TÓM TẮT: Bài viết đề cập đến những vấn đề chung của hợp đồng dịch vụ logistics, trong đó làm rõ khái niệm, đặc điểm để làm cơ sở cho việc hoàn thiện các quy định về hợp đồng dịch vụ logistics trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Từ khóa: Hợp đồng dịch vụ logistics, hệ thống pháp luật, Việt Nam. |
1. Đặt vấn đề
Quan hệ kinh doanh dịch vụ logistics được xác lập và thực hiện thông qua hình thức pháp lý chủ yếu là hợp đồng. Đây cũng là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp nếu có phát sinh. Một hợp đồng được soạn thảo chặt chẽ giúp cho doanh nghiệp tránh được nhiều rủi ro, bất lợi trong quá trình thực hiện. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc soạn thảo hợp đồng, trừ một vài doanh nghiệp lớn. Hầu hết các doanh nghiệp trước khi ký một hợp đồng nào đó thường vào mạng internet tìm một vài hợp đồng mẫu mà không biết rằng không có một hợp đồng chuẩn mực nào cho mọi mối quan hệ trong kinh doanh. Vì thế khi tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp gặp rất nhiều bất lợi do hợp đồng quy định không đúng hoặc không đầy đủ, chưa kể đến việc đối tác có thể lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bên còn lại để đưa vào những điều khoản có lợi cho bên họ mà bất lợi cho bên kia.
Hiện nay, ở Việt Nam các quy định về hợp đồng dịch vụ (HĐDV) logistics vẫn còn thiếu, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, các nghiên cứu về HĐDV logistics chưa có. Vì thế, trong nghiên cứu dưới đây của mình, tác giả hy vọng đóng góp một phần nhỏ để làm cơ sở hoàn thiện các quy định về HĐDV logistics và giúp cho doanh nghiệp quản trị hoạt động của mình tốt hơn.
2. Khái niệm hợp đồng dịch vụ logistics
Trong cuốn sách “Global Logistics and Supply Chain Management” của nhóm tác giả John Mangan, Chandra Lalwani, Tim Butcher and Rouya Javadpour chỉ ra rằng: Những thập niên gần đây, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng thuê ngoài dịch vụ logistics (Outsourcing of logistics services) của các công ty tăng nhanh. Họ tập trung vào các hoạt động cốt lõi và từ bỏ phương thức giao nhận tự cung tự cấp (own-account transportation) mà chuyển giao việc này cho bên thứ 3 (third party transportation)[i]. Xu hướng mới này làm tăng loại hình các công ty hoạt động dịch vụ như vậy và người ta gọi đó là các nhà cung cấp dịch vụ logistics- LSPs (logistics service providers). Cuốn sách nêu lên sự khác biệt giữa LSPs và 3PLs. 3PLs: Third party logistics companies (Các công ty dịch vụ logistics bên thứ 3), thậm chí cũng có thể là 4PL, 5PL khi 3PL phát triển ở mức độ cao hơn cùng với việc ứng dụng sự phát triển của thương mại điện tử). Các công ty logistics 3PLs giống như DHL, UPS, Kuehne+Nagels... là những công ty giao nhận cung cấp nhiều dịch vụ tích hợp được gọi là công ty dịch vụ logistics bên thứ 3- 3PL).
Sự khác biệt giữa LSPs và 3PLs: LSPs cung cấp một hoặc nhiều các dịch vụ logistics. LSPs có thể là các hãng vận chuyển hoặc các công ty giao nhận. Khi các công ty này đảm nhận hoạt động tích hợp nhiều dịch vụ trong chuỗi logistics thì được gọi là 3PLs. Như vậy, 3PLs là LSPs tích hợp chuỗi logistics. LSPs có thể là 1PL, 2PL, 3PL, 4PL, 5PL trong tổng thể ngành logistics.
Chuỗi dịch vụ logistics bao gồm các hoạt động dưới đây không giới hạn như: Vận tải, kho bãi, nhận hàng và đóng gói, quản lý tồn kho, khai hải quan, quản lý tài chính thương mại... Hợp đồng mà các công ty 3PL ký kết thực hiện các dịch vụ logistics tích hợp đó gọi là HĐDV logistics.
Trong một cuốn sách tựa đề The handbook of Logistics Contract (Sổ tay hợp đồng logistics):, Joan Jane and Alfonso de Ochoa 2006 có đoạn viết: Về mặt khái niệm, có thể định nghĩa hợp đồng dịch vụ logistics là một hợp đồng dưới tên một bên thứ ba, gọi là nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba - 3PL, chịu trách nhiệm trước một bên khác để cung cấp các dịch vụ logistics mà họ cần về sau, đổi lại nhà cung cấp được trả những lợi ích kinh tế khác. Điều quan trọng để đưa ra định nghĩa một cách rõ ràng như vậy vì sự đa dạng của hoạt động này có thể bao gồm, giới hạn dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ này có thể được yêu cầu và sẽ làm mất đi tính tự nhiên của cụm từ “logistics”.[ii]
3PL - Third party logistics: Người cung cấp dịch vụ sẽ thay mặt chủ hàng quản lý và thực hiện các dịch vụ logistics cho từng bộ phận, 3PL gồm nhiều các dịch vụ khác nhau, kết hợp chặt chẽ việc luân chuyển, tồn trữ hàng hóa, xử lý thông tin… và có tính tích hợp vào dây chuyền cung ứng của khách hàng.
Theo pháp luật Việt Nam, tại điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015: Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là một công việc cụ thể, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Luật Thương mại năm 2005 quy định: Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán, bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận. Như vậy, HĐDV thể hiện tính thương mại rõ ràng. Cung ứng dịch vụ là hoạt động nhằm mục đích sinh lời, bên cung ứng thực hiện việc cung ứng để thu lợi nhuận và bên còn lại trả tiền.
Như vậy, dưới góc độ pháp lý và căn cứ vào những quy định của pháp luật Việt Nam và những nghiên cứu trên đây, tác giả khái quát định nghĩa HĐDV logistics như sau: HĐDV logistics là sự thỏa thuận giữa một bên cung cấp dịch vụ và một bên là khách hàng, theo đó bên cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện tích hợp một hoặc nhiều dịch vụ trong chuỗi cung ứng logistics bao gồm việc nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác liên quan đến hàng hóa, còn bên kia (khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán phí dịch vụ.
Việc thành lập công ty 3PL là rất cần thiết, giống như một số nước khu vực là Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ cần phải nhờ đến các 3PL làm việc với hãng vận tải. Các công ty 3PL sẽ gom hàng từ nhiều đơn hàng nhỏ thành đơn hàng lớn và làm việc với hãng tàu vận tải để lấy được giá tốt hơn cho đơn hàng đó. Công ty 3PL sẽ làm giảm được chi phí vận tải hơn cho các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Khi thuê doanh nghiệp 3PL thì các công ty xuất nhập khẩu ủy quyền cho 3PL làm các khâu trong chuỗi logistics như vận chuyển, các thủ tục thông quan, lưu kho, bãi, xin giấy phép xuất nhập khẩu, đóng thuế xuất nhập khẩu...
3. Đặc điểm cơ bản của hợp đồng dịch vụ logistics
Thứ nhất: HĐDV logistics là hợp đồng song vụ, hợp đồng ưng thuận và mang tính chất đền bù.
Dịch vụ logistics được thực hiện trên cơ sở hợp đồng song vụ có tính đền bù. Đây là sự thỏa thuận giữa hai bên chủ thể, là sự thống nhất ý chí được thể hiện ra bên ngoài trên cơ sở bình đẳng về địa vị pháp lý, tức là các bên có quyền ngang nhau trong quá trình đàm phán đi đến thống nhất quyền và nghĩa vụ của mình. Bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với nhau theo thỏa thuận. Trường hợp một bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ, bên còn lại có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ tương ứng. Đặc trưng cơ bản của hợp đồng song vụ là chủ thể này thực hiện nghĩa vụ là cơ sở để chủ thể còn lại thực hiện nghĩa vụ tương ứng đã thỏa thuận trong hợp đồng. Ví dụ, hợp đồng quy định bên A có nghĩa vụ vận chuyển hàng cho bên B từ điểm X đến điểm Y do bên B chỉ định. Tại điểm Y, sau khi đã nhận hàng đầy đủ, bên B phải trả tiền vận chuyển cho bên A (nghĩa vụ của bên A đã hoàn thành làm phát sinh nghĩa vụ tương ứng (nghĩa vụ trả tiền của bên B). Tùy thuộc vào mức độ sử dụng dịch vụ của khách hàng, nội dung hợp đồng có thể đơn giản hoặc phức tạp.
Tính đền bù trong HĐDV logistics được thể hiện ở chỗ: Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền phí dịch vụ cho bên cung cấp dịch vụ. Phí dịch vụ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Thời điểm trả tiền dịch vụ các bên thỏa thuận trong hợp đồng, có thể là thanh toán tạm ứng trước, trả tiền ngay sau khi bên cung ứng hoàn thành nghĩa vụ hoặc sau 60 ngày kể từ ngày bên cung ứng hoàn thành nghĩa vụ… Trường hợp bên sử dụng dịch vụ không trả tiền dịch vụ được coi là vi phạm nghĩa vụ. Khi có vi phạm nghĩa vụ, bên sử dụng dịch vụ có thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đã vi phạm và/hoặc bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trong hợp đồng (thường là phạt lãi chậm thanh toán hoặc bên cung ứng tạm dừng nghĩa vụ cung cấp dịch vụ của mình). Ví dụ, hợp đồng quy định: Định kỳ 25 hàng tháng hai bên có nghĩa vụ lập bảng công nợ trong tháng đó, bên cung cấp dịch vụ xuất hóa đơn đỏ gửi cho bên sử dụng dịch vụ. Sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày hóa đơn, bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ trả tiền dịch vụ cho bên cung cấp dịch vụ. Quá thời hạn này, bên cung cấp dịch vụ có quyền dừng việc cung cấp dịch vụ, cụ thể là dừng việc vận chuyển hàng, tạm giữ không giao hàng, tính lãi phạt số tiền chậm trả theo thỏa thuận trong hợp đồng...
Thứ hai: Chủ thể của hợp đồng.
Bên làm dịch vụ phải là doanh nghiệp, còn khách hàng có thể là doanh nghiệp hoặc là cá nhân. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Hoạt động logistics là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, do đó thương nhân kinh doanh dịch vụ này, tùy từng loại dịch vụ sẽ có các điều kiện kinh doanh khác nhau. Ví dụ, thương nhân thành lập công ty đại lý hải quan thì phải có chứng chỉ đại lý hải quan, thương nhân kinh doanh dịch vụ kho bãi thì phải tuân thủ các điều kiện về kho bãi, thương nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển phải tuân thủ các quy định về vận chuyển... Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải thỏa mãn một số điều kiện theo quy định tại Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Chủ thể có thể một bên là pháp nhân nước ngoài trong trường hợp bên thuê dịch vụ logistics sử dụng dịch vụ của các đối tác nước ngoài.
Thứ ba: Đối tượng của hợp đồng dịch vụ logistics.
Đối tượng của HĐDV logistics trước hết là một loại dịch vụ, mà dịch vụ là một sản phẩm vô hình, không tồn tại dưới dạng vật chất, khó xác định dịch vụ bằng những chỉ tiêu kỹ thuật được lượng hóa. Luật Thương mại không quy định về đối tượng dịch vụ mà tìm thấy trong Bộ luật Dân sự 2005, điều 519: Đối tượng của HĐDV là một công việc có thể thực hiện được, không thuộc danh mục dịch vụ cấm kinh doanh.
Đối tượng của HĐDV logistics là dịch vụ gắn liền với hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa như: tổ chức việc vận chuyển hàng hóa, giao hàng hóa cho người vận chuyển, làm các thủ tục giấy tờ cần thiết để vận chuyển hàng hóa là các dịch vụ được Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.
Thứ tư: Hình thức của hợp đồng dịch vụ logistics.
Vì tính chất phức tạp của dịch vụ logistics mà thực tế HĐDV logistics bắt buộc phải bằng văn bản. HĐDV logistics là một hợp đồng phức tạp với một chuỗi các dịch vụ gắn liền với quyền lợi và trách nhiệm của các bên, phí dịch vụ, thời điểm dịch chuyển rủi ro, các trường hợp miễn trách của người chuyên chở, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan có quy định bắt buộc hợp đồng phải được lập bằng văn bản. Nếu không tuân thủ điều kiện về hình thức này thì hợp đồng có thể bị vô hiệu, hoặc khi có tranh chấp xảy ra các bên không có căn cứ pháp lý để giải quyết.
Thứ năm: Nội dung của hợp đồng dịch vụ logistics.
HĐDV logistics là toàn bộ các điều khoản mà các bên đã giao kết trên cơ sở tự nguyện, tự do ý chí, dựa trên các quy định của pháp luật.
LTM 2005 không quy định cụ thể về các nội dung chủ yếu của HĐDV logistics nhưng với tính chất của hợp đồng dịch vụ thì HĐDV logistics có các nội dung chủ yếu sau: Đối tượng, phí dịch vụ, điều khoản thanh toán, thời gian và địa điểm thực hiện dịch vụ, quyền và nghĩa vụ các bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ, kết quả của dịch vụ, chế tài phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại, giới hạn trách nhiệm và các trường hợp miễn trách nhiệm đối với người làm dịch vụ, chấm dứt hợp đồng dịch vụ, các trường hợp bất khả kháng, cơ chế giải quyết tranh chấp, hiệu lực của hợp đồng...
4. Kết luận
HĐDV logistics là một công cụ, là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp thực hiện và quản trị hoạt động kinh doanh của mình. Thông qua hợp đồng, doanh nghiệp xác định được chi phí giá cả trong một thời gian nhất định, tránh được những rủi ro tiềm ẩn xảy ra tranh chấp trong tương lai.
Các HĐDV logistics là các dịch vụ thuê ngoài bên thứ ba (third party outsourcing), tập trung giúp công ty quản lý tài nguyên, tiết kiệm chi phí. Những công ty thực hiện HĐDV logistics sẽ đảm nhiệm các công việc bao gồm lập kế hoạch cho chuỗi cung ứng, thiết kế cơ sở vật chất cần thiết, nhập kho, vận chuyển và phân phối hàng hóa, xử lý và quản lý đơn hàng, thậm chí có thể quản lý dịch vụ chăm sóc khách hàng. Những ví dụ điển hình nhất về các công ty thực hiện hợp đồng logistics có thể kể đến là: Kuehne + Nagel, Exel, Genco và DHL, BD Shenker, Vinatrans, Germandept, Yusen , PTV, SDS logistics… Ở Việt Nam, thường gọi các công ty 3PL là các forwader, là cách nói tắt của từ freight forwarder, dịch sang tiếng Việt có thể được hiểu là công việc về nghề giao nhận vận tải (LTM năm 1997 gọi là dịch vụ giao nhận). 3PL được coi là phía trung gian, chủ hàng hóa giao, nhận và gom những loại hàng nhỏ thành số lượng lớn hơn, sau đó thuê những hãng bên vận chuyển để chở tới nơi cần đến.
Trên đây là một số vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến HĐDV logistics như khái niệm, đặc điểm hợp đồng này. Còn rất nhiều vấn đề liên quan đến nội dung và cấu trúc của hợp đồng, pháp luật về HĐDV logistics ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết, tác giả mới chỉ dừng lại ở những nội dung nêu trên và sẽ tiếp tục bàn luận sâu sắc hơn về những nội dung còn bỏ ngỏ trong những bài viết khác, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng, cải tiến hơn nữa cơ chế luật pháp cũng như việc thực hiện có hiệu quả HĐDV logistics ở Việt Nam hiện nay.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[i] John Mangan, Chandra Lalwani, Tim Butcher and Rouya Javadpour, Global Logistics and Supply Chain Management, Second Edition, John Wiley & Sons, Ltd, page 154,155, 156
[ii] Conceptually, it can be defined as a contract under which one party, called the 3PL provider, undertakes before another to provide those services of a logistical nature that the latter needs, in exchange for payment of an economic consideration. It is important to keep such a broad definition, due to multiplicity of operations that may be included, the range of merchandise for which the sevice may be required and the loose nature of the term “logistics” ifself. (Joan Jane and Alfonso de Ochoa 2006, The handbook of Logistics Contract: A practical Guide to a Growing Field, Palgrave Macmillan 2006, page 14)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Luật Thương mại năm 2005;
- Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Joan Jane and Alfonso de Ochoa 2006, The handbook of Logistics Contract: A practical Guide to a Growing Field, Palgrave Macmillan 2006;
Some theoretical issues about current logistics service contracts in Vietnam Dao Thi Cam Department of Legal Affairs, Ministry of Industry and Trade ABSTRACT: This paper briefly studied about logistics services contracts and clearly identified the definition and the legal nature of logistics services contracts to finalize the regulations on logistics services contracts in the Vietnamese legal system. Keywords: Logistics services contract, legal system, Vietnam. |