Nghiên cứu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến việc thực hiện TQM trong doanh nghiệp sản xuất

Nguyễn Quốc Triệu - Trần Thị Cẩm Ly - Huỳnh Thị Kim Ngân (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:

Trong 3 năm gần đây, trước những diễn biến và tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp áp dụng quản lý chất lượng toàn diện (TQM) đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Bài viết tập trung nghiên cứu về sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến việc thực hiện TQM trong các doanh nghiệp sản xuất, nhằm đánh giá mức độ tác động của các yếu tố, từ đó đề xuất một số kiến nghị để cải thiện.

Từ khóa: đại dịch Covid-19, doanh nghiệp, thực hiện quản lý chất lượng toàn diện.

1. Đặt vấn đề

Đại dịch Covid-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là vi rút SARS-COV-2 và các biến thể của nó đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu thế giới. Bắt đầu vào cuối tháng 12/2019, đến nay, Covid-19 đã gây ra hàng triệu người tử vong, làm cho cuộc sống của người dân ở các quốc gia phải thay đổi liên tục. Covid-19 đã gây ra tác hại rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất, khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ sức chịu đựng phải phá sản. Bên cạnh đó, tại một số doanh nghiệp áp dụng mô hình TQM cũng bị tác động mạnh đến việc thực hiện.

Vì vậy, việc nghiên cứu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến việc thực hiện TQM tại các doanh nghiệp sản xuất trong thời gian qua, đánh giá được mức độ ảnh hưởng của các yếu tố, từ đó đề xuất một số kiến nghị giải pháp rất cần thiết.

2. Phương pháp nghiên cứu

Sử dụng phương pháp phỏng vấn chuyên gia (Delphi method) để xác định các yếu tố ảnh hưởng kết hợp với phương pháp AHP để xác định mức độ tác động của từng yếu tố.

Phương pháp định lượng: Tiến hành thu thập số liệu thông qua các câu hỏi trong bảng khảo sát. Từ số liệu đó phân tích mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến việc thực hiện TQM của các doanh nghiệp sản xuất.

3. Mục tiêu nghiên cứu

Kiểm định sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động và ảnh hưởng với mức độ như thế nào đến việc thực hiện TQM trong doanh nghiệp sản xuất.

Từ kết quả nghiên cứu, đề xuất một số kiến nghị trong việc thực hiện TQM để thích ứng với đại dịch Covid-19 tại doanh nghiệp sản xuất.

4. Vai trò của việc thực hiện quản lý chất lượng toàn diện (TQM)

Theo Reed và cộng sự (2000), sự hài lòng của khách hàng, sự lãnh đạo và sự cam kết của nhà quản lý cấp cao, làm việc theo nhóm, giảm chi phí và văn hóa tổ chức là những yếu tố quan trọng trong việc thực hiện TQM. TQM là sự nỗ lực tổng hợp nhằm đạt được và duy trì chất lượng dựa trên sự cải tiến liên tục và ngăn ngừa lỗi. TQM là một nhu cầu đối với các công ty để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao và tồn tại trong sự cạnh tranh kinh doanh chặt chẽ. Theo Anh Chi Phan và cộng sự (2019), việc áp dụng TQM sẽ giảm thiểu và loại bỏ các sai sót trong quá trình sản xuất sản phẩm và dịch vụ. Hệ thống TQM giúp các tập đoàn kết hợp tất cả các hệ thống chất lượng của họ thành một chiến lược thống nhất, duy nhất, dẫn đến những lợi ích đáp ứng cả lợi nhuận và tuân thủ quy định. Để đạt được hiệu quả cao nhất, toàn bộ tổ chức phải hoàn toàn chấp nhận các hướng dẫn cơ bản về chất lượng và cách chúng áp dụng cho mỗi cá nhân (Lalit, 2020). Nhiều doanh nghiệp đã kết luận việc triển khai TQM hiệu quả có thể cải thiện khả năng cạnh tranh của họ và mang lại lợi thế chiến lược trên thị trường.

5. Sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến việc thực hiện quản lý chất lượng toàn diện

Việc thực hiện TQM trong bối cảnh đại dịch đã chịu ảnh hưởng tiêu cực. Trong cuộc nghiên cứu này, nhóm tác giả đã tiến hành phỏng vấn các chuyên gia có kinh nghiệm và chỉ ra 5 yếu tố tác động đến việc thực hiện TQM, bao gồm: Lãnh đạo kỹ thuật số, Tương tác con người, Tổ chức tinh gọn, Công nghệ kỹ thuật số, Môi trường làm việc.

Lãnh đạo kỹ thuật số: Charlier và cộng sự (2016) nêu rõ rằng trong bất kỳ tổ chức nào, sự lãnh đạo hiệu quả là rất quan trọng. Lãnh đạo là người điều hành cao nhất và chịu toàn bộ trách nhiệm về doanh nghiệp. Lãnh đạo kỹ thuật số là việc sử dụng chiến lược dữ liệu kỹ thuật số của tổ chức để đạt được các mục tiêu kinh doanh, được áp dụng cả ở cấp độ tổ chức và cá nhân. Trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn ra như ngày nay, cần phải có phương pháp lãnh đạo đúng đắn và phù hợp. Một nhà lãnh đạo kỹ thuật số phải linh hoạt và thích ứng với những ý tưởng mới, đồng thời có trí tò mò và khao khát kiến thức mới.

Tương tác con người: Habermas (1971) coi ngôn ngữ như một khía cạnh tương tác của con người. Tương tác con người chính là giữa tương tác của nhân viên với nhân viên và kể cả giữa nhân viên với quản lý, như tương tác giữa 2 nhân viên trên cùng 1 băng chuyền hay là sự chỉ bảo của nhà quản lý dành cho nhân viên của mình. Việc giao tiếp hay tương tác con người trực tiếp là một trong những yếu tố tạo cho việc sản xuất nói chung tốt hơn và việc áp dụng TQM vào trong sản xuất nói riêng hiệu quả hơn. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, việc tương tác bị mất dần, bởi những chính sách, quy định của Nhà nước để phòng tránh dịch như “5K” hay “Ba tại chỗ”.

Tổ chức tinh gọn: TQM đã được mô tả là một cách tư duy mới về quản lý tổ chức, một cách toàn diện để nâng cao chất lượng và hiệu suất toàn tổ chức, một giải pháp thay thế cho “quản lý bằng kiểm soát” và cuối cùng, như một sự thay đổi mô hình (Spencer, 1994). Trong thời đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, nên tổ chức cũng phần nào bị ảnh hưởng. Hiệu suất của cả tổ chức nói riêng và cả doanh nghiệp nói chung phần nào đều bị tác động. Việc thực hiện TQM ở các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức. Từ vấn đề điều chỉnh nhân lực sao cho phù hợp, bố trí không gian và thời gian làm việc hợp lý để đảm bảo sức khỏe con người, cho tới cách thức quản lý của các nhà lãnh đạo đều phải thay đổi cho phù hợp tình hình mới. 

Công nghệ kỹ thuật số: Thuật ngữ “Công nghệ kỹ thuật số” hoặc “Công nghệ” nghĩa là bất kỳ phần mềm hoặc phần cứng hoặc giải pháp mạng nào đã kích hoạt, mở rộng và hỗ trợ các hoạt động kinh doanh. Công nghệ số phần nào giúp cho việc quản lý và thực hiện công việc dễ dàng hơn. Đặc biệt đối với thời điểm diễn ra dịch Covid-19 sẽ mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả hơn. Chẳng hạn như phát hiện ra người dương tính với Covid-19 (F0) bằng camera nhận diện F0, áp dụng công nghệ số vào máy móc, thiết bị sẽ giúp được số lượng công nhân phải đến trực tiếp tại nơi làm việc nhờ vào quá trình tự động hóa của thiết bị.

Môi trường làm việc: Môi trường làm việc là môi trường mà các thành viên tổ chức chia sẻ nhận thức và kỳ vọng được lợi ích từ doanh nghiệp là một phần quan trọng trong cuộc sống công việc hàng ngày. Môi trường làm việc bao gồm an toàn cho người lao động, đảm bảo việc làm, quan hệ tốt với đồng nghiệp, ghi nhận thành tích tốt, động lực làm việc tốt và tham gia vào quá trình ra quyết định của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, môi trường làm việc càng nên xem trọng, vì ngoài các yếu tố trên phải đảm bảo sức khỏe của mỗi cá nhân. Các yếu tố khác nhau trong môi trường làm việc như tiền lương, giờ làm việc, quyền tự chủ được trao cho nhân viên, cơ cấu tổ chức và giao tiếp giữa nhân viên và quản lý có thể ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc (Lane và cộng sự, 2010).

Đồng thời bên cạnh đó, nhóm tác giả lược khảo một số tài liệu và đánh giá 2 yếu tố quan trọng, đó là:

Cải tiến liên tục: Là một quá trình đổi mới gia tăng tập trung và liên tục trên toàn bộ công ty (Bessant và cộng sự, 1994). Sức khỏe lâu dài của một doanh nghiệp phụ thuộc vào việc xem cải tiến chất lượng như một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc. Những cơ hội luôn phát triển các phương pháp tốt hơn để thực hiện công việc tồn tại và cam kết cải tiến liên tục đảm bảo rằng mọi người sẽ cam kết không bao giờ ngừng học hỏi. Cải tiến liên tục thường huy động số lượng lớn nhân viên thay mặt cho cải tiến tổ chức. Đặc biệt trong thời đại dịch bệnh Covid-19 hoành hành, số lượng nhân viên hạn chế và khó khăn về nhiều mặt trong cuộc sống. Trong bối cảnh này, việc cải tiến phải thích ứng sao cho phù hợp với tình hình của công ty và số nhân viên tham gia.

Giáo dục và đào tạo: Theo Juran và Gryna (1988), đào tạo TQM phải được tùy chỉnh theo nhu cầu của một tổ chức và sau đó được lên kế hoạch. Giáo dục và đào tạo là một quá trình cập nhật kiến thức, phát triển kỹ năng, mang lại những thay đổi về hành vi và nhận thức, cải thiện khả năng thực hiện nhiệm vụ của người được đào tạo, xây dựng cam kết của nhân viên đối với chính sách và chiến lược chất lượng, tạo điều kiện làm việc nhóm, nâng cao tiêu chuẩn hiệu suất và củng cố các kỹ năng và khả năng của nhân viên. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, việc giáo dục và đào tạo gặp nhiều hạn chế và thách thức, chúng ta nên phát triển mạnh các phương pháp đào tạo đổi mới và hiệu quả để cho ra những nguồn lực hiệu quả.

6. Kết quả

Trong vòng Delphi đầu tiên, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát với bảng câu hỏi gồm 7 yếu tố và 26 biến: Yếu tố (LĐ) Lãnh đạo kỹ thuật số gồm 3 biến: (LĐ 1) Cần có tư duy cởi mở với công nghệ mới, (LĐ 2) Cam kết và chịu trách nhiệm trong đổi mới công nghệ số, (LĐ 3) Sự tìm tòi và học hỏi kiến thức mới. Yếu tố (TT) Tương tác con người gồm 4 biến: (TT 1) Tốc độ truyền đạt thông tin chậm hơn, (TT 2) Làm việc nhóm bị hạn chế, (TT 3) Kiểm soát trực tiếp ít hơn, (TT 4) Giúp đỡ khi gặp khó khăn. Yếu tố (TC) Tổ chức tinh gọn gồm 4 biến: (TC 1) Điều chỉnh nhân lực phù hợp, (TC 2) Điều chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp, (TC 3) Áp dụng “3 tại chỗ”, (TC 4) Chuyển từ giấy sang file mềm. Yếu tố (CN) Công nghệ kỹ thuật số gồm 4 biến: (CN 1) Trang bị các công nghệ thiết bị kỹ thuật số, (CN 2) Trang bị các thiết bị đo nhiệt độ qua camera, (CN 3) Tự động hóa thiết bị sản xuất, (CN 4) Ứng dụng và khai thác ERP tối đa. Yếu tố (MT) Môi trường làm việc gồm 4 biến: (MT 1) Quyền tự chủ được giao cho nhân viên, (MT 2) Không gian làm việc đảm bảo an toàn về phòng dịch, (MT 3) Đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về sinh hoạt khi thực hiện “3 tại chỗ”, (MT 4) Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, dụng cụ y tế, dung dịch sát khuẩn nơi làm việc. Yếu tố (CT) Cải tiền liên tục gồm 3 biến: (CT 1) Hoạt động cải tiến mang lại hiệu quả hơn, (CT 2) Hoạt động cải tiến liên tục cần số lượng lớn nhân viên, (CT 3) Sự cam kết học hỏi về hoạt động cải tiến của nhân viên. Yếu tố (GD) Giáo dục và đào tạo gồm 4 biến: (GD 1) Ảnh hưởng trực tiếp đến sự nỗ lực đào tạo, (GD 2) Chiến lược cải thiện chất lượng trong tổ chức bị thay đổi, (GD 3) Có kiến thức và am hiểu thông thạo các phương pháp dạy trực tuyến, (GD 4) Các khóa đào tạo bằng phương pháp trực tuyến được phát triển mạnh. Vòng đầu tiên thu được 39 câu trả lời và có 23 biến được chấp nhận (CRV>0,31) theo Lawshe (1975) và 3 biến đã bị từ chối (CRV<0,31) gồm (TT1), (TT3), (MT1), đồng thời được các chuyên gia bổ sung thêm 2 biến: (TT5) Kiểm soát, đánh giá nhà cung cấp và (GD5) Tư duy và ý thức về chất lượng.

Sau đó, tác giả đã bổ sung và hoàn thiện bảng câu hỏi để tiến hành vòng 2 Delphi. Kết quả vòng 2 đã thu được 29 câu trả lời trong số 39 người đã trả lời câu hỏi vòng 1. Tại vòng này, với 29 câu trả lời thì ngưỡng CRV >0,37 của từng biến được chấp nhận theo Lawshe (1975). Kết quả cuối cùng gồm 7 yếu tố, với 25 biến được chấp nhận.

Tiếp theo là vòng Delphi cuối cùng (Phân tích AHP) nhóm tác giả tiếp tục gửi bảng câu hỏi so sánh giữa mỗi cặp yếu tố đến 29 người đã khảo sát vòng 2 và đã thu được kết quả 7 người. Kết quả vòng này đã giúp tác giả đánh giá được mức độ quan trọng của mỗi yếu tố. Trọng số mỗi tiêu chí như sau: (Xem Bảng)

Bảng. Đánh giá mức độ quan trọng của mỗi yếu tố

doanh nghiệp sản xuất

Kết quả phân tích cho thấy nhân tố quan trọng nhất là Lãnh đạo kỹ thuật số, thứ hai là Môi trường làm việc, thứ ba là Tương tác con người, thứ tư Tổ chức tinh gọn, thứ năm Cải tiến liên tục, thứ sáu Công nghệ kỹ thuật số và cuối cùng nhân tố ít quan trọng nhất là Giáo dục và đào tạo.

7. Một số kiến nghị về việc thực hiện quản lý chất lượng toàn diện trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Kết quả nghiên cứu cho thấy một số nhân tố có ảnh hưởng đến việc thực hiện TQM ở doanh nghiệp sản xuất trong thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp. Tuy mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố là khác nhau, nhưng nhìn chung, Lãnh đạo kỹ thuật số, Môi trường làm việc, Tương tác con người, Tổ chức tinh gọn, Cải tiến liên tục, Công nghệ kỹ thuật số và Giáo dục và đào tạo đều là các nhân tố quan trọng.

Trong lúc dịch bệnh diễn ra, các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về rất nhiều mặt trong việc quản lý. Để khắc phục được điều đó và đảm bảo công ty vận hành tốt trong mọi hoàn cảnh đòi hỏi doanh nghiệp phải tiến hành sử dụng công nghệ kỹ thuật số, đưa lãnh đạo kỹ thuật số vào hệ thống quản lý, áp dụng quản lý chuyển đổi từ thủ công trực tiếp qua chuyển đổi số trực tuyến nhằm đáp ứng linh hoạt các yêu cầu cần thiết mọi lúc, mọi nơi.

Môi trường làm việc trong công ty nên được chú trọng. Công ty cần đảm bảo điều kiện làm việc luôn trong trạng thái an toàn tuyệt đối, nhất là trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, vấn đề sức khỏe càng được đề cao hàng đầu, đảm bảo đầy đủ các dụng cụ y tế, cũng như thực hiện đúng quy định an toàn do nhà nước ban hành. Nhân viên có lòng tin thì mới an tâm làm việc và cống hiến hết mình cho công ty. Bên cạnh đó, các phúc lợi, đãi ngộ về cả vật chất và tinh thần cần được quan tâm hơn, như: giảm giờ làm vẫn trả lương, động viên quan tâm an ủi và có chính sách hỗ trợ khi nhân viên gặp khó khăn. Việc giữ được lòng trung thành của nhân viên trong giai đoạn nhiều biến động này cũng là một thách thức lớn cho các nhà quản lý.

Các quy định của Chính phủ trong đại dịch Covid-19 thì mọi người đều phải tuân thủ theo. Nhưng phải phối hợp một cách hợp lý mới mang lại hiệu quả cao trong công việc và cả chiến dịch. Các quy trình lớn hay nhỏ đều phải phối hợp nhịp nhàng và hợp lý giữa trực tuyến và trực tiếp để không gián đoạn trong thi công, sản xuất sản phẩm và đảm bảo được chất lượng đầu ra.

Vấn đề cải tiến liên tục chắc chắn không nên bỏ qua và đặc biệt là trong những môi trường luôn luôn thay đổi, đặc biệt là trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19. Vì thế, việc vừa phải ứng phó với đại dịch, vừa phải duy trì ổn định tính kinh tế của công ty là điều khó khăn. Vì vậy, việc cải tiến liên tục từng hoàn cảnh thật sự cần thiết. Việc phân chia và phối hợp giữa nhà lãnh đạo và nhân viên rất quan trọng.

Để thực hiện được những kiến nghị trên, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những trang thiết bị cần thiết để trong quá trình vừa chống dịch vẫn đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả cao.

8. Hạn chế của đề tài

Hiện tại, nghiên cứu đã đạt được mục tiêu đề ra, đã chỉ ra được 7 yếu tố với 25 nhân tố của sự ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đến việc thực hiện TQM trong doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế tuy không lớn, nhưng cũng ảnh hưởng đến việc nghiên cứu.

Thứ nhất, về vòng khảo sát Delphi-AHP phải thực hiện trực tiếp và gửi lại với số lượng khảo sát thấp. Thứ hai, địa bàn hoạt động thu thập số liệu để nghiên cứu chỉ tập trung tại TP. Thủ Đức, với số lượng chuyên gia khảo sát còn thấp. Thứ ba, ý kiến chủ quan của người khảo sát, trả lời còn sơ sài, hoặc không muốn cung cấp thông tin.

9. Hướng nghiên cứu tiếp theo

TQM (Total Quality Management) đã tác động rất nhiều đến sản xuất nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã từng bước áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm nâng cao chất lượng sản xuất, chất lượng quản lý,... Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, không trụ vững và đã phải phá sản. Song hiện nay, tình hình đã ổn định hơn, nên những hướng nghiên cứu tiếp theo cần tập trung: Nghiên cứu về doanh nghiệp áp dụng TQM để hồi phục sau đại dịch; Nghiên cứu về sự thay đổi trong thực hiện TQM trước và sau đại dịch Covid-19.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh - SV2022-61.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bensirri Public Relations. (2020). Kuwait Covid-19 Business Impact Survey Finds 45% of Businesses have Shut Down Since February.  
  2. Phan, AC, Nguyen, HT, Nguyen, HA, & Matsui, Y. (2019). Effect of total quality management practices and JIT production practices on flexibility performance: Empirical evidence from international manufacturing plants. Sustainability, 11 (11), 1-21.
  3. Lalit K. Toke & Shyamkumar D. Kalpande. (2020). Total quality management in small and medium enterprises: An overview in Indian context. Quality Management Journal, 27(3), 159-175.
  4. Reed, R., Lemark, D.J., & Mero, N.P. (2000). Total quality management and sustainable competitive advantage. Journal of Quality Management, 5, 5-26.
  5. Charlier, S. D., Stewart, G. L., Greco, L. M., & Reeves, C. J. (2016). Emergent leadership in virtual teams: A multilevel investigation of individual communication and team dispersion antecedents. The Leadership Quarterly, 27(5), 745-764.
  6. Habermas J. (1971). Kiến thức và Sở thích của con người. Boston: Beacon
  7. Spencer, BA (1994). Models of organization and total quality management: A comparison and critical evaluation. The Academy of Management Review, 19(3), 446-471.
  8. Lane, K., Esser, J., Holte, B., & Anne, M. M. (2010). A study of nurse faculty job satisfaction in community colleges in Florida. Teaching and Learning in Nursing, 5(1), 16-26.
  9. Juran, J. M. and Gryna, F. M. (1988). Juran’s Quality Control Handbook. New York: McGraw-Hill.

THE COVID-19 PANDEMIC’S IMPACTS ON THE IMPLEMMENTATION OF TOTAL QUALITY MANAGEMENT AT MANUFACTURING ENTERPRISES

Nguyen Quoc Trieu1

Tran Thi Cam Ly1

Huynh Thi Kim Ngan1

1Ho Chi Minh City University of Technology and Education

Abstract:

The COVID-19 pandemic has severely impacted businesses, including those use the total quality management (TQM). This paper explores the impacts of the COVID-19 pandemic on the implementation of TQM at manufacturing enterprises in order to assess the impacting level of each factors, thereby making recommendations for improvement.

Keywords: the Covid-19 pandemic, enterprises, the implementation of total quality management.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]