Vừa qua, thương hiệu thời trang của Nhật Bản - Uniqlo chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh – Việt Nam. Hàng dài người chờ đợi trước cổng Trung tâm thương mại đã cho thấy sự mong chờ của người dân Việt Nam trước một trong những tên tuổi thời trang nổi tiếng nhất tại Châu Á và trên Thế giới. Thế nhưng, dù tạo được chỉ số truyền thông cao và mức độ quan tâm lớn tại nhiều quốc gia Châu Á nhưng Uniqlo lại đang thất thế tại Mỹ và không đạt được những gì mong đợi.
Tạo thành “cú hit” trong làng thời trang Châu Á
Thương hiệu thời trang đến từ đất nước mặt trời mọc được đánh giá là có chiến lược “xâm chiếm” Châu Á cực kỳ tốt và nhanh chóng. Khi bản thân hãng là một thương hiệu đến từ chính châu lục này, Uniqlo hoàn toàn có thể hiểu được những sở thích, thói quen cũng như văn hóa của các quốc gia láng giềng. Hiện hãng đang có mặt tại 25 quốc gia trên thế giới, trong đó đã có mặt tại 15 quốc gia châu Á cùng 1.920 cửa hàng trên toàn hệ thống.
Chiến lược của hãng ban đầu là thực hiện tốt ở thị trường nội địa vì Nhật Bản là quốc gia rất tiềm năng, với sức mua lớn đến từ người dân. Hãng đã xây dựng mạng lưới rộng khắp quốc gia và có mặt ở hầu hết lãnh thổ Nhật Bản, điều này khiến Uniqlo chiếm khoảng 6,5% tổng thị trường may mặc tại quê nhà, cùng với đó là sở hữu 800 cửa hàng trải rộng trên toàn quốc. Thương hiệu thời trang này cũng phát triển ở các thị trường như Trung Quốc, HongKong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Trung Quốc là thị trường “tỷ dân” mà thương hiệu nào cũng mong muốn, khi sức mua của khách hàng tại đây là một con số vô cùng lớn. Uniqlo đã thành công tại đất nước láng giềng này. Hãng đã thu về cho mình thị phần cao với phân khúc “thời trang nhanh” khi đối mặt với hàng loạt những thương hiệu cả nội địa lẫn ngoại nhập. Sự thành công của hãng được cho là bắt trúng nguyện vọng của khách hàng tại châu Á, cũng như việc “bản địa hóa” thương hiệu của mình, mỗi một nơi hãng có một chiến lược Marketing khác nhau để thu hút sự chú ý từ khách hàng.
Thế nhưng, có một sự thật rằng, dù tạo thành “cú hit” trong làng thời trang châu Á và một số thị trường phương Tây nhưng với Hoa Kỳ, hãng vẫn đang “vật lộn” để thâm nhập cũng như tạo ra một dấu ấn nhất định với khách hàng nơi đây.
Những lý do khiến Uniqlo chưa thể chinh phục được khách hàng tại Hoa Kỳ
Đi theo con đường mà Gap đã thất bại
Một trong những thương hiệu nổi tiếng của làng thời trang Thế giới cách đây 3 thập kỷ là thương hiệu Gap. Hãng đã có một thời kỳ vàng son khi tạo ra một xu hướng thời trang phong cách “Cool” rất đơn giản, và đã tạo ra một thế hệ gắn liền với thương hiệu đình đám này.
Tuy nhiên thời thế đã thay đổi, hãng đã quá lạm dụng vào sự thành công đó và chính bởi sự “lì lợm” của mình khi mở rộng tới từng thị trấn tại Mỹ, hãng đã mất dần sự hấp dẫn với người tiêu dùng.
Vấn đề của thương hiệu là không chịu thay đổi và lười cập nhất xu hướng, chính điều này vô tình khiến GAP mất đi danh tiếng. Theo tờ Atlantic dẫn lời, “Gap trở thành “đồng phục” của các ông bố bà mẹ sống ở vùng ngoại ô nước Mỹ”, ý chỉ sự già nua và cũ kỹ.
Uniqlo là thương hiệu đến từ Nhật Bản, nhưng khi xâm nhập vào Mỹ hãng được đánh giá có chiến lược cũng như nước đi khá giống Gap trước kia. Mặc dù cửa hàng của hãng luôn đông nghịt người ở những Store trên toàn nước Mỹ từ NewYork đến San Francisco. Thế nhưng, nếu xét về danh tiếng thì thương hiệu đến từ Nhật Bản này còn thua xa so với đối thủ của mình là Zara và H&M.
Nếu như Zara có chiến lược “sao chép thiết kế” từ những thương hiệu thời trang cao cấp ngay từ khi chúng ra mắt, H&M chạy theo xu hướng thị trường khi luôn cập nhật những mẫu mã mới nhất, cửa hàng lúc nào cũng cảm giác mới mẻ.
Ngược lại với 2 thương hiệu trên, Uniqlo không chạy theo bất kỳ xu hướng nào cả, hãng đi theo phong cách thời trang tối giản với những món đồ mà bất kỳ ai trong tủ cũng có ít nhất một món như: Quần đen, Giày Oxford, tất Cotton, bạn hoàn toàn có thể tìm lại được món đồ đó bất kỳ lúc nào từ năm này sang năm khác.
Đây dường như là một bất lợi với hãng, Uniqlo đang đi theo những gì mà Gap trước kia đã từng thất bại khi không chịu đổi mới, với khách hàng Mỹ họ luôn muốn những xu hướng thời trang được cập nhật nhanh nhất, đặc biệt là với ngành thời trang nhanh vô cùng khắc nghiệt này.
Chưa thực sự am hiểu về sản phẩm
Tại sao lại nói Uniqlo chưa thực sự am hiểu về sản phẩm tại thị trường Mỹ? Lý giải cho điều này, hãng được xem là thương hiệu có xuất thân từ châu Á và vì kích cỡ của người Á Đông nhỏ hơn khách hàng đến từ các quốc gia Phương Tây, dẫn đến nhiều sản phẩm của hãng không thực sự phù hợp với kích thước của thị trường Hoa Kỳ.
Ba cửa hàng của Uniqlo mở đầu tiên tại Hoa Kỳ đều nằm tại các siêu thị thuộc bang New Jersey. Thế nhưng, một điều gây nhiều bất ngờ cho mọi người là hãng phải đóng cửa các cửa hàng này trong vòng một năm sau khi khai trương, lý do được cho là những sản phẩm của hãng đều có kích thước không phù hợp với người dân nơi đây. Điểm yếu của Uniqlo khi thâm nhập vào thị trường này chính là yếu tố sản phẩm, hãng không thực sự nắm bắt tốt thị trường trước khi đặt chân đến và hậu quả thì như đã nói ở trên, một kết cục khá buồn khi mới “chân ướt chân ráo” những ngày đầu.
“So với H&M hay Zara, Uniqlo đã gặp khó khăn ở thị trường Mỹ”, Won-Yong Oh, giáo sư tại Đại học Nevada cho biết. “Nhiều người Mỹ chưa bao giờ biết về Uniqlo hoặc không biết cách phát âm nó”. Cách đọc hay cách viết của Uniqlo cũng gây khá nhiều khó khăn với người tiêu dùng tại đây, tên thương hiệu chính là yếu tố ghi nhớ vào đầu khách hàng và việc có một cái tên quá khó và gây nhiều hoang mang cho người dùng cũng là một “điểm chết” với thương hiệu Nhật Bản này tại Hoa Kỳ.
Mặc dù theo nhiều chuyên gia, Uniqlo chưa thực sự có danh tiếng và thành công như 2 đối thủ là Zara và H&M. Nhưng với sức mạnh quốc tế, có lẽ công ty mẹ là Fast Retailing sẽ không vội vã với Uniqlo mà sẽ đưa hãng từ từ đến với nhiều thị trường khác nữa.
Sự thành công của thương hiệu Nhật Bản này được ghi nhận với nhiều chuyên gia khi nó có sức ảnh hưởng vô cùng lớn ở các quốc gia châu Á. Các cửa hàng Uniqlo tại Mỹ dù chưa thu về doanh thu khủng và lãi ròng chưa có, thế nhưng doanh thu bên ngoài thị trường nội địa vẫn tăng 62% và doanh thu có mức tăng trưởng hơn 25%. Hãy cùng chờ xem, hãng sẽ có những chiến lược gì trong thời gian tới?