Các nhà kinh tế học của WB cho rằng Chính phủ Philippines đã thất bại trong việc đảm bảo tự cung tự cấp gạo mặc dù đã có sự nghiên cứu kỹ và hoạt động nghiên cứu, phát triển giống, hệ thống thủy lợi và marketing cho gạo của Philippines tốt hơn các nước láng giềng. Giá gạo tại Philippines hiện thuộc hàng cao nhất thế giới.
Theo các nhà kinh tế học của WB, các quy định hạn chế khối lượng nhập khẩu (QRs) hiện được Chính phủ Philippines áp dụng đã tạo ra nạn tham nhũng trong việc nhập khẩu gạo; sự bất ổn trong khối tư nhân và dẫn tới giá gạo tăng cao. Chuyên gia kinh tế của WB gợi ý Chính phủ Philippines nên dỡ bỏ các lệnh cấm nhập khẩu gạo do đây là mặt hàng thiết yếu và chỉ nên áp thuế để bảo vệ người nông dân địa phương. Việc Philippines tiếp tục duy trì QRs có thể dẫn đến tình trạng lạm phát giá gạo do gạo chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính giá lương thực của Philippines.
Việc thay đổi chính sách nhập khẩu gạo có thể sẽ giúp Philippines thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất gạo và giảm giá lương thực xuống. Giá lương thực tăng cao được coi là nguyên nhân chính khiến mức nghèo đói tại Philippines tăng lên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ kinh tế xã hội và kế hoạch Philippines cho rằng việc dỡ bỏ QRs và áp đặt thuế suất là điều không hề dễ bởi các cuộc đàm phán về việc nới rộng các quy định QRs đối với gạo tại WTO đang được thực hiện. Bộ trưởng Bộ kinh tế xã hội và kế hoạch Philippines cũng cho biết Chính phủ Philippines đang nỗ lực hết sức để bảo vệ những người nông dân canh tác lúa gạo mà không gây ảnh hưởng đến những người dưới ngưỡng nghèo.
Philippines hiện đang diễn ra cuộc tranh luận gay gắt về việc có nên tiếp tục duy trì các quy định QRs đối với gạo nhập khẩu nữa hay không bất chấp việc các quy đình này đã hết hiệu lực theo Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) – WTO vào hồi tháng 6/2012. Bộ Tư pháp Philippines đã đề nghị dỡ bỏ các quy định QRs đối với việc nhập khẩu gạo do những điều này đi ngược lại luật quốc tế.