Nghiên cứu khả năng và yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện sau tăng giá điện sinh hoạt

Phan Diệu Hương (Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt ngày 20/3/2019 đã có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý cũng như việc điều chỉnh hành vi sử dụng điện của người dân, trong đó có sự thay đổi lựa chọn sử dụng thiết bị điện tiết kiệm điện trong từng gia đình. Sử dụng mô hình multinomial logit trong bài báo nhằm đánh giá khả năng thay đổi lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện trong gia đình sau thời gian hơn 6 tháng tăng giá điện sinh hoạt. Mẫu điều tra được thu thập tại quận Hoàng Mai và Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Từ khóa: Lựa chọn, tiết kiệm điện, multinomial logit, quận Hoàng Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Trước ngày 20/3/2019 cũng có nhiều đợt điều chỉnh giá bán điện, qua mỗi đợt điều chỉnh đều có những phản ứng nhất định, với mức độ khác nhau từ phía doanh nghiệp và người dân. Điều đó hoàn toàn hợp lý vì việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất cũng như chi tiêu hàng tháng của các hộ gia đình. 

Nếu việc tăng giá điện không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít (không cảm nhận tác động) đến chi tiêu gia đình thì thường các hộ gia đình sẽ không có động thái trong điều chỉnh hành vi sử dụng điện của gia đình. Tuy nhiên, nếu cảm nhận ảnh hưởng lớn đến chi tiêu của gia đình, hầu hết các gia đình đều quan tâm và điều chỉnh hành vi sử dụng cũng như lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện nếu điều kiện cho phép. Với thời gian hơn 6 tháng tính từ thời điểm Bộ Công Thương quyết định tăng giá điện bán lẻ, các hộ gia đình có đủ thời gian đánh giá những tác động và có thể có những thay đổi lựa chọn sử dụng thiết bị điện trong gia đình.

Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị điện của gia đình khi tăng giá điện, để thấy rõ khả năng phản ứng của gia đình khi giá điện sinh hoạt tăng. Khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện được thể hiện qua số loại thiết bị tiết kiệm điện được gia đình lựa chọn sử dụng sau một thời gian tăng giá điện (thể hiện bằng xác suất khả năng lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện trong gia đình, đánh giá phản ứng của gia đình với việc tăng giá điện sinh hoạt). Trong phạm vi nghiên cứu, mô hình multinomial logit được lựa chọn nhằm đánh giá khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện của gia đình khi giá điện sinh hoạt tăng. Qua nghiên cứu cũng cho biết thêm những vấn đề nhiều gia đình gặp phải khi quyết định lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện. Dữ liệu sử dụng cho nghiên cứu bao gồm các số liệu thống kê thứ cấp và 127 mẫu điều tra đã được thu thập tại quận Hoàng Mai và quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

2. Tổng quan nghiên cứu

Mô hình multinomial logit thường được lựa chọn khi nghiên cứu những vấn đề liên quan đến khả năng lựa chọn khác nhau (nhiều hơn 2 lựa chọn) của biến phụ thuộc. Những nghiên cứu nước ngoài ứng dụng mô hình trong nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải [9], bảo hiểm du lịch [8]... Mô hình multinomial logit cũng được ứng dụng trong nghiên cứu tại Việt Nam khá đa dạng trong phân tích hành vi lựa chọn cây trồng thích hợp với biến đổi khí hậu của nông dân Việt Nam [1], lựa chọn phương tiện giao thông vận tải của người dân đô thị [3], lựa chọn vị trí cho doanh nghiệp logistic [7], phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng [5], quyết định di cư cá nhân [4]. Trong các nghiên cứu, biến phụ thuộc đều thể hiện các khả năng lựa chọn khác nhau và các biến độc lập là những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng lựa chọn khác nhau của biến phụ thuộc. Phần mềm SPSS, STATA được lựa chọn sử dụng trong khá nhiều nghiên cứu mô hình multinomial logit.

3. Mô hình nghiên cứu

3.1. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu

Mô hình multinomial logit được sử dụng với mục đích nghiên cứu khả năng lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện khi giá tăng, cũng như một số yếu tố có thể ảnh hưởng khác như thu nhập, điện năng tiêu thụ, hiểu biết của chủ hộ... Các số liệu thống kê thứ cấp và điều tra sơ cấp được phân tích và xử lý bằng phần mềm SPSS. Khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện được đánh giá thông qua xác suất lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện khi giá điện sinh hoạt tăng và được thể hiện qua kết quả mô hình multinomial logit.

Mẫu điều tra gồm 150 mẫu được thu thập tại quận Hoàng Mai và quận Đống Đa thành phố Hà Nội. Mẫu điều tra ngẫu nhiên theo tính thuận tiện điều tra. Số liệu điều tra được thu thập (thu về 138 phiếu trả lời) và xử lý sơ bộ loại bỏ những mẫu không cung cấp đầy đủ hoặc thông tin không đủ tin cậy cho nghiên cứu. Số mẫu còn lại phù hợp với yêu cầu thông tin điều tra là 127 mẫu.

Mẫu phiếu điều tra được cấu trúc thành 3 phần: (i) mô tả sơ bộ những thông tin chính về gia đình được điều tra, như: số nhân khẩu, học vấn của chủ gia đình, hiểu biết của chủ gia đình về mức độ quan tâm, hiểu biết về thiết bị tiết kiệm điện; (ii) đánh giá khả năng lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện và yếu tố ảnh hưởng khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện khi tăng giá điện sinh hoạt như mức sử dụng điện hàng tháng, thu nhập trung bình/người của gia đình, cảm nhận ảnh hưởng tăng giá điện, giá thiết bị tiết kiệm điện so với thiết bị thông thường...; (iii) vấn đề khó khăn khi các gia đình tiếp cận thông tin, quyết định lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện.

3.2. Mô hình nghiên cứu

Mô hình multinomial logit được lựa chọn trong nghiên cứu khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện của gia đình khi tăng giá điện sinh hoạt. Multinomial logit là mô hình được mở rộng từ mô hình logistic logit [9]. Dạng mô hình multinomial logit cũng có biến phụ thuộc định tính nhưng có (M) trạng thái/lựa chọn/kết quả. Một giá trị của biến phụ thuộc sẽ được chọn làm tham chiếu, xác suất của các nhóm khác sẽ được so sánh với xác suất của nhóm tham chiếu. Mô hình multinomial logit được thể hiện [9]:

Biến phụ thuộc (Y) có (M) trạng thái, P (Yi = m, với m = 2÷M) thì xác suất để (Y) nhận giá trị (m) được biểu diễn qua hàm:Trong đó: (i) là quan sát thứ (i) và (k = 1÷K) là số biến độc lập (Xik) có thể là định tính hoặc định lượng.          

Xác suất để biến phụ thuộc có giá trị chọn làm tham chiếu (giả sử chọn trạng thái đầu tiên, nghĩa là m = 1):

Mô hình multinomial logit xây dựng dưới dạng log:

Mô hình multinomial logit sử dụng trong nghiên cứu khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện trong gia đình khi tăng giá điện sinh hoạt được xây dựng cụ thể như sau:

Biến phụ thuộc thể hiện khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện của gia đình khi tăng giá điện. Khả năng này được đánh giá qua việc không lựa chọn, lựa chọn ít hay nhiều loại thiết bị tiết kiệm điện của gia đình khi tăng giá điện sinh hoạt.

SDung = 0 nếu gia đình không lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện (gia đình không có phản ứng thay đổi thiết bị điện).

SDung = 1 nếu gia đình có sử dụng 1 loại thiết bị tiết kiệm điện từ khi tăng giá điện (gia đình có phản ứng thay đổi thiết bị điện nhưng ít).

SDung = 2 nếu gia đình có sử dụng từ 2 loại thiết bị tiết kiệm điện trở lên từ khi tăng giá điện (gia đình có phản ứng tích cực thay đổi thiết bị điện).

Gia đình không thay đổi lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện khi tăng giá điện được chọn làm nhóm tham chiếu cho các nhóm có điều chỉnh khác.

Biến độc lập là các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị điện của gia đình khi tăng giá điện. Biến độc lập bao gồm các biến định lượng và định tính như sau:

DTuoi: tuổi của chủ hộ (tuổi).

NKhau: số nhân khẩu trong gia đình (người).

TNhap: thu nhập bình quân/người của gia đình (triệu đồng/người/tháng).

DienTT: điện năng tiêu thụ bình quân 1 tháng của gia đình (kWh/tháng).

Hvan: học vấn của chủ hộ (THPT, cao đẳng/đại học và sau đại học).

QTam: mức độ quan tâm của gia đình đến thiết bị tiết kiệm điện (không quan tâm, ít quan tâm và rất quan tâm).

HBiet: mức độ hiểu biết của gia đình về thiết bị tiết kiệm điện (không biết, biết ít và am hiểu).

GDien: cảm nhận về ảnh hưởng tăng giá điện đối với gia đình (không ảnh hưởng, ít ảnh hưởng và rất ảnh hưởng).

GTbi: cảm nhận về giá thiết bị tiết kiệm điện so với thiết bị bình thường (không quá đắt, quá đắt).

Sco: mức độ sẵn có của thiết bị tiết kiệm điện trên thị trường (không sẵn có và sẵn có).

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả

Qua số liệu điều tra 127 mẫu cho thấy, sau hơn 6 tháng tính từ thời điểm tăng giá điện sinh hoạt (20/3/2019), đã có rất nhiều gia đình quan tâm tới thiết bị tiết kiệm điện: 95/127, chiếm 74.8% cho rằng rất quan tâm, 18 gia đình ít quan tâm và chỉ có 14/127 gia đình (11%) trả lời không quan tâm. Trong số 14 gia đình trả lời không quan tâm đến thiết bị tiết kiệm điện đều có điện năng tiêu thụ trung bình trong tháng dưới 300kWh (có 10 gia đình có mức tiêu thụ dưới 200kWh và 4 gia đình có mức dưới 300kWh). Các gia đình chưa quan tâm đến sử dụng thiết bị tiết kiệm điện ở khu vực điều tra chủ yếu có mức tiêu thụ điện hàng tháng không cao, cảm nhận mức độ ảnh hưởng của tăng giá điện đến sinh hoạt gia đình không nhiều (9/127 gia đình không quan tâm và không thấy ảnh hưởng tăng giá điện, điện năng tiêu thụ dưới 200kWh/tháng, 5/127 gia đình trả lời không quan tâm và ít ảnh hưởng cũng tiêu thụ dưới 300kWh/tháng). Số liệu điều tra cũng cho thấy, cùng với mức tiêu thụ điện trung bình/tháng của các gia đình không quan tâm đến thiết bị tiết kiệm điện thì thu nhập bình quân trên người của các gia đình này cũng đều dưới 10 triệu đồng/người/tháng (chỉ có 4 gia đình có thu nhập trung bình 10 triệu đồng/tháng) và số nhân khẩu là 2 người.

Khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó không thể không đề cập sự hiểu biết của chủ hộ về các thiết bị điện. Qua số liệu mẫu điều tra cho thấy, đa số nam giới quyết định việc mua các thiết bị tiết kiệm điện trong gia đình (115/127 chiếm 90.6%) nhưng số người trả lời có hiểu biết ít về thiết bị tiết kiệm điện lại không nhỏ (60/127, 47.2%), trả lời không biết có 18 người (14.2%), rất am hiểu chiếm 38.6% số người trả lời. Như vậy, hơn 60% gia đình trong mẫu điều tra chưa có những hiểu biết tốt về thiết bị tiết kiệm điện trong gia đình. Việc lựa chọn thiết bị với người tiêu dùng hiện tại vẫn mang yếu tố cảm tính, phụ thuộc nhiều khả năng chi trả cũng như ảnh hưởng qua các kênh thông tin về thiết bị tiết kiệm điện như người bán, người quen (tương ứng 38.6%, 49.6%). Điều đáng tiếc là kênh thông tin trực tiếp từ ngành Điện hoàn toàn bỏ trống với người tiêu dùng hiện tại (0%)!. Với kết quả số liệu điều tra như vậy, đây thực sự là một hạn chế cũng như cơ hội cho ngành Điện có những chương trình truyền thông, tư vấn thích hợp, thiết thực, góp phần thay đổi hình ảnh của ngành khi thực sự hướng tới khách hàng. 

Số gia đình không sử dụng loại thiết bị tiết kiệm điện nào, sử dụng 1 loại và từ 2 loại trở lên trong mẫu điều tra lần lượt 8, 87, 32 gia đình (tương ứng 6.3%, 68.5% và 25.2%). Trong 14 gia đình không quan tâm, chỉ có 8 gia đình không sử dụng bất kỳ thiết bị tiết kiệm điện nào. Các gia đình không sử dụng thiết bị tiết kiệm điện là những gia đình ít người (2 nhân khẩu), thu nhập/người/tháng trung bình dưới 10 triệu đồng/tháng (7.6 triệu đồng/tháng), mức tiêu thụ điện năng thấp (dưới 200kWh/tháng).

4.2. Kết quả nghiên cứu

Sử dụng phần mềm SPSS trong phân tích, ước lượng mô hình multinomial logit với biến phụ thuộc thể hiện khả năng lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện và các biến độc lập như đã mô tả tại mục 3.2. Chọn khả năng gia đình không sử dụng thiết bị tiết kiệm điện làm tham chiếu và so sánh các khả năng lựa chọn khác (sử dụng 1 loại thiết bị tiết kiệm điện và sử dụng từ 2 loại trở lên) với trường hợp tham chiếu. Thực hiện hồi quy với các biến độc lập và loại bỏ dần các biến không có ý nghĩa thống kê qua từng bước, với hệ số McFadden là 0.862 (tỷ lệ 86.2% sự thay đổi của biến phụ thuộc được giải thích qua các biến  độc lập trong mô hình multinimial logit). Số liệu điều tra và ước lượng mô hình cho thấy khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện và các biến có tác động như kết quả trong Bảng 1.

Bảng 1. Khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện khi tăng giá điện

Nguồn: Kết quả mô hình multinomial logit

Chọn tham chiếu là xác suất khả năng gia đình không lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, so sánh 2 trường hợp còn lại, kết quả cho thấy:

Mức tiêu thụ điện trung bình hàng tháng và thu nhập là 2 yếu tố có ý nghĩa thống kê và tác động mạnh đến khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện khi tăng giá điện. Khi mức tiêu thụ điện trong gia đình tăng sẽ làm tăng khả năng lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện (1 loại và nhiều loại) so với không sử dụng. Tuy nhiên, dấu của biến thu nhập trong trường hợp lựa chọn sử dụng 1 loại so với không sử dụng thiết bị tiết kiệm điện lại thể hiện giảm khả năng lựa chọn sử dụng 1 loại so với không sử dụng. Như vậy, cũng có khả năng khi tăng thu nhập các gia đình có thể lựa chọn tăng thêm nhiều hơn 2 loại thiết bị tiết kiệm điện. Điều này cũng thể hiện trong tăng khả năng lựa chọn nhiều hơn 2 thiết bị trở lên so với không sử dụng khi thu nhập tăng.

Kết quả từ mô hình cho thấy đối với những gia đình chỉ lựa chọn sử dụng 1 loại thiết bị tiết kiệm điện, tác động của thu nhập đến khả năng lựa chọn thiết bị lớn hơn so với tác động lượng điện tiêu thụ. Ngược lại, những gia đình có sử dụng 2 loại thiết bị tiết kiệm điện trở lên, tác động của điện tiêu thụ lớn hơn và đều đồng biến. Nghĩa là, tăng mức tiêu thụ điện và tăng thu nhập trung bình hàng tháng làm tăng xác suất gia đình sẽ lựa chọn sử dụng từ 2 thiết bị tiết kiệm điện trở lên so với không sử dụng thiết bị nào (tương ứng tăng 55.1% và 44.2% đối với điện năng tiêu thụ và thu nhập). Kết quả này phù hợp với số liệu điều tra thực tế khi các gia đình này đều rất quan tâm đến thiết bị, có điện năng tiêu thụ hàng tháng cao (4 gia đình có tiêu thụ trên 300kWh/tháng và 29 gia đình tiêu thụ trên 400kWh/tháng) và cũng có thu nhập khá cao (3 gia đình thu nhập từ 11-15 triệu đồng/người/tháng, 19 gia đình 16-20 triệu đồng/tháng và 10 gia đình trên 20 triệu đồng/tháng).    

Sự thay đổi khả năng lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện qua các mức tiêu thụ điện và thu nhập trung bình gia đình hàng tháng thông qua xác suất lựa chọn số loại thiết bị tiết kiệm điện. Kết quả được trình bày trong Bảng 2.

Bảng 2. Khả năng lựa chọn thiết bị sử dụng tiết kiệm điện gia đình khi tăng giá

Xác suất

Thu nhập 7.5trĐ[1]

Đnăng 150kWh

(nhóm 1)

Thu nhập 13trĐ

Đnăng 250kWh

(nhóm 2)

Thu nhập 18trĐ

Đnăng 350kWh

(nhóm 3)

Thu nhập 23trĐ

Đnăng 500kWh

(nhóm 4)

P(SDung=0)

1.00000

0.00000

0.00000

0.00000

P(Sdung=1)

0.00000

0.99997

0.74173

0.00001

P(Sdung=2)

0.00000

0.00003

0.25827

0.99999

Nguồn: Tính toán từ kết quả mô hình

Thu nhập và điện năng tiêu thụ hàng tháng tăng sẽ làm giảm nhanh chóng khả năng không lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện trong gia đình. Ở nhóm 1 khả năng không lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện chiếm ưu thế (xác suất 100% không chọn sử dụng). Nhóm 2 chủ yếu lựa chọn sử dụng 1 loại thiết bị tiết kiệm điện. Nhóm 3 bắt đầu giảm khả năng lựa chọn 1 loại thiết bị và tăng khả năng lựa chọn từ 2 loại thiết bị tiết kiệm điện trở lên. Nhóm 4 khả năng lựa chọn sử dụng 2 loại thiết bị tiết kiệm điện trở lên chiếm ưu thế. Xác suất lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện từ 2 loại trở lên có thể được thấy rõ trong Hình 1.   

Hình 1: Khả năng lựa chọn 2 loại thiết bị tiết kiệm điện trở lên trong gia đình

Hình 1: Khả năng lựa chọn 2 loại thiết bị tiết kiệm điện trở lên trong gia đình

Kết quả thu được khi so sánh giữa khả năng lựa chọn sử dụng 1 loại, từ 2 loại thiết bị tiết kiệm điện trở lên với trường hợp tham chiếu (không sử dụng thiết bị tiết kiệm điện nào) cũng cho thấy: (i) Điện năng tiêu thụ trung bình hàng tháng của gia đình tăng thêm 1 kWh, thì khả năng lựa chọn sử dụng 1 loại thiết bị tiết kiệm điện tăng 46.8% và khả năng lựa chọn từ 2 loại trở lên tăng 51.1%; (ii) Thu nhập trung bình tăng 1 triệu đồng/người/tháng, sẽ làm giảm khả năng lựa chọn sử dụng 1 loại thiết bị tiết kiệm điện 34.1% và tăng khả năng lựa chọn từ 2 loại trở lên 44.2%.   

5. Kết luận

 Kết quả điều tra 127 mẫu tại quận Hoàng Mai và quận Đống Đa thành phố Hà Nội cho thấy số lượng gia đình lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện chiếm tỷ lệ khá lớn (93.7%), nhưng số gia đình lựa chọn 2 loại trở lên không cao (25.2%). Điện năng tiêu thụ hàng tháng và thu nhập bình quân/người của gia đình là 2 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện sau khi tăng giá điện sinh hoạt. Tác động của điện năng tiêu thụ ảnh hưởng đến khả năng lựa chọn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện mạnh hơn so với thu nhập bình quân/người của gia đình. Tác động của điện năng tiêu thụ có tác động đồng biến với khả năng lựa chọn sử dụng 1 loại và nhiều loại thiết bị tiết kiệm điện. Thu nhập lại làm giảm khả năng lựa chọn sử dụng 1 loại thiết bị tiết kiệm điện nhưng làm tăng khả năng lựa chọn từ 2 loại trở lên so với khả năng không sử dụng thiết bị tiết kiệm điện.

Sau thời gian hơn 6 tháng tăng giá điện sinh hoạt (20/3/2019), nhiều hộ gia đình đã có điều chỉnh hành vi sử dụng điện qua việc lựa chọn thay đổi thiết bị tiết kiệm điện so với trước. Tuy nhiên, cũng thấy rằng, thông tin và hiểu biết về các thiết bị này còn hạn chế trong các gia đình. Kênh thông tin chủ yếu cho lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện vẫn từ người bán và qua người quen. Một kênh thông tin quan trọng từ ngành Điện hoàn toàn không có và đánh giá tác động từ tuyên truyền của ngành đến sử dụng điện của gia đình hoàn toàn không khả quan. Với mục tiêu hướng đến khách hàng, thay đổi cơ bản về hình ảnh ngành, thay đổi tư duy cung cấp dịch vụ điện, ngành Điện cần xây dựng kênh thông tin hữu ích, tuyên truyền và tư vấn lựa chọn sử dụng thiết bị điện tiết kiệm đến người dân hiệu quả hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Châu Thoại (2014), Mô hình multinomial logit phân tích hành vi chọn lựa cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân Việt Nam, mạng thông tin KH&CN TP. Hồ Chí Minh.
  2. Nguyễn Đăng Hào (2012), Các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn chiến lược sinh kế của các nông hộ tại vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, tập 72B, số 3 (2012), trang 93 - 102, Tạp chí Khoa học, Đại học Huế.
  3. Nguyễn Trọng Hoài, Hồ Quốc Tuấn (2015), Phân tích hành vi lựa chọn phương tiện giao thông của người dân đô thị Việt Nam: Nghiên cứu điển hình thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, số 215 (2015), trang 51 - 58, Tạp chí Kinh tế và Phát triển.
  4. Phạm Ngọc Hưng, Phạm Văn Chững, Lê Thị Thanh An (2019), Mô hình logit đa thức nhiều mức phân tích quyết định di cư cá nhân của Việt Nam, 3(1): 45-51, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ - Kinh tế - Luật và Quản lý.
  5. Phan Đình Khôi, Nguyễn Việt Thành (2017), Các yếu tố vi mô ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng: trường hợp các ngân hàng thương mại cổ phần sở hữu nhà nước ở Hậu Giang, 48D, trang 104 - 111, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ.
  6. Chu Thị Thu và Lê Thị Gấm (2016), Khả năng ứng phó của người dân với tình hình sâu bệnh trong hoạt động sản xuất lúa tại xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, số 4 (2016), trang 152 - 162, Tạp chí Khoa học và Công nghệ lâm nghiệp.
  7. Nguyễn Cao Ý và Đoàn Trọng Ninh (2015), Ứng dụng mô hình logit đa thức và lựa chọn vị trí của doanh nghiệp logistic, Tạp chí Giao thông Vận tải.
  8. Pai - Lung Chou and Chen - Hua Yao (2011), Applying a mixed logit model approach to analyze China’s travel insurance decision – making behavior, Vol. 14, No.6, pp 1057 - 1066, Journal of Statistics and Management System, Taru Publish.
  9. Richard Tay, Jaisung Choi, Lina Kattan, Amjad Khan (2011), A multinomial logit model of pedestrian - vehicle crash severity, vol 5, issue 4, International Journal of sustainable transportation.
  10. Richard Williams (2018), Multinomial Logit Models, Overview, University of Notre Dame.

Research on the possibilities of choosing energy saving devices after the increase in electricity price

PhD. PHAN DIEU HUONG

School of Economics and Management, Hanoi University Science and Technology  

ABSTRACT

Consumer behaviour has changed after the increase in electricity price on March 20, 2019. The increase has changed the way how people use electricity and how they are more likely to choose energy saving devices. The Multinomial Logit Choice Model is applied in this research to determine how consumers change their choices in energy saving devices after 6 months of the increase in electricity price. The samples were collected in Hoang Mai and Dong Da districts, Hanoi City.

Keywords: Choice possibility, energy saving, multinomial logit, Hoang Mai district, Dong Da disctrict, Hanoi.