TÓM TẮT:
Những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã chú trọng quan tâm và có chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp, phấn đấu trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển của vùng Bắc Trung bộ. Bài viết này phân tích thực trạng phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013-2022, đồng thời đưa ra mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế công nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2030.
Từ khóa: ngành Công nghiệp, phát triển kinh tế công nghiệp, tỉnh Nghệ An.
1. Triển khai thực hiện đường lối, chính sách phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An
Trong những năm qua, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Nghệ An đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu phát triển công nghiệp đến năm 2025 là công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 38 - 39%; Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đến năm 2025 đạt 100%; Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, xây dựng có lợi thế của tỉnh; chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ cao; Phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó là thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường; phát triển hạ tầng cung cấp điện phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm lĩnh vực công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 đạt 14,5 - 15,5%; tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp đạt 16,5 - 17,5%.
Ngày 23/12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Tiếp đến ban hành Chỉ thị ngày 28/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngày 5/5/2023, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An đã thông qua Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050. Trong đó, về công nghiệp, xác định là một trong các trụ cột kinh tế của tỉnh. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ.
2. Thực trạng phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013-2022
Theo Cục Thống kê tỉnh Nghệ An (2023), các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An qua các năm từ năm 2013 đến năm 2022 cho thấy, trong giai đoạn 2013-2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế tỉnh Nghệ An phát triển khá nhanh; quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, tạo nền tảng thuận lợi cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Năm 2020, quy mô GRDP của tỉnh theo giá hiện hành đạt 144,5 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2013. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2014-2019, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,28%. Riêng năm 2022, tăng trưởng GRDP đạt 9,08%, trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 10,96%, đóng góp 37,69%. Trung bình giai đoạn 2014-2020, tốc độ tăng GRDP của tỉnh đạt 6,91%, cao hơn trung bình của vùng (6,84%) và cả nước (6,32%). Trong đó, quy mô khu vực công nghiệp và xây dựng của tỉnh Nghệ An năm 2020 đạt 39,5 nghìn tỷ đồng, gấp 2,24 lần so với năm 2013.
Năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,34%. Trong đó, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 31,79%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,11%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,46%; công nghiệp khai khoáng tăng 2,62%.
Tốc độ tăng của khu vực công nghiệp và xây dựng luôn cao hơn tốc độ tăng GRDP hàng năm của tỉnh, góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2014-2019 khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,22%/năm. Giai đoạn 2014-2020, tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 9,89%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh (6,91%/năm). Riêng năm 2022, công nghiệp và xây dựng tăng 13,87%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn tỉnh. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,65%, đóng góp 1,19 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 33,74%, đóng góp 1,06 điểm phần trăm; khai khoáng tăng 8,11%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Ngành Xây dựng tăng 7,45%, cao hơn mức tăng 5,46% của năm 2021, đóng góp 1,06 điểm phần trăm. Tỷ trọng lao động trong các ngành Công nghiệp - Xây dựng, hiện nay, chiếm 25,5% (tăng 11,7%).
Tổng vốn đầu tư thực hiện trên toàn tỉnh giai đoạn 2014-2021 đạt 460,7 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 57,6 nghìn tỷ đồng. Ngành Công nghiệp - Xây dựng chỉ chiếm 26,4% số vốn đầu tư xã hội.
Chất lượng tăng trưởng ngành Công nghiệp dần được cải thiện, mô hình tăng trưởng từng bước chuyển đổi từ chiều rộng sang kết hợp cả chiều rộng và chiều sâu. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, khoa học công nghệ được tăng cường đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mặc dù quy mô NSLĐ ở mức thấp nhưng tốc độ tăng NSLĐ của tỉnh Nghệ An tương đối cao so với vùng Bắc Trung bộ. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tỉnh Nghệ An đang dần được cải thiện. Bình quân giai đoạn 2004-2019, hệ số ICOR trên địa bàn tỉnh đạt 7,08, cao hơn so với bình quân chung của vùng.
Trong giai đoạn vừa qua, Nghệ An đã thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp của Tỉnh, như: triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An; tỉnh đã hoàn thành quy hoạch phân khu chức năng trong Khu kinh tế Đông Nam với tổng diện tích quy hoạch 9.351,1 ha; quy hoạch chi tiết khu bến cảng Cửa Lò, cảng Đông Hồi gắn với Khu kinh tế Đông Nam với tổng diện tích 6.221,7 ha. Triển khai thực hiện quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (ngoài khu kinh tế Đông Nam), đến nay đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng 5 KCN với tổng diện tích 1.306,27 ha, gồm: KCN Bắc Vinh (51,99 ha); KCN Nghĩa Đàn (245,68 ha); KCN Sông Dinh (301,65 ha); KCN Tân Kỳ (600 ha); KCN Tri Lễ (106,95 ha).
Khu kinh tế Đông Nam đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước khẳng định vị trí, vai trò động lực trong thu hút đầu tư của tỉnh, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao, chế biến nông - lâm - hải sản. Hình thành một số khu công nghiệp (VSIP, WHA, Hoàng Mai 1) có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng quỹ đất, yêu cầu bảo vệ môi trường phục vụ thu thu hút đầu tư. Giai đoạn 2014 - 2021, các doanh nghiệp đóng góp ngân sách địa phương khoảng 11.528 tỷ đồng; năm 2021, thu ngân sách trong KKT, KCN đạt 2.162 tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng thu ngân sách, tăng 3,4 lần so với năm 2013.
Hạ tầng khu kinh tế Đông Nam, cụm công nghiệp từng bước được hoàn thiện. Một số tuyến đường đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành, dự kiến bàn giao và đưa vào sử dụng năm 2021, như: tuyến đường N2 nối KCN Thọ Lộc với Quốc lộ 1A với chiều dài 5,6 km; các tuyến đường N5, N5 đoạn 2 và D4 nối khu bên cảng Cửa Lò đi Đô Lương; tuyến đường số 2 trong Khu A - KCN Nam Cấm với tổng chiều dài 2,3 km, đã thi công và đưa vào sử dụng 1,5 km. Cơ sở hạ tầng tại KCN Đông Hồi bước đầu được đầu tư xây dựng, cụ thể: đường cứu hộ cứu nạn và tái định cư các khu dân cư ven biển Đông Hồi đã thi công hoàn thành 0,6km; hệ thống xử lý nước thải KCN Đông Hồi đã thi công hoàn thành phần xây dựng (giai đoạn 1), đang triển khai lắp đặt thiết bị và hoàn thiện hạng mục còn lại để bàn giao đưa vào sử dụng năm 2021. Hệ thống các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư hoàn thiện, như: CCN Nghĩa Long, CCN thị trấn Yên Thành, CCN Nghi Phú..., đường giao thông vào cụm công nghiệp Thượng Sơn, Đô Lương. Trong giai đoạn 2014-2020, Nghệ An đẩy mạnh thu hút được 55 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 1,05 tỷ USD. Các dự án tập trung vào lĩnh công nghiệp chế biến chế tạo với 38 dự án tổng vốn đầu tư là 787 triệu USD chiếm 74,8% tổng vốn đầu tư.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công nghiệp tỉnh Nghệ An còn một số tồn tại hạn chế, chưa xứng tầm với tiềm năng và lợi thế. Đó là: tỷ trọng công nghiệp trong GRDP còn thấp so với bình quân chung cả nước; sức cạnh tranh của các sản phẩm chưa cao, do quy mô, trình độ công nghệ còn lạc hậu, ít có mặt hàng chủ lực chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh; giá trị tăng thêm, tỷ trọng sản phẩm công nghiệp xuất khẩu còn thấp.
Bên cạnh đó, Tỉnh còn thiếu các cơ sở công nghiệp quy mô lớn đóng vai trò hạt nhân, có tác động lan tỏa, lôi kéo, kích thích phát triển các doanh nghiệp vệ tinh, các ngành công nghiệp hỗ trợ. Việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp ở Nghệ An, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Nguồn lực lao động dồi dào về số lượng, nhưng tỷ lệ qua đào tạo còn thấp. Ngoài ra, chưa phát huy được sự liên kết với các địa phương khác trong việc phối hợp để phát triển công nghiệp.
3. Mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế công nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2030
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, (2021), Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An là tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển nhanh các ngành có lợi thế cạnh tranh, các lĩnh vực có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu. Đến năm 2025, công nghiệp phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và không gian; tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong GRDP và đóng góp chủ yếu vào nguồn thu ngân sách. Đến năm 2030, công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, sử dụng công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm có tính tiêu chuẩn hóa cao, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và năng suất cao. Hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để đạt mục tiêu chung đó, ngành Công nghiệp tỉnh Nghệ An cần đạt được mục tiêu cụ thể các giai đoạn như sau:
Giai đoạn 2021 - 2025: Tập trung thu hút đầu tư để phát triển nhanh các ngành: Điện tử, Công nghệ thông tin; Cơ khí lắp ráp; Vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ mới; Dược liệu, Hóa chất; Chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm; Năng lượng; Hàng tiêu dùng; Công nghiệp hỗ trợ. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá SS2010) đến năm 2025 phấn đấu đạt 165.000 tỷ đồng (thực hiện theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX), trong đó giá trị sản xuất TTCN, làng nghề chiếm từ 8 - 9%. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt 16,5 - 17,5%. Giá trị gia tăng ngành Công nghiệp đến năm 2025 đạt 36.000 - 38.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 13,5 - 14,5%. Tỷ trọng ngành Công nghiệp - Xây dựng trong tổng sản phẩm xã hội của tỉnh đạt 39 - 40% vào năm 2025. Phát triển mới thêm từ 10 - 12 khu công nghiệp, 20 - 25 cụm công nghiệp. Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; cụm công nghiệp đạt tỷ lệ từ 70%; Hàng năm, tạo việc làm mới cho 18.000 - 20.000 lao động, trong đó lao động có kỹ năng nghề đạt từ 60%.
Giai đoạn 2026 - 2030: Chuyển đổi sang mô hình phát triển theo chiều sâu phù hợp với xu thế hội nhập và hiện đại. Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, các lĩnh vực cốt lõi về số hóa (công nghệ sinh học; công nghệ nano, in 3D, vật liệu mới,…); tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 17 - 18%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân từ 14 - 15%/năm; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong tổng sản phẩm xã hội của tỉnh chiếm từ 44 - 45%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa có trình độ và chất lượng cao. Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%.
Để đạt được mục tiêu đó, ngành Công nghiệp tỉnh Nghệ An cần theo định hướng và thực hiện các giải pháp chung như sau:
Một là, đẩy mạnh cơ cấu ngành và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng hiện đại. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, phát triển có chọn lọc một số ngành sản xuất vật liệu mới, điện tử, năng lượng tái tạo theo hướng xanh. Hạn chế và giảm dần các lĩnh vực gia công, sử dụng tiêu tốn nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động. Phát triển công nghiệp phải gắn với đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy phát triển dịch vụ và nông nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo để tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu từ nguồn nguyên liệu địa phương; giải quyết nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung Bộ, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, Đông Hồi.
Hai là, phát triển công nghiệp ven biển, khai thác khoáng sản biển. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản theo hướng hình thành một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có thương hiệu như: sữa, chè, các sản phẩm gỗ và ngoài gỗ, cây ăn quả, dược liệu... Khuyến khích phát triển các cơ sở khai thác, chế biến sâu các loại khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng... ở các các hành lang kinh tế ven biển phía Đông, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 7, Quốc lộ 48A.
Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ (gồm các tuyến cao tốc, cầu yếu, quốc lộ trọng yếu, nút thắt trong giao thông vận tải); đầu tư hạ tầng số; nâng cấp hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế... phục vụ cho phát triển công nghiệp.
Bốn là, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Công nghiệp. Xây dựng cơ chế đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là chính sách tiền lương, môi trường làm việc và hỗ trợ về nhà ở, có nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần và các điều kiện liên quan. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao nhất các ngành Công nghệ thông tin, Thiết kế, Cơ khí, Tự động hóa trên cơ sở phối hợp giữa doanh nghiệp với các trường đại học đóng trên địa bàn. Hình thành hệ thống các phòng thí nghiệm, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực CNTT, truyền thông, công nghệ sinh học, vật liệu mới... đủ năng lực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới để thu hút nhân tài.
Năm là, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư đối với các dự án lớn; tăng cường xúc tiến đầu tư trực tuyến, xúc tiến tại chỗ, phát huy hiệu quả của các kênh xúc tiến thông qua tổ chức, doanh nghiệp tư vấn quốc tế để chủ động tiếp cận và vận động Chính phủ các nước, các tập đoàn lớn nhằm thu hút các dự án lớn, quan trọng. Phối hợp, liên kết với các trung tâm xúc tiến đầu tư trong và nước ngoài. Đẩy mạnh công tác thông tin - truyền thông đến với các đối tác, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về hình ảnh miền đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng thế mạnh, môi trường đầu tư, các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Sáu là, tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế vào ngành Công nghiệp. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo; thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý ngành Công nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp. Tăng cường cải cách hành chính thông qua cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Bảy là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu. Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh. Thực hiện lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nằm xen kẽ các khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp. Nâng cao năng lực thẩm định môi trường cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành. Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động ở các KCN, CCN, nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, (2021). Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
- Cục Thống kê tỉnh Nghệ An (2023). Các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An qua các năm từ năm 2013 đến năm 2022.
- Đảng bộ tỉnh Nghệ An, (2020). Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An, (2023). Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050.
- Phạm Việt Dũng (2023). Đẩy mạnh phát triển công nghiệp góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản. Truy cập tại https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/827260/day-manh-phat-trien-cong-nghiep%C2%A0gop-phan-xay-dung%C2%A0nen-kinh-te-doc-lap%2C-tu-chu-va-hoi-nhap-quoc-te-o-viet-nam.aspx
Promoting the industrial economic development of Nghe An province
Master. Duong Xuan Tung
Hanoi College of Pharmacy
Abstract:
In recent years, Nghe An province has implemented policies and paid special attention to industrial economic development. The province is striving to become a developed province in the North Central region, Vietnam. This paper analyzes the current industrial economic development in Nghe An province in the period 2013-2022. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to facilitate Nghe An province’s industrial economic development by 2030.
Keywords: industry, industrial economic development, Nghe An province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16 tháng 7 năm 2023]