Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp Quảng Ninh sau bão số 3

Chiều 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh để đưa ra các phương án khắc phục hậu quả bão số 3.

Tham gia buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Quảng Ninh.

Cần có chính sách hỗ trợ người lao động phục hồi sau bão

Phát biểu tại buổi làm việc, qua quá trình khảo sát, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận thấy để khắc phục được hạ tầng du lịch cũng cần 5, 6 tháng, đồng nghĩa với việc người lao động và người dân địa phương sẽ hao hụt nguồn thu. Hơn nữa, đối với một ngành đặc thù như du lịch, chỉ cần ngắt hoạt động khỏi thị trường trong một thời gian ngắn đã ảnh hưởng nhiều đến tính cạnh tranh trong môi trường du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất một số chính sách hỗ trợ người lao động

Từ đó, Bộ trưởng đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số chính sách đối với những địa phương có thiệt hại nặng nề tương tự như tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể:

Thứ nhất, đối với người dân nói chung và những người kinh doanh trong vùng du lịch nói riêng, cần khẩn trương có cơ chế chính sách để tạm hoãn các khoản nợ, xem xét để giảm thuế, thậm chí miễn thuế cho các hộ kinh doanh hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt khi điều kiện để buôn bán đang vô cùng hạn chế.

Thứ hai, khẩn cấp nghiên cứu cơ chế cho vay ưu đãi, có thể ưu đãi cả thời hạn ưu đãi và mức lãi suất để người dân có điều kiện phục hồi.

Thứ ba, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những khu vực bị chia cắt, cô lập do ảnh hưởng của bão số 3.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất thông qua Công đoàn Quảng Ninh cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ, tạo điều kiện người lao động, đặc biệt cho người lao động trong ngành du lịch để giữ chân họ gắn bó với tỉnh.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc khôi phục các công trình hạ tầng bị thiệt hại một cách đồng bộ là vô cùng quan trọng. Cần có những cơ chế đặc thù để lựa chọn nhà tư vấn, thực thi khôi phục hạ tầng.

Tỉnh Quảng Ninh chủ động cân đối ngân sách để khắc phục hậu quả sau bão

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh cho biết, tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống thiên tai, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động và tích cực khắc phục những hậu quả nặng nề của bão số 3.

Với việc xác định rõ phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” và chuẩn bị theo nguồn lực sẵn có của tỉnh Quảng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đảm bảo tỉnh sẽ cố gắng khắc phục toàn bộ thiệt hại trên địa bàn trong thời gian sớm nhất. Trong đó sẽ ưu tiên cho các cơ quan, trụ sở làm việc, trường học, cơ sở khám, chữa bệnh cho người dân và đảm bảo lưu thông trên các tuyến quốc lộ, nhằm đảm bảo các hoạt động của học sinh, cơ sở khám, chữa bệnh và đời sống nhân dân trở lại bình thường

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh khẳng định tỉnh sẽ chủ động cân đối ngân sách để khắc phục hậu quả sau bão.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh có một số kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng. Một là, khôi phục nguồn điện và hệ thống viễn thông của tỉnh.  Hai là, đề nghị Quân khu 3 hỗ trợ tỉnh trong vấn đề cứu hộ, cứu nạn trên biển, dọn dẹp hậu quả sau bão và nâng cấp Tuyến đê Hà Nam, là tuyến đê cấp III duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Đối với chỉ đạo của Thủ tướng về việc hỗ trợ ngân sách cho mỗi địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng để khắc phục hậu quả bão tại hội nghị sáng nay, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh thông tin thêm, tỉnh nhận thấy hoàn lưu sau bão và mưa lũ vẫn còn ảnh hưởng rất nặng nề, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tỉnh đảm bảo sẽ chủ động cân đối ngân sách để khắc phục hậu quả và nhường lại nguồn hỗ trợ của Chính phủ cho các tỉnh miền núi hiện còn đang gặp nhiều khó khăn.

Để học sinh được đến trường sớm, cuộc sống người dân trở lại bình thường 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh trong phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, hoan nghênh tỉnh đã sớm triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Chính phủ theo tinh thần “3 trước, 4 tại chỗ” và tập trung khắc phục hậu quả song song với công tác phòng chống bão.

Thủ tướng cũng hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành trong công tác phòng chống bão. Đồng thời, Thủ tướng gửi lời cảm ơn nhân dân, doanh nghiệp đã đồng hành với các cấp ủy chính quyền, các lực lượng chức năng như công an, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh tham gia phòng chống bão và khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.

Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh trong phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3

Thủ tướng nêu rõ những mục tiêu trong thời gian tới bao gồm sớm ổn định tình hình, đưa mọi hoạt động đi vào bình thường; cứu chữa người bị thương, bị nạn, tìm kiếm người mất tích; lo hậu sự cho những người xấu số; chuẩn bị phòng, chống hoàn lưu sau bão, nhất là liên quan đến lũ ống, lũ quét, sạt lở, đặc biệt chú ý chuẩn bị phương tiện, vật tư, hướng dẫn nhân dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tất cả các cháu phải được đến trường sớm; những người bệnh, người bị thương phải được cứu chữa, nhanh chóng trở về với gia đình, với cuộc sống.

Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục hậu quả, bao gồm cả lực lượng vũ trang, thanh niên, phụ nữ,… tập trung làm các công việc vệ sinh môi trường, dọn dẹp,… đặc biệt là lực lượng vũ trang, quân đội, công an.

Thứ hai, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhanh chóng khắc phục sự cố, phục hồi cung cấp điện. Các tập đoàn viễn thông khắc phục ngay thông tin liên lạc.

Thứ ba, các ngân hàng nghiên cứu kế hoạch hỗ trợ, phương án cho vay, giãn/hoãn và cơ cấu lại nợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân bắt tay vào khắc phục hậu quả.

Thứ tư, các cơ quan thuế nghiên cứu chính sách giảm, miễn, gia hạn thuế, phí, lệ phí,… cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ năm, kiểm tra, rà soát, đánh giá lại các thiệt hại, đề xuất chính sách hỗ trợ trên cơ sở lắng nghe tiếng nói của người dân.

Thứ sáu, đảm bảo giao thông thông suốt, khắc phục các khu vực sạt lở đường sá để đảm bảo hoạt động của người dân.

Thủ tướng giao lãnh đạo các bộ ngành hướng dẫn cụ thể các địa phương về cơ chế đặc thù để khắc phục hậu quả thiên tai trong điều kiện khẩn cấp, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về chỉ định thầu, mua sắm trong điều kiện khẩn cấp, giao các địa phương triển khai, bảo đảm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đồng thời nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ với các hộ nông dân nuôi trồng thuỷ sản.

Cùng với đó, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân; sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, bảo đảm sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế.

Về các kiến nghị, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất liên quan nâng cấp đê Hà Nam. Thủ tướng cũng hoan nghênh tinh thần tương thân tương ái, phát động phong trào nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn vì thiệt hại do bão số 3.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Quảng Ninh.

Huyền My - Tiến Thành