Theo báo cáo Triển vọng Hạt có dầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự kiến sản lượng các loại hạt có dầu, bao gồm: đậu tương, hạt cải dầu và hạt hướng dương tại các quốc gia sản xuất chính sẽ gia tăng cao. Nguyên nhân, điều kiện thời tiết thuận lợi giúp gia tăng năng suất cây trồng và diện tích gieo trồng được mở rộng.
Đậu tương
USDA dự báo sản lượng đậu tương của Mỹ trong niên vụ 2013/14 sẽ đạt mức 3,258 tỷ giạ (27,2 kg/giạ) nhờ năng suất cây trồng tăng cao bù lại việc diện tích gieo trồng giảm. Dự báo Mỹ sẽ xuất khẩu được 1,45 tỷ giạ đậu tương trong niên vụ 2013/14. Lượng khô dầu đậu nành được Mỹ xuất khẩu trong niên vụ 2013/14 dự kiến sẽ đạt 10,25 triệu tấn.
USDA nhận định, nhìn chung nhu cầu đối với khô dầu đậu nành, nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, sẽ hỗ trợ giá khô dầu đậu nành trong nửa đầu niên vụ 2013/14 nhưng đến nửa sau niên vụ, sự gia tăng nguồn cung từ khu vực Nam Mỹ sẽ tạo áp lực khiến giá khô dầu đậu nành giảm xuống. USDA dự báo mức giá trung bình khô dầu đậu nành của niên vụ 2013/14 sẽ đạt 375 – 415 USD/tấn ngắn (907,18 kg), giảm đáng kể so với mức trung bình 468 USD/tấn ngắn trong niên vụ 2012/13.
Giá dầu đậu nành đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm vào tháng 10/2013 (39,8 cents/pound – 0,454kg). USDA đã hạ dự báo giá dầu đậu nành trong niên vụ 2013/14 xuống còn từ 40 – 44 cents/pound so với mức 43 – 47 cents/pound được dự báo trước đó và so với mức trung bình 47,1 cents/pound trong niên vụ 2012/13.
USDA nhận định Ấn Độ đã có một
mùa vụ đậu tương với điều kiện thời tiết ẩm ướt nhất từng được ghi nhận. Việc
giá đậu tương ở mức hấp dẫn và mùa mưa đến sớm đã khuyến khích nông dân Ấn Độ
gia tăng diện tích gieo trồng đậu tương. Diện tích gieo trồng đậu tương của Ấn
Độ đã tăng thêm 13%. Tuy nhiên, USDA cho biết năng suất cây đậu tương của Ấn Độ
đã giảm đáng kể khi mưa diễn ra liên tục. Đặc biệt, tại bang Madhya Pradesh, thủ
phủ trồng đậu tương của Ấn Độ, lượng mưa trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng
10/2013 đã cao hơn 63% mức trung bình.
USDA đã hạ dự báo sản lượng đậu tương của Ấn Độ trong năm 2013/14 xuống còn 11,8 triệu tấn. Theo đó, sản lượng các sản phẩm đậu nành của Ấn Độ được dự báo giảm xuống mức 9,5 triệu tấn. Những khó khăn trong hoạt động sản xuất khô dầu đậu nành, nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, có thể khiến mức xuất khẩu khô dầu đậu nành của Ấn Độ trong niên vụ 2013/14 giảm xuống còn 3,55 triệu tấn so với mức 4,1 triệu tấn trong năm ngoái. Để bù đắp lại mức sụt giảm sản lượng của dầu đậu nành nội địa, USDA dự báo lượng dầu dậu nành được Ấn Độ nhập khẩu sẽ tăng lên mức 1,23 triệu tấn.
Hạt cải dầu
USDA dự báo sản lượng hạt cải dầu toàn cầu trong niên vụ 2013/14 sẽ đạt 67,9 triệu tấn, tăng 1,4 triệu tấn so với dự báo trước đây, nguyên nhân chủ yếu do sản lượng tại Canada tăng lên. Sản lượng hạt cải dầu tại Châu Âu cũng được USDA dự báo tăng nhẹ (tăng 100.000 tấn lên 20,8 triệu tấn).
Đối với Canada, điều kiện gieo trồng gần như đạt mức lý tưởng trong năm nay đã giúp sản lượng hạt cải dầu tăng lên mức kỷ lục. Do đó, mặc dù diện tích gieo trồng cây cải dầu tại Canada thấp hơn nhưng năng suất cao hơn đã gia tăng mức sản lượng hạt cải dầu thêm 1 triệu tấn lên mức cao nhất từng được ghi nhận, đạt 16,15 triệu tấn; tăng so với mức 13,9 triệu tấn so với năm ngoái. Gần 90% mức tăng sản lượng hạt cải dầu của Canada trong niên vụ 2013/14 sẽ đến từ tỉnh bang Saskatchewan.
Theo USDA, việc giá hạt cải dầu giảm mạnh sẽ giúp gia tăng mạnh nhu cầu đối với hạt cải dầu của Canada. Vào cuối tháng 10/2013, giá hạt cải dầu tại thành phố Vancouver đã giảm 21% so với năm ngoái. Lượng hạt cải dầu xuất khẩu của Canada có thể đạt mức 7,8 triệu tấn. Lượng dầu hạt cải nội địa của Canada trong niên vụ 2013/14 dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 7,5 triệu tấn. Dự báo dự trữ hạt cải dầu tính đến cuối niên vụ 2013/14 của Canada sẽ đạt 1,3 triệu tấn, tăng gấp đôi so với mức 608.000 tấn trong năm ngoái.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hạt cải dầu chính và với việc
nguồn cung hạt cải dầu tại Canada tăng lên sẽ giúp tăng cường quan hệ thương mại
giữa hai nước. Sản lượng hạt cải dầu nội địa của Trung Quốc đáp ứng hầu hết nhu
cầu sử dụng của nước này nhưng dự kiến lượng hạt cải dầu được Trung Quốc nhập
khẩu trong niên vụ 2013/14 dự kiến sẽ đạt 2,8 triệu tấn do mức tiêu thụ hạt cải
dầu tăng mạnh. Tuy nhiên, mức nhập khẩu này có khả năng vẫn thấp hơn mức nhập
khẩu trong năm 2012/13 (3,4 triệu tấn).
Trong niên vụ 2013/14, mức tiêu thụ dầu thực vật của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng thêm 5% lên mức 32,7 triệu tấn trong đó dầu đậu nành có thể chiếm 71% và dầu hạt cải chiếm 28% mức tăng lên.
Hạt hướng dương
Dự báo sản lượng hạt hướng dương trên toàn cầu sẽ tăng lên mức kỷ lục, chủ yếu do sản lượng tại Nga tăng. Sản lượng hạt hướng dương tại Nga được USDA dự báo sẽ đạt mức 10 triệu tấn, vượt mức sản lượng cao 9,6 triệu tấn trong niên vụ 2011/12. Nguyên nhân, diện tích gieo trồng hạt hướng dương tại Nga tăng lên và điều kiện thời tiết mùa hè thuận lợi đã giúp gia tăng năng suất cây trồng lên mức kỷ lục. Sản lượng dầu hướng dương của Nga trong niên vụ 2013/14 được dự báo sẽ đạt 8,75 triệu tấn. Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh Châu Âu, và Ai Cập là những thị trường nhập khẩu dầu hướng dương chính của Nga.
Ngược lại, sản lượng hạt hướng dương trong niên vụ 2013/14 tại Argentina có thể giảm nhẹ xuống còn 3,04 triệu tấn từ mức 3,1 triệu tấn trong năm ngoái – theo USDA. Lượng mưa dưới mức bình quân tại khu vực phía Nam Argentina đã khiến diện tích gieo trồng hạt hướng dương giảm xuống. USDA đã hạ dự báo diện tích gieo trồng hạt hướng dương của Agrentina xuống còn 1,65 triệu ha, so với mức 1,85 triệu ha được dự báo trước đó. Diện tích gieo trồng giảm có thể ngăn cản việc sản lượng dầu hướng dương của Agrentina trong niên vụ 2013/14 tăng lên. Lượng dầu hướng dương của Agrentina hiện ổn định ở mức khoảng 3 triệu tấn. Sự sụt giảm lượng dầu hướng dương xuất khẩu của Agrentian (giảm 120.00 tấn xuống còn 720.000 tấn) sẽ được bù đắp một phần từ sự gia tăng của Nga.