Nâng tầm thương hiệu thổ cẩm Làng Teng

Sản phẩm thổ cẩm làng Teng không chỉ phục vụ cuộc người dân trên địa bàn mà còn được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, được tỉnh Quảng Ngãi chọn làm quà tặng phục vụ công tác đối ngoại đi 20 nước trên thế giới.

Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vinh danh nghề dệt thổ cẩm của người Hrê ở Làng Teng là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ là nơi duy nhất của người đồng bào Hrê ở Quảng Ngãi còn giữ được nghề truyền thống dệt thổ cẩm độc đáo. Sản phẩm thổ cẩm làng Teng không chỉ phục vụ cuộc người dân trên địa bàn mà còn được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, được tỉnh Quảng Ngãi chọn làm quà tặng phục vụ công tác đối ngoại đi 20 nước trên thế giới.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê đã tạo ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày như may trang phục váy, áo cho phụ nữ; khố, áo cho đàn ông; khăn đội đầu, tấm đắp... Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những năm gần đây các mô hình sản xuất của đồng bào dân tộc được các cấp chính quyền quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị.

Làng Teng
Đồng bào Hrê qua bao thăng trầm đã bảo tồn và phát huy thành công nghề dệt thổ cẩm làng Teng

Đối với đồng bào Hrê, qua bao thăng trầm thời gian, nghề dệt làng Teng được bảo tồn, sản phẩm từ thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã được người dân, hộ kinh doanh bảo tồn và tổ chức sản xuất đa dạng sản phẩm nhằm nâng tầm thương hiệu thành sản phẩm độc đáo của địa phương, vừa phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày vừa thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh quan tâm, chọn mua làm quà tặng.

Với nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, thổ cẩm làng Teng đã nhận được nhiều giải thưởng và bằng khen về những giá trị văn hóa và nghệ thuật, năm 2019, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các sản phẩm được chế tác từ thổ cẩm ngày càng đa dạng và phong phú không chỉ là váy áo, khăn khố như trước đây mà nay đã có nhiều sản phẩm đa dạng khác như cà vạt, khăn trải bàn, sổ lưu niệm…. Vừa qua 2 sản phẩm làm từ thổ cẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh đó là cà vạt vạt thổ cẩm và khăn quàng cổ thổ cẩm đã giúp nâng tầm giá trị cho sản phẩm thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Y Hoà

Chị Phạm Thị Y Hòa, người chắp cánh đưa thổ cẩm làng Teng vươn xa

Là một trong những người tâm huyết với nghề truyền thống của người dân tộc Hrê, luôn trăn trở tìm cách khôi phục nghề dệt, mây tre đan tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân và tạo việc làm cho đồng bào dân tộc, Chị Phạm Thị Y Hòa - đại diện hộ kinh doanh Phạm Y Hoà (Y Hoà) ở Làng Teng cho biết: Thời gian qua Y Hoà đã không ngừng tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu để đưa sản phẩm thổ cẩm ra thị trường. Từ vải thổ cẩm, các sản phẩm được Y Hoà nghiên cứu, tổ chức sản xuất đa dạng hoá thành các sản phẩm như cà vạt, khăn quàng cổ, bộ váy nữ thổ cẩm, sổ tay thổ cẩm,..Bên canh đó, Y Hoà còn tổ chức sản xuất các sản phẩm mây tre đan như; Bộ tráp, giỏ cá, rổ, gùi, nia…

Tráp tre làng Teng
Bộ tráp bằng mây tre đan của Y Hòa đạt tiêu chuẩn hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Năm 2022, sản phẩm bộ tráp bằng mây tre đan của Y Hòa đạt tiêu chuẩn hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, năm 2023 cà vạt thổ cẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2024. Các sản phẩm của Y Hoà được tiêu thụ rộng rãi trên mạng xã hội Facebook, Zalo và các nền tảng thương mại điện tử để quảng bá, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm do người dân làng Teng dệt nên.

Kết quả năm 2024, Y Hòa tiêu thụ được khoảng 1.000 cà vạt, 400 khăn quàng, 400 bộ váy áo thổ cẩm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng đã tạo việc làm và thu nhập cho 20 người 100% là đồng bào dân tộc Hrê.  Thổ cẩm Làng Teng đạt sản phẩm OCOP đã tạo thuận lợi để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương còn làm nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Điều đáng mừng là không chỉ cộng đồng người Hrê, mà người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số khác, du khách trong và ngoài nước quan tâm mua và sử dụng, sản phẩm còn được UBND tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn để làm quà tặng đối ngoại, quảng bá đến nhiều nước, như” Thụy Sĩ, Italia, Anh, Đức. Trung Đông…

Y hoà 2
Cà vạt thổ cẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp Tỉnh 

Để sản phẩm thổ cẩm lan toả ra thị trường, Y Hòa luôn tìm tòi và sáng tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và cùng các các nghệ nhân trong thôn tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm chất liệu mới, những hoa văn tinh xảo, sắc màu đa dạng, tinh tế và hiện đại để nâng tầm thương hiệu sản phẩm đáp ứng theo yêu cầu, thị hiếu của khách hàng và có công lớn trong việc quảng bá thổ cẩm làng Teng ra nhiều nước trên thế giới.

Chị Phạm Thị Y Hòa trăn trở, bên cạnh phát huy giá trị truyền thống, các cấp lãnh đạo địa phương cần tiếp tục đồng hành cùng với người dân và các chủ thể trong công tác tuyên truyền để bảo tồn và truyền dạy nghề cho các thế hệ sau, đồng thời có chính sách thu hút các bạn trẻ tham gia học hỏi, ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ trong khâu thiết kế, cách tân nhiều mặt hàng có màu sắc bắt mắt, hiện đại hơn trong sản xuất nhằm nâng tầm chất lượng và thương hiệu sản phẩm thổ cẩm và các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc. Qua đó góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá độc đáo và góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa của đồng bào dân tộc Hrê vươn xa đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới./.

 

 

Văn Thắng