Nghiên cứu về phát triển thương mại điện tử Nhật Bản

Đề tài Nghiên cứu về phát triển thương mại điện tử Nhật Bản do TS. Nguyễn Thị Phượng (Khoa Thương mại, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nhật Bản là quốc gia có thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 trên thế giới, với doanh thu năm 2022 đạt 215,10 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm là 14,7%. Có nhiều lí do khiến thị trường này phát triển mạnh mẽ tại Nhật Bản. Điều này thể hiện qua số lượng người truy cập lớn trên các trang thương mại điện tử Nhật Bản. Bài viết phân tích những lí do đưa đến kết quả này tại thị trường Nhật Bản như sự phát triển kinh tế và công nghệ thần tốc, việc người dân thay đổi hành vi mua sắm sau đại dịch Covid-19, và cả những chủ trương, chính sách mà Nhật Bản thực hiện; từ đó đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam nhằm hoàn hiện chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.

Từ khóa: thương mại điện tử, phát triển thương mại điện tử, Nhật Bản, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Thị trường thương mại điện tử của Nhật Bản hiện được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Nhật Bản phát triển nhanh chóng và thích nghi với công nghệ mạnh mẽ như vậy là nhờ được thúc đẩy bởi một nền kinh tế rất phát triển, tỷ lệ dân số đô thị hóa ở mức cao, cũng như mức độ thâm nhập internet sâu rộng, kết hợp cùng với nền văn hóa đa dạng. Nhờ vậy, các doanh nghiệp thương mại điện tử ở Nhật Bản cũng được hưởng lợi từ quy mô cơ sở hạ tầng tuyệt vời, cho phép phân phối nhanh chóng, an toàn, hiệu quả. Việt Nam có thể tận dụng những kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển thị trường thương mại điện tử. Đây là cơ sở thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021- 2025.

2. Sự phát triển của thị trường thương mại điện tử tại Nhật Bản

Nhật Bản hiện được đánh giá là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 trên thế giới. Từ năm 2021, xứ sở Phù Tang đã có hơn 74% dân số, với 88 triệu người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ trực tuyến trả tiền. Theo Hiroe Ishihara, Chialin Tsai, năm 2022, con số này lên đến 100 triệu người dùng thương mại điện tử ở Nhật Bản và dự kiến sẽ tiếp tục có thêm đến 13 triệu người dùng vào năm 2025. Các kết quả thống kê cho thấy có đến 74,1% người dân Nhật Bản đã trải nghiệm các dịch vụ mua sắm trực tuyến trên các trang thương mại điện tử Nhật Bản. Con số này được dự kiến sẽ còn tăng thêm và đạt 89% vào năm 2025. Nhờ những yếu tố này, lĩnh vực thương mại điện tử của Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển tích cực trong những năm tới.

Theo các báo cáo được nghiên cứu và công bố ở thời điểm hiện tại, thị trường thương mại điện tử nói chung và các trang thương mại điện tử nói riêng của Nhật Bản dự kiến sẽ vượt mốc 325 tỷ USD vào năm 2026. Kết quả này được dự đoán dựa trên việc Nhật Bản tiến hành nhiều thay đổi và hiện thực hóa hành trình kỹ thuật số chuyển từ các cửa hàng bán lẻ đường phố cao sang mặt tiền cửa hàng trực tuyến.

- Các trang thương mại điện tử lớn dần xuất hiện tại Nhật Bản

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử, ngày càng xuất hiện nhiều các trang thương mại điện tử (EC website) ở Nhật Bản. Đầu tiên phải kể đến Amazon.co.jp với 523 triệu lượt truy cập hàng tháng. Đây là trang thương mại được thành lập tại Mỹ vào năm 1994, kinh doanh đa dạng hóa các sản phẩm bao gồm phương tiện truyền thông, điện tử, may mặc, đồ nội thất, thực phẩm, đồ chơi và đồ trang sức. Sau khi mở rộng sang nhiều quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản, Amazon đã trở thành công ty dẫn đầu toàn cầu về thương mại điện tử và phát triển xa hơn sang lĩnh vực bán lẻ truyền thống với việc mua lại Whole Foods Market, cũng như bán đồ điện tử, bán sách, điện toán đám mây, cũng như cung cấp nhạc và video.

Trang thương mại thứ hai đó là Rakuten.co.jp - một công ty thương mại điện tử và bán lẻ trực tuyến của Nhật Bản. Được thành lập vào năm 1997, Rakuten vận hành một nền tảng thị trường kỹ thuật số, nơi các thương hiệu có thể bán sản phẩm của họ trực tiếp với nhiều chủng loại, từ đồ điện tử đến quần áo và phụ kiện, từ thiết bị gia đình đến mỹ phẩm và nhiều loại khác. Với thành công sẵn có, Rakuten đã mở rộng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số khác, bao gồm thanh toán trực tuyến, nội dung kỹ thuật số, tiếp thị trực tuyến và các dịch vụ truyền thông. Tập đoàn cũng đã mở rộng ra toàn cầu bằng cách mua lại các nền tảng thương mại điện tử tại hơn 25 quốc gia và đầu tư vào các nền tảng công nghệ khác nhau.

Tiếp đến là auctions.yahoo.co.jp với 135 triệu lượt truy cập hàng tháng. Yahoo! Auctions là nền tảng thương mại điện tử đấu giá P2P của cổng thông tin điện tử Yahoo! Japan. Trang web cho phép mọi người bán các mặt hàng của riêng họ, từ quần áo, giày dép và đồ điện tử trên nền tảng để người mua có thể mặc cả để có được mức giá tốt nhất trước thời điểm cuối cùng. Ra mắt trên toàn thế giới để cạnh tranh với eBay, Yahoo! Auctions đã được duy trì thành công ở Nhật Bản, Hồng Kông và Đài Loan. Tuy nhiên, trang web đã bị ngừng ở nhiều quốc gia khác.

Kết quả thống kê cho thấy, hiện nay, Amazon Nhật Bản, Yahoo Nhật Bản và Rakuten là 3 thị trường thương mại điện tử hàng đầu và có lượt truy cập cao nhất tại đây. Chỉ riêng 3 nền tảng này đã chiếm đến 50% tổng doanh thu của ngành thương mại điện tử Nhật Bản.

- Lí do đưa thị trường thương mại điện tử của Nhật Bản phát triển

Đầu tiên là do nhu cầu người dân dần thay đổi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng không chỉ Nhật Bản nói riêng, mà cả thế giới nói chung. Các lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp hạn chế các hoạt động buôn bán offline, cùng lúc đó nhu cầu mua sắm để tích trữ hàng hóa của người dân ngày một tăng. Điều này khiến người tiêu dùng hình thành thói quen mới, chuyển từ mua sắm tại các siêu thị sang mua sắm online trên các trang thương mại điện tử. Theo Điều tra kinh tế hộ gia đình do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản thực hiện, trên 50% hộ gia đình (có từ hai thành viên trở lên) đặt mua hàng hóa và dịch vụ qua Internet vào tháng 7 năm 2021. Ngoài ra, chi tiêu trung bình hàng tháng cho mua sắm trực tuyến bình quân mỗi hộ trong tháng 7/2021 đã tăng 11,5% so với mức bình quân cùng kỳ của năm 2020. Bên cạnh đó, hình thức thanh toán cũng thay đổi. Thẻ tín dụng/ghi nợ chiếm 35% các khoản thanh toán trực tuyến ở Nhật Bản. Các loại thẻ tín dụng phổ biến là Mastercard, Visa và JCB. Hình thức tiền mặt khi giao hàng chiếm 11% các khoản thanh toán khi mua trực tuyến và bao gồm việc cho phép khách hàng thanh toán và thu tiền tại các cửa hàng tiện lợi địa phương. Ewallet (ví điện tử) đang trở nên phổ biến hơn, hiện ở mức 16% nhưng dự đoán sẽ đạt 45% vào năm 2025. Trong khi đó, các giải pháp thanh toán thay thế như PayPay, Amazon Pay, Apple Pay và Google Pay ngày càng được sử dụng nhiều hơn cho thanh toán trực tuyến, với PayPay chiếm 4,9% thị phần, tiếp theo là Amazon Pay (3,8%) theo Tomoya Kawasaki, Hisayuki Wakashima, Ryuichi Shibasaki. Đồng thời với tình hình bình thường mới sau khi đã trải qua giai đoạn tình trạng khẩn cấp, do thói quen mua sắm trực tuyến đã được hình thành, các trang thương mại trực tuyến đã phát triển ngày càng hoàn thiện hơn để tạo điều kiện tiện lợi nhất cho người tiêu dùng mua sắm và mua sắm trực tuyến dự kiến sẽ vẫn tiếp tục tăng trong tương lai.

Lí do thứ hai đưa thị trường thương mại điện tử của Nhật Bản phát triển ổn định và mạnh mẽ đó là sự phủ sóng Internet rộng khắp. Theo Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản đang là đất nước nằm trong top 30 quốc gia giàu nhất thế giới. Tổng GDP của Nhật Bản được định giá là 5 nghìn tỷ USD Mỹ. Trong đó, mức GDP bình quân đầu người của Nhật Bản là 40.246 USD, phân bố trải rộng trên dân số 126,2 triệu người. Nhiều người Nhật Bản cư trú tại các thành phố và khu vực được đô thị hóa đạt đến tỷ lệ 92%, nhờ vậy Nhật Bản trở thành quốc gia đô thị hóa xếp thứ 16 trên thế giới. Với tỷ lệ dân số ở các khu vực đô thị chiếm mức cao như vậy cùng với khả năng thích ứng nhanh nhẹn của người Nhật Bản, quy mô sử dụng Internet nói chung của người dân đã bao phủ đến 90,7% vào năm 2022. Trong đó, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh là 82% và dự kiến sẽ tăng lên 92% vào năm 2025, tỷ lệ sử dụng mạng xã hội là 83%.

Tiếp đến là sự phát triển công nghệ thần tốc tại Nhật Bản. Nhật Bản hiện là một trong những thị trường CNTT lớn nhất thế giới hiện nay, chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc. Ngành công nghiệp ICT của Nhật Bản là một trong những ngành lớn nhất và tiên tiến nhất trên thế giới, phát triển vô cùng nhanh chóng từ sau Thế chiến thứ 2. Nhờ một loạt những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản, như hạn chế đầu tư vốn nước ngoài, đề ra những biện pháp thuế đặc biệt nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích thành lập các dự án nghiên cứu và sản xuất… Đứng đầu là 3 hãng sản xuất thiết bị viễn thông (Fujitsu, Nec, Oki Electric), 3 hãng sản xuất điện tử (Hitachi, Toshiba, Mitsubishi Electric), 4 hãng sản xuất đồ điện dân dụng (Matsushita Electric, Sanyo Electric, Sony, Sharp). Trong đó, Fujitsu là công ty có công đầu đóng góp vào giai đoạn tăng trưởng thần kỳ của Nhật Bản.

Cuối cùng là lí do đến từ chủ trương, chính sách của Nhật Bản. Nhật Bản hướng tới tạo ra một môi trường an toàn và thuận lợi cho việc sử dụng Internet để tiến hành các cuộc giao dịch như từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B to B), từ doanh nghiệp tới khách hàng (B to C)... Khi các mục tiêu chính của chiến lược Nhật Bản điện tử về cơ bản đã được thực hiện, chính phủ đề xuất chiến lược "u-Japan" với mục tiêu chuyển từ hạ tầng chủ yếu dựa trên dịch vụ hữu tuyến sáng tạo ra mạng phổ cập kết nối liền mạch dịch vụ hữu tuyến và vô tuyến. Chữ u trong "u-Japan" không chỉ mang ý nghĩa là phổ cập, mà còn là phổ quát, hướng đến người dùng và độc đáo.

3. Cơ hội Việt Nam tận dụng bài học của Nhật Bản đến từ phát triển thị trường thương mại điện tử

Ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của Kế hoạch đến năm 2025, đưa thương mại điện tử trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc CMCN 4.0 được ứng dụng rộng rãi. Kế hoạch cũng đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động; 1.000.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử… Để thực hiện mục tiêu đặt ra khi thời hạn năm 2025 đã cận kề, Việt Nam cần tận dụng bài học trong phát triển thương mại điện tử đến từ các quốc gia trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, nhằm tạo ra sự phát triển thần tốc trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo đó tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số. Trong đó, chú trọng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong thương mại điện tử. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho lĩnh vực thương mại điện tử phát triển, các chính sách quản lý được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi ứng dụng thương mại điện tử. Sớm hoàn thiện chính sách thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử, qua đó vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử.

Hai là, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin. Việc hoàn thiện, đồng bộ và nâng cao hạ tầng công nghệ nói chung sẽ giúp bảo mật thông tin trên mạng được an toàn, bí mật và thuận lợi cho khách hàng. Hạ tầng công nghệ chính là những con đường cao tốc kết nối để cho các yếu tố phát triển của thương mại điện tử lưu thông. Việc thực hiện này đòi hỏi sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương mới có thể tạo nên một hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ cho phát triển thương mại điện tử trong tương lai. Để thương mại điện tử phát triển một bước cao hơn, việc thanh toán trực tuyến là yêu cầu tất yếu. Do đó, các ngân hàng, các trung gian thanh toán cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng thanh toán, đồng thời có những biện pháp cụ thể để từng bước thay đổi nhận thức và thói quen người tiêu dùng đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Ba là, Chính phủ cần phân tích điểm mạnh, điểm yếu của một số ngành, lĩnh vực chủ chốt để ứng dụng công nghệ, sau đó sẽ tập trung nguồn ngân sách để phát triển ngành có nhiều điểm mạnh. Chúng ta cần học tập Nhật Bản khi họ đang tập trung vào nghiên cứu, chế tạo và phát triển robot, nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua công nghệ IoT và AI; dầu tư nhiều vào lĩnh vực giao thông vận tải, tiêu chuẩn hóa dữ liệu thực. Ngoài việc cải thiện hệ thống và ngành Logistic, Việt Nam cần tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy sử dụng dữ liệu cá nhân để hình thành một mạng lưới dữ liệu lớn (Big data). Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải bảo vệ và bảo mật dữ liệu cá nhân, nỗ lực để loại bỏ các rào cản mang tính hệ thống, đảm bảo đường truyền thông suốt.

Bốn là, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự tăng trưởng của doanh thu, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử đang cố gắng cải thiện nhiều hơn trong việc cải thiện dịch vụ và nâng cao chức năng sử dụng cho người dùng. Các dịch vụ giao hàng hỏa tốc được triển khai rộng rãi, nhiều ưu đãi được áp dụng khi mua sắm trực tuyến giúp cho ngành Thương mại điện tử đạt những thành tích đầy ấn tượng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025.
  2. Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (2021), Điều tra kinh tế hộ gia đình do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản thực hiện.
  3. Hiroe Ishihara, Chialin Tsai (2022), Shared Logistic Service for Resilient Agri-Food System: Study of E-Commerce for Local and B2B Markets in Japan, page 1858, Volume 14, Issue 3, MDPI.
  4. Tomoya Kawasaki, Hisayuki Wakashima, Ryuichi Shibasaki, (2022), The use of e-commerce and the COVID-19 outbreak: A panel data analysis in Japan, Scien Direct.

A study on the development of Japan’s e-commerce

Ph.D Nguyen Thi Phuong

Faculty of Commerce, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Japan is the third-largest e-commerce market in the world. In 2022, Japan’s e-commerce revenue reached 215.10 billion USD, with an annual revenue growth rate of 14.7%. This rapid growth was fueled by many factors, especially a large number of people using Japanese e-commerce sites. This study explored the factors facilitating the growth of Japan’s e-commerce market, including rapid economic and technological development, shopping behavior changes after the COVID-19 pandemic, and e-commerce development policies. Based on the study’s findings, some recommendations were made in order to help Vietnam develop its national e-commerce development program.

Keywords: e-commerce, e-commerce development, Japan, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 3 năm 2024]

Tạp chí Công Thương