USDA: Báo cáo triển vọng thị trường gạo niên vụ 2013-2014 (tháng 12/2013)

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra báo cáo Triển vọng thị trường gạo tháng 12/2013 . Trong đó, USDA đã điều chỉnh giảm tổng sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2013/14 xuống còn 470, 6 triệu tấn. Dự

Theo Báo cáo triển vọng thị trường gạo tháng 12/2013 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo trên toàn cầu trong niên vụ 2013-2014 được dự báo đạt 470,6 triệu tấn, giảm 2,6 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 11/2013 nhưng con số này vẫn đạt mức cao kỷ lục. Sự điều chỉnh giảm dự báo sản lượng gạo toàn cầu của USDA chủ yếu do dự báo sản lượng gạo của Ấn Độ giảm. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, USDA hạ dự báo sản lượng gạo trên toàn cầu trong niên vụ 2013-2014 ở mức đáng kể. USDA dự báo sản lượng gạo tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á sẽ đạt mức cao kỷ lục.

Sản lượng gạo

Sản lượng gạo trên toàn cầu trong niên vụ 2013-2014 được USDA dự báo sẽ tăng cao. Nguyên nhân, diện tích canh tác lúa gạo niên vụ 2013/14 đạt mức kỷ lục 160,1 triệu ha, tăng 2,7 triệu ha so với niên vụ 2012-2013, phần lớn tại các nước quốc gia như: Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria và Pakistan. Việc diện tích canh tác lúa gạo được mở rộng chủ yếu do Chính phủ tại các nước này tăng mức trợ cấp đối với sản xuất lúa gạo cho nông dân. USDA đã có điều chỉnh giảm đối với sản lượng gạo niên vụ 2013-2014 tại một số quốc gia, chủ yếu tại Châu Á và Nam Mỹ.

Năng suất lúa gạo trung bình trên toàn cầu trong niên vụ 2013-2014 được USDA dự báo đạt 4,38 tấn/ha, giảm 1% so với niên vụ 2012-2013. Do tình hình thời tiết bất lợi khiến sản lượng lúa gạo tại Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới, giảm xuống.

Dựa trên sự suy giảm năng suất lúa gạo của Ấn Độ, sản lượng gạo niên vụ 2013-2014 tại Ấn Độ đã được USDA điều chỉnh giảm 2 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 11/2013, xuống còn 103 triệu tấn. Năng suất lúa gạo của Ấn Độ giảm xuống do tác động từ ba cơn bão liên tiếp (Phaillin, Helen, và Lehar) đổ bộ vào khu vực bờ biển phía Đông Ấn Độ, gây thiệt hại nặng nề đối với mùa vụ tại các bang Andhra Prdesh và Orissa. Các trận mưa lớn tại các bang phía Đông Ấn Độ như Tây Bengal, Bihar, Jharkhand và phía Đông bang Uttar Pradesh cũng đã gây thiệt hại đối với hoạt động canh tác lúa gạo của Ấn Độ.

Sản lượng gạo của Thái Lan trong niên vụ 2013-2014 được điều chỉnh giảm 600.000 tấn so với dự báo tháng 11/2013, xuống mức 20,5 triệu tấn. Tuy nhiên, con số này vẫn tăng nhẹ so với niên vụ 2012-2013 và đạt mức cao kỷ lục. Dự báo sản lượng gạo của Thái Lan giảm xuống chủ yếu do các nguyên nhân sau: diện tích canh tác lúa gạo tại Thái Lan giảm, tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ hoạt động canh tác lúa gạo và Chính phủ Thái Lan giảm mức trợ cấp thu mua lúa gạo cho người nông dân.

USDA dự báo sản lượng gạo của Philippines trong niên vụ 2013-2014 sẽ đạt 11,64 triệu tấn, giảm 60.000 tấn so với dự báo tháng 11/2013 nhưng vẫn cao hơn 2% so với niên vụ 2012-2013. Nguyên nhân, diện tích canh tác lúa gạo của Philippines giảm 100.000 ha do chịu tác động từ cơn bão Hải Yến hồi tháng 11/2013. Mặc dù chịu tác động nặng nề từ cơn bão Hải Yến nhưng mức thiệt hại đối với mùa vụ lúa gạo của Philippines ở mức thấp. Do sản lượng gạo tại các khu vực chịu ảnh hưởng chính của cơn bão chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng gạo hàng năm của Philippines và phần lớn diện tích lúa vụ Thu của nước này đã được thu hoạch khi cơn bão đổ bộ. Tuy nhiên, mức thiệt hại đối với lượng gạo dự trữ, nông cụ và hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp của Philippines vẫn chưa được thống kê cụ thể.

Theo USDA, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2012-2013 ước đạt 469 triệu tấn, không đổi so với dự báo trong tháng 11/2013, nhưng giảm 1% so với niên vụ 2011-2012.

Lượng gạo được sử dụng trên toàn cầu trong niên vụ 2013/14 được USDA dự báo tăng lên mức kỷ lục 472,9 triệu tấn, tăng 1% so với niên vụ 2013-2012. Nguyên nhân chủ yếu do mức tiêu thụ gạo tại các quốc gia như Băng-la-đét, Campuchia, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam tăng lên.

Mức dự trữ gạo trên toàn cầu tính đến cuối niên vụ 2013-2014 được dự báo đạt 104,3 triệu tấn, giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo tháng 11/2013 do mức dự trữ gạo của Ấn Độ và Thái Lan giảm xuống. USDA dự báo lượng gạo dự trữ đến cuối niên vụ 2013-2014 của Thái Lan sẽ tăng lên và đạt mức kỷ lục 14,4 triệu tấn. Trong khi đó, dự kiến lượng gạo dự trữ của Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, và Việt Nam sẽ giảm xuống vào cuối niên vụ. Theo tính toán của USDA, tỷ lệ dự trữ / sử dụng gạo trên toàn cầu trong niên vụ 2013-2014 sẽ đạt 22,1%, giảm nhẹ so với niên vụ 2012-2013.

Xuất khẩu gạo

USDA dự báo tổng lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu trong năm 2014 sẽ đạt mức kỷ lục 39,8 triệu tấn, tăng 0,65 triệu tấn so với dự báo trước đây và tăng 1,46 triệu tấn so với năm 2013. Mậu dịch gạo trên toàn cầu trong năm 2014 tăng lên chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc và khu vực Tây Phi tăng mạnh. USDA dự báo Ấn Độ sẽ tiếp tục giữ vị trí quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan trong năm 2014 được USDA dự báo sẽ tăng lên.

Theo USDA, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2014 được dự báo đạt 8,5 triệu tấn, tăng 500.000 tấn so với dự báo tháng 11/2013 do nhu cầu sử dụng gạo trên toàn cầu tăng lên và nguồn cung gạo dồi dào tại Thái Lan. USDA dự báo Thái Lan có khả năng trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới trong năm 2014.

Dựa trên tốc độ nhập khẩu gạo trong năm 2013, lượng gạo được khu vực Liên minh Châu Âu (EU) nhập khẩu trong năm 2014 dự kiến đạt 1,35 triệu tấn, tăng 150.000 tấn so với dự báo trước đây. USDA cũng nâng mức dự báo lượng gạo được Philippines nhập khẩu trong năm 2014 thêm 100.000 tấn lên mức 1,2 triệu tấn. Ngược lại, dự báo lượng gạo được Iran nhập khẩu trong năm 2014 giảm 100.000 tấn xuống còn 1,65 triệu tấn do diện tích canh tác lúa gạo tại Iran tăng lên.

Trong năm 2013, tổng lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu được USDA dự kiến đạt 38,4 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2012.

Thái Lan

Theo USDA, giá hầu hết các loại gạo Thái Lan (gạo phẩm cấp cao, trung bình, thấp, gạo trắng xay xát bình thường) chỉ thay đổi nhẹ trong tháng 11/2013. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng gạo của mùa vụ chính của Thái Lan tăng lên đã bù lại việc đồng Bath giảm giá so với đồng USD và giá gạo nội địa Thái Lan tăng cao hơn. Giá gạo đồ Thái Lan đã tăng lên do lượng gạo đồ Thái Lan được xuất khẩu sang Nigeria tăng cao; trong khi đó, giá gạo thơm Thái Lan đã giảm xuống.

Trong tuần kết thúc vào ngày 9/12/2013, giá gạo chất lượng cao Thái Lan loại 100% tấm loại B (giá FOB, Bangkok) đạt 430 USD/tấn, giảm 4 USD/tấn so với mức giá trong tuần kết thúc vào ngày 11/11/2013. Giá gạo Thái Lan hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2008. Giá gạo 5% tấm Thái Lan trong tuần kết thúc vào ngày 9/12/2013 đạt 415 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm Thái Lan có giá 454 USD/tấn, tăng 11 USD/tấn so với mức giá trong tuần kết thúc vào ngày 11/11/2013; giá gạo Thái LAn A-1 Super 100% tấm được giữ không đổi từ trung tuần tháng 10/2013, đạt 385 USD/tấn.