Một số phương pháp giảng dạy môn Luật kinh tế tại các trường đại học không chuyên luật

Đề tài Một số phương pháp giảng dạy môn Luật kinh tế tại các trường đại học không chuyên luật do ThS. Phan Thị Thu Nhài (Trường Đại học Lao động - Xã hội) thực hiện.

Tóm tắt:

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Một nền giáo dục tốt sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, phương pháp dạy học đóng vai trò quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Điều này đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung, sang tiếp cận năng lực của người học. Ở bài viết này, tác giả trình bày một số phương pháp giảng dạy được áp dụng thực tế đối với môn học Luật kinh tế nói riêng cũng như các môn pháp luật nói chung.

Từ khóa: phương pháp dạy học, thuyết giảng, làm việc nhóm, tình huống, giải quyết vấn đề, Luật kinh tế, các trường đại học không chuyên luật.

1. Đặt vấn đề

Phương pháp dạy học là sản phẩm của sự liên kết giữa lý thuyết và thực hành sư phạm, giúp người học tiếp thu kiến thức, rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề. Do nhu cầu phát triển của xã hội, hòa nhịp với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật, nhu cầu của hoạt động dạy - học đòi hỏi cũng phải được nâng lên. Một trong những yếu tố quan trọng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo đó chính là phương pháp giảng dạy của giáo viên. Một phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp sẽ tạo điều kiện cho giáo viên và người học phát huy hết khả năng trong việc truyền đạt, lĩnh hội kiến thức và phát triển tư duy.

Với phương châm đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng; có năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; thích ứng nhanh với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ cộng đồng và trách nhiệm với xã hội, trong những năm qua các trường đại học luôn chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, kết hợp với thay đổi phương pháp giảng dạy các môn học nhằm đáp ứng được những đòi hỏi của nhu cầu thực tiễn. Việc giảng dạy các môn pháp luật nói chung và học phần Luật kinh tế nói riêng tại các trường đại học không chuyên luật trong những năm qua đã có những cải thiện. Tuy nhiên, để đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao, yêu cầu mỗi giảng viên giảng dạy phải không ngừng nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp dạy học, tạo hứng thú cho người học, nâng cao chất lượng đào tạo.

2. Thực trạng việc giảng dạy học phần Luật kinh tế tại các trường đại học không chuyên luật

Phương pháp giảng dạy là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học, bởi nếu có phương pháp dạy học phù hợp mới có thể giúp người học phát huy được khả năng sáng tạo của mình. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay, tại các trường đại học không chuyên luật có đào tạo các chuyên ngành kế toán, quản trị kinh doanh, thì học phần Luật kinh tế được yêu cầu là một môn học bắt buộc. Trước đây, khi còn áp dụng việc đào tạo theo niên chế, học phần này thường chiếm thời lượng 4 đơn vị học trình (60 tiết). Tuy nhiên, hiện nay, đa số các trường đại học đã chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo hình thức tín chỉ, thì môn học này hiện chỉ còn thời lượng 2 tín chỉ. Với thời lượng bị rút ngắn đi, nhưng khối lượng kiến thức lại không đổi cũng đặt ra nhiều thách thức với các giảng viên giảng dạy học phần này. Mặc dù những năm gần đây, phương pháp giảng dạy môn học này đã được cải tiến, nhưng vẫn nặng về truyền thụ kiến thức, ít tính đối thoại giữa người dạy và người học. Bên cạnh đó, đặc thù sinh viên các trường đại học đào tạo đa ngành không chuyên Luật không có nhiều cơ hội tiếp cận thực tế trong quá trình học tập như các sinh viên chuyên ngành Luật, nên dễ gây tâm lý thụ động trong việc tiếp nhận kiến thức của sinh viên.

Thực tế, hầu hết các trường đại học hiện nay đều được trang bị cơ sở vật chất khá tốt, như trang thiết bị máy tính, máy chiếu cho từng lớp học, tạo điều kiện cho giáo viên sử dụng bài giảng điện tử để thay đổi phương pháp giảng dạy hiệu quả. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực chưa phát huy được tính hiệu quả một phần là do thiếu sự hợp tác của sinh viên, sinh viên làm việc cá nhân và thảo luận nhóm hạn chế, nhiều bạn chưa tích cực chủ động tìm kiếm tư liệu, tìm hiểu kiến thức thực tế, thụ động, lười tư duy. Ngoài ra, bàn ghế cố định cũng chính là khó khăn trong việc di chuyển để thảo luận nhóm. Do vậy, hiệu quả của một số tiết học chưa được như sự kỳ vọng của giảng viên.

3. Một số phương pháp giảng dạy môn Luật kinh tế tại các trường đại học không chuyên luật

Việc đào tạo ở các trường đại học không chuyên Luật thường đa dạng, thay đổi tùy theo từng trường, hình thức đào tạo, đòi hỏi người giảng viên trong quá trình giảng dạy phải biết kết hợp phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin một cách linh hoạt, sáng tạo, cho phù hợp với mỗi loại trường, đối tượng sinh viên khác nhau. Đối với việc giảng dạy học phần Luật kinh tế ở các trường không chuyên Luật càng cần sự kết hợp nhuần nhuyễn nhiều phương pháp, bởi đây là môn học cần có sự vận dụng từ lý thuyết để giải quyết các tình huống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, gắn liền với thực tiễn cuộc sống trong hoạt động kinh doanh.

Theo đó, tác giả đề xuất một số phương pháp giảng dạy áp dụng cho môn học Luật kinh tế, cụ thể như sau:

a. Một là, kết hợp giữa phương pháp thuyết giảng với phương pháp làm việc nhóm.

Thuyết giảng là một phương pháp giảng dạy truyền thống trong hệ thống giáo dục nước ta. Cho đến nay, chúng ta không thể phủ nhận những điểm tích cực của phương pháp này mang lại, bởi vậy, đây vẫn là phương pháp giảng dạy chính được các giáo viên lựa chọn. Đối với việc giảng dạy học phần Luật kinh tế, phương pháp này cũng là một trong những phương pháp không thể thiếu, giúp cho sinh viên tiếp thu tri thức một cách có hệ thống. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng đơn thuần phương pháp thuyết trình cũng đã cho thấy nhiều hạn chế. Trước đây, khi việc sử dụng công nghệ thông tin còn chưa phổ biến, giáo viên thuyết giảng theo kiểu đọc chép, nói chậm để người học ghi chép một cách thụ động. Ngày nay, thông qua việc sử dụng máy móc, công nghệ, giáo viên tạo các bài giảng slide, nhưng vẫn chỉ đơn thuần chuyển từ nghe chép sang nhìn chép. Điều này dẫn đến thực tế không mang lại hiệu quả trong quá trình truyền thụ kiến thức, triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của người học, không gây hứng thú cho người học.

Phương pháp làm việc nhóm là một trong những phương pháp dạy học tích cực, thường được sử dụng hiện nay. Với sự kết hợp giữa phương pháp thuyết giảng với phương pháp làm việc nhóm, giảng viên sẽ cung cấp những vấn đề khái quát cho sinh viên nắm bắt. Sau đó, giáo viên sẽ đưa ra các chủ đề để sinh viên thảo luận. Cách thức tiến hành phương pháp này gồm các bước sau:

Bước 1: giáo viên căn cứ vào số lượng sinh viên trong lớp để chia nhóm, cho các nhóm lên bốc thăm chủ đề, đồng thời sẽ định hướng những nội dung các nhóm cần phải nghiên cứu, tìm hiểu, thời gian gửi bài thuyết trình.

Bước 2: trước mỗi buổi thuyết trình, nhóm phải trình bày trong buổi thảo luận sẽ gửi bài chuẩn bị của mình cho giáo viên và các nhóm còn lại.

Bước 3: trong buổi thảo luận, nhóm trưởng sẽ thay mặt nhóm trình bày tóm tắt nội dung mình đã chuẩn bị, các nhóm còn lại đặt câu hỏi phản biện để nhóm thảo luận trả lời. Giáo viên sẽ là người điều hành buổi thảo luận và đưa ra những kết luận cuối cùng.

Bước 4: kết thúc thảo luận giáo viên nhận xét và đánh giá về kết quả làm việc của các nhóm.

Với phương pháp này, người học sẽ là người đóng vai trò trung tâm, chủ động tự tìm hiểu kiến thức theo sự định hướng của giảng viên. Ưu điểm của phương pháp này, giúp cho sinh viên có thể nhớ được kiến thức một cách sâu sắc và không gây ra sự nhàm chán trong việc tiếp thu kiến thức, sinh viên nào cũng phải làm việc. Bên cạnh đó, việc cho sinh viên đứng lên tranh luận với nhau sẽ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng thuyết trình, thuyết phục người nghe, trở lên tự tin và mạnh dạn hơn. Đồng thời, còn cải thiện kỹ năng làm việc nhóm, tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong lớp.

b. Dạy học theo phương pháp sử dụng tình huống điển hình

Đa số sinh viên hiện nay thường hay có suy nghĩ các môn pháp luật là những môn học khô khan, khó lôi cuốn. Sinh viên sợ học quá nhiều lý thuyết. Để khắc phục vấn đề này, giáo viên nên sử dụng phương pháp dạy học theo tình huống. Đây là phương pháp hướng đến cách tiếp cận dạy và học lấy người học làm trung tâm, giúp người học hình thành kỹ năng tư duy phản biện, giao tiếp. Phương pháp tình huống là phương pháp dạy học dựa vào các sự kiện, sự việc đã hoặc đang diễn ra trong thực tế. Phương pháp này dựa trên cơ sở lý thuyết kiến tạo và hướng tới mục tiêu: giáo dục là sự chuẩn bị cho việc giải quyết các tình huống cuộc sống. Học tập thông qua giải quyết các tình huống giúp sinh viên tiếp nhận tri thức một cách chủ động, có chiến lược, có thể vận dụng linh hoạt những kiến thức và kỹ năng đã học, phát triển khả năng giải quyết vấn đề [2]. Theo phương pháp này, giảng viên liên hệ các tính huống, vấn đề trong thực tế và yêu cầu người học giải quyết, giúp cho người học hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định, cũng như khả năng nghiên cứu. Phát triển nhiều năng lực và trí tuệ sáng tạo của sinh viên, bao gồm cả tư duy phản biện, vấn đề giải quyết, hợp tác và giao tiếp. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của phương pháp này là phải sử dụng tình huống tốt, tình huống xuất phát từ thực tế và được chỉnh sửa để mang tính điển hình. Các tình huống này phải đảm bảo yêu cầu: i. phải mang tính thời sự, cập nhật phù hợp với sự thay đổi của pháp luật; ii. phải giúp cho người học phát triển tư duy và nên đưa ra nhiều giải pháp để sinh viên phân tích, tìm ra cách giải quyết phù hợp nhất; iii. phải phù hợp với trình độ của người học, có tính phức tạp vừa phải. Để làm tốt việc này, đòi hỏi giáo viên phải có sự chắt lọc các tình huống pháp luật, câu chuyện trong tình huống phải rõ ràng, dễ hiểu, giúp sinh viên không hiểu sai vấn đề giáo viên muốn hướng đến, tránh đưa ra những tình huống không có ý nghĩa. Người viết tình huống không nên tự nghĩ ra các tình huống, bởi vì sự “sáng tạo” này rất dễ dẫn đến những mâu thuẫn, hoặc đưa ra những chi tiết không hợp lý mà người xây dựng tình huống không thể lường trước được [3]. Tuy nhiên, việc xây dựng các tình huống không đơn giản, nhất là các tình huống đó phải đảm bảo tính sư phạm, phù hợp với khả năng nhận thức của sinh viên. Ngoài ra, giáo viên phải xác định các rõ ràng các mục tiêu, lượng hóa cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ và các năng lực nhằm xây dựng tình huống xác thực nhất.

Phương pháp giảng dạy bằng tình huống muốn đạt hiệu quả còn tùy thuộc vào cách triển khai của mỗi giảng viên. Giáo viên phải là người gợi mở hướng dẫn sinh viên cách giải quyết các vấn đề đặt ra trong mỗi tình huống cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra trong mỗi bài học. Giáo viên cần đặt những câu hỏi, như: Tình huống này được sử dụng để giảng dạy bài nào? Mục tiêu của việc nghiên cứu tình huống này là gì? Thông qua việc nghiên cứu tình huống này, sinh viên có thể học được kiến thức lý thuyết gì? Những kỹ năng nào sinh viên có thể đạt được khi nghiên cứu tình huống đó?… Những thông tin đưa ra trong tình huống chỉ cần ở mức độ vừa và đủ để giúp học viên có thể đạt được mục tiêu của bài học [3].

Thông qua các tình huống pháp luật cụ thể, giúp sinh viên có cái nhìn thiết thực hơn về các vấn đề được học, sinh viên phải có sự chuẩn bị về kiến thức, nâng cao khả năng tự học giúp người học vận dụng linh hoạt lý thuyết đã được giáo viên giới thiệu để giải quyết các tình huống cụ thể. Việc học này tạo hứng thú, động lực, nâng cao tính chủ động sáng tạo cho sinh viên trong quá trình học tập, khi ra trường sẽ vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống.

c. Dạy học theo phương pháp giải quyết vấn đề

Đối với việc giảng dạy các môn pháp luật nói chung và môn Luật kinh tế nói riêng là môn học cần có sự vận dụng cao, do vậy, dạy học theo phương pháp giải quyết vấn đề cũng là một trong những phương pháp đem lại hiệu quả cho người học. Theo đó, giáo viên tạo ra những tình huống có vấn đề, dẫn dắt người học phát hiện vấn đề, nhằm khai thác tính tự giác, tích cực chủ động, sáng tạo của sinh viên. Các tình huống có vấn đề phải là những tình huống gắn với thực tiễn sẽ giúp sinh viên hứng thú hơn. Đây là việc làm không đơn giản, đòi hỏi mỗi giảng viên phải đầu tư thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, làm chủ kiến thức, bài giảng của mình. Bên cạnh đó, giáo viên phải có năng lực sư phạm tốt mới có thể sử dụng hiệu quả được phương pháp này.

Mỗi phương pháp giảng dạy đều có những thế mạnh và hạn chế riêng. Trong quá trình dạy học, đòi hỏi phải có sự vận dụng linh hoạt của mỗi giảng viên cho phù hợp với yêu cầu, nội dung, chuẩn đầu ra của học phần. Việc phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học trong toàn bộ quá trình dạy học là phương hướng quan trọng để phát huy tính tích cực và nâng cao chất lượng dạy học.

Để có thể sử dụng hiệu quả các phương pháp giảng dạy trên cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy học phần Luật kinh tế, tác giả cho rằng cần có những giải pháp sau:

Thứ nhất, các trường đại học, cao đẳng cần chú trọng đổi mới nội dung, xây dựng chương trình đào tạo, thay đổi phương pháp dạy và học theo định hướng “coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học” tạo điều kiện cho người học phát triển tư duy sáng tạo, rèn kỹ năng thực hành [1]. Phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm không có nghĩa là loại trừ phương pháp thuyết giảng, mà nó là sự kết hợp giữa thuyết giảng với các phương pháp khác để phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học.

Thứ hai, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên giảng dạy. Ưu tiên những giảng viên có chuyên ngành Luật kinh tế, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy. Các giảng viên phải tích cực, chủ động trau dồi kiến thức, cập nhật những tình huống mang tính thời sự để phân tích tạo sự hứng thú cho người học. Đồng thời, tăng cường trình độ công nghệ thông tin cho giảng viên trong việc thiết kế các bài giảng điện tử phục vụ cho quá trình dạy học đạt hiệu quả.

Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu của thầy và trò. Đặc biệt, thư viện nhà trường cùng với việc cung cấp giáo trình cho sinh viên mượn, nên cập nhật, bổ sung thêm các văn bản pháp luật liên quan đến môn học và các tạp chí pháp luật, sách chuyên khảo để phục vụ cho quá trình tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.

Thứ tư, nhà trường nên tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật liên quan đến doanh nghiệp để nâng cao sự hứng thú cho sinh viên khi tiếp cận với môn học.

3. Kết luận

Tóm lại, có rất nhiều phương pháp dạy học với những cách tiếp cận khác nhau, trên đây chỉ là một số phương pháp áp dụng vào quá trình giảng dạy học phần Luật kinh tế nói riêng, cũng như các môn pháp luật nói chung. Việc đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi những điều kiện thích hợp về phương tiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật và hình thức tổ chức dạy học, điều kiện về tổ chức, quản lý lớp học. Ngoài ra, mỗi giáo viên với kinh nghiệm riêng của mình, cần xác định những phương pháp dạy học riêng để phù hợp với từng đối tượng sinh viên. Đất nước ngày càng phát triển, chúng ta đang đứng trước những cơ hội to lớn, nhưng cũng gặp không ít khó khăn thách thức. Giáo dục có đổi mới thì mới nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, trong đó việc quan trọng là phải đổi mới phương pháp giảng dạy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Thị Ngọc Hạnh (2021). Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn chuyên ngành Luật kinh tế. Tạp chí Công Thương, số 13, tháng 6.
  2. Nguyễn Đức Tuấn (2017). Sử dụng phương pháp tình huống trong dạy học địa lý kinh tế Việt Nam nhằm phát triển tư duy cho sinh viên. Tạp chí Công Thương, tháng 6.
  3. Vũ Thị Thúy (2010). Ứng dụng phương pháp giảng dạy tình huống trong đào tạo ngành luật. Tạp chí Khoa học Pháp lý.
  4. Vũ Thị Hồng Vân (2011). Phương pháp giảng dạy môn học pháp luật trong các trường đại học không chuyên luật. Tạp chí Khoa học & Công nghệ, số 5.

Some teaching methods for the economic law subject at non-law universities

Master. Phan Thi Thu Nhai

University of Labor and Social Affairs

Abstract:

Education and training are the top national policies of the Party, the State and the entire people. A good education will contribute to training high-quality human resources. Teaching methods play an important role in improving training quality. This requires teachers to regularly innovate teaching methods, moving from an educational program that approaches content to one that approaches learners' abilities. This paper presents some teaching methods that are practically applied to the subject of economic law in particular and legal subjects in general.

Keywords: teaching method, teaching, group work, situations, problem solving, economic law, non-law universities.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19 tháng 9 năm 2023]

Tạp chí Công Thương