Myanmar: Gã khổng lồ tiếp theo trên thị trường gạo thế giới

Với việc sở hữu diện tích đất canh tác lớn, nguồn nước dồi dào, chi phí sản xuất thấp, Myanmar được dự báo có khả năng trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới trong trung hạn. Tuy nhiên

Trong một cuộc phỏng vấn tại Hong Kong, ông Toe Aung Myint, Vụ trưởng Vụ Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Thương mại Myanmar đã cho biết, lượng gạo xuất khẩu của Myanmar có thể sẽ tăng lên mức 2,5 triệu tấn trong niên vụ 2014/15 so với mức 1,8 triệu tấn gạo được Myanmar dự kiến xuất khẩu trong niên vụ 2013/14. Ông Toe Aung Myint cũng cho biết, Myanmar đặt mục tiêu xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo vào niên vụ 2019/20.

Tổng thống Myanmar Thein Sein đã cho biết nước này có thể cung cấp lương thực cho các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên những yếu kém về cơ sở hạ tầng và năng lực cạnh tranh đang hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo của Myanmar. Giá gạo xuất khẩu của Myanmar hiện đang thấp hơn giá gạo của các nước xuất khẩu gạo khác, gồm cả Thái Lan.

“Gạo giá rẻ”

Ông Kiattisak Kanlayasirivat, Giám đốc Chi nhánh Bangkok của công ty kinh doanh hàng hóa Ascend Commodites SA (Thụy Sĩ) nhận định: “Mức giá rẻ đang giúp gạo Myanmar trở nên hấp dẫn hơn so với gạo Việt Nam và Thái Lan. Gạo Việt Nam và Thái Lan vốn đang đắt hơn gạo Myanmar khoảng 80 USD/tấn”. Công ty Ascend Commodites SA thực hiện giao dịch khoảng 500.000 tấn gạo mỗi năm. Ông Kiattisak Kanlayasirivat dự báo, xuất khẩu gạo của Myanmar sẽ tiếp tục tăng lên.

Giá gạo trắng 5% tấm Thái Lan vốn được coi là giá tham chiếu cho gạo Châu Á đã sụt giảm mạnh 24% trong năm nay xuống còn 442 USD/tấn.

Theo ông Toe Aung Myint, tổng sản lượng gạo của Myanmar trong năm nay dự kiến sẽ đạt 12,9 triệu tấn so với nhu cầu sử dụng gạo của Myanmar ở mức 11 triệu tấn và dự báo sản lượng gạo của Myanmar có thể tăng lên mức 13,3 triệu tấn trong mùa vụ tiếp theo. Ông Toe Aung Myint dự báo lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ chiếm đến khoảng một nửa tổng lượng gạo xuất khẩu của Myanmar.

Dự kiến lượng dự trữ gạo trên toàn cầu trong niên vụ 2013/14 sẽ tăng thêm 1,2% lên mức 109,3 triệu tấn, theo Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC). Nguyên nhân, lượng dự trữ gạo từ năm quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gồm Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam tăng lên mức cao kỷ lục. Chỉ số Standard & Poor’s GSCI Index, đo lường mức biến động giá của 8 loại hàng hóa nông sản bao gồm cả gạo, đã giảm 20% trong năm 2013.

Nhiều hơn nữa

Diện tích đất canh tác lớn, nguồn nước và nhân công dồi dào giúp Myanmar có thể trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới (Ảnh - Internet)

Ông Toe Aung Myint đã nói rằng: “Chúng tôi (Myanmar) thấy cơ hội đầy hứa hẹn trong việc xuất khẩu gạo do thị trường gạo toàn cầu đang phát triển và nhu cầu sử dụng gạo của Trung Quốc tăng lên. Chúng tôi có tiềm lực và có thể sản xuất nhiều lúa gạo hơn nữa để đáp ứng nhu cầu”. Ông Toe Aung Myint cũng cho biết Trung Quốc, các quốc gia châu Phi, Nga và khu vực châu Âu đang là các nhà nhập khẩu gạo từ Myanmar.

Ngành sản xuất lúa gạo Myanmar đã đóng góp tới 13% GDP của nước này vào năm 2011 và có đến hơn 70% dân số Myanmar có liên quan đến hoạt động mậu dịch gạo. Một nghiên cứu của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vào năm 2012, các thế mạnh của Myanmr bao gồm chi phí sản xuất gạo, diện tích đất canh tác rộng, nguồn nước và nhân công dồi dào.

Myanmar có chung đường biên giới với Trung Quốc; Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu đến 3,4 triệu tấn gạo trong năm 2014 và trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Chuyên gia kinh tế cấp cao của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), ông Samarendu Mohanty đã nhận định rằng Trung Quốc có thể nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo trong năm 2014.

Việc Myanmar tư nhân hóa lĩnh vực xuất khẩu gạo vào năm 2003 đã giúp mở ra tiềm năng xuất khẩu gạo của nước này, và việc Myanmar mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào năm 2010 cũng là một dấu mốc quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu gạo của nước này.

Hậu cần

Ông Mamadou Ciss, Chủ tịch Công ty giao dịch gạo Alliance Commodities Suisse SA (Thụy Sĩ) nhận định: “Myanmar có khả năng sản xuất nhiều gạo hơn nữa nhưng vấn đề hậu cần không cho phép Myanmar xuất khẩu gạo với khối lượng lớn hơn. Thiết bị tại cảng xuất của Myanmar đang bị quá tải. Myanmar cần cải thiện cơ sở vật chất và chất lượng hoạt động tại cảng hơn nữa”.

Hiện việc chất 20.000 tấn gạo lên tàu mất khoảng 4 ngày tại Việt Nam hoặc Thái Lan thì tại Myanmar cần tới 8 ngày, ông Kiattisak Kanlayasirivat cho biết.

Theo một nghiên cứu đánh giá năng lực hậu cần của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2012, Myanmar xếp hạng thứ 129 trên toàn cầu so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan (hạng 38), Việt Nam (hạng 53) và Campuchia (hạng 101).

Nhà kinh tế học cấp cao của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), ông Conception Caple cho biết, Myanmar cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng cho việc chế biến lúa gạo, hoạt động hậu cần và giao thông vận tải nhằm xuất khẩu gạo được nhiều hơn.

Theo dữ liệu của USDA được ghi nhận kể từ năm 1961, Myanmar đã là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới từ năm 1961 đến năm 1963 với lượng gạo xuất khẩu đạt từ 1,6 đến 1,7 triệu tấn mỗi năm trước khi bị Thái Lan vượt qua. Lượng gạo xuất khẩu của Myanmar đã giảm thấp xuống chỉ còn ở mức 15.000 tấn vào năm 1997. Trong năm 2012, Myanmar đã xuất khẩu được 690.000 tấn gạo và xếp thứ 9 trong số các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

“Myanmar chắc chắn có tiềm năng vươn lên nhóm các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trong trung hạn. So với các nước trong khu vực, Myanmar là một trong số ít các quốc gia không phải đối mặt với tình trạng thiếu đất canh tác, nguồn nước, nhân công. Myanmar có vị trí chiến lược khi tiếp giáp biến giới với Ấn Độ và Trung Quốc”, theo nhân định của ông Conception Caple.