Giống như nhiều phụ nữ Thái, cô bé Cà Thị Thỏa làm quen với dệt thổ cẩm từ năm lên 10 tuổi và biết dệt thành thạo khi ở độ tuổi trăng tròn. Một lần theo mẹ lên rừng chọn những loại củ, quả để nhuộm sợi vải, thấy cực quá, cô hỏi: mẹ ơi, vì sao phải dệt vải thổ cẩm. Mẹ cô bảo, ông bà mình đã nói rồi:“Nhinh hụ dệt phải, trái hụ san he”. Có nghĩa là, gái biết dệt vải, trai biết đan chài.
Lớn lên, cô hiểu thêm rằng, biết thêu thùa, dệt vải được coi là một trong những phẩm chất đức hạnh của người con gái Thái nết na, và là một tiêu chí chọn vợ của các chàng trai.
Năm tháng trôi qua, nghề dệt truyền thống ở Sơn La cứ ngày một mai một, do sự tiện lợi của vải may công nghiệp. Đi làm trong cơ quan nhà nước nhưng cô vẫn ước ao một ngày nào đó sẽ tìm cách khôi phục nghề dệt thổ cẩm, bởi cô đã tận mắt thấy bố mẹ chồng lật từng đường kim mũi chỉ, rưng rưng nước mắt khi nhận bộ chăn đệm do cô tự tay thêu dệt.
Về nghỉ hưu, cô âm thầm tìm hiểu thị trường thổ cẩm. Điều đáng lo hơn cả,ở nhiều huyện ở Sơn La, dệt thổ cẩm chỉ hoạt động nhỏ lẻ, hướng sản xuất hàng hóa chưa cao. Với những nghệ nhân, dệt một vài chục mét vải tại nhà, chắc có nhiều người đến hỏi, nhưng nếu sản xuất tập trung, đưa ra thị trường hàng trăm mét vải mỗi tháng liệu có còn hút hàng? Đi khảo sát một số chợ cô thấy, phần lớn các loại vải thổ cẩm được mua từ làng Vũ Đại (quê hương của nhà văn Nam Cao), thuộc huyện Lý Nhân, Hà Nam, giá rẻ bất ngờ. Muốn cạnh tranh được với thổ cẩm Vũ Đại, cô phải đến thẳng đại bản doanh.
Làng Vũ Đại của những Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Binh Chức, Tự Lãng năm xưa, nay đã trở thành làng nghề, cứ 10 người có 9 người biết dệt vải. Điều làm cô choáng ngợp là, tiếng thoi đưa của hàng trăm máy dệt bán công nghiệp đã rộn rã từ đầu làng. Nhà 5-7 máy, nhà 10 máy, có nhà đến 15 máy. Tính trung bình, một nhà có 10 máy dệt bán thủ công, cho ra gần 500 mét vải/ngày. Trong khi đó, với khoảng mấy chục xã viên trong một hợp tác xã (HTX) như dự kiến, mỗi tháng cũng chỉ dệt được 500 mét vải.
Có được thông tin rồi, cô xúc tiến thành lập HTX Nặm La với 25 xã viên. Cô bàn bạc rất kỹ trong ban quản trị, với toàn thể xã viên. Cuối cùng, một phương châm đã được hoàn tất: muốn có chỗ đứng trên thị trường, Nặm La phải tránh đối đầu về năng suất, giá cả, là những điểm rất mạnh của vải thổ cẩm bán công nghiệp Vũ Đại; đồng thời tập trung vào khai thác những điểm mà vải thổ cẩm Vũ Đại không thể nào làm được, đó là quy trình dệt vải truyền thống, được dệt hoàn toàn bằng tay, độ chặt, lỏng, mềm, cứng của sản phẩm đều theo ý muốn và khả năng của nghệ nhân.
Từ đó, các xã viên đã thống nhất được với nhau, phải dệt đúng vải thổ cẩm truyền thống theo từng bước tỷ mỷ: gạt hồ, phơi sợi, nhuộm màu… nhằm tránh đối đầu về khách hàng với Vũ Đại. Khách hàng của Vũ Đại thuộc “tuýp” chỉ cần những sản phẩm mang hơi hướng dân tộc. Họ không yêu cầu sản phẩm sử dụng chất liệu 100% bông sợi tự nhiên; họ cũng không “bắt bẻ” hoa văn này phải đúng của người Thái, hoa văn kia phải đúng của người H’mông, miễn sao mô phỏng được họa tiết của người dân tộc nói chung là được.
Vậy thì Nặm La phải hướng đến những khách hàng thật sự quan tâm đến chất liệu vải sợi tự nhiên, truyền thống; thực sự quan tâm, yêu thích, sưu tầm những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc Thái.
Để khắc chế phần nào ưu thế của hàng thổ cẩm bán công nghiệp, Nặm La sử dụng đồng thời hai sức mạnh tập trung và phân tán. Tập trung là thành lập HTX, một loại hình cơ sở sản xuất đang nhận được nhiều ưu đãi nhất. Tập trung nên chuyên môn hóa được theo từng nhóm sản phẩm, bao gồm chăn đệm, gối, áo dài truyền thống, nội thất gia đình, đồ trang trí trong các nhà hàng, khách sạn, đồ lưu niệm…
Phân tán là ngoài mấy khung cửi đặt ở trụ sở như một điểm trình diễn cho du khách, còn lại đặt ở từng hộ xã viên nhằm tiết kiệm chi phí mặt bằng sản xuất. Vũ Đại cũng phân tán sản xuất đến hộ gia đình, nhưng các hộ dân trông chờ cả vào dệt vải, còn với xã viên Nặm La, dệt thổ cẩm như một phương thức tận dụng thời gian nhàn rỗi, họ vẫn lên nương, làm ruộng được. Phân tán ở Nặm La còn thuận lợi cho việc truyền nghề, mẹ dạy con, cháu học bà.
Ngay trong những tháng đầu thành lập, vải thổ cẩm của Nậm La đã được người tiêu dùng chấp nhận, dù giá bán cao hơn. Bởi vì, vải dệt truyền thống dày hơn, không bị phai màu, hoa văn, họa tiết tinh xảo hơn, trong khi vải thổ cẩm sản xuất theo kiểu bán công nghiệp đang phổ biến trên thị trường mỏng, hoa văn không thuần nhất (mô phỏng, phối trộn nhiều loại hoa văn của các dân tộc).
Một điểm mạnh khác của Nặm La mà thổ cẩm Vũ Đại khó khai thác là hàng lưu niệm, song điểm yếu của xã viên nằm ở khâu thiết kế mẫu. Được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến công Sơn La, xã viên HTX Nặm La được các giáo viên Hà Nội lên truyền dạy những kỹ thuật về thiết kế mẫu và may cơ bản cho những sản phẩm lưu niệm.
Kỹ thuật thiết kế đã chắp cánh cho xã viên HTX Nặm La đưa hơn 30 hoa văn, họa tiết của người Thái vào hàng lưu niệm. Những con cua, con tôm, hoa đực, hoa cái, con trống, con mái; những hình thoi, quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu... tất cả như một thế giới thu nhỏ được hóa thân vào sản phẩm túi, ví, , địu, tay nải, ri-đô, rèm cửa , khăn trải bàn, các vật dụng trang trí nội thất…
Du khách thích thú với đồ lưu niệm Nặm La tiện lợi, khắc họa sinh động những quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, triết lý âm dương của người Thái qua những hoa văn, họa tiết. Đến nay, vải thổ cẩm và hàng lưu niệm của Nặm La đã xuất hiện ở các nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh Sơn La, và thông qua khách du lịch quốc tế, đến với bạn bè khắp 5 châu.
Cũng để khắc chế phần nào ưu thế của hàng thổ cẩm bán công nghiệp, Khuyến công Sơn La đã lên kế hoạch hỗ trợ cho Nặm La máy móc, thiết bị để cơ giới hóa những khâu không nhất thiết phải cần đến bàn tay vàng của nghệ nhân, như se tơ, cắt vải, vắt sổ, vào mex…
Điều đáng mừng là sản phẩm thổ cẩm của HTX Nậm La đã được công nhận là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Nhưng đối với chủ nhiệm Cà Thị Thỏa và xã viên HTX Nặm La, cái được lớn nhất là đã khôi phục, bảo tồn được nghề dệt thổ cẩm của người Thái và tự tin với hướng đi của mình trong sự phát triển như vũ bão của các loại vải may công nghiệp. Vũ Đại tận dụng được lợi thế về năng suất và giá cả cạnh tranh, thì Nặm La cũng đưa ra được những dòng sản phẩm đặc trưng và tập hợp được những khách hàng trung thành của mình.