Nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ tại thành phố Nha Trang giai đoạn 2021 - 2023

Bài báo nghiên cứu "Nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ tại thành phố Nha Trang giai đoạn 2021 - 2023" do ThS. Trần Thị Minh Thơ (Trường Đại học Khánh Hòa) thực hiện.

Tóm tắt:

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có một tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giai đoạn 2021-2023, thành phố Nha Trang có nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng. Bài viết nhằm phân tích thực trạng khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ tại thành phố Nha Trang trong năm 2021-2023, đồng thời đưa ra những giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn vay.

Từ khóa: doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, tiếp cận vốn vay, thành phố Nha Trang.

1. Đặt vấn đề

DNNVV có một tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thành phố Nha Trang có các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ kinh doanh ở các lĩnh vực: lưu trú, ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí, đại lý đặt chỗ, đại lý vé máy bay, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ đặt chỗ, tư vấn du lịch, các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, môi giới. Đại dịch Covid-19 toàn cầu năm 2020 - 2021 đã tác động tiêu cực đến ngành du lịch, đẩy nhiều doanh nghiệp đầu tư du lịch phải “đóng băng” hoạt động. Sau dịch Covid-19, lãi suất ngân hàng bắt đầu tăng hai lần, mỗi lần 1% vào thời điểm tháng 9/2022 và tháng 10/2022. Các doanh nghiệp đầu tư du lịch gặp khó khăn khi lãi suất vay tín dụng tăng dẫn đến chi phí lãi vay cao, DNNVV giai đoạn này càng khó tiếp cận nguồn vốn vay, thêm vào đó thủ tục vay vốn cho DNNVV còn khá phức tạp, tốn nhiều thời gian. Thị trường khách du lịch dần bị thu hẹp, tác động của hậu Covid-19 và suy thoái kinh tế, cộng với việc DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn vay đã gây ảnh hưởng nặng nề, các DNNVV kinh doanh du lịch gần như kiệt quệ, không còn năng lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất… Trước tình hình đó, tác giả chọn vấn đề “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa tại thành phố Nha Trang giai đoạn 2021 - 2023” làm đề tài nghiên cứu, từ đó đưa ra một số giải pháp giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn vay.

2. Tổng quan vấn đề nghiên cứu

Bảng 1. Mô hình nghiên cứu đề xuất

BIẾN ĐỘC LẬP

     BIẾN PHỤ THUỘC

     BIẾN QUAN SÁT CỦA BIẾN PHỤ THUỘC

Đặc điểm tín dụng của chủ doanh nghiệp (CDN)

Khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DNNVV (VTD)

Doanh nghiệp có khả năng tiếp cận đa dạng các nguồn vốn của các tổ chức tín dụng

Tính pháp lý tài sản thế chấp của doanh nghiệp (PLTS)

Doanh nghiệp có khả năng tiếp cận tối đa các thông tin tín dụng từ các tổ chức tín dụng

Mục đích sử dụng vốn vay của doanh nghiệp (PAKD)

Doanh nghiệp có khả năng hoàn thành dễ dàng các thủ tục vay vốn từ các tổ chức tín dụng

Khả năng doanh nghiệp tạo ra thu nhập để hoàn trả nợ vay hay năng lực kinh doanh của doanh nghiệp (NLKD)

Doanh nghiệp có khả năng tiếp cận tối đa lượng vốn vay từ các tổ chức tín dụng

Định hướng kinh doanh trong tương lai của doanh nghiệp (DHKD)

Nguồn: Tác giả tổng hợp các nghiên cứu và tham khảo ý kiến chuyên gia

Các giả thuyết được xây dựng như sau:

Thứ nhất, giả thuyết về đặc điểm tín dụng của chủ doanh nghiệp (CDN) tác động đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DNNVV. Các tổ chức tín dụng quyết định cấp tín dụng và cấp bao nhiêu dựa trên tập hợp các thông tin mà họ nhận được từ người đi vay như đặc điểm của người đi vay, lịch sử khả năng trả nợ, tài sản thế chấp của người vay, mục đích sử dụng tiền và nợ vay (Hoff  and Stiglitz, 1990).

Thứ hai, về tính pháp lý tài sản thế chấp của doanh nghiệp (PLTS) có tác động thuận chiều đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DNNVV. Kết quả nghiên cứu của Fatoki & Smit (2011) chỉ ra việc thiếu tài sản bảo đảm thường dẫn đến việc từ chối các đơn đi vay từ các tổ chức tài chính. Hay nói một cách khác, có một mối quan hệ tương đồng đáng kể giữa việc thiếu tài sản bảo đảm và sự không sẵn có các khoản nợ ngân hàng. Mặt khác, quy mô tài sản chưa đủ điều kiện để đánh giá là yếu tố tác động đến khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của DNNVV.

Thứ ba, theo đánh giá của ngân hàng, nguyên nhân hiện nay các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn chủ yếu từ phía doanh nghiệp; yếu tố được các ngân hàng xem xét đầu tiên là phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo kết quả nghiên cứu của Trần Thị Ngọc Tuyền (2013). Nghiên cứu của Nguyễn Hồng Hà (2013) cho thấy phương án kinh doanh tốt sẽ giúp DNNVV dễ dàng tiếp cận vốn hơn với hạn mức cao hơn. Theo Shaw & Pretorius (2004) đã chỉ ra, thông tin tài chính là một trong những chỉ tiêu chính để đo lường khả năng trả nợ tín dụng của một doanh nghiệp. Thông tin tài chính và kinh doanh thường được thể hiện trong kế hoạch kinh doanh của các SMEs để cung cấp thông tin cho các định chế tài chính khi doanh nghiệp đi vay. Thông tin này được sử dụng để xác định hiệu suất hiện tại và dự đoán hiệu suất tương lai. Nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Hồ Phương Thảo, Phạm Thị Hồng Quyên, Lê Hoàng Anh, Phạm Thị Thanh Xuân (2020) chỉ ra rằng kế hoạch kinh doanh tác động tích cực đến khả năng tiếp cận vốn trung, dài hạn ngân hàng của các DNNVV. Từ đó hình thành giả thuyết thứ ba, phương án kinh doanh (PAKD) có tác động thuận chiều đến động đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DNNVV.

Thứ tư, năng lực kinh doanh (NLKD) có tác động thuận chiều đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DNNVV. Theo nghiên cứu của Võ Thị Thảo Vi (2021), khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của các DNNVV chịu ảnh hưởng của các yếu tố như tỷ suất lợi nhuận, tỷ số nợ. Theo kết quả khảo sát của hầu hết các chuyên gia được phỏng vấn trong nghiên cứu của tác giả Đặng Thị Huyền Hương (2016), nhân tố tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNVV rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự tiếp cận nguồn vốn vay của DNNVV. Sự thiếu minh bạch trong hạch toán và quản trị tài chính tạo ra sự bất đối xứng về thông tin hoặc thiếu thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa khiến cho nhóm khách hàng DNNVV được xem như rủi ro hơn so với doanh nghiệp lớn có sự minh bạch và đầy đủ về thông tin. Do mức độ tin tưởng đối với DNNVV thấp nên các ngân hàng thường đòi hỏi về thế chấp và các điều kiện vay đối với nhóm này cao hơn các doanh nghiệp.

Thứ năm, định hướng kinh doanh (DHKD) trong tương lai của doanh nghiệp có tác động thuận chiều đến khả năng tiếp cận vốn vay. Định hướng kinh doanh được hiểu là quá trình xây dựng những nhiệm vụ, mục đích dài hạn, cũng như các phương pháp tối ưu nhất cho doanh nghiệp. Theo Hồ Kỳ Minh và cộng sự (2013), phương án kinh doanh không khả thi vì hạn chế về tầm nhìn, không có chiến lược cụ thể, rõ ràng, làm cho rất nhiều DNNVV không có kế hoạch kinh doanh cụ thể trong ngắn hạn và chiến lược trong dài hạn, từ đó khó tiếp cận nguồn vốn vay.

3. Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ tại thành phố Nha Trang giai đoạn 2021 - 2023

Để thực hiện đánh giá khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa tại thành phố Nha Trang, tác giả đã thiết kế khảo sát các doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa, sử dụng thang đo Likert (5 lựa chọn), các mức đánh giá theo thang đo này như sau: 1 = “rất không đồng ý”, 2 = “không đồng ý”, 3 = “bình thường’, 4 = “đồng ý”, 5 = “rất đồng ý”.

Nhóm nghiên cứu đã phát khảo sát 232 DNNVV và thu về được 228 phiếu, đạt tỷ lệ 98,27%. Sau khi loại các phiếu không hợp lệ vì không đúng quy mô và loại hình doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, tổng số phiếu hợp lệ là 201 phiếu.

                                  Bảng 2. Lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp

Chỉ tiêu

Số lượng doanh nghiệp

Tỷ lệ phần trăm (%)

Lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp

Dịch vụ lưu trú (khách sạn, căn hộ cho thuê, Airbnb...)

19

9,5%

Dịch vụ lữ hành và các dịch vụ trung gian (văn phòng, đại lý tour/vé máy bay/vé tàu/vé tham quan…)

28

13,9%

Dịch vụ vận chuyển (grab, xe taxi, xe du lịch, xe vận chuyển…)

24

11,9%

 

Dịch vụ ăn uống (café/nhà hàng/thức ăn nhanh..)

31

15,4%

 

Dịch vụ làm đẹp và chăm sóc sức khỏe (nail/spa/gym/salon tóc…)

26

12,9%

 

Dịch vụ vui chơi giải trí (bar/lounge/pub/karaoke…)

24

11,9%

 

Dịch vụ tiêu dùng du lịch (shop, siêu thị, bán và cho thuê các thiết bị du lịch…)

23

11,5%

 

Dịch vụ thể thao du lịch trên biển (nhảy dù/cano/lặn/môto/du thuyền…)

11

5,5%

 

Tổ chức sự kiện (quay phim, chụp ảnh, tổ chức tiệc, sự kiện..)

13

6,5%

 

Mục khác:

2

1%

Tổng

201

100,0%

Nguồn: Tác giả thực hiện

Theo dữ liệu khảo sát, doanh nghiệp kinh doanh du lịch nhỏ và vừa tại thành phố Nha Trang được phân bố rộng rãi ở tất cả các lĩnh vực dịch vụ lưu trú (9,5%), dịch vụ lữ hành và các dịch vụ trung gian (13,9%), dịch vụ vận chuyển (11,9%), dịch vụ ăn uống (15,4%), dịch vụ làm đẹp và chăm sóc sức khỏe (12,9%), dịch vụ vui chơi giải trí (11,9%), dịch vụ tiêu dùng du lịch (11,5%), dịch vụ thể thao du lịch trên biển (5,5%), tổ chức sự kiện (6,5%). Nhóm khách hàng chính của doanh nghiệp là khách địa phương (49,8%), khách du lịch trong nước (25,9%), khách du lịch nước ngoài (18,4%), du khách nước ngoài sinh sống tại Việt Nam (4%). Về hình thức pháp lý của doanh nghiệp, kết quả nghiên cứu tổng hợp được công ty trách nhiệm hữu hạn (54,7%), công ty cổ phần (9%), doanh nghiệp tư nhân (30,85%), doanh nghiệp có vốn nhà nước (1%), doanh nghiệp FDI (1%), doanh nghiệp liên doanh (2%), doanh nghiệp hợp danh (1%). Trong giai đoạn 2021-2023, 10,9% số doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay ít nhất một lần, 41,8% số doanh nghiệp được khảo sát có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay từ 2-3 lần, 43,3% số doanh nghiệp được khảo sát có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay trên 3 lần cho thấy nhu cầu vay vốn của các DNNVV tăng mạnh sau dịch bệnh Covid-19. Về kênh bổ sung vốn, 65,7% DNNVV bổ sung vốn tín dụng qua kênh truyền thống là ngân hàng, 22,4% lựa chọn cách thức bổ sung vốn qua vay mượn từ người thân, bạn bè, 10,9 % chọn hình thức vay từ tổ chức tín dụng khác ngoài ngân hàng và 0.5% lựa chọn hình thức cho vay tín dụng đen. Phần lớn doanh nghiệp được khảo sát đều đang có khoản vay tại ngân hàng chiếm tỷ lệ khảo sát 95,5%, chỉ 4,5% DNNVV được khảo sát đang không có khoản vay tại ngân hàng. Doanh nghiệp thường vay vốn để bổ sung vốn lưu động (15,4%); sửa chữa/nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị (31,3%); tái đầu tư cho doanh nghiệp (33,8%), đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh khác (11,4%), đầu tư kinh doanh bất động sản (5,5%), trả nợ cho doanh nghiệp hoặc cá nhân (2%).

Đánh giá về đặc điểm tín dụng của chủ doanh nghiệp (CDN), nghiên cứu sẽ đo lường thông qua các chỉ tiêu: người đại diện doanh nghiệp chưa từng bị dính nợ xấu hay nhảy nhóm nợ trong bất kỳ khoản vay nào trước đây từ ngân hàng (CDN1), người đại diện doanh nghiệp chưa từng nợ quá hạn thẻ tín dụng của ngân hàng (CDN2), người đại diện doanh nghiệp chưa từng nợ quá hạn thẻ tín dụng của các tổ chức tín dụng ngoài ngân hàng (CDN3), người đại diện doanh nghiệp chưa từng vướng bất kỳ tranh chấp hay kiện tụng nào trước đây (CDN4). Theo đó, số điểm bình quân của các yếu tố này lần lượt là CDN1 đạt 3,94; CDN2 đạt 3.97; CDN3 đạt 4.01; CDN4 đạt 3,91.

Về tính pháp lý của tài sản thế chấp (PLTS), nghiên cứu đo lường qua tài sản đảm bảo hiện đang thuộc sở hữu của doanh nghiệp (PLTS1), tài sản đảm bảo chưa từng được doanh nghiệp thế thấp trong suốt quá trình hoạt động (PLTS2), tài sản đảm bảo chưa từng vướng bất kỳ tranh chấp hay kiện tụng nào trước đây (PLTS3), tại thời điểm vay doanh nghiệp có đủ giấy tờ pháp lý liên quan đến tài sản theo đúng quy định của pháp luật (PLTS4). Theo đó, số điểm bình quân của các yếu tố này lần lượt là PLTS1 đạt 3,79; PLTS2 đạt 4,2; PLTS3 đạt 3,77; PLTS4 đạt 3,96.

Về mục đích sử dụng khoản vay của doanh nghiệp (PAKD), nghiên cứu đo lường thông qua các chỉ tiêu phương án sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp là khả thi, linh hoạt với biến động của thị trường và các rủi ro khác (PAKD1), doanh nghiệp có phương án trả nợ khả thi (PAKD2), phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đúng mục đích với yêu cầu của nguồn vốn huy động (PAKD3). Theo đó, số điểm bình quân của các yếu tố này lần lượt là PAKD1 đạt 4,16; PAKD2 đạt 3,94; PAKD3 đạt 3,91.

Về đánh giá khả năng doanh nghiệp tạo ra thu nhập để hoàn trả nợ vay hay năng lực kinh doanh của doanh nghiệp (NLKD) nghiên cứu đo lường thông qua các chỉ tiêu doanh nghiệp có nguồn doanh thu ổn định (NLKD1), tại thời điểm vay doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh có lợi nhuận (NLKD2), thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp được người tiêu dùng biết đến nhiều (NLKD3), tài sản của doanh nghiệp luôn đảm bảo đủ thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp (NLKD4). Theo đó số điểm bình quân của các yếu tố này lần lượt là NLKD1 đạt 4,26; NLKD2 đạt 3,89; NLKD3 đạt 3,84, NLKD4 đạt 3,97.

Về định hướng kinh doanh hay kế hoạch kinh doanh trong tương lai của doanh nghiệp (DHKD), nghiên cứu đo lường thông qua doanh nghiệp có kế hoạch tăng lương cho nhân viên trong 2 năm tiếp theo (DHKD1), doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 2 năm tiếp theo (DHKD2), doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư thêm lĩnh vực mới trong thời gian tới (DHKD3). Theo đó, số điểm bình quân của các yếu tố này lần lượt là DHKD1 đạt 3,85; DHKD2 đạt 3,99; ĐHKD3 đạt 4,01.

4. Kết luận và một số giải pháp đề xuất nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn vay

Nhìn chung giai đoạn sau dịch Covid-19 hầu hết các doanh nghiệp đều có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay. Lí giải về điều này, trong giai đoạn dịch bệnh, các cơ sở kinh doanh du lịch đều chịu ảnh hưởng nặng nề, không có khách du lịch dẫn đến các cơ sở phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng... chủ doanh nghiệp phải tự bỏ tiền túi hay bán thanh lý tài sản để duy trì hoạt động kinh doanh và trả lương nhân viên. Sau khi dịch bệnh qua đi, lúc này nguồn vốn của doanh nghiệp đã cạn kiệt dẫn đến nhu cầu tiếp cận vốn vay của các DNNVV để tái đầu tư sản xuất kinh doanh tăng mạnh. Từ kết quả nghiên cứu này, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của DNNVV như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần có lịch sử tín dụng tốt. Khi xét duyệt khoản vay, ngân hàng sẽ đánh giá lịch sử điểm tín dụng (CIC) - chỉ số đánh giá độ uy tín và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có nợ xấu hoặc nợ quá hạn khiến điểm tín dụng thấp sẽ khó tiếp cận được khoản vay. Ngược lại, doanh nghiệp với điểm lịch sử tín dụng cao có khả năng vay vốn dễ dàng hơn. Như vậy, bản thân chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp cần có trách nhiệm với các khoản nợ vay trong quá khứ để không ảnh hưởng đến lịch sử điểm tín dụng (CIC), từ đó nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn vay.

Thứ hai, doanh nghiệp cần có hồ sơ tài chính minh bạch. Tổ chức tín dụng sẽ căn cứ vào hồ sơ tài chính như báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động kinh doanh, ngân hàng để đánh giá sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Cụ thể, ngân hàng tiến hành xem xét doanh thu, lợi nhuận, nợ phải trả và các chỉ số tài chính quan trọng khác. Nếu doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng cần minh bạch hồ sơ tài chính, điều đó cho thấy sự ổn định và lịch sử kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tạo niềm tin cho các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng cũng sẽ căn cứ vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ, kế hoạch sử dụng vốn tương lai từ đó phân tích về khả năng tài chính trả nợ đúng hạn của doanh nghiệp. Đây là tiêu chí quan trọng để tổ chức tín dụng phê duyệt khoản vay nhằm tránh rủi ro.

Thứ ba, doanh nghiệp nên tập trung ưu tiên các hoạt động giao dịch tại một ngân hàng để tạo lịch sử tín dụng tốt tại ngân hàng đó, từ đó tăng khả năng được duyệt khoản vay theo yêu cầu của doanh nghiệp. Thường khi xét duyệt tài khoản vay, tổ chức tín dụng sẽ yêu cầu doanh nghiệp sao kê tài khoản ngân hàng, đây là bảng thống kê chi tiết các giao dịch trong tài khoản của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian. Bảng sao kê giúp tổ chức tín dụng kiểm tra tính chính xác của các giao dịch và lượng tiền giao dịch của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp nên tập trung hoạt động giao dịch tại một ngân hàng, hạn chế việc sử dụng tiền mặt, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay.

Thứ tư, trong trường hợp doanh nghiệp đi vay thế chấp bằng tải sản, cần đảm bảo tính pháp lý của tài sản đi vay. Doanh nghiệp phải đảm bảo đủ giấy tờ pháp lý liên quan đến tài sản thế chấp, đảm bảo tài sản không bị tranh chấp và cán bộ thẩm định có thể tiếp cận tài sản vay thế chấp bất kỳ lúc nào.

Thứ năm, doanh nghiệp cần có định hướng kinh doanh dài hạn. Du lịch là ngành dịch vụ và chịu sự chi phối của tính mùa vụ, thời tiết, nhu cầu thị trường khách, các yếu tố dịch bệnh... Vì thế, doanh nghiệp cần trang bị định hướng kinh doanh gồm những phương án và chiến lược tăng trưởng trong dài hạn cũng như khả năng ứng phó với những rủi ro, biến động của thị trường. Từ đó tạo niềm tin cho tổ chức tín dụng về việc doanh nghiệp có khả năng kinh doanh lâu dài, bền vững. khi đó doanh nghiệp sẽ tiếp cận nguồn vốn vay được dễ dàng hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Hồng Thu, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Thị Lệ Hằng, Đào Quyết Thắng, Đào Lê Kiều Oanh (2023). Nâng cao khả năng tiếp cận vốn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Luận văn, Trường Đại học Thủ Dầu Một.
  2. Võ Thị Thảo Vi (2021). Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay Ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Nguyễn Hồ Phương Thảo, Phạm Thị Hồng Quyên, Lê Hoàng Anh, Phạm Thị Thanh Xuân (2020). Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn trung dài hạn ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, số 5C, 155-174.
  4. Trần Thị Ngọc Tuyền (2013). Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đề tài cấp Trường, Trường Đại học Trà Vinh.
  5. Đặng Thị Huyền Thương (2016). Các nhân tố ảnh hưởng đến sự tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội. Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội.
  6. Nguyễn Hồng Hà (2013). Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 9, 37-45.
  7. Hồ Kỳ Minh, Võ Thị Thúy Anh, Lê Thị Hồng Cẩm (2013). Đánh giá sự tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp trên địa bàn miền Trung- Tây Nguyên. Tạp chí Kinh tế Xã hội Đà Nẵng, số 33, 33-39
  8. Fatoki O. O., & Smit A. V. A. (2011). Constraints to credit access by new SMEs in South Africa: A supply-side analysis. African Journal of Business Management, 5(4), 1413-1425
  9. Shaw G., & Pretorius M. (2004). Business plans in bank decision-making when financing new ventures in South Africa. South African Journal of Economic and Management Sciences, 7(2), 221-241.
  10. Hoff Karla; Stiglitz Joseph E. (1990). Introduction: Imperfect information and rural credit markets - puzzles and policy perspectives. The World Bank economic review, 4(3), 235-250.

Enhancing loan accessibility for small and medium-sized tourism enterprises

in Nha Trang City in the period 2021 - 2023

Master. Tran Thi Minh Tho

Khanh Hoa University

Abstract:

Small and medium-sized enterprises (SMEs) are vital to the socio-economic development, industrialization, and modernization of Vietnam. During the period 2021 - 2023, many SMEs in Nha Trang’s tourism sector had faced significant challenges in securing loans from credit institutions. This study analyzed the current loan accessibility of these tourism SMEs in Nha Trang during this period and proposed targeted solutions to enhance their access to financing. By addressing these financial barriers, the study aimed to support the growth and resilience of tourism SMEs in Nha Trang and contribute to the broader economic development of the region.

Keywrods: small and medium-sized enterprises, tourism, access to loans, Nha Trang city.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2024]