Một số vụ việc tranh chấp thương mại liên quan đến “sự kiện bất khả kháng” trong bối cảnh đại dịch Covid-19

TS. TRẦN VĂN DUY (Hội thẩm Nhân dân thành phố Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết tổng quan “sự kiện bất khả kháng” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và nghiên cứu một số vụ việc tranh chấp thương mại liên quan đến “sự kiện bất khả kháng” trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Từ khóa: tranh chấp thương mại, sự kiện bất khả kháng, đại dịch Covid-19.

1. “Sự kiện bất khả kháng” trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Theo Từ điển Blacks Law Dictionary, bất khả kháng là “một sự kiện hoặc hiện tượng không thể lường trước được và không thể khắc phục được”1. Trong quan hệ hợp đồng, sự kiện bất khả kháng thường được hiểu là sự kiện, hiện tượng xảy ra một cách khách quan, vượt ra khỏi sự kiểm soát của các bên có liên quan, cản trở một hoặc các bên thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Mặc dù các sự kiện bất khả kháng cụ thể được quy định trong các hợp đồng, thông thường là tại điều khoản về bất khả kháng, có thể khác nhau nhưng điểm chung của các sự kiện bất khả kháng là xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được, bất kể các bên có liên quan đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Mục đích của điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng mua bán hàng hóa hay cung cấp dịch vụ đều nhằm miễn trừ trách nhiệm cho bên vi phạm nghĩa vụ trong các trường hợp xảy ra các sự kiện khách quan, không lường trước được và không thể khắc phục được này2.

Pháp luật quốc tế, cụ thể là Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế (viết tắt là CISG) không đề cập đến sự kiện bất khả kháng nhưng đã đưa ra khái niệm “trở ngại” mà bên vi phạm gặp phải, có thể được miễn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, các yếu tố cấu thành “trở ngại” bao gồm: Nằm ngoài sự kiểm soát; Không thể lường trước được và không thể tránh được cũng như không thể khắc phục được hậu quả. Thuật ngữ “trở ngại” được sử dụng trong CISG phản ánh chính xác thuộc tính khách quan của sự kiện pháp lý là cơ sở để bên vi phạm được miễn trách nhiệm, đó là: không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể và gây khó khăn cản trở cho chủ thể thực hiện nghĩa vụ. Chủ thể trong quan hệ hợp đồng, khi gặp trở ngại này, sẽ được miễn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận và bồi thường thiệt hại, nếu có3.

Theo pháp luật Việt Nam, các sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có liên quan đến dịch bệnh Covid-19, trong từng tình huống đều ảnh hưởng trực tiếp đến “nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của một bên và quyền tương ứng của bên còn lại”. Theo Khoản 1, Điều 156, BLDS 2015, trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình. Khi có trở ngại khách quan, các Bên có quyền được chậm, tạm hoãn, kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Trở ngại khách quan này là có tính khắc phục được để tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích. Bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.

Các bên có biết được dịch bệnh Covid-19 xảy ra tại thời điểm ký kết hợp đồng hay không? Trong trường hợp các bên ký kết hợp đồng trước khi dịch bệnh Covid-19 được công bố thì có thể xem là sự kiện “không lường trước được” khi ký kết hợp đồng. Nếu các bên ký kết hợp đồng sau khi có cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã công bố dịch bệnh Covid-19 không thể nói rằng các bên không lường trước được dịch bệnh Covid-19 sẽ xảy ra hay không lường trước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể sẽ áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Covid-19 là một dịch bệnh toàn cầu, nó xảy ra một cách khách quan vì không phải do các bên tạo ra hoặc phát sinh do lỗi của các bên trong hợp đồng. Mốc thời gian để xem xét việc ký kết hợp đồng: Trên thế giới, ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu. Ở Việt Nam, ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu (theo Quyết định số 447/QĐ-TTg năm 2020).

Cơ quan giải quyết tranh chấp nên đánh giá và có cách tiếp cận thận trọng đối các yêu cầu, tuyên bố chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng với lý do dịch bệnh Covid-19 như là một sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn cảnh thay đổi cơ bản, để tránh việc lợi dụng Covid-19 nhằm chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng tràn lan, nhưng Điều 296 Luật Thương mại 2005 cũng quy định trong trường hợp bất khả kháng, các Bên có thể thỏa thuận kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Trường hợp kéo dài quá các thời hạn nói trên, các Bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu Bên kia bồi thường thiệt hại. Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều 296 này không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ. Khi xảy ra sự kiện BKK, các bên liên quan phải tìm cách để hạn chế thiệt hại có thể xẩy ra4.

2. Một số vụ việc tranh chấp thương mại liên quan đến “sự kiện bất khả kháng” trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Ví dụ 1: Chẳng hạn như một Công ty ở Hà Nội ký kết hợp đồng nhập vật liệu xây dựng với một Công ty ở TP. Hồ Chí Minh từ tháng 03/2021 theo 3 đợt hàng thanh toán, đợt 1 từ tháng 05/2021 đến tháng 07/2021, đợt 2 từ tháng 09/2021 đến tháng 12/2021, đợt 3 từ tháng 01/2022 đến tháng 03/2022 để thi công dự án cho một doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, đến cuối tháng 04, tháng 05/2021, TP. Hồ Chí Minh bùng phát dịch, phải thực hiện theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nên phải dừng hoạt động sản xuất, không đủ số lượng hàng để xuất hàng hóa cho công ty ở Hà Nội khiến công ty không thể thực hiện dự án đã cam kết với bên thứ ba. Trường hợp này Công ty ở TP. Hồ Chí Minh có thể chứng minh tình huống của mình là trường hợp bất khả kháng do dịch Covid-19 bùng phát bất ngờ nếu: không thể tìm được cách khắc phục để đáp ứng đủ hàng hóa cho Công ty ở Hà Nội theo đúng thời gian giao kết trong hợp đồng, dù đã dùng mọi biện pháp để đẩy nhanh tiến độ sản xuất cũng như áp dụng đúng các biện pháp phòng dịch, nhưng vẫn không đủ nhân lực để làm ra đủ số lượng hàng, thì trường hợp này được coi là sự kiện bất khả kháng. Vẫn với tình huống trên, do công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh không xuất hàng như giao kết của hợp đồng, nên công ty ở Hà Nội không kịp tiến hành thi công cho bên thứ ba. Trường hợp này, công ty ở Hà Nội có thể thỏa thuận với bên thứ ba xin gia hạn hợp đồng để tìm nguồn cung khác, hoặc có thể tìm nguồn cung có sẵn để tiến hành thi công đúng tiến độ nên trường hợp này không được coi là trường hợp bất khả kháng do dịch Covid-19, vì thời điểm tháng 04/2021 tình hình dịch bệnh ở Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát và các hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường5.

Ví dụ 2: Vụ khởi kiện bị Tòa án bác đơn ngày 20/4/2021.

Doanh nghiệp NA ký với doanh nghiệp NB hợp đồng số 17/HĐMBHH-2019 ngày 25/12/2019. Trong hợp đồng có Điều 4 quy định:

 “4. Khi NA giao lô hàng thứ I, NB không cần thanh toán đủ tiền mà được để lại 200 triệu đồng tiền hàng đã nhận (không căn cứ vào giá trị lô hàng). Khi NA giao hàng đợt thứ hai, NB thanh toán số tiền nợ 200 triệu đồng đợt thứ I, trả tiền hàng đợt thứ II và cũng được để lại 200 triệu đồng tiền hàng đã nhận cho đến khi nhận lô hàng thứ 3. Các lần mua tiếp theo (nếu có) đều thực hiện như trên.”

Sau khi giao nhận hàng 3 lần đúng theo thỏa thuận, đến thời điểm cuối tháng 6/2021 (khi dịch Covid-19 bùng phát nhiều nơi). Doanh nghiệp NA cho rằng, nếu chuyển hàng cho doanh nghiệp NB cũng không có khả năng thanh toán 200 triệu đồng nợ và tiền hàng mới, nên không chuyển lô hàng đợt 4. Mặc dù NB yêu cầu chuyển tiếp lô hàng thứ tư giá trị 400 triệu đồng (thời điểm này cả 2 địa phương của NA và NB chưa bị dãn cách xã hội).

Bắt đầu từ tháng 8/2021, các địa phương phải thực hiện dãn cách xã hội, việc chuyển hàng gặp trở ngại. Sau nhiều lần đòi 200 triệu đồng tiền hàng còn nợ, NB không trả, doanh nghiệp NA khởi kiện doanh nghiệp NB ra TAND thành phố Hà Nội nơi có trụ sở NB ngày 05/2/2021.

Tòa án bác đơn kiện vì lý do “Doanh nghiệp NB không vi phạm hợp đồng”.

*Nhận xét vụ việc:

- Căn cứ vào hợp đồng số 17/HĐMBHH-2019 ngày 25/12/2019. Điều 4 hai bên đã thỏa thuận: Chỉ khi nào doanh nghiệp NA giao hàng, doanh nghiệp NB mới phải trả 200 triệu đồng nợ tiền hàng lô trước.

- Mặc dù NB yêu cầu giao hàng (khi đó giao thông vẫn đi lại bình thường từ NA đến NB) nhưng NA lại không giao hàng mà không có lý do chính đáng. Như vậy, chính doanh nghiệp NA đã vi phạm hợp đồng (đơn phương chấm dứt hợp đồng).

- Trong hợp đồng không điều khoản nào thỏa thuận khi nào thì các bên có quyền chấm dứt hợp đồng và giải quyết số tiền hàng nợ hàng như thế nào nếu NA không chuyển hàng cho NB6.

Vụ việc 3: Bản án số 07/2018/KDTM-PT ngày 23/11/2018 về “Tranh chấp hợp đồng mua bán” của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh. Công ty B và Công ty SN ký hợp đồng nguyên tắc số 006 ngày 2/1/2017 về việc công ty SN sẽ cung cấp sản phẩm tinh bột khoai mì khi có đơn hàng của Công ty B. Ngày 21/8/2017, Công ty B có đơn hàng số 22496, các bên thỏa thuận về hàng và giá, việc giao hàng thành từng đợt sẽ được công ty B thông báo sau. Ngày 14/10/2017, Công ty B có thông báo về thời gian giao hàng nhưng Công ty SN xác nhận là không đáp ứng được đơn hàng do dịch bệnh “khảm lá cây khoai mì” nên việc thu mua nguyên liệu khó khăn. Công ty SN sau đó có thông báo đã có nguồn hàng mong muốn được nhưng đề nghị Công ty B hỗ trợ tăng giá nhưng Công ty B không đồng ý và đã đi mua ở công ty khác để kịp làm trước thời gian tết. Công ty B khởi kiện yêu cầu Công ty SN chịu tiền phạt vi phạm hợp đồng là 280 triệu đồng, tiền bồi thường thiệt hại về chênh lệch giá 1.750 triệu đồng. Công ty SN không đồng ý bồi thường vì dịch bệnh xảy ra là trường hợp bất khả kháng theo quy định tại hợp đồng và phụ lục giữa hai bên, công ty SN cũng bị thiệt hại.

Bản án sơ thẩm: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty B, buộc Công ty SN trả cho Công ty B 280 triệu đồng. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đối với 1.750 triệu đồng.

Công ty B kháng cáo, yêu cầu xem xét chấp nhận yêu cầu bồi thường số tiền 1.750 triệu đồng.

Bản án phúc thẩm: Công nhận sự thỏa thuận của các bên, sửa lại bản án sơ thẩm. Công ty SN đồng ý trả cho Công ty B số tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại tổng cộng là 800 triệu đồng.

3. Kết luận

Do “Sự kiện bất khả kháng” yêu cầu nhiều yếu tố để cấu thành nên nó, vì vậy khi ký kết hợp đồng các bên cần lưu ý xây dựng thêm điều khoản quy định các trường hợp nào được coi là “sự kiện bất khả kháng”. Cần quy định luôn cả hậu quả đi kèm, cũng như nghĩa vụ của các bên khi xảy ra. Như vậy, việc nắm rõ các quy định, xác định cụ thể trong từng trường hợp. Hợp đồng xây dựng nên để ràng buộc về quyền và nghĩa vụ, là công cụ để đưa ra khi có tranh chấp. Chính vì vậy, việc quy định rõ ràng cụ thể để đảm bảo quyền lợi của mình khi có “sự kiện bất khả kháng” giúp cho bên nghĩa vụ không phải bồi thường. Quy định của pháp luật hiện nay đã được thay đổi rất nhiều đòi hỏi phải có một sự hiểu biết nhất định, có một đội ngũ giàu kinh nghiệm hỗ trợ về mặt pháp lý để được hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hiện nay.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

1Bryan A. Garner (2019). Blacks Law Dictionary (11th Edition). USA: Thomson Reuters.

2Tại Mục IV, khoản 1 Điều 79 Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980.

3Nguyễn Ngọc Bích (2020). Sự kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng thương mại trong bối cảnh Covid-19. Truy cập tại https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/su-kien-bat-kha-khang-doi-voi-cac-hop-dong-thuong-mai-trong-boi-canh-covid19-5366

4Nguyễn Tương, Nguyễn Thị Hồng Ngân, Ngô Khắc Lễ (2020). Điều kiện bất khả kháng thời dịch Covid-19. Truy cập tại https://www.vla.com.vn/dieu-kien-bat-kha-khang-thoi-dich-covid-19.html

5Luật sư Lê Kiều Hoa (2020). Miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng do dịch Covid-19? Dịch Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng? Truy câp tại https://luatminhkhue.vn/mien-trach-nhiem-khi-vi-pham-hop-dong-do-dich-covid-19-dich-covid-19-co-phai-la-su-kien-bat-kha-khang.aspx

6Luật sư Nguyễn Hồng Thái (2021). Tài liệu chia sẻ đồng nghiệp giải quyết tranh chấp hợp đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hà Nội.

SOME COMMERCIAL DISPUTES DUE

TO COVID-19 RELATED FORCE MAJEURE EVENTS

Ph.D TRAN VAN DUY

People's Jurors of Hanoi

ABSTRACT:

This paper is to introduce an overview of force majeure events in the context of the Covid-19 pandemic and analyze some commercial disputes due to Covid-19 related force majeure events.

Keywords: trade disputes, force majeure events, Covid-19 pandemic.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2022]