Nâng cao vai trò của cộng đồng trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt

TS. LÊ MẠNH TUYẾN - ThS. MAI THỊ CHÚC HẠNH (Khoa Luật - Trường Đại học Ngoại thương)

TÓM TẮT:

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Để thực hiện hiệu quả các nội dung của quản lý chất thải sinh hoạt cần có sự tham gia tích cực của các chủ thể gồm có: cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt trên lãnh thổ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng là một trong những chủ thể quan trọng đóng vai trò tích cực trong quản lý chất thải rắn. Trong bài viết này, tác giả nêu và phân tích khái niệm cũng như vai trò của cộng đồng trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, từ đó đề xuất biện pháp nâng cao vai trò của cộng đồng trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Từ khóa: Cộng đồng, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường.

I. Khái quát về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

1. Khái niệm quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học đưa ra khái niệm về chất thải như sau:“Chất thải là rác và những đồ vật bị bỏ đi nói chung” (Viện Ngôn ngữ, 2004). Khái niệm này lại chỉ dẫn đến “rác” và “những đồ vật bị bỏ đi”, rác là một từ ngữ dân sinh được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày, dùng để chỉ những vật chất mà con người thải bỏ.

Theo Từ điển môi trường Anh - Việt và Việt Anh, “chất thải (watste) là bất kỳ chất gì, rắn, lỏng hoặc khí mà cơ thể hoặc hệ thống sinh ra nó không còn sử dụng được nữa và cần có biện pháp thải bỏ”. Với khái niệm này, tác giả đã căn cứ vào các tính chất của vật chất để nêu lên nội dung, do đó chi tiết hơn khái niệm đầu tiên.

Theo khoản 12 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác (Quốc hội, 2014). Luật Bảo vệ môi trường được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường, do đó khái niệm này được đưa ra dựa trên cơ sở xác định các lĩnh vực phát sinh chất thải bao gồm: hoạt động sản xuất, hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ, hoạt động sinh hoạt của con người và các hoạt động khác. Khái niệm này là một trong những cơ sở để phân loại chất thải nhằm thực hiện các mục tiêu quản lý chất thải của các chủ thể có liên quan.

Trên cơ sở các khái niệm nêu trên, chúng ta có thể phân loại chất thải gồm có chất thải rắn, nước thải và khí thải.

Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc sệt (còn gọi là bùn thải) được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác1 (Chính phủ, 2015).

Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người2  (Chính phủ, 2015). Khái niệm này tương đối thông dụng, tuy nhiên chưa bao hàm được các tính chất đặc trưng của chất thải rắn sinh hoạt như: có thể phân loại (chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ và vô cơ), chất thải rắn sinh hoạt có đặc tính nguy hại và chất thải rắn sinh hoạt thông thường.

Để khắc phục được điểm yếu trên, có thể đưa ra khái niệm chất thải rắn sinh hoạt như sau:

Chất thải rắn sinh hoạt là chất thải ở thể rắn hoặc sệt phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người, bao gồm chất thải rắn vô cơ và chất thải rắn hữu cơ.

Hiện nay, tại Việt Nam, chất thải rắn sinh hoạt là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, chất thải rắn sinh hoạt không được phân loại tại các hộ gia đình gây ra tình trạng quá tải cho quá trình xử lý tại các công ty dịch vụ môi trường. Chất thải rắn sinh hoạt bị vứt bừa bãi không đúng giờ và không đúng nơi quy định dẫn đến tình trạng ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí,… Tất cả những vấn đề trên đặt ra nhu cầu cấp thiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Để làm rõ khái niệm này, trước hết cần hiểu rõ thế nào là quản lý chất thải?

Quản lý chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải (Chính phủ, 2015). Theo khái niệm này có thể suy ra, quản lý chất thải rắn sinh hoạt là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu các giai đoạn phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

2. Nội dung của quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Từ khái niệm về quản lý chất thải rắn sinh hoạt nêu trên, có thể suy ra các nội dung cơ bản của quản lý chất thải rắn sinh hoạt gồm có:

Thứ nhất, quản lý chất thải rắn sinh hoạt trước hết được đặt ra với mục tiêu phòng ngừa, giảm thiểu và giám sát sự phát sinh chất thải rắn sinh hoạt.

Thứ hai, quản lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm tất cả các quá trình từ phân loại chất thải rắn sinh hoạt như thế nào; Phương thức thu gom, vận chuyển ra sao; Cách thức tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện như thế nào; Sau đó, các chất thải rắn sinh hoạt còn lại được xử lý triệt để tại đâu và bằng phương pháp nào.

Để thực hiện hiệu quả các nội dung của quản lý chất thải sinh hoạt cần có sự tham gia tích cực của các chủ thể gồm có: cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt trên lãnh thổ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Đây là đối tượng áp dụng của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu. Trong nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đều nhắc đến thuật ngữ cộng đồng, cộng đồng dân cư tuy nhiên lại không có định nghĩa cụ thể về thuật ngữ này,  cũng như vai trò của cộng đồng và cũng không đưa cộng động vào các đối tượng điều chỉnh. Điều này đặt ra không ít khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật. Vậy cộng đồng là gì, cộng đồng có đồng nghĩa với cộng đồng dân cư như thế nào, là tổ chức hay cá nhân. Đây cũng là vấn đề cần làm rõ khi nghiên cứu vai trò của cộng đồng dân cư trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

II. Khái quát về cộng đồng

1. Các quan niệm về cộng đồng

Cộng đồng được khái niệm như là một hệ thống xã hội, một nhóm người cùng có những đặc điểm chung. Ví dụ: đặc quyền, đặc lợi, sống với nhau, cùng chia sẻ những tài nguyên và lợi ích chung,… Nói một cách khác, cộng đồng là một nhóm người cùng sống với nhau trong một khu vực nhất định, họ có chung đặc điểm về tâm lý, tác động qua lại và sử dụng các tài nguyên vốn có để đạt được mục đích chung (Phí Minh Hồng, 2005).

Cộng đồng được đề cập trong Sổ tay hướng dẫn phát triển cộng đồng do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ xuất bản: Là nhóm người sống trong phạm vi thôn, bản, các xã, phường của khu vực nông thôn và thành thị, đặc biệt là các vùng nông thôn vùng sâu, vùng xa. Cộng đồng có những điểm giống nhau, có chung các mối quan hệ nhất định và cùng chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố tác động và là đối tượng cần được quan tâm trong sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay (Lê Văn An và Ngô Tùng Đức, 2016).

Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường cũng có đề cập đến cộng đồng nhưng không lý giải khái niệm thế nào là cộng đồng, mà chỉ đề cập đến cộng đồng cần được tham vấn trong quá trình xây dựng và thẩm định báo cáo ĐTM, gồm: tham vấn UBND xã, phường, thị trấn nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án (Chính phủ, 2015). Theo Báo cáo của Lê Thạc Cán, Viện Môi trường và Phát triển Bền vững, trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam, cộng đồng cần tham gia tham vấn trong ĐTM quy định như trên không đầy đủ. Ở nước ta, phạm vi hiện nay tác động về tài nguyên môi trường của một dự án phát triển kinh tế - xã hội thường không trùng với biên giới riêng biệt của các xã. Cộng đồng nhân dân cần được tham vấn về báo cáo ĐTM của dự án thường sinh sống tại nhiều xã riêng biệt. Các “xã” này được quản lý bởi các UBND và các tổ chức nhân dân trên cấp xã: huyện, tỉnh - thành phố.

Như vậy, có thể thấy, rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường đề cập đến quyền lợi, trách nhiệm, vai trò của cộng đồng, tuy nhiên thuật ngữ này chưa được lý giải một cách cụ thể. Từ những quan niệm nêu trên về cộng đồng, trong phạm vi bài viết này, tác giả nhận thấy khái niệm cộng đồng trong Sổ tay hướng dẫn phát triển cộng đồng do JICA hỗ trợ xuất bản là chi tiết và phù hợp với mục đích nghiên cứu về vai trò của cộng đồng trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

2. Đặc điểm của cộng đồng

Từ khái niệm cộng đồng có thể nhận thấy các đặc điểm của cộng đồng như sau:

Thứ nhất, cộng đồng có đặc tính đoàn kết xã hội. Điều này thể hiện thông qua việc con người trong cộng đồng thường xuyên trao đổi, bàn bạc để đi đến thống nhất khi giải quyết một vấn đề chung. Từ đó, hiểu rộng hơn đoàn kết xã hội chính là ý thức cộng đồng, đây là ý chí chung phát sinh trong quá trình sinh sống trong cùng phạm vi thôn, bản, các xã, phường của khu vực nông thôn và thành thị.

Thứ hai, cộng đồng có đặc tính liên kết xã hội. Điều này được thể hiện qua những mối quan hệ giữa con người với nhau. Do con người trong một cộng đồng có chung một số mục đích nhất định, do đó sẽ hỗ trợ nhau để cùng đạt được những mục đích của cộng đồng.

III. Mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam với vai trò quyết định của cộng đồng

1. Đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay

Trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường và các đạo luật có liên quan, ngày 17/12/2009, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quan điểm quản lý tổng hợp chất thải rắn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước có vai trò chủ đạo, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác quản lý tổng hợp chất thải rắn.

- Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2015:

+ 85% tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.

+ 50% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý, trong đó 30% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.

+ 30% bùn bể phốt của các đô thị từ loại II trở lên và 10% của các đô thị còn lại được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

+ Giảm 40% khối lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại so với năm 2010.

+ 50% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình.

+ 40% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 50% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

+ 100% các bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ được xử lý.

- Đến năm 2025 mục tiêu mà Chiến lược đặt ra là: 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại, 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng đô thị và 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường. Lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại sẽ giảm 85% so với năm 2010.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam công bố ngày 20/7/2017, tình hình phát sinh và xử lý CTR ở khu vực đô thị vẫn là một trong những vấn đề môi trường nổi cộm trong nhiều năm qua. Theo thống kê, lượng CTR sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày với mức gia tăng trung bình 12% mỗi năm. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị có tỷ lệ hữu cơ vào khoảng 54 - 77%, chất thải có thể tái chế (thành phần nhựa và kim loại) chiếm khoảng 8 - 18%. Chất thải nguy hại (CTNH) còn bị thải lẫn vào chất thải sinh hoạt mang đến bãi chôn lấp là 0,02 ÷ 0,82%. Chất thải rắn y tế phát sinh là 600 tấn/ngày với mức độ gia tăng khoảng 7,6% mỗi năm. Đối với CTR công nghiệp khu vực đô thị, hiện chưa có thống kê con số cụ thể nhưng ước tính khối lượng CTR công nghiệp phát sinh trong các khu vực đô thị khá cao, tập trung ở các ngành cơ khí, dệt may, da giầy và thực phẩm. Ước tính lượng CTNH trong CTR công nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 30%.

Công tác phân loại, thu gom và xử lý CTR đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ thu gom và xử lý CTR sinh hoạt trung bình đạt khoảng 85% vào năm 2014 và tăng lên 85,3% trong năm 2015. Công nghệ xử lý CTR sinh hoạt phổ biến là chôn lấp, ủ phân hữu cơ và đốt. Tại khu vực đô thị, tỷ lệ CTR sinh hoạt được chôn lấp trực tiếp khoảng 34%, tỷ lệ CTR sinh hoạt được tái chế tại các cơ sở xử lý đạt khoảng 42% và lượng CTR còn lại là bã thải của quá trình xử lý được chôn lấp chiếm khoảng 24%. Phần lớn CTR sinh hoạt đô thị chưa phân loại tại nguồn, tại một số đô thị lớn, hoạt động này mới chỉ được triển khai thí điểm tại một số phường, quận.

Đối chiếu các kết quả nêu trên với các mục tiêu mà chiến lược đặt ra, có thể thấy hầu hết các mục tiêu năm 2015 của Chiến lược đều chưa thực hiện được ngoại trừ mục tiêu về tỷ lệ thu gom và xử lý CTR sinh hoạt. Điều này cho thấy vẫn còn tồn tại những hạn chế trong quá trình quản lý CTR sinh hoạt. Một trong những tồn tại lớn đó là ý thức về việc quản lý CTR sinh hoạt của một bộ phận không nhỏ người dân còn chưa cao, thể hiện cụ thể thông qua tình trạng không phân loại chất thải trước khi thải bỏ, vứt rác không đúng giờ và đúng nơi quy định,… Một nguyên nhân trực tiếp nữa dẫn đến tình trạng trên là do hiện nay có quá nhiều túi ni-lông dùng một lần đang bị thải ra môi trường, làm mất mỹ quan môi trường, làm chết động vật dưới nước và làm tắc nghẽn các hệ thống xử lý nước đô thị. Tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng trong những năm qua. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó gồm có các lý do như sau:

Thứ nhất, do người dân sử dụng túi ni-lông ngày càng gia tăng do giá túi ni-lông thấp vì không tính đến chi phí môi trường; Tâm lý chung cho rằng, túi ni-lông là miễn phí, mặc dù đã được tính vào trong giá bán các sản phẩm tiêu dùng;

Thứ hai, do xả rác và tiêu hủy túi ni-lông của người dân không đúng cách bởi vì: Túi ni-lông ít có giá trị tái sử dụng; Ít có nguy cơ bị xử phạt về việc xả rác bừa bãi; Người dân chưa hiểu những nguy hại của chất thải bừa bãi; Không đủ thùng đựng rác tại các điểm du lịch và trên đường phố.

Thứ ba, do hệ thống tiêu hủy/xử lý túi ni-lông còn nhiều hạn chế (Văn phòng Quốc hội, 2012).

2. Vai trò quyết định của cộng đồng trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng chỉ có thể thực hiện được một cách triệt để khi có sự chung tay góp sức của tất cả các chủ thể tác động đến môi trường. Như phần trên đã đề cập, sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng đóng vai trò quan trọng giúp cho quá trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt đạt được hiệu quả. Sự tham gia này thể hiện ngay từ khi xác định thực trạng ô nhiễm môi trường, các giải pháp, phương thức cụ thể để giảm thiểu, khắc phục và giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải sinh hoạt gây ra.

Trước hết, sự tham gia của cộng đồng góp phần rất lớn trong việc nhận ra các nguy cơ đối với môi trường, mang lại nhiều phương án về chính sách hơn cho sự chọn lựa, tạo cơ sở để lựa chọn phương án giải quyết tối ưu. Trên cơ sở các đặc điểm của cộng đồng đó là tính đoàn kết và liên kết xã hội, vai trò của cộng đồng còn được thể hiện thông qua quyền làm chủ và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo cho cộng đồng thực hiện quyền được sống trong môi trường trong lành không bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm và được hưởng những lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

Để phát huy các đặc tính của cộng đồng, các nước đã thực hiện các chiến lược lâu dài nhằm vận động, phổ biến rộng rãi, tuyên truyền và cứng rắn hơn là cưỡng chế công dân thực hiện phân loại rác bắt buộc tại nguồn phát thải. Nhiều quốc gia đã thực hiện phương pháp đưa vào chương trình giáo dục phổ thông kiến thức môi trường và về thu gom phân loại rác thải. Đặc biệt ở Nhật Bản, phương pháp giáo dục trẻ em thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt được áp dụng ngay từ các trường mầm non và tiểu học. Bên cạnh chương trình giảng dạy, các thầy cô giáo có rất nhiều tranh vẽ và giáo cụ trực quan để trẻ em tham gia thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt trên đường phố, tại gia đình. Tại đây, một trong những chương trình dã ngoại phổ biến của các em học sinh đó là đi tham quan một số nhà máy xử lý nước thải hoặc chất thải. Chính vì vậy, khi các em trưởng thành, trong cuộc sống sinh hoạt cũng như làm việc hàng ngày, bỏ chất thải đúng giờ, đúng chỗ, đúng chỗ phân loại và việc giữ gìn vệ sinh môi trường đã trở thành ý thức và thói quen hàng ngày. Các chuyên gia nước ngoài đều khẳng định đây là một chương trình giáo dục tuyên truyền hiệu quả nhất, bền vững nhất và không thể thiếu được trong các trường học. Xây dựng cụm dân cư tự quản trong việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải, vệ sinh môi trường.

Hiện nay, tại Việt Nam, sự tham gia của cộng đồng đã có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên, công tác xã hội hóa quản lý CTR sinh hoạt vẫn còn nhiều hạn chế. Ở hầu hết các địa phương, Công ty môi trường đô thị (doanh nghiệp nhà nước) là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt đô thị của địa phương, bên cạnh đó là sự tham gia tích cực của hệ thống các công ty dịch vụ công ích quận, huyện, hợp tác xã và khối doanh nghiệp tư nhân. Có thể kể đến một số doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện thành công và đem lại nhiều hiệu quả và lợi ích cho cộng đồng trong vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt đô thị như: Công ty TNHH Huy Hoàng (Lạng Sơn), Công ty TNHH Môi trường Đông Phương (Đắk Lắk), Công ty CP Công nghiệp cẩm Phả (Quảng Ninh),... Ở khu vục nông thôn cũng đã hình thành các tổ đội, hợp tác xã thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt nông thôn (Hoàng Dương Tùng, 2012).

Bên cạnh sự tham gia của khối các doanh nghiệp, trong những năm gần đây phương thức quản lý CTR với cách tiếp cận dựa vào cộng đồng cũng đã được nhiều dự án quan tâm thực hiện và thu được kết quả tốt. Điển hình như mô hình thí điểm thu gom, xử lý rác thải chế biến phân bón hữu cơ của thôn Tảo Phú (Tam Hồng, Vĩnh Phúc), dự án cải thiện môi trường kênh Chín Tế, chợ Bà Rén (Bến Tre),... Tuy nhiên, một thách thức không thể phủ nhận còn tồn tại đối với việc huy động sự tham gia của cộng đồng đó là, công tác xã hội hóa còn yếu. Vấn đề nảy sinh cả từ phía cộng đồng và chính quyền. Nhận thức và năng lực của cộng đồng chưa đảm bảo để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong công tác quản lý CTR, đặc biệt là ở khu vực tập trung đông dân nghèo. Ý thức của người dân đối với việc giữ gìn vệ sinh công cộng còn rất thấp, họ thường xả rác ra đường, cống rãnh hoặc đổ trộm CTR xây dựng ra bờ sông, các khu vực công cộng... gây tác động tiêu cực đến vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Ngược lại, về phía các nhà quản lý, vẫn còn thiếu các văn bản quy định phù hợp nhằm thu hút sự tham gia của các đoàn thể, quần chúng và toàn xã hội, còn thiếu nhiều chương trình huy động cộng đồng trong quản lý CTR sinh hoạt. (Hoàng Dương Tùng, 2012).

3. Đề xuất Sổ tay bảo vệ môi trường áp dụng cho cộng đồng

Để nâng cao ý thức cho người dân tại Việt Nam về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, một trong những phương pháp hiệu quả đó là tuyên truyền, vận động người dân bằng cách thức thông qua cộng đồng trên cơ sở đặc tính đoàn kết và liên kết xã hội của cộng đồng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề xuất Sổ tay bảo vệ môi trường áp dụng cho cộng đồng với chủ thể là hộ gia đình.

Sổ tay bảo vệ môi trường

ĐỀ CƯƠNG SỔ TAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

LỜI MỞ ĐẦU

Chương I: BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ VAI TRÒ CỦA CON NGƯỜI TRONG VIỆC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

I. Bảo vệ môi trường

1.1. Khái niệm bảo vệ môi trường

1.2. Bảo vệ môi trường bền vững

1.3. Mục tiêu của việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam

II. Vai trò của con người trong việc bảo vệ môi trường

2.1. Vai trò của cộng đồng dân cư

2.2. Vai trò của tổ chức, cá nhân ngoài cộng đồng

Chương II: NỘI DUNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

I. Rác thải sinh hoạt

1.1. Nói không với túi ni lông

1.2. Không vứt rác bừa bãi

1.3. Không đốt rác

1.4. Để đồ dùng có thể tái chế tại khu vực riêng

1.5. Kiểm soát và tiết giảm những thứ bạn vứt bỏ đi

1.6. Tái sử dụng bao, gói

1.7. Quyên góp đồ dùng cũ cho tổ chức từ thiện

II. 3R tại gia đình

2.1. Ưu tiên đồ dùng sản xuất tại địa phương

2.2. Mua đồ dùng có thể tái chế hoặc tái sử dụng

2.3. Kiểm soát và tiết giảm những gì bạn bỏ đi

2.4. Phân loại rác trước khi thải bỏ

2.5. Tiết kiệm nguyên nhiên liệu trong quá trình sinh hoạt

2.6. Dán giấy nhớ để nhắc tiết kiệm điện

2.7. Bỏ rác vào thùng rác ở đúng nơi quy định

2.8. Gom và chia sẻ đồ dùng trong cộng đồng có thể tái chế

2.9. Tái sử dụng đồ dùng trong cộng đồng

III. Tiết kiệm năng lượng

3.1. Hạn chế sử dụng thiết bị điện trong giờ cao điểm

3.2. Rút dây cắm nguồn các thiết bị điện khi không sử dụng

3.3. Kết hợp sử dụng điều hòa với quạt ở 10 phút đầu tiên

3.4. Bật điều hòa ở 26 độ C

3.5. Tận dụng gió và ánh sáng tự nhiên

3.6. Trồng cây xây trong nhà

3.7. Tối ưu hóa số lượng bóng đèn

3.8. Dùng bóng đèn tiết kiệm năng lượng

3.9. Bịt kín các lỗ hổng và đường nứt, đặc biệt ở cửa sổ và cửa ra vào

3.10. Bảo dưỡng các thiết bị điện tử

3.11. Thuê hoặc mượn đồ dùng

3.12. Mua các thiết bị đã qua sử dụng

3.13. Mua thiết bị được chứng nhận “tiết kiệm năng lượng”

3.14. Ưu tiên các thiêt bị sử dụng năng lượng mặt trời

IV. Nhà vệ sinh

4.1. Tiết kiệm nước

4.2. Sử dụng các chất tẩy rửa có nguồn gốc tự nhiên

V. Giao thông thông minh

5.1. Tắt động cơ khi dừng xe

5.2. Thường xuyên bảo dưỡng xe

5.3. Mua mũ bảo hiểm tốt

5.4. Giữ tốc độ ổn định/vừa phải

5.5. Tránh giờ cao điểm

5.6. Dùng chung xe máy

5.7. Mua loại xe máy tốt

5.8. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng

5.9. Đi xe đạp

5.10. Đi ô-tô/taxi nếu đi theo nhóm

5.11. Bán xe cũ/hỏng

Chương III: CÔNG CỤ, KỸ NĂNG VÀ PHƯƠNG PHÁP CƠ BẢN ĐỂ TUYÊN TRUYỀN VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

I. Một số công cụ

1.1. Một số công cụ giúp bạn có thể hiểu ban đầu về đối tượng được tuyên truyền

1.2. Một số công cụ giúp bạn có thể hiểu sâu hơn về thực trạng bảo vệ môi trường của đối tượng được

tuyên truyền

II. Một số kỹ năng

2.1. Kỹ năng giao tiếp

2.2. Kỹ năng thuyết trình

2.3. Kỹ năng lắng nghe và ghi chép

III. Một số phương pháp

3.1. Phương pháp thuyết giảng

3.2. Phương pháp nghe nhìn

3.3. Phương pháp thuyết trình

3.4. Phương pháp thảo luận nhóm

3.5. Phương pháp thực hành

3.6. Phương pháp nghiên cứu tình huống

3.7. Phương pháp đóng vai

IV. Thái độ của người tuyên truyền

4.1. Vừa tuyên truyền vừa thực hiện

4.2. Hành vi, thái độ của bạn

Để triển khai áp dụng Sổ tay bảo vệ môi trường trong thực tiễn, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể nghiên cứu áp dụng thí điểm trên quy mô một quận, huyện trong một thời gian nhất định, sau đó có thể áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương.

Bên cạnh công tác tuyên truyền như trên, tại các địa phương thí điểm cần kết hợp một số giải pháp khác cụ thể như:

- Phát miễn phí túi ni lông các màu để khuyến khích người dân phân loại chất thải, kèm theo đó là áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với những người không thực hiện đúng quy định phân loại rác và thải bỏ rác.

- Lập kế hoạch thu gom rác trong cả một năm, theo đó phân chia cụ thể từng ngày thu gom từng loại rác riêng biệt, nếu gia đình nào không thực hiện đúng kế hoạch phải có chế tài phạt tiền nghiêm khắc.

- Để cơ quan chức năng có thể kịp thời xử phạt các hành vi vi phạm, cần tăng cường đội ngũ kiểm tra, giám sát quá trình phân loại thu gom rác. Tại các địa phương đều có các tổ chức chính trị - xã hội, đây là một lực lượng nòng cốt mà chúng ta có thể tận dụng để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, nhân viên vệ sinh môi trường cũng chính là một đội ngũ hùng hậu có thể thực hiện công tác này, bởi lẽ họ là những người trực tiếp thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

2Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (2017), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016, công bố ngày 20/7/2017.
  2. Lê Thạc Cán (2012), Báo cáo tại Hội thảo góp ý về sửa đổi Luật BVMT ngày 26/11/2012, đăng tải trên http://www.vacne.org.vn/quy-dinh-ve-tham-van-cong-dong-trong-danh-gia-tac-dong-moi-truong-cac-du-an-phat-trien-can-duoc-tiep-tuc-cai-tien/210027.html
  3. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2015), Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
  4. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2015), Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu.
  5. Lê Văn An và Ngô Tùng Đức (2016), Sổ tay hướng dẫn phát triển cộng đồng, Nxb Thanh niên.
  6. Phí Minh Hồng (2005), Bài giảng phát triển cộng đồng, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
  7. Hoàng Dương Tùng và Nguyễn Văn Thùy (2012), Quản lý chất thải rắn: Hiện trạng, thách thức và định hướng, Tạp chí Môi trường, tháng8/2012.
  8. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2014), Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
  9. Ban Từ điển (1995), Từ điển môi trường Anh - Việt và Việt Anh, Nxb Khoa học - Kỹ thuật, Hà Nội, , Tr.260.
  10. Văn phòng Quốc hội (2012), Hướng dẫn tham vấn công chúng của Hội đồng nhân dân. Dự án tăng cường năng lực của các cơ quan dân cử ở Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hợp quốc.
  11. Viện Ngôn ngữ (2004), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr. 70, 144, 818.

PROMOTING THE ROLE OF COMMUNITY

 IN THE MUNICIPAL SOLID WASTE MANAGEMENT

• Ph.D LE MANH TUYEN

• Master. MAI THI CHUC HANH

Faculty of Law, Foreign Trade University

TÓM TẮT:

Municipal solid waste management is the process of preventing, minimizing, monitoring, sorting, collecting, transporting, reusing, recycling and treating municipal solid waste. In order to effectively implement the contents of municipal solid waste management, it is necessary to have the active participation of different subjects including: domestic organizations, households and individuals, foreign organizations and individuals which have activities related to the municipal solid waste management in the territory of Vietnam, including the mainland, islands, waters and airspace. In addition, the community also plays a key role in the municipal solid waste management. This article presents and analyzes the concept and the role of the community in the municipal solid waste management, thereby proposing measures to enhance the role of the community in municipal solid waste management.

Keywords: Community, municipal solid waste management, environmental protection.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]