Nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Bình Phước

TS. LÊ TẤN PHƯỚC (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Rủi ro tín dụng đặc biệt là rủi ro xảy ra với khách hàng doanh nghiệp thường xuyên gây ra những tổn thất cho các Ngân hàng Thương mại Việt Nam nói chung và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam nói riêng. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích thực trạng tín dụng và rủi ro tín dụng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Bình Phước trong giai đoạn 2014 - 2016. Bằng các số liệu thống kê tại chi nhánh, kết quả nghiên cứu cho thấy những tồn tại có thể dẫn đến rủi ro tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp. Trên cơ sở những tồn tại đó, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp tại chi nhánh.

Từ khóa: Rủi ro tín dụng, quản trị, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Bình Phước (BIDV Bình Phước) được biết như là một ngân hàng thương mại chuyên cho vay trung dài hạn để thực hiện các dự án đầu tư và cho vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động cho các doanh nghiệp khai thác chế biến nông lâm sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoạt động trong các lĩnh vực xây lắp, khai thác chế biến gỗ, chăn nuôi, trồng và kinh doanh cây ăn quả, thương mại, dịch vụ... ngày càng là đối tượng khách hàng quan trọng có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh tại BIDV Bình Phước.

Đến nay, Chi nhánh BIDV Bình Phước đã có sự tăng trưởng mạnh về quy mô dư nợ cho vay, số lượng - cơ cấu khách hàng vay vốn, số lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay qua các năm gần đây luôn ở mức cao trên 20%: Năm 2014 tổng dư nợ vay cuối kỳ là 1.385 tỷ đồng tăng 30,8% so với 2013; năm 2015 tổng dư nợ vay cuối kỳ là 1.770 tỷ đồng tăng 27,8% so với năm 2014 và năm 2016 tổng dư nợ vay cuối kỳ đã vượt mốc 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về quy mô dư nợ và quy mô huy động vốn, chi nhánh BIDV Bình Phước còn hạn chế, chỉ xếp ở mức trung bình so với các ngân hàng khác trên cùng địa bàn; những yếu tố rủi ro tín dụng vẫn tiềm ẩn nhiều so với những số liệu báo cáo. Do đó, đòi hỏi cần có sự nỗ lực cố gắng hơn nữa và một chiến lược phát triển phù hợp cho giai đoạn kinh doanh 2017 - 2020.

2. Thực trạng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Bình Phước

2.1. Hoạt động huy động vốn

Hoạt động huy động vốn vẫn là một trong những hoạt động kinh doanh chủ yếu của BIDV Bình Phước. Đây là nhiệm vụ quan trọng có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của chi nhánh trong năm. BIDV thực hiện cơ chế quản lý nguồn vốn tập trung thông qua cơ chế giá chuyển vốn nội bộ FTP (Fund Transfer Pricing), vì vậy, chi nhánh càng làm tốt công tác huy động vốn thì hiệu quả kinh doanh của chi nhánh càng đạt kết quả cao và ngược lại thì hiệu quả thấp hơn do phải tốn thêm chi phí mua vốn từ Hội sở.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các năm 2014, 2015, 2016 cho thấy sự thu hút khách hàng tiền gửi của chi nhánh còn thấp và có sự suy giảm liên tục về quy mô huy động vốn bình quân của chi nhánh. Năm 2014, số dư huy động bình quân giảm 1,5% so với năm 2013 và chỉ đạt 887,5 tỷ đồng; năm 2015 số dư huy động vốn bình quân tiếp tục giảm 2,7% còn 863,3 tỷ đồng; năm 2016 số dư huy động vốn bình quân đạt 910 tỷ đồng.

2.2. Hoạt động dịch vụ khách hàng

Trong những năm qua, hướng đến khách hàng là tiêu chí ưu tiên trong hoạt động cung cấp dịch vụ ngân hàng cho khách hàng của BIDV nói chung và của chi nhánh Bình Phước nói riêng. Nhiều hoạt động cải tiến quy trình cung cấp dịch vụ, tạo không gian giao dịch tiện nghi, hiện đại và đặc biệt là phong cách phục vụ khách hàng của từng giao dịch viên đã được BIDV Bình Phước chú trọng nâng cao.

Kết quả, sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại BIDV Bình Phước được cải thiện, ý kiến phàn nàn về thái độ phục vụ, chất lượng dịch vụ giảm. Trong thời gian qua, thu nhập từ hoạt động này liên tục gia tăng qua các năm.

2.3. Hoạt động cấp tín dụng

Giai đoạn những năm từ 2014 đến 2016 là giai đoạn 03 năm đầu của chuyển đổi loại hình sang ngân hàng thương mại cổ phần và cũng là giai đoạn BIDV Bình Phước có sự thay đổi lớn về nhân sự Ban lãnh đạo chi nhánh. Cùng với sự thay đổi lớn đó, mục tiêu kinh doanh cũng chuyển từ đảm bảo an toàn nguồn vốn sang mục tiêu: Quy mô - hiệu quả - an toàn - nâng cao thị phần trên địa bàn. Kết quả, quy mô dư nợ tín dụng đầu kỳ năm 2014 từ mức 1.386 tỉ đồng đã gia tăng liên tục đến cuối năm 2016 đạt mức 2.250 tỷ đồng.

Trong đó, tổng dư nợ của nhóm khách hàng doanh nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng đa số trong tổng dư nợ cho vay và tăng trưởng mạnh về quy mô trong giai đoạn 2014 - 2016. Tuy nhiên, do định hướng phát triển đến năm 2020 BIDV trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu, vì vậy hàng loạt các chính sách cấp tín dụng, sản phẩm dành cho bán lẻ được ban hành và triển khai vào hoạt động của BIDV Bình Phước. Năm 2014, Phòng khách hàng cá nhân đã được thành lập chuyên cấp tín dụng đáp ứng nhu cầu vay của nhóm khách hàng cá nhân. Do đó, cũng dễ nhận thấy tỉ trọng dư nợ bán lẻ có xu hướng tăng trong 03 năm gần đây. Năm 2014, dư nợ bán lẻ là 192 tỷ đồng chiếm 11% tổng dư nợ; năm 2015, là 304 tỷ đồng chiếm 18% tổng dư nợ và năm 2016 là 480 tỷ đồng chiếm 21% tổng dư nợ…

2.3.1. Tình hình dư nợ cho vay doanh nghiệp theo thời gian vay

Nhu cầu vốn vay trung dài hạn cho đầu tư dự án trong sản xuất nông và công nghiệp chế biến hàng nông lâm sản, xây lắp cầu đường - hạ tầng kỹ thuật chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu vốn vay của BIDV Bình Phước. Tỷ lệ vốn cho vay trung dài hạn trong các năm đều trên 30% tổng dư nợ cho vay: Năm 2014 là 38.5%; năm 2015 chiếm 27.4% tổng dư nợ; năm 2016 tỷ lệ dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 32% tổng dư nợ:

2.3.2. Tình hình dư nợ cho vay doanh nghiệp theo ngành kinh tế

Với đặc điểm của địa bàn có cơ cấu kinh tế nông lâm chiếm tỉ trọng cao và đang trong giai đoạn đầu của chuyển đổi sang cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Nên các doanh nghiệp có nhu cầu cao về vốn vay trung dài hạn cho đầu tư dự án và vốn lưu động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trồng và chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp như điều, cao su và gỗ từ thanh lý vườn cao su. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn lớn cho đối tượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp nhà, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phát triển kinh tế của địa phương cũng được BIDV Bình Phước đáp ứng. Các hoạt động thương mại cần một lượng vốn lưu động rất lớn nhằm đảm bảo tồn kho ở mức cần thiết. Tình hình dư nợ cho vay theo ngành kinh tế đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp tại BIDV Bình Phước qua các năm như sau:

2.3.3. Tình hình dư nợ cho vay doanh nghiệp theo quy mô doanh nghiệp

Hầu hết các khách hàng doanh nghiệp của BIDV Bình Phước là những doanh nghiệp vừa và nhỏ theo tiêu chí phân loại của Chính phủ. Đây chính là đối tượng được Chính phủ có chính sách hỗ trợ về tín dụng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại và BIDV Bình Phước cũng đóng góp một phần vào thực hiện chủ trương chung của Nhà nước. Tình hình dư nợ cho vay đối với nhóm doanh nghiệp theo quy mô qua các năm tại BIDV Bình Phước như sau:

3. Những tồn tại trong công tác quản trị rủi ro tín dụng tại BIDV Bình Phước

- Chưa phân tách triệt để bộ máy cấp tín dụng theo các bộ phận tiếp thị, bộ phận phân tích tín dụng và bộ phận phê duyệt tín dụng.

- Nhiều trường hợp cấp tín dụng không được thực hiện theo đúng thủ tục quy định, một số điều kiện trước, trong và sau cấp tín dụng bị bỏ qua, như vậy lỗi tác nghiệp xảy ra.

- Tập trung dư nợ vào một số ít doanh nghiệp, một nhóm khách hàng có liên quan.

- Tập trung dư nợ vào một số ít nhóm ngành kinh tế.

- Thông tin về giá thị trường của tài sản đảm bảo (nhất là quyền sử dụng đất) chưa được lưu trữ có hệ thống, việc định giá dựa vào kinh nghiệm của cán bộ và nguồn thông tin không cụ thể thiếu cơ sở, bằng chứng...,

- Thông tin về tình hình kinh doanh sản xuất, tình hình tài chính được khách hàng cung cấp thường không kịp thời, mức độ tin cậy của số liệu khó kiểm chứng. Nguồn thông tin từ CIC về tình hình dư nợ vay của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng khác, có độ trễ và phụ thuộc vào kết quả phân loại nợ của từng ngân hàng cung cấp cho Trung tâm CIC.

- Kết quả phân loại nợ tại BIDV Bình Phước còn có sự chênh lệch giữa nhóm nợ đã được phân loại và nhóm nợ phân loại theo phương pháp định lượng thời gian quá hạn.

- Việc xếp hạng tín dụng nội bộ đối với khách hàng doanh nghiệp chưa được đầy đủ và chính xác.

- Chi nhánh chưa chủ động đào tạo cán bộ trước luân chuyển, trước tiếp nhận công tác tín dụng một cách có hệ thống, kế hoạch.

- Một số trường hợp có biểu hiện lơi lỏng quản trị rủi ro tín dụng khi chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn, nhằm giữ chân khách hàng khi có cạnh tranh từ các ngân hàng khác trên địa bàn.

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp tại BIDV Bình Phước

- Tiếp tục nêu cao tinh thần tuân thủ nguyên tắc chính sách và quy trình cấp tín dụng trong bộ phận cấp tín dụng.

Việc cấp tín dụng phải đảm bảo khoản vay của khách hàng phải được thẩm định kiểm tra trước, trong và sau khi cấp tín dụng cho đến khi tất toán khoản vay. Quyết định cấp tín dụng được xem xét trên cơ sở đầy đủ thông tin về khách hàng, về tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng, phương án vay phải đảm bảo khả thi có hiệu quả, đảm bảo đủ nguồn trả nợ và đủ tài sản đảm bảo nợ vay theo chính sách của BIDV.

Ngoài ra, cần chú ý đảm bảo thẩm quyền ký kết các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp cầm cố tài sản đảm bảo cho khoản vay nhằm hạn chế tổn thất tài sản do vấn đề pháp lý khi khoản cấp tín dụng phải đưa ra tranh chấp tại tòa án.

- Chủ động áp dụng nguyên tắc chia sẻ rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng bằng hình thức kêu gọi hợp vốn cho vay đối với các phương án vay thuộc lãnh vực ngành kinh tế có nhiều rủi ro và dư nợ chiếm tỉ trọng cao so với tổng dư nợ. Ngành Nông nghiệp được đánh giá là ngành có rủi ro cao trong hoạt động sản xuất - kinh doanh do phụ thuộc lớn vào thời tiết, dịch bệnh và đặc biệt là thị trường sản phẩm nông nghiệp luôn bấp bênh, chịu tác động mạnh của thị trường ngoài nước. Cụ thể như cho vay đầu tư trồng mới cao su, trồng tái canh vườn cao su đối với các khách hàng là công ty cao su trên địa bàn luôn có tổng mức đầu tư rất lớn nhiều trăm tỷ đồng và thời gian đầu tư dài hạn trên 6 năm, vì vậy, chi nhánh BIDV Bình Phước cần cân nhắc lợi ích trước mắt và rủi ro tín dụng, từ đó chấp nhận phương thức cho vay hợp vốn để chia sẻ cơ hội và rủi ro.

- Cần rà soát đánh giá lại kết quả thực hiện kế hoạch kinh doanh trong năm trước đó và tính hiệu quả của các phương án sản xuất kinh doanh năm kế hoạch của các doanh nghiệp đang có dư nợ chiếm tỉ trọng cao trong tổng dư nợ cho vay của chi nhánh BIDV Bình Phước. Nhưng quan trọng hơn là phải đánh giá thiện chí thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay cho ngân hàng mà doanh nghiệp đã thể hiện trong thời gian trước thông qua việc trả nợ gốc nợ lãi đúng hạn. Mức độ thực hiện cam kết trong chuyển doanh thu qua tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng, qua đó dòng tiền phát sinh của khách hàng vay được ngân hàng kiểm soát và đo lường được.

Tương tự như vậy, BIDV cũng cần rà soát đánh giá lại đối với sự tập trung vốn cho vay vào một số ít ngành kinh tế và có chính sách phù hợp. Đối với từng ngành kinh tế mà hiện nay BIDV Bình Phước đang cho vay nhiều như cho vay trồng mới cao su, cho vay chế biến, thương mại cao su, cho vay chế biến gỗ, cho vay xây lắp... cần có xem xét đánh giá về xu hướng triển vọng của ngành.

- Chi nhánh cần gắn kết giữa kế hoạch luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ và việc xây dựng kế hoạch đào tạo định kỳ.

Lãnh đạo chi nhánh cần gắn kết giữa kế hoạch của cán bộ đi đào tạo hàng năm với vị trí công tác mà cán bộ đó đang hoặc sẽ đảm trách. Ngoài việc cử cán bộ tham dự các lớp cập nhật nghiệp vụ mới theo chương trình do Trung tâm đào tạo của BIDV thông báo, Chi nhánh nên chủ động đề xuất với Trung tâm đào tạo những nhu cầu đào tạo xuất phát từ yêu cầu hiện tại và định hướng hoạt động tại chi nhánh. Như vậy, hiệu quả của công tác đào tạo sẽ cao hơn và là một biện pháp tiết kiệm chi phí tăng lợi nhuận.

- Việc phân loại nợ cần thực hiện theo phương pháp định lượng để giảm bớt công việc phát sinh cho các cán bộ phòng khách hàng doanh nghiệp và cán bộ các phòng liên quan, đồng thời đảm bảo ngay việc tuân thủ quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc này làm minh bạch việc phân loại nợ, khắc phục hiện tượng cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng bắt tay để che dấu nhóm nợ thực sự của các khoản vay vì những mục đích riêng khác nhau. Từ đó, tránh được rủi ro cho ngân hàng khi cấp tín dụng trên cơ sở tham khảo thông tin không chính xác từ Trung tâm thông tin tín dụng CIC.

- Có kế hoạch trung dài hạn về đào tạo nghiệp vụ bổ sung cho cán bộ gắn với tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ nhằm đảm bảo sự đáp ứng ngay yêu cầu công việc khi cán bộ luân chuyển nhận công tác mới, bổ nhiệm vị trí công tác mới nói chung và riêng đối với cán bộ tại phòng khách hàng doanh nghiệp.

- Chi nhánh cần xây dựng chế độ thu thập thông tin thị trường, thông tin môi trường kinh tế xã hội định kỳ và tổng hợp lưu trữ một cách có hệ thống để hình thành nên cơ sở dữ liệu dùng chung cho bộ phận tín dụng và bộ phận giám sát, xét duyệt.

- Tiếp tục duy trì thường xuyên và nâng cao hiệu quả của công tác tự kiểm tra giám sát họat động cấp tín dụng tại chi nhánh.

Việc duy trì công tác tự kiểm tra hoạt động tín dụng định kỳ tại BIDV Bình Phước theo quy chế kiểm tra của BIDV cần được nhận thức đây là hoạt động cần thiết hữu ích cho lãnh đạo chi nhánh và cả chi nhánh chứ không phải làm một cách hình thức đối phó với cấp trên. Bằng những hành động khắc phục và xử lý sau tự kiểm tra sẽ làm lành mạnh hóa công tác cấp tín dụng tại chi nhánh, đồng thời ngăn chặn những sai sót lớn, những tổn thất lớn về tiền bạc, danh tiếng, kể cả con người khi rủi ro tín dụng xảy ra hoặc khi các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Thông tư 03/2013/TTNHNN ngày 28/01/2013 của Ngân hàng Nhà nước Quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Nghị quyết số 1155/NQ-HĐQT ngày 22/8/2012 của Hội đồng quản trị BIDV v/v phê duyệt chiến lược phát triển của BIDV đến năm 2020.

3. Báo cáo kết quả kinh doanh hàng năm của BIDV Bình Phước.

4. Quyết định 379/QĐ-QLTD ngày 24/01/2013 của BIDV về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp.

5. Tài liệu hội thảo Basel tháng 9/2015 của BIDV.

IMPROVE THE EFFICIENCY OF CREDIT RISK MANAGEMENT FOR CORPORATE CLIENTS

AT THE INVESTMENT AND DEVELOPMENT BANK OF VIETNAM, BINH PHUOC BRANCH

● PhD. LE TAN PHUOC

University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Special credit risk is the risk occurrs to corporate clients that often causes losses to Vietnam Commercial Banks in general and the Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of Vietnam (BIDV) in particular. This study was conducted to analyze the credit situation and credit risk of BIDVs Binh Phuoc branch in the period of 2014 - 2016. At this branch, research results show that the shortcomings can lead to credit risk for corporate customers. On the basis of these shortcomings, the author proposed solutions to improve the effectiveness of credit risk management for corporate customers at the branch.

Keywords: Credit risk, governance, Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of Vietnam.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 09 tháng 08/2017 tại đây