Myanmar: Tham vọng tham gia nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới

Trang oryza.com cho biết, Chính phủ Myanmar đã nâng tầm quan trọng của hoạt động xuất khẩu gạo lên mức cao nhất trong chiến lược xuất khẩu quốc gia giai đoạn 2014 – 2019.

Trong buổi công bố chiến lược xuất khẩu quốc gia mới của Myanmar Cố vấn cao cấp của Bộ Thương mại Myanmar đã cho biết, Chính phủ Myanmar đang nỗ lực để trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới và đưa mặt hàng gạo thành mặt hàng quan trọng nhất trong chiến lược xúc tiến xuất khẩu của nước này. Theo chiến lược xuất khẩu mới này, Myanmar đang lên kế hoạch đưa mặt hàng gạo tiếp cận các thị trường mới.

Vị cố vấn cấp cao của Bộ Thương mại Myanmar cho biết, gạo Mynarmar đang có thương hiệu tốt đối với thị trường Liên minh Châu Âu, bao gồm cả thị trường Nga do gạo Myanmar có mức giá thấp hơn so với gạo Việt Nam và gạo Thái Lan. Trang oryza.com cũng cho biết, EU đã đồng ý nhập khẩu gạo Myanmar theo chương trình EBA (EBA – Everything But Arms) dành cho các nước kém phát triển. Theo chương trình này, mặt hàng gạo Myanmar sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào EU. Ngoài ra, Chính phủ Myanmar sẽ nhanh chóng xúc tiến đám phán hợp đồng xuất khẩu gạo mới với Trung Quốc.

Bên cạnh mặt hàng gạo, Chính phủ Myanmar cũng xác định mặt hàng đậu, khoáng sản, đồ gỗ và sản phẩm dệt may cùng với các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng lớn khác làm mặt hàng chiến lược trong chiến lược xuất khẩu quốc gia giai đoạn 2014 – 2019.

Trong giai đoạn 2012/2013, lượng gạo xuất khẩu của Myanmar đạt mức cao kỷ lục 1,33 triệu tấn; tuy nhiên, trong giai đoạn 2013/2014, lượng gạo xuất khẩu của nước này đã giảm xuống còn 1 triệu tấn. Chính phủ Myanmar đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trong năm 2014 và đặt kế hoạch nâng mức xuất khẩu lên mức 3 triệu tấn trong vòng 5 năm tới.

Ngân hàng Thế giới và Quỹ sinh kế và an ninh lương thực (LIFT) của Myanmar cho biết, Myanmar hoàn toàn có khả năng tăng gấp đôi mức xuất khẩu gạo hiện tại bằng cách đa dạng hóa giống lúa, tăng cường canh tác lúa gạo, mở cửa ngành xay xát cho các nhà đầu tư nước ngoài và giảm chi phí thủ tục xuất khẩu; điều này cũng sẽ đem lại cơ hội thoát nghèo lớn hơn cho nông dân Myanmar. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới nhận định, chính sách xuất khẩu gạo của Myanmar hiện nay chủ yếu hướng vào sản xuất gạo chất lượng thấp và phần lớn số gạo này được bán cho các quốc gia Châu Phi và Trung Quốc. Hoạt động xuất khẩu gạo chất lượng thấp đang ngày càng xấu đi do nhu cầu trên toàn cầu đối với loại gạo này đang giảm xuống.

Myanmar sẽ cần phải nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm chi phí thủ tục xuất khẩu, cải thiện chính sách nông nghiệp nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh xuất khẩu gạo của mình nếu muốn gia nhập nhóm các nước xuất khẩu gạo chính trên thế giới.