Nguy cơ cuộc chiến về giá trên thị trường gạo xuất khẩu

Hãng tin Bloomberg nhận định, giá gạo tại châu Á sẽ tiếp tục lao dốc sau khi đã chạm đáy 6 năm trong bối cảnh Thái Lan sản bán kho gạo khổng lồ của mình. Điều này có thể khiến một cuộc chiến về giá gạ

Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch bán khoảng 1 triệu tấn gạo mỗi tháng. Con số này cao gần gấp đôi mức xuất khẩu 558.000 tấn gạo mỗi tháng của Thái Lan trong năm 2013. Theo dự báo của Hiệp hội các hãng xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), mức giá gạo chuẩn quốc gia của Thái Lan, vốn đang thấp hơn giá gạo Việt Nam và Ấn Độ, có thể tiếp tục giảm thêm 11% xuống mức 350 usd/tấn trong tháng 5/2014.

Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch TREA nhận định: “Một cuộc chiến giá gạo có thể xảy ra nếu Việt Nam giảm giá gạo xuống thấp hơn Thái Lan”.

Theo số liệu được hãng tin Bloomberg tổng hợp, giá gạo Thái Lan 5% tấm trắng đã sụt giảm mạnh 30% xuống chỉ còn 394 USD/tấn trong năm 2013. Ông Chookiat Ophaswongse đã cho biết, gạo Thái Lan hiện giờ có giá từ 365 USD – 370 USD/tấn, thấp hơn so với mức 385 USD/tấn của gạo Việt Nam và mức 420 USD/tấn của gạo Ấn Độ. Theo dự báo của ông Chookiat Ophaswongse, giá gạo Thái Lan có thể sẽ giảm xuống mức 350 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2007.

Nguy cơ cuộc chiến về giá

"Ông B.V. Krishna - Giám đốc điều hành Pattabhi Agro Foods tại bang Andhra Pradesh – hãng xuất khẩu gạo phi basmati lớn nhất của Ấn Độ, cho biết: “Thái Lan hiện đang bán gạo dự trữ với giá rẻ, các đơn hàng thương mại hiện đã đều bị hoãn lại. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cần giảm thêm 20 USD/ tấn nữa để cạnh tranh với gạo Thái Lan".

Thái Lan vẫn đang thiếu hụt nguồn tài chính để thanh toán tiền mua thóc gạo từ nông dân nước này theo chương trình trợ giá thu mua lúa gạo của nước này. Lượng gạo dự trữ khổng lồ của Thái Lan tồn đọng lại theo chương trình thế chấp thu mua lúa gạo của Chính phủ Thái Lan. Chương trình này vừa qua đã bị chấm dứt trong bối cảnh khủng hoảng chính trị xảy ra tại Thái Lan. Lượng gạo tồn đọng trong kho của Thái Lan trong năm 2013 đã đạt mức kỷ lục 12,8 triệu tấn hay 1/3 tổng lượng gạo trên thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu. Theo số liệu của USDA, lượng gạo dự trữ của Thái Lan hiện đạt 14,7 triệu tấn.

Theo ông Darren Cooper, nhà kinh tế cấp cao tại Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC), cho biết: "Cuộc chiến giá gạo trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt hơn khi Thái Lan nôn nóng muốn xả bán hết lượng gạo trong kho dự trữ. Giá gạo Thái Lan đã giảm dần trong năm 2013. Nhưng chúng tôi (IGC) đã nhìn thấy một vài biến chuyển rõ rệt trong những tuần trước khi nước này bán gạo từ kho dự trữ để tạo nguồn tài chính cho chương trình trợ giá thu mua lúa gạo”.

Ông Surasak Riangkrul, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương Thái Lan cho biết, Thái Lan sẽ tham gia phiên đấu thầu mua 800.000 tấn gạo của Philippines trong ngày 15/4 tới đây. Ông Surasak Riangkrul đã bày tỏ lo ngại việc gạo Việt Nam có thể giành chiến thắng cuộc đấu thầu và gây ảnh hưởng đến giá gạo Thái Lan. Philippines hiện là nước nhập khẩu gạo lớn thứ ba Châu Á, sau Trung Quốc và Indonesia.

Ông Chookiat Ophaswongse nhận định:"Nếu Chính phủ Thái Lan tiếp tục bán gạo với giá thấp, họ có thể lấy lại được vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Với giá bán này, những người tiêu dùng thường mua gạo Ấn Độ và gạo Việt Nam sẽ chuyển sang mua gạo Thái Lan".

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam đã đóng góp 62% lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu trong năm 2013.

Lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2014 được USDA dự báo sẽ tăng mạnh 27% lên mức 8,5 triệu tấn trong năm 2014; trong khi đó, xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm 4,8% xuống mức 10 triệu tấn; xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 10% lên mức 7,5 triệu tấn.

Theo USDA, nhu cầu gạo của thế giới dự kiến sẽ tăng thêm 1,5% lên 471,2 triệu tấn trong năm nay; trong khi đó, sản lượng gạo được dự báo sẽ đạt 474,8 triệu tấn. Năm 2014 có thể sẽ đánh dấu năm thứ 9 liên tiếp, thị trường gạo rơi vào trạng thái dư cung.

Xét về mặt tích cực, việc giá gạo giảm hơn nữa có thể làm giảm chi phí lương thực, giúp giảm lạm phát tại khu vực châu Á, nơi có hàng tỉ người phụ thuộc chủ yếu vào gạo. Theo Liên Hiệp Quốc (UN), giá lương thực toàn cầu đã giảm 2,1% trong năm 2013.

Hoàng Thủy (Theo Bloomberg)