Bảo tồn, phát huy kinh lá buông trong du lịch tâm linh chùa Khmer ở Nam bộ

Bài báo Bảo tồn, phát huy kinh lá buông trong du lịch tâm linh chùa Khmer ở Nam bộ do TS. Hồ Văn Tường (Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Kinh lá buông là loại kinh viết trên lá buông, được người Khmer Nam Bộ lưu giữ trong các ngôi chùa Khmer ở miền Nam Việt Nam. Hiện nay, cây lá buông trở nên khó tìm, loại chữ viết trên lá buông ít người biết, người rành kỹ thuật chế biến lá buông để viết và thông thạo kỹ thuật viết chữ lên lá buông cũng không còn nhiều. Trong khi đó, kinh lá buông chính là kho tàng tri thức dân gian của người Khmer Nam Bộ và chưa được khai thác đến nơi đến chốn. Do đó, công việc tìm ra các giải pháp công nghệ hiện đại để lưu giữ lâu dài, cũng như quảng bá sâu rộng giá trị của kinh lá buông là việc làm cấp bách hiện nay. Bên cạnh đó là lập hồ sơ khoa học về kinh lá buông để Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tạo sức hút khách du lịch đến với chùa Khmer nhiều hơn, góp phần cho công việc bảo tồn kinh lá buông tốt hơn.

Từ khóa: kinh lá buông, bảo tồn, người Khmer Nam Bộ, tri thức dân gian.

 1. Đặt vấn đề

Kinh lá buông (tiếng Khmer là satra) là loại thư tịch cổ được viết bằng chữ Khmer cổ hay chữ Pali trên lá buông, xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, hay trước đó. Theo sử sách ghi lại vào thế kỷ XIII, Châu Đạt Quan, một sứ thần Trung Quốc, trong chuyến công du sang Chân Lạp (Lê Hương, 1973), đã ghi nhận về kinh lá buông của các vị sư người Khmer như sau: “Kinh sách sư đọc có rất nhiều, tất cả đều viết trên lá gồi chồng lên nhau thật đều đặn” (Châu Đạt Quan, 1973). Kinh lá gồi mà tác giả Châu Đạt Quan nói trên chính là loại lá lấy từ cây lá buông có hình dáng giống cây cọ, hay cây thốt nốt. Do lá buông có độ bền cao, để lâu ít bị mục, cũng như ít bị mối mọt ăn, cho nên dù trải qua nhiều thế kỷ mà những kinh Phật, hay tài liệu cổ được ghi trên lá buông vẫn còn được lưu giữ và còn nguyên giá trị. Bên cạnh đó, kinh lá buông được viết bằng loại bút có ngòi sắt nhọn để khắc họa từng chữ vào tờ lá buông đã qua công đoạn chế tác khá kỳ công. Tiếp theo là công đoạn tẩm mực lên bề mặt để ngấm vào những chữ viết đã được khắc sâu trên lá buông. Công việc sau cùng là đóng tập, bảo quản và thuyết giảng kinh cho cộng đồng vào các dịp lễ lộc của chùa Phật và của dân tộc Khmer Nam Bộ.

Trong thực tế, ngày nay, cây lá buông ngày càng trở nên khó kiếm, không giống như trước đây vẫn thường thấy nhiều ở khu vực núi Cấm, An Giang. Bên cạnh đó, số người biết rành rọt về kỹ thuật chế biến lá buông thành “giấy viết” cũng như thông thạo kỹ thuật viết kinh trên lá buông ngày càng ít đi do các vị sư lớn tuổi mỗi ngày một ra đi. Ngoài ra, chữ Pali và chữ Khmer cổ ngày nay đã thành loại cổ ngữ không được nhiều người biết đến. Trong khi đó, nội dung của kinh lá buông lại bao trùm toàn bộ lĩnh vực đời sống văn hóa của người Khmer Nam Bộ. Do vậy, công việc bảo tồn, phát huy kinh lá buông là một việc làm cấp thiết cần phải đặt ra hiện nay.

2. Kinh lá buông - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Năm 2017, kinh lá buông ở tỉnh An Giang chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước hết, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về kỹ thuật tạo tác nên kinh lá buông, cũng như nội dung đa dạng của kinh lá buông để hiểu biết tổng quát về loại hình di sản này.

2.1. Những công đoạn tạo tác kinh lá buông

Kinh lá buông trong tiếng Khmer gọi là slấc-rich - nghĩa là một kiểu viết như in ấn, khắc họa trên lá cây buông. Cây lá buông là họ hàng của cây thốt nốt nhưng lá dài và dày hơn. Loại cây này chỉ sinh sống ở vùng núi cao, hiểm trở. Lá buông có độ bền cao, để lâu ít bị mục, cũng như ít bị mối mọt ăn. Xưa kia, các nghệ nhân phải lựa chọn những đọt non lá buông thật thẳng, khi đốn xuống dùng ván ép lại thật chặt rồi mang phơi nắng. Đợi đến khi nào lá héo xuống mới cắt ra thành từng mảnh với chiều ngang 6 cm, dài 60 cm. Đến việc viết lên lá buông cũng phải có một kỹ thuật đặc thù. Đó là dùng mũi sắt thật nhọn làm cây viết khắc lên từng chữ pali hay chữ khmer cổ lên lá buông, rồi lấy mực màu thoa lên lá buông, lau sạch đóng tập thành kinh lá buông để lưu giữ.

Trước đây, vùng Bảy Núi An Giang có nhiều cây lá buông để lấy là làm kinh lá buông, nhưng hiện giờ cây lá buông không còn nhìn thấy ở vùng này nữa. Như vậy, nguyên liệu để viết kinh gần như không còn. Kế đến, công việc chọn lựa và chế biến lá buông thành một loại như “giấy” để viết kinh lên thì không phải ai cũng biết làm. Cách viết kinh, hay nói chính xác hơn là số người biết kỹ thuật khắc họa từng chữ lên lá buông ngày nay đếm không đầy các đầu ngón tay. Thêm nữa, loại chữ pali hay chữ khmer cổ bây giờ cũng không có nhiều người biết. Tóm lại, tất cả những công đoạn để tạo tác nên kinh lá buông trong thời buổi ngày nay không thể thực hiện được một cách dễ dàng.

2.2. Tính nhân văn của nội dung kinh lá buông

Tuy nhiên, phải nói rằng kinh lá buông là một loại tri thức dân gian, bên trong ẩn chứa cả một kho tàng vô giá của tri thức nhân loại đó chính là Kinh Phật, chứa đựng giá trị về kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer (Thông Tấn Xã Việt Nam, 2021).

Kinh lá buông có nội dung khá rộng rãi, nào là thơ ca, sử thi, triết học, văn học, ngữ pháp, lịch pháp, cúng tế, y học, những điều răn dạy, nào là những câu chuyện kể về các hiện tượng của đời sống xã hội, hoặc những chủ đề khác. (Vương Trung Hiếu, 2021). Có khi quyển kinh lá buông còn chép những câu chuyện ngụ ngôn, chuyện dân gian về cách sống tốt (Quốc Dũng, 2010), ghi những lời cha mẹ, ông bà khuyên bảo con cháu (Lê Hương, 1969: trang 181). Kinh lá buông còn chứa đựng nhiều triết lý sống, nhân sinh quan, dạy con người biết tu tâm, dưỡng tính theo tinh thần giáo lý Phật giáo qua các Phật thoại, giáo dục đạo đức xã hội, răn dạy con người sống hiền lành, nhân ái, làm điều lành (Đăng Phương, 2023). Kinh lá buông chép cả những truyện cổ tích gốc Bà la môn; những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, câu nói lái… của người Khmer Nam Bộ. (Viện Văn Hóa, 1988: trang 47, 48).

Kinh lá buông thường chỉ được mở ra đọc lại, thuyết pháp vào những dịp quan trọng như các ngày lễ, tết cổ truyền như tết Chol Chnam Thmay, lễ Phật Đản, lễ dâng bông, lễ dâng y cà sa, lễ cúng trăng, lễ cúng ông bà,… của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer (Vương Trung Hiếu, 2021), (Quốc Dũng, 2010).

3. Giải pháp bảo tồn cấp thiết kinh lá buông trong tình hình hiện nay

Căn cứ vào sự phân tích đã nêu trong phần “Những công đoạn tạo tác kinh lá buông” ở trên, chúng ta thấy “nhiều năm qua, kinh lá buông không còn được viết, bởi không còn nguồn lá buông” (Thông Tấn Xã Việt Nam, 2021). Từ đó, kỹ thuật viết trên lá buông ngày càng mai một. Thêm nữa, số người học và biết chữ Pali, chữ Khmer cổ mỗi ngày một ít đi. Cho nên số người đọc được kinh lá buông thuộc vào loại khan hiếm. Do vậy, việc bảo tồn kinh lá buông hiện nay là một việc làm cấp thiết.

3.1. Giải pháp chụp ảnh kinh lá buông, lưu giữ lâu dài bằng công nghệ thông tin

Ngày nay, sự phát triển khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ. Đây chính là thời cơ để chúng ta cần nhanh chóng chụp ảnh tất cả các bản kinh lá buông, sau đó sắp xếp theo từng bộ, từng thể loại để lưu giữ lâu dài bằng công nghệ thông tin, không sợ mất mát, không sợ bị hư hỏng như trước nữa. Có như vậy mới góp phần lưu giữ những cổ vật liên quan đến tri thức của dân tộc Khmer Nam Bộ cho đời sau.

3.2. Giải pháp phiên dịch kinh lá buông sang tiếng Khmer hiện đại, chữ quốc ngữ

“Về hình thức, kinh lá buông được khắc trên lá buông bằng hai loại chữ là chữ Pali và Khmer cổ” (Nguyễn Văn Lùng, Nguyễn Thị Tâm Anh, 2021). Hai loại chữ này quá cổ xưa, cho nên, ngày nay, tìm người đọc được thông thạo không phải là dễ. Do vậy, giải pháp cấp bách tiếp theo là phiên dịch toàn bộ kinh lá buông sang chữ Khmer hiện đại, dịch sang chữ quốc ngữ và dịch sang cả ngôn ngữ Anh, loại ngôn ngữ thông dụng nhất trên thế giới. Sau đó các bản dịch, một mặt đem in thành sách giấy để phổ biến rộng rãi hơn, một mặt khác đưa lên mạng internet để quảng bá khắp hành tinh về một loại hình di sản độc đáo: “kinh lá buông” hiện có tại Việt Nam.

3.3. Giải pháp lập hồ sơ khoa học về kinh lá buông

Các phòng Bảo tồn di sản văn hóa của những tỉnh, thành phố ở Việt Nam có chùa Khmer còn lưu giữ kinh lá buông cần cấp thiết phối hợp lập hồ sơ khoa học về kinh lá buông, chuyển về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trình Unesco công nhận kinh lá buông là di sản ký ức nhân loại cần bảo vệ, để tranh thủ sự đồng thuận của nhiều ngành trong và ngoài nước về việc bảo tồn kinh lá buông, đồng thời tạo nên sự hấp dẫn khách trong và ngoài nước đến tham quan các ngôi chùa có lưu giữ kinh lá buông để chiêm ngưỡng một loại hình di sản đặc thù của nhân loại.

3.4. Giải pháp quảng bá du lịch sâu rộng về kinh lá buông

Ngày nay, hệ thống internet đã đưa con người trên hành tinh gần nhau hơn. Đó cũng là điều kiện để giới thiệu, quảng bá kinh lá buông đến du khách trong và ngoài nước, cũng như biết đến những ngôi chùa hiện còn đang lưu giữ được những bộ kinh lá quý hiếm để tìm đến chiêm ngưỡng một bảo vật văn hóa độc đáo của người Khmer Nam Bộ.

Nhân dịp này, việc tập huấn kỹ thuật viết chữ lên lá buông cũng cần phải tiến hành song song, để một mặt có thế hệ những người nối tiếp việc viết kinh trên lá, đồng thời mặt khác biểu diễn viết kinh trên lá buông cho du khách xem. Đặc biệt hơn là hướng dẫn cho du khách trải nghiệm kỹ thuật viết kinh trên lá… chắc chắn sẽ là một sự lý thú cho bất cứ du khách nào, bởi vì thực tế cho thấy những chương trình du lịch có trải nghiệm luôn mang lại sự thành công thu hút được nhiều du khách đến thăm quan. Điều đó như là một xu hướng mới trong phát triển du lịch thời hiện đại.

4. Kết luận

Kinh lá buông từ bao đời nay đã là bảo vật của người Khmer Nam Bộ. Trong tình hình nguồn nguyên liệu lá buông ngày càng khó tìm, hệ thống chữ pali và chữ khmer cổ sử dụng khắc trên kinh lá buông ngày nay hiếm người hiểu biết, kỹ thuật viết trên lá buông cũng gần như thất truyền… cho nên những giải pháp về bảo tồn và phát huy kinh lá buông bằng công nghệ thông tin số hóa là một việc làm mang tính cấp thiết, nhằm bảo tồn nguyên vẹn giá trị của kinh lá buông cũng như quảng bá rộng rãi và lâu dài cho mọi người hiện tại và mai sau biết tới và tự hào về một bản sắc văn hóa độc đáo của người Khmer Nam Bộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc Dũng (2010), Kỳ công kinh lá, Báo Giác Ngộ, Truy cập tại https://giacngo.vn/ky-cong-kinh-la-post10078.html

2. Vương Trung Hiếu (2021), Phát hiện Kinh Phật thời cổ đại được viết trên lá thốt nốt, Báo Thanh niên điện tử, Truy cập tại https://thanhnien.vn/phat-hien-kinh-phat-thoi-co-dai-duoc-viet-tren-la-thot-not-1851095848.htm

3. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Nhà xuất bản Văn Đàn, Sài Gòn, trang 181.

4. Nguyễn Văn Lùng, Nguyễn Thị Tâm Anh (2021), Kinh lá buông: di sản văn hóa phi vật thể của người Khmer An Giang, Truy cập tại https://thanhdiavietnamhoc.com/kinh-la-buong-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cua-nguoi-khmer-an-giang/

5. Đăng Phương (2023), Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer tỉnh An Giang”, Cổng Thông tin điện tử tỉnh An Giang; Truy cập tại https://angiang.gov.vn/wps/wcm/connect/an+giang+portal-vi/sa-tintuc/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-tri-thuc-va-ky-thuat-viet-chu-tren-la-buong-cua-nguoi-khmer-tinh-an-giang

6. Châu Đạt Quan (1973), Chân Lạp phong thổ ký, Nhà xuất bản Kỷ nguyên mới.

7. Thông tấn xã Việt Nam (2021), Số hóa di sản chữ viết trên lá Buông của người Khmer, Báo Pháp luật, Truy cập tại https://baophapluat.vn/so-hoa-di-san-chu-viet-tren-la-buong-cua-nguoi-khmer-post421471.html

8. Thông tấn xã Việt Nam (2021), Sẽ số hóa các di sản chữ viết trên kinh lá buông trong đó có kinh Phật của người Khmer, báo Tuổi trẻ, truy cập tại https://tuoitre.vn/se-so-hoa-cac-di-san-chu-viet-tren-la-buong-trong-do-co-kinh-phat-cua-nguoi-khmer-2021111207425506.htm

9. Viện Văn hóa (1988), Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Nhà xuất bản Tổng hợp Hậu Giang, Cần Thơ.

Preserving and promoting palm leaf sutra in the context of spiritual tourism at Southern Khmer pagodas

Ph.D Ho Van Tuong

Industrial University of Ho Chi Minh City

Abstract:

The palm leaf sutra, a unique form of Khmer cultural heritage, consists of sutras written on palm leaves and preserved in Khmer pagodas in Southern Vietnam. However, the tradition faces significant challenges due to the scarcity of palm leaves, diminishing expertise in palm leaf processing, and the waning knowledge of writing techniques. These sutras, which embody a rich repository of folk knowledge, remain underutilized and at risk of being lost. Addressing this issue requires the development of modern technological solutions for long-term preservation and the promotion of the sutra's cultural and historical value. Furthermore, establishing a comprehensive scientific dossier on the palm leaf sutra is essential for its recognition by UNESCO as an intangible cultural heritage of humanity. Such recognition could enhance efforts to preserve the sutras while attracting more tourists to Khmer pagodas, thereby fostering cultural conservation and appreciation.

Keywords: palm leaf sutra, conservation, Southern Khmer people, folk knowledge.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]

Tạp chí Công Thương