Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giám sát các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam

Đề tài Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giám sát các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam do ThS. Nguyễn Ngọc Hà (Khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài báo này là kết quả nghiên cứu của tác giả về tiêu chí giám sát các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính của một số khu vực và quốc gia trên thế giới. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia cần chú trọng hơn nữa trong giám sát rủi ro lan tuyền, thiết lập cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan giám sát quốc gia và quốc tế, áp dụng có chọn lọn các nguyên tắc của Basel, đẩy mạnh thanh tra tại chỗ và tăng cường hợp tác song phương, nhằm nâng cao hiệu quả giám sát. Thông qua nghiên cứu và rút ra kinh nghiệm quốc tế, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giám sát các tập đoàn tài chính nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm: xây dưng các tiêu chí giám sát, đề xuất cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giám sát trong và ngoài nước, phát triển hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với đặc thù kinh tế và xây dựng khung pháp lý giám sát cụ thể của nước ta.

Từ khóa: công ty đa quốc gia, giám sát tài chính, thị trường tài chính toàn cầu.

1. Đặt vấn đề

Nghiên cứu về tập đoàn đa quốc gia từ lâu đã thu hút sự quan tâm của các học giả trên toàn cầu. Xét đến quy mô tài chính, khả năng định hình xu hướng kinh doanh, công nghệ và chính sách kinh tế quốc gia, các doanh nghiệp này đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế thế giới, góp phần quan trọng vào quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của thị trường tài chính toàn cầu. Cùng với sự gia tăng về quy mô và phạm vi hoạt động, các tập đoàn này cũng đặt ra nhiều thách thức về mặt quản lý và giám sát, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế, với sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào các thị trường quốc tế và khu vực.

Việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính không chỉ giúp tăng cường nguồn lực tài chính, mà còn mang lại cơ hội tiếp cận công nghệ và tri thức tiên tiến. Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp giám sát hiệu quả, những lợi ích này có thể bị lấn át bởi các rủi ro về tài chính, rủi ro pháp lý và những ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tăng cường giám sát các định chế tài chính có yếu tố nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, nhưng đến nay, các quy định giám sát vẫn còn có khoảng trống nhất định trong quy trình giám sát. Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới là cần thiết, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính phát triển, đồng thời đảm bảo an toàn cho thị trường tài chính, qua đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc gia.

2. Khái niệm về tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính và thực tế hoạt động tại Việt Nam

Để đảm bảo sự nhất quán và rõ ràng trong việc thảo luận, tác giả thống nhất cách gọi các tập đoàn đa quốc gia này là “tập đoàn tài chính nước ngoài (TĐTC nước ngoài)”.

Tập đoàn đa quốc gia là những doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại một quốc gia, nhưng mở rộng hoạt động kinh doanh ra nhiều quốc gia khác, tạo ra một mạng lưới kinh doanh xuyên biên giới. Điều này cho phép các công ty này tiếp cận nhiều thị trường khác nhau, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và khai thác các nguồn tài nguyên toàn cầu. Các khái niệm và định nghĩa về "tập đoàn đa quốc gia" đã thay đổi theo thời gian và không còn được sử dụng một cách thống nhất. Một số nhà nghiên cứu tập trung vào yếu tố toàn cầu hóa, trong khi những người khác nhấn mạnh vào quy mô tài sản hoặc mức độ ảnh hưởng quốc tế. Tuy có sự khác biệt trong việc gọi tên, "tập đoàn đa quốc gia" thường được hiểu là những công ty có quy mô lớn về tài sản, hoạt động ở nhiều quốc gia nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận toàn cầu, góp phần quan trọng vào quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của thị trường tài chính toàn cầu.

Về cơ bản, cấu trúc của các tập đoàn đa quốc gia bao gồm công ty mẹ và các công ty thành viên, có hoạt động kinh doanh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Công ty mẹ thường nắm giữ quyền kiểm soát và sở hữu toàn bộ hoặc phần lớn tài sản của tập đoàn. Đây là đơn vị điều hành chính, đưa ra các quyết định chiến lược và quản lý chung cho toàn bộ tập đoàn. Nơi đặt trụ sở chính của công ty mẹ được gọi là nước nguyên xứ. Trong khi đó, các công ty thành viên hoặc chi nhánh hoạt động tại các quốc gia khác được gọi là nước sở tại.

Các công ty thành viên có nhiều dạng khác nhau, trong đó phổ biến nhất là công ty con và chi nhánh. Công ty con là một pháp nhân riêng biệt, mặc dù chịu sự kiểm soát của công ty mẹ nhưng có quyền tự chủ về mặt pháp lý. Chi nhánh, ngược lại, là một phần mở rộng của công ty mẹ và không có tư cách pháp nhân độc lập. Công ty mẹ thường thiết lập các công ty con và chi nhánh để tận dụng lợi thế của từng thị trường địa phương, đồng thời tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tiếp cận khách hàng và quản trị rủi ro.

Ngoài ra, tập đoàn đa quốc gia còn có thể bao gồm các liên doanh hoặc công ty liên kết, những hình thức hợp tác với các công ty khác nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh và chia sẻ nguồn lực. Thông qua các cơ cấu này, tập đoàn đa quốc gia có thể khai thác và phát triển thị trường quốc tế một cách hiệu quả, đồng thời duy trì sự linh hoạt và thích ứng với sự biến đổi của thị trường toàn cầu.

Vai trò và vị thế của các tập đoàn tài chính nước ngoài tại Việt Nam ngày càng được củng cố và mở rộng một cách đáng kể. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các ngân hàng liên doanh và nước ngoài tại Việt Nam ước đạt khoảng 1.800.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9.3% toàn hệ thống ngân hàng​. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam ước đạt khoảng 786.000 tỷ đồng, chiếm 86% tổng tài sản của toàn thị trường bảo hiểm. Các tập đoàn này không chỉ gia tăng sự hiện diện, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong ngành Tài chính. Các tập đoàn tài chính nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam chủ yếu thuộc nhóm các công ty được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con. Mô hình này đòi hỏi 2 điều kiện chính để hoạt động hiệu quả, đó là:

(i) Trụ sở chính của công ty mẹ phải được đặt ở nước ngoài. Điều này cho phép các tập đoàn này tận dụng các nguồn lực, công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ thị trường quốc tế, đồng thời mở rộng sức ảnh hưởng của mình ra toàn cầu.

(ii) Các công ty mẹ này sẽ mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hoặc thành lập và mua lại các công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Các công ty con này thường bao gồm các định chế tài chính hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, và bảo hiểm. Sự hiện diện của các công ty con này không chỉ gia tăng khả năng cạnh tranh trong ngành Tài chính, mà còn thúc đẩy sự phát triển và đổi mới của hệ thống tài chính tại Việt Nam.

3. Kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động giám sát các tập đoàn tài chính nước ngoài tại nước sở tại

3.1. Kinh nghiệm của Mỹ về giám sát rủi ro lan truyền giữa công ty mẹ và công ty con trong tập đoàn

Theo Lichtenstein (2004), một vấn đề quan trọng trong giám sát các tập đoàn tài chính với hoạt động tài chính xuyên quốc gia là rủi ro lan truyền giữa công ty mẹ và các công ty con tài chính. Điều này càng quan trọng khi công ty mẹ là công ty sở hữu tài chính (FHC) hoặc công ty sở hữu ngân hàng (BHC). Các FHC và BHC có thể vay nợ bên ngoài và chuyển vốn cho công ty con, làm tăng tỷ lệ đòn bẩy thực tế của tập đoàn so với báo cáo của công ty con. Nếu vay nợ quá nhiều (đòn bẩy quá mức), các FHC và BHC có thể gây áp lực lên công ty con, yêu cầu chuyển lợi nhuận để trả nợ, ảnh hưởng đến an toàn vốn của công ty con, hoặc gặp khó khăn trong việc cung cấp vốn khi công ty con cần (Federal Reserve Board, n.d.)

Để ngăn ngừa “đòn bẩy quá mức” tại các tập đoàn với công ty mẹ là ngân hàng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã thiết lập các chỉ tiêu sau (Federal Reserve Board, n.d):

- Hệ số khả năng thanh toán chi phí tài trợ cố định: Đo lường khả năng chi trả chi phí cố định của một công ty thông qua so sánh với lợi nhuận trước thuế và lãi vay cùng các chi phí tài trợ cố định. Chỉ số này giúp đánh giá khả năng thanh toán tiền lãi cũng như thực hiện các cam kết tài chính dài hạn của công ty. Mức chỉ số phù hợp sẽ thay đổi tùy theo đặc thù của từng ngành, tuy nhiên, nếu các chỉ số này không ổn định hoặc thấp hơn một mức xác định thì đây có thể xem là dấu hiệu về rủi ro tài chính trong dài hạn.

- Hệ số đòn bẩy: Đo lường mức độ vay vốn của một công ty nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh và tăng trưởng. Hệ số đòn bẩy cao cho thấy rủi ro cao, cũng như đặt ra nghi vấn về khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ và các nghi ngại về tính bền vững tài chính của công ty, do đó có thể ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn thêm và hỗ trợ các công ty con.

- Hệ số đòn bẩy kép: Đo lường mức độ sử dụng vốn vay để đầu tư vào các công ty con; hay nợ được phát hành bởi công ty mẹ và số tiền thu được sử dụng để đầu tư vào các công ty con dưới dạng vốn chủ sở hữu. Trong trường hợp này, các cơ quan giám sát cần xem xét tác động của bất kỳ sự phụ thuộc quá mức nào của BHC vào cổ tức nhận được từ các công ty con như một nguồn lực thanh toán các khoản nợ của công ty.

3.2. Kinh nghiệm của châu Âu về giám sát các tập đoàn tài chính có hoạt động đa quốc gia

Từ năm 2002, Ủy ban châu Âu đã ban hành Chỉ thị số 2002/87/EC, quy định chi tiết về khái niệm, nội dung và mô hình giám sát các tập đoàn tài chính, với trọng tâm đặc biệt là các tập đoàn tài chính đa quốc gia. Cụ thể, các tập đoàn tài chính cần được giám sát trên toàn Liên minh dựa trên các hướng dẫn được đưa ra bởi các cơ quan giám sát châu Âu, bao gồm: cơ quan giám sát ngân hàng, cơ quan giám sát chứng khoán và thị trường, cơ quan giám sát bảo hiểu và hưu trí (European Parliament and Council, n.d.). Kinh nghiệm của châu Âu cho thấy, để thực hiện giám sát hiệu quả đối với các tập đoàn tài chính có hoạt động đa quốc gia, việc phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giám sát ở các quốc gia liên quan rất quan trọng. Điều này đặc biệt quan trọng khi xử lý các vấn đề liên ngành và liên quốc gia như giám sát các giao dịch nội bộ.

Các giao dịch nội bộ giữa các công ty thành viên trong tập đoàn có thể gây ra nhiều rủi ro tiềm ẩn, bao gồm: (i) việc chuyển vốn và thu nhập ra khỏi các định chế tài chính một cách không hợp lý, (ii) các giao dịch được thực hiện trong những tình huống mà các bên giao dịch độc lập sẽ không đồng ý, với các điều khoản có thể gây bất lợi cho các định chế tài chính, (iii) ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thanh toán, thanh khoản và khả năng sinh lời của các định chế tài chính, và (iv) việc sử dụng các giao dịch nội bộ để lách các quy định về giám sát.

Do đó, để giám sát hiệu quả các giao dịch nội bộ trong các tập đoàn, phản ứng chính sách ở cấp quốc gia đơn thuần không đủ, mà cần phải có các hoạt động hợp tác quốc tế. Kinh nghiệm này có thể cung cấp những bài học quý giá cho việc xây dựng cơ chế giám sát đối với các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực tài chính tại Việt Nam.

3.3. Kinh nghiệm của Ủy ban Basel về giám sát các định chế tài chính hoạt động xuyên biên giới

Nhằm nâng cao hiệu quả trong việc giám sát các định chế tài chính hoạt động xuyên biên giới, các tổ chức giám sát quốc tế đã thực hiện nghiên cứu và phát triển một loạt các văn bản hướng dẫn quan trọng để cải thiện khả năng quản lý và kiểm soát những hoạt động tài chính này (Bank for International Settlement, 1992). Các văn bản này tập trung vào việc thiết lập các nguyên tắc hợp tác giám sát giữa các cơ quan chức năng của các quốc gia khác nhau, nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong quá trình giám sát các hoạt động tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn tối thiểu cho việc giám sát các luồng tài chính xuyên biên giới cũng được quy định rõ ràng, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan giám sát tại nước nguyên xứ và nước sở tại trong việc theo dõi, đánh giá và xử lý các vấn đề liên quan. Các văn bản cũng chỉ rõ các thành tố chính trong Tuyên bố hợp tác qua lại (Bank for International Settlement, 2001), bao gồm các cam kết về việc chia sẻ thông tin, phối hợp trong việc thực hiện các cuộc kiểm tra, thanh tra và hợp tác trong giải quyết các vấn đề phát sinh, nhằm đảm bảo các định chế tài chính xuyên biên giới hoạt động một cách minh bạch, hiệu quả và ổn định, đồng thời góp phần bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh ngân hàng quốc tế và đảm bảo các tập đoàn ngân hàng quốc tế hoạt động một cách minh bạch và hiệu quả, Ủy ban Basel đã phát triển và xây dựng một hệ thống hướng dẫn cơ bản nhằm quản lý và giám sát các tập đoàn ngân hàng xuyên biên giới. Các hướng dẫn này bao gồm việc thiết lập một khung quản lý đồng bộ và toàn diện cho việc giám sát hoạt động ngân hàng quốc tế ở nước nguyên xứ, đảm bảo rằng các cơ quan chức năng tại quốc gia nơi ngân hàng có trụ sở chính có trách nhiệm theo dõi và kiểm soát các hoạt động ngân hàng quốc tế. Đồng thời, các hướng dẫn yêu cầu rằng trước khi một ngân hàng có ý định thiết lập cơ sở kinh doanh ngân hàng xuyên biên giới, cần có sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan giám sát của nước nguyên xứ và nước sở tại để đảm bảo các quy định và yêu cầu giám sát được thống nhất và tuân thủ đầy đủ. Hơn nữa, nếu cơ quan giám sát tại nước sở tại nhận thấy một ngân hàng nước ngoài không tuân thủ các hướng dẫn cơ bản đã được quy định, cơ quan này có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt mang tính ngăn chặn để xử lý các vi phạm và đảm bảo rằng các hoạt động ngân hàng quốc tế được duy trì theo đúng quy định và tiêu chuẩn quốc tế. Những biện pháp này nhằm bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu và đảm bảo rằng các hoạt động ngân hàng xuyên biên giới không gây ra các rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế và hệ thống tài chính của các quốc gia liên quan.

4. Bài học kinh nghiệm rút ra và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam

4.1. Bài học kinh nghiệm rút ra

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế về giám sát các TĐTC nước ngoài hoạt động tài chính xuyên biên giới, tác giả rút ra một số bài học chính sau:

- Giám sát rủi ro lan truyền: cần chú trọng giám sát giao dịch nội bộ và tình trạng tài chính của công ty mẹ để đảm bảo hỗ trợ tài chính cho các công ty con khi cần thiết.

- Phối hợp quốc tế: cần có cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan giám sát quốc gia và quốc tế để tăng cường hiệu quả giám sát.

- Tham khảo nguyên tắc Basel: các cơ quan giám sát ở Việt Nam nên áp dụng nguyên tắc của Basel để cải thiện giám sát đối với các định chế tài chính nước ngoài và các chi nhánh, công ty con tại Việt Nam.

Đẩy mạnh thanh tra tại chỗ: cần chú trọng thanh tra tại chỗ đối với các chi nhánh và công ty con ở trong và ngoài nước.

Hợp tác song phương: các biên bản hợp tác cần chú ý đến việc chia sẻ thông tin, quy định thanh tra tại chỗ, bảo mật thông tin và thường xuyên trao đổi để đảm bảo hiệu quả giám sát.

Các cơ quan giám sát Việt Nam nên dựa vào các nguyên tắc này khi xây dựng các cơ chế hợp tác quốc tế.

4.2. Đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam

Dựa trên việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn giám sát các tập đoàn tài chính nước ngoài tại Việt Nam, Việt Nam có thể áp dụng các giải pháp sau để nâng cao hiệu quả giám sát:

Một là, xây dựng bộ tiêu chí giám sát các tổ chức định chế tài chính nước ngoài có đầu tư vào lĩnh vực tài chính tại Việt Nam: bộ tiêu chí này cần chú trọng đến việc giám sát các rủi ro lan truyền giữa công ty mẹ ở nước ngoài và các công ty con, chi nhánh tại Việt Nam. Việc này bao gồm đánh giá các rủi ro từ các hoạt động tài chính của công ty mẹ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các chi nhánh tại Việt Nam và ngược lại, nhằm đảm bảo tính ổn định và bền vững của hệ thống tài chính quốc gia.

Hai là, đề xuất cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giám sát trong nước với các cơ quan giám sát ở nước ngoài: một cơ chế phối hợp hiệu quả sẽ giúp tăng cường khả năng giám sát các tổ chức định chế tài chính nước ngoài tại Việt Nam, bằng cách đảm bảo thông tin được chia sẻ đầy đủ và kịp thời giữa các cơ quan giám sát. Điều này không chỉ giúp phát hiện và quản lý rủi ro một cách chính xác hơn, mà còn thúc đẩy sự minh bạch và đồng bộ trong các hoạt động giám sát quốc tế.

Ba là, phát triển hệ thống quản trị rủi ro phù hợp: một hệ thống quản lý phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là cần thiết để đảm bảo tính ổn định và bền vững. Điều này bao gồm việc xây dựng và triển khai các công vụ quản trị rủi ro tài chính, giúp các cơ quan giám sát và doanh nghiệp nhận diện và đánh giá các rủi ro tiềm ẩn. Đồng thời, thực hiện đánh giá định kỳ và cập nhật các chính sách quản lý rủi ro để đảm bảo tính hiệu quả và phản ứng kịp thời với các thay đổi của thị trường.

Bốn là, xây dựng khung pháp lý giám sát tập đoàn tài chính đa quốc gia: cần có một hệ thống pháp lý để có những quy định cụ thể, khả thi và hiệu quả để hạn chế vùng xám trong giám sát hiện hành tại Việt Nam. Việc này, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, sự tham vấn của các chuyên gia kinh tế và tài chính, cũng như tận dụng kinh nghiệm đúc rút từ quốc tế. 

5. Kết luận

Tóm lại, với sự phát triển của thị trường tài chính hiện nay, việc giám sát các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính ngày càng trở nên quan trọng. Các tập đoàn đa quốc gia không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với sự ổn định tài chính của các quốc gia. Kinh nghiệm từ các nước phát triển đã chỉ ra rằng cần chú trọng giám sát rủi ro lan truyền; thiết lập cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan giám sát quốc gia và quốc tế; áp dụng các nguyên tắc của Basel để cải thiện giám sát; đẩy mạnh thanh tra tại chỗ đối với các chi nhánh và công ty con; tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý quốc tế. Ngoài ra, nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, Việt Nam có thể áp dụng một số giải pháp như: xây dựng bộ tiêu chí giám sát các tổ chức định chế tài chính nước ngoài có đầu tư vào lĩnh vực tài chính tại Việt Nam; đề xuất cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giám sát trong nước với các cơ quan giám sát ở nước ngoài; phát triển hệ thống quản trị rủi ro phù hợp; xây dựng khung pháp lý giám sát tập đoàn tài chính đa quốc gia. Như vậy, việc áp dụng những bài học từ kinh nghiệm quốc tế, cùng với việc thực hiện các giải pháp đề xuất, sẽ giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống giám sát tài chính hiệu quả, góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hội Bảo hiểm Việt Nam (2024). Một số nét chính của thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2023. < https://iav.vn/tieu-diem-thang/234427-234427-mot-so-net-chinh-cua-thi-truong-bao-hiem-viet-nam-nam-2023>.

2. Ngân hàng Nhà nước (2023). Thống kê một số chỉ tiêu cơ bản. <https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/tk/hdchtctctd/tkmsctcb?_afrLoop=58563741187626023#%40%3F_afrLoop%3D58563741187626023%26centerWidth%3D80%2525%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dg1y9qkgwf_121>

3. Alexander, K. (2001), The Role of a Global Supervisor for International Financial Markets. [online] Available at: https://doi.org/10.1108/eb025989 [Accessed 12 June 2024].

4. Bank for International Settlement. (1992). Minimum Standards for the Supervision of International Banking Groups and their Cross-Border Establishments. [online] Available at: https://www.bis.org/publ/bcbsc314.pdf.

5. Bank for International Settlement. (2001). Essential elements of a statement of cooperation between banking supervisors. [online] Available at: https://www.bis.org/publ/bcbs56.pdf.

6. European Parliament and Council (n.d.). Directive 2002/87/EC of the European Parliament and of the Council of 16 December 2002 on the supplementary supervision of credit institutions, insurance undertakings and investment firms in a financial conglomerate and amending Council Directives 73/239/EEC, 79/267/EEC, 92/49/EEC, 92/96/EEC, 93/6/EEC and 93/22/EEC, and Directives 98/78/EC and 2000/12/EC. [online] Available at: http://data.europa.eu/eli/dir/2002/87/.

7. Federal Reserve Board (n.d.) Bank Holding Company Supervision Manual. [online] Available at: https://www.federalreserve.gov/publications/files/bhc-4000-202111.pdf.

8. Lichtenstein, C. C. (2004). The Fed's New Model of Supervision for Large Complex Banking Organizations: Coordinated Risk-Based Supervision of Financial Multinationals for International Financial Stability. [online] Available at: https://ssrn.com/abstract=882474.

International experience in supervising multinational corporations in the financial sector and proposals for Vietnam

MASTER. NGUYEN NGOC HA

Faculty of International Economics, Diplomatic Academy of Vietnam

Abstract:

Research focuses on examining the criteria for supervising multinational corporations in the financial sector across various regions and countries worldwide. Bases on international experience, it is imperative for countries to prioritize monitoring contagion risks, establishing mechanism for coordination and information exchange between national and international supervisory agency, selectively applying Basel principles, enhancing on-site inspections, and strengthening bilateral cooperation. To improve supervision efficiency in Vietnam, the article proposes developing comprehensive supervision criteria, robust mechanisms for information sharing between domestic and international supervisory agencies, establishing a risk management system tailored to the specific economic context, and creating a well-defined legal framework for supervision.

Keywords: multinational corporations, financial supervision, global financial market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16 tháng 7 năm 2024]

Tạp chí Công Thương