đời sống xã hội nói chung và trong quản lý bộ đội nói riêng. Đây là một thuận lợi lớn cho công tác GDPL trong QĐNDVN. Vấn đề là ở chỗ các chủ thể GDPL làm sao để khơi dậy những nhận thức tốt đẹp này trở thành thực tiễn những hành vi pháp luật chuẩn mực của tất cả các đối tượng CBCS trong toàn quân.

Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy hoạt động GDPL ở QĐNDVN vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Về chủ thể GDPL trong các đơn vị hiện nay đa số là cán bộ chính trị, rất ít đơn vị có BCVPL hay giáo viên chuyên luật đảm nhiệm. Theo Luật PBGDPL và Thông tư 42 của Bộ Quốc phòng thì chủ thể làm công tác GDPL phải là các BCVPL. Họ phải là những cán bộ có phẩm chất, đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật và phải có quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong 8 đơn vị mà chúng tôi khảo sát thì chưa có đơn vị nào có BCVPL được cấp thẻ. Điều này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng GDPL của các đơn vị. Có 544/800 (68%) CBCS cho rằng chủ thể thực hiện ngày pháp luật hiện nay là cán bộ chính trị, 73/800 (9%) CBCS trả lời cán bộ pháp chế, có 156/800 CBCS cho thấy chỉ huy đơn vị là chủ thể thực hiện Ngày Pháp luật. Chỉ có 27/800 (3%) CBCS chọn đáp án BCV là chủ thể chính của hoạt động GDPL. Con số này cho thấy, chủ thể GDPL, nhân tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng của hoạt động GDPL của các đơn vị hiện nay là chưa đảm bảo, chưa đúng với quy định của Luật PBGDPL và tinh thần của Thông tư 42 năm 2016 của Bộ quốc phòng. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp để chuẩn hóa đội ngũ GVPL cũng như BCVPL, TTVPL theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.

Về đối tượng GDPL, mặc dù hầu hết cán bộ chiến sĩ đều tham gia đầy đủ các Ngày Pháp luật của các đơn vị, nhưng tinh thần, thái độ tham gia chưa tích cực. Rất nhiều học viên của các trường coi môn GDPL là môn phụ. Điều này đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng GDPL trong các đơn vị hiện nay. Mặc dù phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác nhau nhưng các đối tượng của hoạt động trong QĐNDVN đều tham gia đầy đủ Ngày Pháp luật tổ chức hàng tháng. Có 480/800 (60%) CBCS đã tham gia Ngày Pháp luật 12 buổi/ 1 năm; 320/800 CBCS tham gia dưới 12 buổi/ 1 năm, trong đó cá biệt có một số công nhân, viên chức quốc phòng ở Bệnh viện 175 và Liên hiệp xí nghiệp Z751 không tham gia được buổi nào vì lý do phải trực ca.

Về nội dung GDPL, mặc dù các đơn vị đều triển khai theo đúng nội dung mà Bộ Quốc phòng thống nhất hàng năm, nhưng vẫn còn cần bổ sung một số nội dung về luật quốc tế và các văn bản chuyên ngành của các đơn vị. Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy: 367/800 (46%) CBCS cho rằng nội dung GDPL hiện nay của Bộ Quốc phòng là phù hợp; 159/800 (20%) cho rằng nội dung GDPL hiện nay là quá nhiều; 82/800 (10%) CBCS cho rằng nội dung GDPL hiện nay hơi ít; 192/800 (24%) CBCS cho rằng nội dung GDPL hiện nay là chưa phù hợp. Con số này cho thấy sự cần thiết phải đổi mới nội dung GDPL cho phù hợp hơn với nhu cầu của CBCS trong xu thế hội nhập hiện nay.

Về hình thức GDPL, theo Điều 11 của Luật PBGDPL, có 8 hình thức PBGDPL, nhưng trên thực tế, hầu hết các đơn vị mới chỉ sử dụng hình thức phổ biến trực tiếp mang tính thông tin là chính. Rất ít đơn vị sử dụng các hình thức thi tìm hiểu pháp luật, sân khấu hóa hay kết hợp với các hoạt động văn hóa thể thao khác. Qua khảo sát của chúng tôi cho thấy mới chỉ có 226/800 (28,3%) CBCS có được kiến thức pháp luật qua mô hình ngày pháp luật, mặc dù số buổi tham gia Ngày Pháp luật của các đối tượng này ít nhất là 24 buổi. Có 222/800 CBCS trả lời họ có được kiến thức pháp luật như hiện nay là do được đào tạo từ các nhà trường ở bậc phổ thông, trong đó chủ yếu là lực lượng chiến sĩ và công nhân viên quốc phòng vì chưa học ở bậc đại học. Có 210/800 (26,3%) CBCS có được kiến thức pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hầu hết đối tượng khảo sát trả lời họ có được kiến thức pháp luật như hiện nay là do được đào tạo từ các nhà trường quân đội 416/800 (52%). Vấn đề đặt ra cho các nhà giáo dục cần đa dạng hóa các hình thức GDPL nhằm nâng cao chất lượng GDPL trong tình hình mới, nhất là GDPL chính khóa trong các nhà trường quân đội. Bởi vì, đây vẫn được xem là cách thức GDPL có hiệu quả nhất hiện nay.

Về phương pháp GDPL, hầu hết BCVPL sử dụng phương pháp thuyết trình một chiều hoặc thỉnh thoảng có kết hợp với đàm thoại. Rất ít BCVPL sử dụng các hình thức GDPL tích cực như thảo luật nhóm, xử lý tình huống, đóng vai vì những phương pháp này đòi hỏi BCVPL phải có kinh nghiệm, có kiến thức chuyên sâu và đầu tư nhiều thời gian.

Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, có 265/800 (33%) CBCS cho rằng, phương pháp GDPL của các BCV ở các đơn vị là hấp dẫn, lôi cuốn; 420/800 (52,5%) CBCS cho rằng phương pháp GDPL của các BCV ở các đơn vị đang ở mức độ bình thường; 95/800 (11,9%) CBCS cho rằng phương pháp GDPL của các BCV ở các đơn vị là chưa hay.

Hiện nay, trong 8 đơn vị được khảo sát, có 618/800 (77,3%) CBCS cho rằng các BCVPL thường xuyên sử dụng phương pháp thuyết trình; 221/800 (27,61%) BCV sử dụng thường xuyên, đàm thoại; 240/800 (30%) CBCS cho rằng BCV thường sử dụng phương pháp tự nghiên cứu tài liệu; 198/800 (24,8%) CBCS cho rằng BCV thường xuyên sử dụng phương pháp xử lý tình huống; 107/800 (13,4%) CBCS cho rằng BCV thường xuyên sử dụng phương pháp sơ đồ hóa; chỉ có 233/800 (29,1%) CBCS cho rằng BCV thường xuyên sử dụng phương pháp thảo luận nhóm. Kết quả này cho thấy, việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực vào quá trình GDPL chưa nhiều.

Về phương tiện GDPL. Mặc dù các đơn vị có đầu tư thiết bị nghe nhìn hiện đại, tài liệu GDPL được đảm bảo tương đối nhiều, nhưng nhìn chung kinh phí chi cho GDPL còn rất hạn chế. Điều này cũng làm giảm đáng kể chất lượng của GDPL trong thời gian qua. “Hàng năm, Hội đồng PHPBGDPL Bộ Quốc phòng biên soạn và cấp phát miễn phí đến các đầu mối từ cấp trực thuộc Bộ quốc phòng đến cấp đại đội, mỗi năm hơn 40.000 cuốn (năm 2016: 40.026 cuốn, xuất bản tháng 4 năm 2016”.

Theo Báo cáo số 99/BC-BTP ngày 31/3/2017 của Bộ Tư pháp về việc sơ kết 3 năm thi hành Luật Phổ biến GDPL năm 2012: “Kinh phí chi cho hoạt động PBGDPL của cả nước năm 2015 là 49.667.288.000 đồng, năm 2016 là 112.760. 903.057 đồng” (Phụ lục VI). Theo Báo cáo số 100/BC-BTP (Phụ lục IV) ngày 31/3/2017 của Bộ Tư pháp về việc Tổng kết thực hiện Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX: “Kinh phí thực hiện đề án 7 về việc tăng cường phổ biến GDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2012-2016 do Bộ Quốc phòng chủ trì là 140.000.000.000 đồng”.

Các số liệu trên cho thấy kinh phí chi cho hoạt động GDPL của cả nước nói chung và Bộ Quốc phòng nói riêng là không ít và ngày càng được đầu tư nhiều hơn. Vấn đề quan trọng là các cơ quan, đơn vị thực hiện nguồn kinh phí này làm sao cho có hiệu quả nhất.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng, đồng thời để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của mọi CBCS, việc nâng cao chất lượng GDPL trong QĐNDVN trong thời gian tới, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và đồng bộ với các giải pháp sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức và tăng cường công tác tổ chức, chỉ đạo giáo dục pháp luật trong QĐNDVN.

Nâng cao nhận thức và tăng cường công tác tổ chức, chỉ đạo hoạt động GDPL là giải pháp cơ bản, quyết định mang tính chất đột phá cho việc nâng cao chất lượng GDPL trong QĐNDVN. Giải pháp này thể hiện qua các điểm sau đây:

Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của GDPL trong QĐNDVN. Mỗi CBCS, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải nhận thức được rằng sự hiểu biết pháp luật và ý thức tuân theo pháp luật của Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong xây dựng Quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trong việc nâng cao sức mạnh toàn diện của đơn vị.

Nhận thức pháp luật, tình cảm pháp luật đúng đắn và ý thức tuân theo pháp luật của CBCS chỉ có thể có được thông qua GDPL một cách thường xuyên, liên tục, bền bỉ. Bởi vì kết quả của GDPL không thể hiện rõ ngay lập tức giống như một số hoạt động giáo dục khác, mà là kết quả của một quá trình tích tụ lâu dài và bền bỉ từ các yếu tố cấu thành của GDPL: Chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện, mục đích. Vì vậy, các cơ quan chức năng của QĐNDVN, cũng như lãnh đạo chỉ huy các đơn vị cần xác định được GDPL có vị trí rất quan trọng. Tuy có liên quan chặt chẽ với giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức nhưng GDPL có tính độc lập tương đối. Cần coi GDPL là một bộ phận quan trọng độc lập nằm trong giáo dục chính trị. Chỉ với nhận thức đúng đắn như vậy, công tác GDPL mới nhận được sự quan tâm đúng mức, sự đầu tư thích đáng và cách làm có hiệu quả.

Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát công tác GDPL ở các đơn vị. Bất kỳ một hoạt động nào nếu thiếu sự kiểm tra, tổng kết rút kinh nghiệm và đánh giá kết quả thì chất lượng đạt được sẽ không cao. Theo chúng tôi, có thể thực hiện việc kiểm tra chất lượng phổ biến, GDPL bằng các hình thức sau đây:

Thứ nhất, đưa việc kiểm tra nhận thức pháp luật vào nội dung kiểm tra nhận thức chính trị hàng năm đối với CBCS, lấy đó là một trong những nội dung thi đua của các cá nhân và đơn vị;

Thứ hai, cử cán bộ có trình độ pháp luật đến các đơn vị trực tiếp kiểm tra nhận thức pháp luật sau các đợt học tập;

Thứ ba, tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật giữa các đơn vị thông qua đó để nắm chất lượng GDPL.

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục pháp luật.

Việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp GDPL cần quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương số 29 khóa XI về đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo: “Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân”.

Để đạt được mục tiêu giáo dục tri thức pháp luật cho mọi công dân theo quan điểm của Đảng ta, đối với mỗi nội dung, mỗi đối tượng cần sử dụng hình thức, phương pháp GDPL phù hợp với khả năng nhận thức, điều kiện tổ chức và thời gian, vật chất được quy định. Vì vậy, đổi mới nội dung, đa dạng hoá hình thức, biện pháp GDPL cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng GDPL trong QĐNDVN hiện nay và cần được thực hiện theo các hướng sau:

Cần vận dụng phù hợp các hình thức, phương pháp giáo dục khác nhau như thuyết trình, thảo luận nhóm, đóng vai, xử lý tình huống. Với thời gian hạn chế, mỗi đơn vị cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và đối tượng để có hình thức, biện pháp GDPL phù hợp, hiệu quả. Trong những trường hợp nhất định có thể lồng ghép nội dung Ngày Pháp luật vào “Ngày Đảng”, hay “Ngày Chính trị, văn hóa, tinh thần”. Cần phát huy hơn nữa vai trò của mạng thông tin nội bộ, loa phát thanh hàng ngày trong việc cung cấp các thông tin pháp luật thiết thực đến CBCS.

Cần vận dụng phương pháp xử lý tình huống (XLTH) vào GDPL. Trong mỗi bài học, báo cáo viên pháp luật (BCVPL) nên thiết kế một vài tình huống pháp luật để đưa người học vào các tình huống cụ thể. Tình huống pháp luật có thể là một video clip, một câu chuyện có thật hoặc hư cấu theo nội dung bài giảng. Các tình huống này có thể tham khảo từ các báo pháp luật hay Chương trình truyền hình Tòa tuyên án, Chuyện không của riêng ai... Phương pháp XLTH trong mỗi bài học không nên trùng nhau để tránh sự nhàm chán. BCVPL có thể chia lớp thành “3 nhóm”: Viện kiểm sát, Tòa án và Luật sư. Các bên sẽ tranh luận giống như một phiên tòa giả định dưới sự dẫn dắt của BCVPL. Phương pháp XLTH có thể được thiết kế dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm để người học chọn đáp án có trọng tâm hơn. Phương pháp này cũng có thể được thiết kế dưới dạng mở như ai đúng, ai sai, tại sao. Đây là phương pháp GDPL mà chúng tôi đã vận dụng tương đối thành công ở Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự.

Ba là, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật.

Hiện nay, còn nhiều giáo viên pháp luật (GVPL) tại các nhà trường chưa đạt chuẩn. Qua khảo sát của chúng tôi tại 4 nhà trường trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật cho thấy: “Chỉ có 02 GVPL của Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự được đào tạo đúng chuyên ngành luật, số GVPL của 3 trường còn lại là GV của các môn học khác kiêm nhiệm”. Vì vậy, Bộ Quốc phòng nói chung và các nhà trường nói riêng cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ GV chuyên luật. Theo chúng tôi, có thể thực hiện bằng cách tuyển dụng cử nhân luật hoặc cử GV trẻ đi đào tạo văn bằng 2 về luật để bổ sung cho đội ngũ GVPL còn thiếu của các trường, nhất là các trường trung cấp, các trường quân sự trực thuộc các quân khu, quân đoàn.

Đối với đội ngũ BCVPL cũng cần chuẩn hóa theo quy định tại Điều 35, Luật Phổ biến, GDPL và Điều 37, Thông tư số 42/2016/TT-BQP. BCVPL là người được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận để kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến, GDPL. BCVPL phải có đủ tiêu chuẩn cơ bản: Có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín ở đơn vị, có khả năng diễn thuyết, có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật từ đủ hai năm trở lên; trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian làm công tác chuyên môn trực tiếp liên quan đến pháp luật hoặc làm công tác phổ biến, GDPL từ đủ ba năm trở lên. Ngoài ra, BCVPL còn phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng có thâm niên phục vụ trong quân đội ít nhất từ 3 năm trở lên. BCVPL có nghĩa vụ thực hiện phổ biến GDPL ở đơn vị và có quyền được hưởng phụ cấp hàng tháng theo quy định tại Thông tư số 103/2012/TT-BQP ngày 26/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với báo cáo viên các cấp trong Quân đội.

Đối với đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật (TTVPL) ở các đơn vị cũng cần chuẩn hóa theo quy định tại Điều 37, Luật Phổ biến GDPL và Điều 44, Thông tư số 42/2016/TT-BQP. Theo đó, TTVPL cũng phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn nhất định: Có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, có am hiểu về pháp luật và có khả năng diễn thuyết. Họ phải được các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận là TTVPL để kiêm nhiệm thực hiện hoạt động GDPL. Hàng năm, các đơn vị cần rà soát và báo cáo đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận các BCVPL, TTVPL có đủ tiêu chí và điều kiện theo quy định. Đây là cơ sở pháp lý để các BCVPL, TTVPL thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời để các đơn vị thực hiện các chế độ, chính sách cho đội ngũ này theo quy định.

Bốn là, tăng cường công tác bảo đảm vật chất cho công tác giáo dục pháp luật trong QĐNDVN.

Đảm bảo đủ cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác GDPL là điều kiện rất cần thiết để nâng cao chất lượng GDPL. Muốn vậy, cần thực hiện một số biện pháp sau đây:

Tổ chức hệ thống thông tin pháp lý, Tổ tư vấn pháp luật trong các đơn vị nhằm cập nhật nội dung pháp luật cho CBCS cũng như đáp ứng yêu cầu tư vấnpháp luật cho quân nhân khi có yêu cầu. Cần có phần mềm “Thư viện pháp luật” để CBCS có thể tìm kiếm các văn bản pháp luật cần thiết kịp thời và chính xác.

Các đơn vị cần có một nguồn ngân sách riêng cho công tác GDPL theo đúng quy định của Thông tư liên tịch số 14 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp cũng như Thông tư số 42 của Bộ Quốc phòng năm 2016.

Tóm lại, GDPL là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị trong QĐNDVN. Hoạt động này cần được chuẩn hóa và thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Tiếp cận pháp luật là một trong những quyền và nghĩa vụ quan trọng của công dân. Mọi CBCS trong QĐNDVN cần tích cực, chủ động tham gia công tác GDPL để thực hiện “Sống và làm việc theo pháp luật”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

2. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết số 29- NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

3. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng lần thứ XII.

4. Bộ Quốc phòng, Báo cáo của Hội đồng PHPBGDPL Bộ Quốc phòng năm 2014.

5. Bộ Quốc phòng, Thông tư số 42/ 2016/TT-BQP ngày 30/3/2016 quy định về công các phổ biến, giáo dục pháp luật trong Bộ Quốc phòng.

6. Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính, Thông tư số 14/2014/TTLT-BTP-BTC ngày 27/01/2014 Quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

7. Quốc hội, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012.

8. Tổng cục Kỹ thuật, Thông báo số 666/TB-TCKT ngày 03/02/2016 của TCKT về tình hình tai nạn lao động, cháy nổ 5 năm (2010-2014) và năm 2015.

9. Nguyễn Văn Vi, Hồ Đức thi, Phạm Văn Ninh, Nguyễn Thị Kim Dung, Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự, Nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong các nhà trường trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật, Đề tài nghiên cứu khoa học ngành giáo dục cấp Bộ Tổng Tham mưu, 2016.

LEGAL EDUCATION IN THE PEOPLE'S ARMY OF VIETNAM: CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

Colonel, MA. NGUYEN VAN VI

Tran Dai Nghia University

(Military Technical Officer Training College)

ABSTRACT:

Legal education plays a very important role in improving legal understanding, empowerment and proper legal behavior for officers and soldiers in the People's Army of Vietnam. From 2011 up to now, legal education and training for officers and soldiers in military units has achieved many results, reducing significantly the number of serious law violations in the whole army. However, this activity still has shortcomings, reflected in the high formality, low quality, efficiency and effectiveness.

To implement Resolution No. 29-NQ / TW dated 04/11/2013 of the Secretariat of the Party Central Committee on the fundamental renewal, comprehensive education and training to meet the requirements of industrialization and modernization in socio-oriented market’s conditions and international integration, and Circular No. 42/2016 / TT-BQP dated 30 March 2016 regulating the law dissemination and education within the Ministry of Defense, the army is actively renovating the contents, forms and methods of legal education to improve the quality of this work in order to better meet the requirements of the revolutionary army corp in the context of building the rule of law and international integration today.

Keywords: Current status, legal education and training, solutions for promotion, People's Army of Vietnam.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.