Công văn gửi Công ty Điện lực Đắk Lắk; Truyền tải Điện Đắk Lắk; các Tổ chức Quản lý điện Nông thôn; các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện; chủ đầu tư các công trình điện mặt trời, điện gió.
Theo đó, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp và người dân trong mùa mưa bão năm 2023; đồng thời để chủ động phòng chống với diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm 2023 nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, Sở Công Thương Đắk Lắk đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 644/SCT-QLNL ngày 17/5/2023 của Sở Công Thương về việc triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai đảm bảo an toàn hệ thống điện trước mùa mưa bão 2023.
Đồng thời, chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu, có nguy cơ gây sạt lở của hệ thống lưới điện do mình quản lý để gia cố, sửa chữa, khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục theo quy định.
Riêng đối với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện, Sở Công Thương Đắk Lắk yêu cầu thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Srêpôk, quy trình vận hành đơn hồ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn để vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; kịp thời cung cấp thông tin, cảnh báo đến chính quyền địa phương và nhân dân vùng hạ du trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp; cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 20 công trình thủy điện đang hoạt động với tổng công suất 825 MW và 5 nhà máy thủy điện ngoài tỉnh có đấu nối vào hệ thống điện tỉnh Đắk Lắk; trong đó có 18 nhà máy thủy điện có hồ chứa.
Sáng 1/8, lãnh đạo Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah) cho biết, mưa lớn xuất hiện liên tục trên lưu vực của hồ chứa Buôn Tua Srah. Lượng nước về hồ chứa tăng rất cao, dẫn đến mực nước hồ tăng đáng kể.
Lưu lượng nước về hồ Buôn Tua Srah vào 6 giờ sáng ngày 1/8 đạt 732 m3/giây, đạt đỉnh lũ. Dù lưu lượng giảm dần vào ngày 2/8, nhưng đây vẫn là mức lũ cao.
Nhờ có sự chủ động, hồ Buôn Tua Srah (với dung tích phòng lũ khả dụng hơn 250 triệu m3) đã cắt trọn cơn lũ này. Hiện Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah chỉ xả về hạ du với lưu lượng chạy máy bình thường.
Trước đó, ngày 1/8/2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn số 6495/UBND-NNMT gửi các cơ quan chức năng của tỉnh về việc chủ động phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng bất thường, cực đoan, mưa bão khó lường gây ra nguy cơ xảy ra sạt lở. Để chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các Sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng.
Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương Đắk Lắk chỉ đạo công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn đối với lực lượng và công trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là hệ thống điện bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 (TALIM), cơn bão số 2 (DOKSURI) và gió Tây Nam hoạt động mạnh, trên địa bàn Đắk Lắk đã xảy ra mưa vừa đến mưa to, đặc biệt từ ngày 21-29/7 có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa cả đợt từ 100 - 400 mm đã gây ngập lụt trên địa bàn nhiều huyện.
Theo thống kê, từ ngày 21 - 30/7, đã có 2.440 ha cây trồng bị ngập, gồm: lúa 2.256 ha; 95,5 ha ngô; 42,5 ha điều; 46 ha đậu và hư hỏng một số công trình cơ sở hạ tầng tại các huyện Ea Súp, Lắk, Krông Bông, Krông Ana.
Đáng chú ý, tại huyện Ea Súp, mưa lũ làm hư hỏng khoảng 2 km đường kênh N12, thuộc kênh Chính Tây hồ chứa nước Ea Súp thượng (trong đó bị vỡ 1 đoạn) và tuyến kênh Chính Tây bị vỡ tại đoạn K13+300. Tại huyện Lắk, có khoảng 30 m bờ sông Krông Na (thuộc địa phận xã Buôn Triết) bị tràn bờ. Hiện nay, nước trên các suối đổ về rất nhanh, khả năng bị ngập trên diện rộng, đặc biệt 3 xã Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Liêng. Địa phương đã huy động lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ đắp bờ, khắc phục sự cố ở bờ sông Krông Na.