Để góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm tới - Năm bứt phá để thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), tạo nền tảng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, dưới góc độ ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp, thương mại thành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi và chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả tạo dư địa, động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước. Trước mắt, khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 (khóa XIII) và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
2. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế; xác định đây là nhiệm vụ “đột phá của đột phá”, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, khả thi, thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại. Trước mắt, tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực (sửa đổi) và các Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách về phát triển điện mặt trời áp mái, mua bán điện trực tiếp; xây dựng quy định về khung giá các loại hình điện năng, giá điện 2 thành phần, giá điện theo giờ và các dự thảo Nghị định về cơ chế phát triển các dự án điện khí thiên nhiên và điện gió ngoài khơi, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển thị trường điện cạnh tranh; khẩn trương triển khai rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và các nhiệm vụ liên quan đến Chương trình phát triển điện hạt nhân theo chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời, hoàn thiện dự thảo Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm để trình Quốc hội thông qua tại các kỳ họp tới. Tiếp tục chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho áp dụng đại trà sau thí điểm ở một số địa phương về một số cơ chế, chính sách có tính đột phá phù hợp để khơi thông và giải phóng các nguồn lực cho phát triển của Ngành.
3. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đồng thời khai thác có hiệu quả các động lực tăng trưởng mới (gồm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các ngành công nghệ cao như chíp, bán dẫn, công nghệ AI…). Chú trọng thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
4. Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác có hiệu quả các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu và lợi thế; đồng thời, chú trọng thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở ngoài nước trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các FTA với các đối tác tiềm năng, tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư; đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
5. Chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh tế số để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường nội địa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế.
6. Khẩn trương hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, bảo đảm “tinh - gọn - mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính nội bộ gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.
Chiều 23/12/2024, Bộ Công Thương long trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương.
Tạp chí Công Thương sẽ liên tục cập nhật thông tin về Hội nghị...