Tháng 5 năm 2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, trong đó nêu rõ Nhà nước sẽ không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong tháng 9 tới, Bộ LĐ-TB-XH sẽ đưa Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lên website để lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp và người lao động về những nội dung dự kiến sẽ sửa đổi lần này.
Trong Dự luật sửa đổi có nội dung quan trọng liên quan đến chính sách tiền lương của khu vực doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 27: “Trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phân phối tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”.
Điều này sẽ được Dự luật sửa đổi cụ thể hóa với 5 điểm sau:
1. Thang lương, bảng lương trong doanh nghiệp do doanh nghiệp tự quyết
2. Khoảng cách các bậc lương do doanh nghiệp tự quyết
3. Khoảng cách thời gian giữa 2 đợt tăng lương do doanh nghiệp tự quyết
4. Các điểm (1), (2), (3) nói trên được thực hiện “trên cơ sở thương lượng với tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp đó”.
5. Doanh nghiệp trả cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu do Thủ tướng Chính phủ công bố.
Nói tóm lại, Nhà nước chỉ quy định lương tối thiểu, mọi chuyện còn lại do doanh nghiệp thỏa thuận với đại diện người lao động và quyết định. Với cải cách này, Nhà nước đã giao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp trong phân phối thu nhập đến người lao động theo nguyên tắc “tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh” của mỗi vị trí việc làm.
Tuy nhiên hiện nay vẫn có ý kiến lo ngại rằng, nếu Nhà nước “buông” chính sách tiền lương có thể giới chủ sẽ lợi dụng ép người lao động nhận mức thu nhập thấp hơn công sức lao động bỏ ra. Sự thực thì chủ doanh nghiệp không dễ “lợi dụng” quyền tự quyết về thang lương, bảng lương, bởi hai lẽ. Thứ nhất, người lao động chính là tài sản của doanh nghiệp. Nếu mức lương không tương xứng, sẽ không trở thành động lực kích thích người lao động tăng năng suất, làm việc và cống hiến hết mình. Thứ hai, trên thị trường lao động hiện nay đã có sự cạnh tranh nhất định, chủ lao động khi trả lương cho người lao động cũng phải “ngó sang” các doanh nghiệp cùng ngành nghề, nếu thấp hơn so với mặt bằng, hoặc thấp hơn doanh nghiệp đối thủ sẽ bị “chảy máu” sức lao động.
Thực tế hiện nay, phần lớn chủ doanh nghiệp đều chú trọng đến việc chăm lo đời sống cho người lao động. Chỉ cần nhìn vào các con số sau đây ta sẽ thấy người lao động có sự gắn bó nhất định với doanh nghiệp: Sau Tết Mậu Tuất 2018, theo khảo sát của các cấp công đoàn Hà Nội, đến ngày 22/2 (tức ngày 7 tháng Giêng) tỷ lệ công nhân trở lại làm việc sau Tết đạt từ 85-98% tùy theo lĩnh vực, ngành nghề; theo Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TP. Hồ Chí Minh, đến 26/2 (tức ngày 11 tháng Giêng) số lao động sẽ trở lại làm việc ổn định trên 95%.