So với cùng kỳ năm 2021, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng 2022 ước tăng 11,84%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 15,33%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12,79%. Kết quả này đặt trong bối cảnh 3 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hải Phòng vẫn diễn biến phức tạp, giá xăng dầu tăng mạnh đã ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng sản xuất - kinh doanh cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm lớn của ngành Công Thương nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Thành phố nói chung.
Sở Công Thương đã chủ động tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành và triển khai thực hiện các kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn. Điển hình là báo cáo chuyên đề phục vụ xây dựng đề án “Chủ trương chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Thông báo kết luận về báo cáo sơ kết 3 năm Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Ban hành danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, không khuyến khích đầu tư trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng dến năm 2030…
Ngoài ra, Sở cũng đã triển khai rà soát danh mục các công trình, dự án có sử dụng đất trên địa bàn thành phố thuộc lĩnh vực Công Thương để đăng ký trong quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức các đoàn làm việc với một số doanh nghiệp trọng điểm ngành Công Thương để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Đồng thời, về quản lý, phát triển hạ tầng cụm công nghiệp (CCN), Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND Thành phố thành lập 3 CCN gồm: CCN Tiên Cường II, CCN Đại Thắng (huyện Tiên Lãng), CCN Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo). Thẩm định báo cáo đầu tư thành lập 6 CCN, trong đó, đã tham mưu UBND thành phố họp Hội đồng lựa chọn chủ đầu tư đối với 5 CCN. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện rà soát, đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển các CCN thành phố.
Trong công tác quản lý, phát triển hạ tầng thương mại, đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, Cục Quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng xăng dầu, đảm bảo cung cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố ổn định, không có biến động lớn. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các địa phương như tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP của hai tỉnh, thành phố Kon Tum và Hải Phòng. Đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng và tỉnh Nghệ An. Hỗ trợ quảng bá, kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên…
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, Sở đã thông tin, khuyến cáo hoạt động điều tiết hàng hóa xuất khẩu từ nội địa lên cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang,… để các doanh nghiệp chủ động sắp xếp kế hoạch giao hàng hợp lý, trách tình trạng ùn ứ, chậm trễ; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản theo hình thức chính ngạch, chuyển đổi phương thức vận chuyển từ đường bộ sang đường biển, hoàn thiện hồ sơ đáp ứng được quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do. Thông tin đến doanh nghiệp các quy định mới trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu của Việt Nam, EU; nhu cầu nhập khẩu/xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài đối với từng mặt hàng, ngành hàng cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường, nâng cao nghiệp vụ xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, Sở đã tổ chức triển khai quy hoạch phát triển hệ thống trạm, lưới điện, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các hoạt động, sự kiện chính trị xã hội của thành phố và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tham mưu cho thành phố kêu gọi đầu tư phát triển năng lượng mới, tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và bảo đảm an toàn hành lang lưới điện.
Việc nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số để nâng cao thứ hạng năng lực cạnh tranh cấp sở (DDCI) và hỗ trợ tổ chức, cá nhân có liên quan: Từ đầu năm đến nay, đã giải quyết 7.551 hồ sơ TTHC mức độ 4. Thông báo tới người dân, doanh nghiệp về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với 85 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương trên Cổng Dịch vụ công thành phố. Đề xuất UBND thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho chuyển đổi số trên một số lĩnh vực hoạt động của ngành như: logistics; bán buôn bán lẻ, xúc tiến thương mại và thương mại điện tử; năng lượng; công nghiệp hỗ trợ.
Trong 6 tháng cuối năm, Sở tập trung tăng cường nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đảm bảo cung cầu hàng hóa và cấp điện an toàn, ổn định phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Hướng dẫn UBND huyện bổ sung các cụm công nghiệp vào Quy hoạch các cụm công nghiệp thành phố, thành lập các CCN theo quy hoạch.
Sở cũng tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước: công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật, phòng chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.