Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và thế giới.
Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tại Hội nghị thương mại điện Xuyên biên giới, do Công ty Amazon Global Selling Việt Nam phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 22/5, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp và các chuyên gia đã có phiên thảo luận với chủ đề “Tinh hoa hàng Việt cất cánh toàn cầu”.
Tại Hội nghị, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp và các chuyên gia có mặt tại hội nghị đã tập trung chia sẻ, thảo luận một số vấn đề: Cập nhật xu thế thương mại điện tử trên thế giới đặc biệt là hoạt động xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử Amazon. Tập trung phân tích các lợi thế, khó khăn, thách thức cụ thể đang gặp phải trong quá trình tham gia hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đồng thời, định hướng các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu trực tuyến phù hợp với điều kiện kinh tế, địa lý và xã hội của các vùng kinh tế; cung cấp các phân tích đánh giá thị trường quốc tế có chiều sâu để giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt được thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài, qua đó tiến hành đổi mới, sáng tạo và cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng quốc tế.
Song song đó, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao toàn diện năng lực triển khai thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp cần khắc phục khó khăn, tận dụng lợi thế ngành hàng
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) chia sẻ, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đã có 20 năm tăng trưởng liên tục với tốc độ tăng trưởng hằng năm trên 10%. Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm chế biến thương mại gỗ hàng đầu thế giới. Cụ thể, trong nhóm sản phẩm gỗ nội, ngoại thất Việt Nam đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc.
“Trong 4 tháng đầu năm 2024 chúng tôi đã có hy vọng, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ở chiều ngược lại Việt Nam đã chi 801 triệu USD nhập khẩu nguyên liệu gỗ để chế biến và tạo giá trị gia tăng và nhập khẩu tăng 26,4%.” Ông Ngô Sỹ Hoài cho biết.
Theo ông Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), mặc dù có những bước phát triển như vậy, song ngành công nghiệp gỗ Việt Nam còn bộc lộ nhiều yếu kém, khó khăn và thách thức thời gian tới.
Cụ thể là doanh nghiệp tham gia chế biến thương mại gỗ chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thức sản xuất chủ yếu là gia công theo những mẫu mã, đơn hàng đến từ những nhà nhập khẩu bên ngoài, do vậy giá trị gia tăng còn hạn chế…
Kỳ vọng rằng, việc thúc đẩy chuyển đổi Số, chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp gỗ và các ngành hàng khác và việc tận dụng những lợi thế mà thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại, ngành gỗ được Amazon đánh giá là ngành hàng nằm trong tốp đầu sử dụng thương mại điện tử có hiệu quả và có doanh thu bán hàng trên nền tảng này thuộc top đầu của Việt Nam.
Một trong những yếu tố quan trọng của chuyển đổi số là tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới.
Để làm được điều đó, phải tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam, tăng cường xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng trên toàn cầu để sản phẩm gỗ có được lòng tin của người tiêu dùng. Như vậy, Việt Nam sẽ giữ vững được vị thế sau 20 năm là một trong những trung tâm chế biến xuất khẩu gỗ hàng đầu trên giới, và đặc biệt là tăng trưởng bền vững và hợp tác.
Với ngành dệt may, mặc dù thương mại điện tử đi vào hướng trực tiếp với người tiêu dùng và sản lượng thường nhỏ lẻ, nhưng đây là một trong phương tiện nhanh nhất với người tiêu dùng cũng như giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, dệt may cũng là 1 trong 5 ngành có kết quả thương mại điện tử xuyên biên giới khá tốt. Thống kê qua 4 tháng đầu năm 2024, toàn ngành dệt may xuất khẩu được 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Thông qua Amazon, sản phẩm dệt may sẽ đến với các khách hàng trực tiếp và qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới này cũng khẳng định vị trí của sản phẩm dệt may Việt Nam bằng giá cả, cạnh tranh, chất lượng tốt, thời gian giao hàng nhanh, do đó hiệp hội mong muốn Amazon giúp doanh nghiệp thấy được những điểm mạnh, điểm yếu, công đoạn cần phải thay đổi nhằm từng bước nâng cao trong chuỗi giá trị, từ đó đạt nhiều thành công hơn qua thương mại điện tử,” ông Trương Văn Cẩm nêu ý kiến.
Khai thác xu hướng tương lai, chú trọng phát triển nguồn nhân lực
Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam đã chia sẻ về xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới trong tương lai, qua đó để các doanh nghiệp khai thác tối đa xu hướng nhìn thấy.
Trong 5 năm vừa qua, sự tham dự đông đảo của doanh nghiệp, nhà bán hàng Việt Nam vào “sân chơi” thương mại điện tử không chỉ phát triển về số lượng mà còn về chất lượng, tiêu biểu là có những nhà bán hàng đạt doanh số trên 1 triệu đô/năm đã tăng trưởng gấp 10 so với 2019.
Doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nhìn nhận Amazon như một kênh bán hàng mà thật sự đã có sự đầu tư về thương hiệu để tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Doanh nghiệp hiện tại cũng đã rất nhanh nhạy nắm bắt sự hỗ trợ đến từ Amazon và nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Nhìn về tương lai, sản phẩm “Made in Viet Nam” ngày càng có sự phát triển, không chỉ ngành hàng thế mạnh của Việt Nam trên Amazon như dệt may, trang trí nhà cửa… mà còn các ngành hàng như chăm sóc sức khỏe cá nhân, chăm sóc thú cưng, thực phẩm chức năng.
“Tôi tin với sự hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ, các hiệp hội, Amazon Global Selling sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, tham dự các triển lãm ngành hàng, qua đó tăng cường sự nhận thức cũng như kêu gọi đại diện các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh ngành hàng như ngành hàng về chế biến như trà, cà phê, hoa quả sấy, dệt may…” Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ.
Ông Trịnh Khắc Toàn mong muốn Việt Nam không chỉ là trung tâm xuất khẩu những ngành hàng dệt may, nông sản, đồ gỗ mà còn là nơi xuất khẩu những thương hiệu bán lẻ về ngành hàng này trên toàn cầu để thế giới không chỉ biết đến Việt nam là 1 trung tâm xuất khẩu mà còn là nơi những thương hiệu được người tiêu dùng toàn cầu biết đến.
Ông Trịnh Khắc Toàn cũng cho rằng, ngoài các chương trình đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực của doanh nghiệp về thương mại điện tử xuyên biên giới của Amazon và Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), sắp tới thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ trở thành bộ môn chính thức của các trường đại học tại Việt Nam và các trung tâm đào tạo của doanh nghiệp để khi các doanh nghiệp bước chân vào sân chơi thương mại điện tử xuyên biên giới, đã có đội ngũ nhân lực hiểu biết, đam mê, sẵn sàng, giúp cho doanh nghiệp thành công.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), mặc dù có lợi thế về vị trí địa lý chiến lược dễ dàng tiếp cận các nguồn nguyên vật liệu trong và ngoài nước để phục vụ quá trình sản xuất. Cơ sở hạ tầng logistics đã và đang được chú trọng phát triển, các doanh nghiệp Việt phát huy được lợi thế nhờ đa dạng hóa các mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới, đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dệt may, đồ gia dụng...để có thể đẩy mạnh xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tuy nhiên, việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp khu vực phía Bắc vì một số nguyên nhân như: Nguồn nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới còn chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới còn nhiều hạn chế…
Để giải quyết vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số) cũng đã nêu ý kiến.
Ông cho biết bên cạnh những hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy tiêu thụ nội địa các sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử, thời gian qua, Cục đã phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai chuỗi các hoạt động liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, đào tạo nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thương mại điện tử cho các địa phương, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi số; quảng bá các sản phẩm đặc trưng địa phương trên sàn Việt và các nền tảng số.
Các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia Chương trình đào tạo về phát triển thương mại điện tử có thể đăng ký với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên toàn quốc để có thể được hỗ trợ, đào tạo các kỹ năng chuyên sâu để có thể tham gia thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới một cách thuận lợi nhất.
“Để hỗ trợ nâng cao nguồn nhân lực hơn cho doanh nghiệp, chúng tôi định hướng đào tạo các liên kết theo ngành nghề, đào tạo kỹ năng chuyên sâu để theo kịp phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là nền tảng Amazon, trên cơ sở đó có thể tiếp cận các nhà nhập khẩu trên thế giới để có thể tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.” ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số) chia sẻ.