So với năm 2018, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 24,2% (cả nước tăng 9,1%); Kim ngạch xuất khẩu đạt 15,77 tỷ USD, tăng 92,51% (cả nước tăng 8,1%); Kim ngạch nhập khẩu đạt 17,52 tỷ USD, tăng 120,59% (cả nước tăng 7%); Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 135.338 tỷ đồng, tăng 14,95% (cả nước tăng 11,8%).
Công nghiệp phát triển mạnh, theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường, giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế thành phố, khẳng định vị trí trung tâm công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao của cả nước; Giá trị tăng thêm công nghiệp tăng 24,53% so với năm 2018, chiếm tỷ trọng 42,23% trong GRDP thành phố. Hạ tầng công nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng đồng bộ, Hải Phòng có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.556 ha (đã lấp đầy được 61,18% diện tích) và 06 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 220 ha (đã lấp đầy được 83% diện tích).
Hoạt động thương mại nội địa phát triển theo hướng văn minh, hiện đại: Năm 2019, Hải Phòng xếp vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng chỉ số thương mại điện tử, đứng thứ 5 về giá trị tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước; Thành phố Hải Phòng đã thu hút được một số dự án lớn phát triển hạ tầng thương mại, góp phần thay đổi diện mạo thành phố như: Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Aeonmall, Dự án Vinhomes Imperia Hải Phòng, Dự án Hoàng Huy Mall; Chuỗi cửa hàng Vinmart+ tiếp tục được mở thêm, hiện đã có mặt tại 12/15 quận huyện với 103 cửa hàng. Hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics phát triển khá nhanh, khai thác và phát huy vai trò cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; Sản lượng hàng hóa qua cảng đạt trên 129,2 triệu tấn, tăng 18,51% so với năm 2018.
Năm 2020, ngành Công Thương được UBND thành phố giao thực hiện các chỉ tiêu: Chỉ số phát triển SXCN tăng 23%, Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 20%, Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 16,25%, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15,09% so với cùng kỳ.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2020, ngành Công Thương tổ chức triển khai hiệu quả 03 nhiệm vụ trọng tâm và 16 nhiệm vụ cụ thể được UBND thành phố giao thực hiện Chương trình công tác năm 2020. Trong đó, tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ:
Tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp thành phố theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn: cơ khí chế tạo; điện tử tin học; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển công nghiệp, thương mại thành phố: Xây dựng và triển khai thực hiện: Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hải Phòng, Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030; Triển khai xây dựng các đề án: Đề án thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Trung tâm kỹ thuật của địa phương để hỗ trợ các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, Đề án Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, Đề án Phát triển logistics điện tử đến năm 2025.
Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, hạ tầng logistics, thương mại điện tử, hệ thống chợ, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, thương mại.
Đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố đặc biệt là các Dự án trọng điểm sử dụng công nghệ cao. Khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch.
Tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối cung cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó chú trọng Hiệp định CPTPP, EVFTA…, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương và tăng cường liên kết với các Sở Công Thương khu vực Vùng Kinh tế trọng điểm bắc bộ, khu vực Hai hành lang, một vành đai trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa.