Ngành Công Thương Hậu Giang: 20 năm vươn lên mạnh mẽ

Ngày 01/01/2024 đánh dấu 20 năm xây dựng và phát triển (2004-2024) tỉnh Hậu Giang. Giai đoạn khi mới tách tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay tăng trưởng GRDP của Hậu Giang xếp thứ 2 cả nước, cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của Hậu Giang đứng thứ 2 cả nước

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hậu Giang tăng 12,27%, đứng thứ 2 cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2022. Các lĩnh vực kinh tế tăng trưởng đồng đều, trong đó khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,12%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 28,32% và khu vực thương mại - dịch vụ tăng 8,84%. Sản xuất công nghiệp ổn định và có dấu hiệu tăng trưởng tích cực ước đạt trên 66.518 tỉ đồng, tăng 24,21% so với cùng kỳ và vượt 2,77% kế hoạch năm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 1.196 triệu USD, vượt 4,92% so với kế hoạch năm.

Giám đốc SCT Hậu Giang
Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang Nguyễn Văn Quân

Ông Nguyễn Văn Quân - Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho biết: Trong 20 năm qua, ngành Công Thương Hậu Giang đã không ngừng vươn lên mạnh mẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Trong đó phát triển khu, cụm công nghiệp là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế tỉnh Hậu Giang. Sau khi tách tỉnh, Hâu Giang có 02 khu công nghiệp, tổng diện tích 492 ha, tỷ lệ lấp đầy 93,32%; thu hút được 63 dự án, trong đó có 45 dự án đã đi vào hoạt động. 07 cụm công nghiệp đang hoạt động, tổng diện tích 486,55 ha, diện tích cho thuê là 275,2 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 70,95% đã thu hút 50 dự án với vốn đầu tư 9.597,66 tỷ đồng và 390 triệu USD.

Các khu, CCN giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động, góp phần thu ngân sách và làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Theo quy hoạch đến năm 2025 Hậu Giang sẽ có thêm 03 KCN diện tích 784 ha, thành lập mới 05 cụm công nghiệp mới diện tích 230 ha và mở rộng 02 cụm công nghiệp thêm 31,5 ha.

Khi mới tách tỉnh, kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 300 triệu USD thì đến năm 2023 kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt 1,96 tỷ USD.

Chỉ số tăng trưởng công nghiệp của Hậu Giang đa dạng, hai năm gần đây đạt tăng trưởng bình quân đạt 13%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân cao qua từng năm và chiếm cơ cấu lớn, ước thực hiện năm 2023 được 64.947 tỷ đồng (theo giá thực tế), tăng 17,76% so với cùng kỳ năm trước và vượt 0,35% so với kế hoạch năm.

Hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại được địa phương và Bộ Công Thương quan tâm và triển khai hiệu quả. Năm 2023 tổng nguồn vốn đầu tư cho khuyển công là 6 tỷ đồng (ngân sách trung ương 4 tỷ đồng, địa phương 2 tỷ đồng) được tập trung hỗ trợ các đề án trọng tâm, trọng điểm với các nội dung hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm OCOP, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ đã đưa công nghiệp nông thôn của tỉnh khởi sắc và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Cảng Hậu Giang
Cảng Hậu Giang

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Hòa cùng với xu thế chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đang là xu thế và dần đạt những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực của Hậu Giang, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Giai đoạn qua Sở Công Thương Hậu Giang đã xây dựng Kế hoạch Hỗ trợ doanh nghiệp đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại hàng năm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh có cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các Sàn giao dịch thương mại điện tử lớn. Hiện nay tỉnh Hậu Giang đã đưa 105 sản phẩm OCOP và 904 sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử như: Vỏ sò, Postmart, Sendo, ...

Nhằm tạo sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, ngành Công Thương Hậu Giang  khuyến khích người dân đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Lũy kế từ khi triển khai hoạt động cài đặt ví điện tử tại các chợ đến nay, đã cài đặt 176.355 ví, tổ chức ra mắt được 15 chợ trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Bên cạnh đó, ngành Công Thương nỗ lực thực hiện Đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản. Tính đến nay Sở Công Thương đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, Hợp tác xã, Cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tổng số 1.138.0000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đặc biệt, Hậu Giang đã hưởng ứng Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta 2023. Theo đó Sở Công Thương Hậu Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan mời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia hoạt động Xúc tiến thương mại – Kết nối giao thương (B2B) 1:1 trực tiếp với các doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh.

Xác định năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, ngành Công Thương Hậu Giang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 73.146 đồng, tăng 12,62%. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành phấn đấu đạt 55.000 tỷ đồng, tăng 0,66%; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng phấn đấu đạt 1.229 triệu USD tăng 2,76% so với năm 2023.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư củng cố mạng lưới chợ truyền thống, đồng thời kêu gọi thu hút phát triển các trung tâm thương mại, chuỗi tiêu thu hàng hóa như Bách hóa xanh, Coopmart…

 

Chung Thắng