Có 2 con số khá thú vị, một của Statista Việt Nam - công ty chuyên nghiên cứu dữ liệu và thị trường. Theo tính toán của Statista Việt Nam, chi tiêu cho truyền thông trên các kênh chính trong 2018 ở Việt Nam khoảng 1,4 tỷ USD. Đây là con số đã trừ khoảng 50% chiết khấu và chi hoa hồng. Tổng chi phí trên danh nghĩa khoảng 2,7-2,8 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, người ta dường như không chú ý tới con số 1,4 tỷ USD đã bóc tách, hay 2,7-2,8 tỷ USD danh nghĩa, mà quan tâm nhiều hơn đến sự phân bổ nguồn tiền trên 2 kênh quảng cáo chính hiện nay. Cụ thể, mặc dù người Việt online hơn 7 giờ mỗi ngày và chỉ xem tivi chưa đầy 1:30 phút mỗi ngày, nhưng vẫn có đến 80% nguồn tiền quảng cáo của các doanh nghiệp và tổ chức đổ vào TVC trên tivi.
Một nguồn tin khác, theo báo cáo của Bộ TT&TT, cả nước có 848 tờ báo và tạp chí, doanh thu quảng cáo đạt 65 triệu USD/năm. Cả nước có 67 đài truyền hình và trung tâm truyền hình, 34 doanh nghiệp truyền hình trả tiền, doanh thu quảng cáo trong lĩnh vực truyền hình đạt 414 triệu USD/năm.
Hiện nhà nước đã cấp phép cho 436 mạng xã hội trong nước với số lượng người dùng ước đạt 46 triệu, trong đó Zalo là mạng xã hội lớn nhất với số lượng người dùng khoảng 40 triệu người, doanh thu quảng cáo đạt 7 triệu USD/năm. Trong khi đó, hai mạng xã hội nước ngoài là Facebook và Google có tổng cộng 95 triệu người dùng, doanh thu quảng cáo của hai mạng xã hội này ước đạt 370 triệu USD/năm.
Nếu đây là con số đã bóc tách thì số tiền quảng cáo trên 3 kênh chính: (i) báo và tạp chí, (ii) truyền hình và (iii) mạng xã hội khoảng gần 900 triệu USD mỗi năm. Nếu so với con số 1,4 tỷ USD của Statista Việt Nam thì sự “vênh” 500 triệu USD này có thể chấp nhận được, vì Statista Việt Nam tính toán từ số liệu của doanh nghiệp, nên mọi chi phí trên trên tất cả các kênh truyền thông đều được tính như quảng cáo ngoài trời, hay tài trợ cho tổ chức sự kiện… Còn số liệu của Bộ TT&TT chỉ tính 3 mảng chính của báo chí và mạng xã hội.
Nhưng dù dữ liệu của Bộ TT&TT, Statista Việt Nam có vênh nhau, thì sự thực vẫn cho thấy quảng cáo trên truyền hình cho đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất; khoảng 80% trên tất cả các kênh truyền thông theo Statista Việt Nam, và khoảng 50% trên 3 mảng chính của báo chí và mạng xã hội, theo Bộ TT&TT.
Và như thế, cái thực sự “vênh” trong câu chuyện này là trong khi người Việt dành ra đến gần 1/3 ngày lang thang trên mạng, dành chưa đến 1,5 giờ xem tivi thì quảng cáo trực tuyến vẫn lép vế so với truyền hình. Có chuyên gia giải thích rằng, khi xem tivi, ở Việt Nam có khoảng trên dưới 100 kênh để theo dõi, trong đó có trên chục kênh “rác” rất ít người xem, nhưng vẫn còn khoảng 70-80 kênh có khá nhiều người theo dõi. Như vậy hiệu quả tiếp cận tập trung cho các kênh còn lại vẫn được đảm bảo khá tốt.
Nhưng khi online thì có hàng triệu content (nội dung) để người dùng theo dõi nên dù họ online 7h thì đối với doanh nghiệp, để người tiêu dùng thấy được quảng cáo của mình cũng không phải dễ dàng. Dù sao, đây cũng chỉ là lập luận theo hướng suy đoán chủ quan, chứ không phải rút ra từ cuộc khảo sát nào, nên 2 số liệu của Statista Việt Nam và Bộ TT&TT vẫn khá thú vị và thực sự hấp dẫn bởi vẻ đẹp bí ẩn của nó.