Thị trường gạo thế giới tuần từ 24 – 22/2/2014

Trong tuần từ 24 - 28/2, thị trường gạo quốc tế đã có một số tin chính như sau.

Kết thúc tuần từ 24 – 28/2, chỉ số giá gạo trắng Oryza (Oryza White Rice Index) đã đạt 461 USD/tấn – không đổi so với một tuần trước đó; giảm 2 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước và thấp hơn 33 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ số giá gạo trắng Oryza được tính từ giá trung bình các loại gạo trắng xuất khẩu trên thế giới. Hiện thị trường gạo quốc tế đang lo ngại Thái Lan sẽ giải phóng lượng gạo dự trữ khổng lồ của mình trong bối cảnh chương trình trợ giá thu mua lúa gạo không còn được duy trì. Hành động này sẽ khiến giá gạo trên thị trường quốc tế giảm sâu hơn nữa. Hiện tại, giá gạo xuất khẩu Thái Lan vẫn được giữ ở mức ổn định. Theo nhận định của trang oryza.com, nguyên nhân có thể do Thái Lan hiện không có nhiều gạo để xuất khẩu như mọi người lo ngại (do gạo dự trữ bị hư hỏng, nguồn cung gạo không có khi chương trình trợ giá thu mua lúa gạo bị chấm dứt).

Chỉ số giá gạo trắng Oryza (1/6/2011 - 1/2/2014) (Nguồn: oryza.com)

Trang oryza.com cũng cho biết thêm, nếu hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ giảm xuống do ảnh hưởng từ El Nino thì các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan có thể tận dụng lợi thế để chiếm mất thị phần của Ấn Độ.

Trong tuần vừa qua, năm quốc gia thuộc khối ASEAN bao gồm: Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia đã hoàn tất thỏa thuận lập Liên minh lúa gạo ASEAN (ARF). Theo đó, ARF sẽ tập trung vào các vấn đề như bảo đảm an ninh lương thực trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm sự ổn định của thị trường gạo quốc tế, hỗ trợ lẫn nhau trong việc cải tiến công nghệ kỹ thuật canh tác lúa gạo, đẩy mạnh mậu dịch gạo và cải thiện đời sống người nông dân. Thông tin chi tiết về ARF sẽ được công bố trong một cuộc họp cấp Bộ trưởng vào tháng 8/2014.

Thái Lan

Trong ngày 28/2, giá gạo 5% tấm Thái Lan đã đạt 430 USD/tấn, không đổi so với một tuần trước đó và giảm khoảng 10 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước và thấp hơn 120 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.

Theo một nghiên cứu mới đây của Trường đại học thuộc Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC), trong số các quốc gia thuộc ASEAN (bao gồm Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia) thì người nông dân canh tác lúa gạo Thái Lan có mức thu nhập thấp nhất. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chi phí sản xuất lúa gạo tại Thái Lan đang cao hơn Việt Nam tới 139% và chương trình trợ giá thu mua lúa gạo của Thái Lan dường như không có ích trong việc cải thiện đời sống nông dân Thái Lan.

UTCC dự báo Thái Lan sẽ vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới trong năm 2014 với lượng gạo xuất khẩu có thể chỉ đạt 6,8 triệu tấn trong năm 2014, giảm 3% so với mức 7 triệu tấn trong năm 2013.

Ấn Độ

Kết thúc tuần từ ngày 24 – 28/2, giá gạo 5% tấm Ấn Độ đã được giữ không đổi so với một tuần trước đó, đạt 420 USD/tấn; giảm 10 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước và thấp hơn 30 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.

Giá gạo bán buôn trung bình tại Ấn Độ trong tháng 2/2014 đã tăng 1% so với tháng 1/2014. Xét theo giá trị đồng USD, mức giá này đã đạt 440 USD/tấn trong tháng 2/2014, tăng 2% so với tháng 1/2014.

Ủy ban về chi phí và giá cả nông nghiệp Ấn Độ đã khuyến nghị Chính phủ Ấn Độ nên bán ra từ 15 đến 20 triệu tấn gạo và lúa mỳ trên thị trường nội địa nhằm giảm giá thực phẩm trong nước. Mức giá bán gạo trung bình tại Ấn Độ trong tháng 1/2014 đã giảm 4% so với tháng 12/2013, tuy nhiên Chính phủ Ấn Độ có thể quyết định bán ra thêm gạo nhằm giảm giá lương thực hơn nữa trước khi cuộc bầu cử tại Ấn Độ diễn ra. Trước đó, thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã tuyên bố rằng Chính phủ Ấn Độ không nên nâng mức giá hỗ trợ mua thu mua tối thiểu (MSP) đối với gạo và các loại ngũ cốc khác nhằm kiểm soát lạm phát. Mức giá MSP đối với gạo của Ấn Độ hiện đang ở dưới mức giá FOB.

Philippines

Bộ trưởng Bộ tư pháp Philippines đã kêu gọi Chính phủ Philippines tạo ra một chính sách mới đối với việc nhập khẩu gạo do chính sách hiện tại của Philippines đang đi ngược lại với các quy định của WTO. Chính sách nhập khẩu gạo hiện tại của Philippines dựa trên việc tiếp tục duy trì quy chế hạn chế khối lượng (QR) mặc dù hiệp định GATT – WTO đã hết hạn từ hồi tháng 6/2012. Theo Các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới tại Philippines quy chế hạn chế khối lượng gạo được nhập khẩu hiện tại của Philippiens dẫn tới tình trạng tham nhũng, đẩy giá gạo lên cao và thúc giục Chính phủ Philippines dỡ bỏ quy chế trên.

Kết thúc tuần vào ngày 21/2, giá gạo tại một số khu vực thuộc Philippines đã tăng 8% so với một tuần trước. Cơ quan quản lý thực phẩm quốc gia Philippines dự báo giá gạo tại nước này sẽ giảm khoảng 45 – 90 USD/tấn vào giai đoạn từ tháng 3 – tháng 5 do nguồn cung gạo tăng lên khi vụ thu hoạch diễn ra, tuy nhiên giá gạo sẽ có khả năng tăng trở lại sau đó vào các tháng giáp hạt.

Pakistan

Vào ngày 28/2, giá gạo 5% tấm Pakistan đã đạt 400 USD/tấn, không đổi so với 1 tuần trước đó và tăng 5 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn 35 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường gạo khác

Kết thúc tuần từ 24 – 28/2, giá gạo 5% tấm Campuchia đạt 455 USD/tấn, không đổi so với một tuần trước và cùng kỳ tháng trước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiêp Bờ Biển Ngà đã cho biết Bờ Biển Ngà sẽ cố gắng đạt mục tiêu tự cung tự cấp gạo trong vòng 3 năm tới thông qua việc gia tăng gấp 3 lần sản lượng gạo nội địa của quốc gia này, từ mức 520.000 tấn (theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA) lên mức 1,9 triệu tấn vào năm 2016.

Nhu cầu sử dụng gạo tại Ả rập Saudi hiện đang tăng lên và USDA dự báo Ả rập Saudi sẽ nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng 3% so với năm 2013. Hiện Ấn Độ là quốc gia cung cấp gạo chính cho Ả rập Saudi nhưng Ấn Độ đã mất một phần thị phần trong năm 2013.

Chính phủ Nigeria đang cân nhắc việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu gạo gạo. Bộ trưởng Bộ tài chính Nigeria đã bày tỏ hy vọng việc giảm thuế sẽ giảm hoạt động buôn lậu gạo và gia tăng nguồn thu ngân sách từ việc nhập khẩu gạo. Chính phủ Nigeria hiện đang tiếp tục gia tăng sản lượng gạo nội địa và lên kế hoạch cấm nhập khẩu gạo kể từ năm 2015. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất lúa gạo đã đề xuất dời lệnh cấm nói trên đến năm 2019 và lo ngại năng lực sản xuất lúa gạo của Nigeria chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất lúa gạo thương mại trên quy mô lớn.

Đặng Quang (Theo oryza.com)