Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020 đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, hưởng ưu đãi theo Hiệp định.
Bộ Công Thương cho biết, từ ngày 01 tháng 8 năm đến ngày 20 tháng 11 năm 2020, các cơ quan, tổ chức ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp tới 49.495 bộ C/O với kim ngạch gần 1,9 tỷ USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng được cấp C/O ưu đãi chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử…
Dự báo, trong vòng 5 năm tới, thặng dư thương mại Việt Nam - EU tăng khoảng 10% mỗi năm, thậm chí trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đạt 3-5% trong 3 năm tới.
Với việc kim ngạch xuất khẩu những ngành hàng, sản phẩm thế mạnh của ta gia tăng đột biến do mức giảm thuế nhanh, tạo sức ép cạnh tranh hoặc gây thiệt hại cho các ngành sản xuất của nước nhập khẩu, EU hoàn toàn có khả năng gia tăng điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa từ Việt Nam.
Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, EU sẽ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng có xu hướng cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của các quốc gia thuộc khối. Khi một lô hàng bất kỳ xuất từ Việt Nam bị nghi ngờ đưa vào điều tra dẫn đến kết quả áp thuế trừng phạt thì toàn ngành hàng trong nước sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, cơ quan chức năng đã nghiên cứu lịch sử phòng vệ thương mại của EU trong nhiều năm trước và kịch bản tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của từng ngành hàng vào thị trường EU và dự báo một số nhóm ngành có nguy cơ cao nhất bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ nhất là nông sản. EU là khu vực đứng đầu thế giới về các chính sách trợ cấp, bảo hộ nông nghiệp. Bất kỳ mặt hàng nào khi nhập vào EU nếu gây thiệt hại cho người nông dân sở tại thì sẽ bị đưa vào danh sách ưu tiên áp dụng phòng vệ thương mại. Hiện nay nhóm nông sản xuất khẩu sang EU đạt kim ngạch khoảng 3,3 tỷ USD, chủ yếu là sản phẩm thô, gồm café, hạt tiêu, hạt điều… không cạnh tranh trực tiếp hàng hóa cùng loại. Tuy nhiên định hướng xuất khẩu của chúng ta giảm xuất thô, tăng cường xuất hàng tinh chế. Do vậy sắp tới đây các chế phẩm nông sản như sữa của Vinamilk, THtrue Milk khi xuất sang EU có nguy cơ cao nhất bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ hai là da giày. Đây là mặt hàng đã từng bị áp biện pháp phòng vệ thương mại vào năm 2005. Theo đó, những doanh nghiệp sản xuất giày da quy mô lớn ở nước ta chủ yếu là đầu tư FDI gia công cho các thương hiệu của EU, Hoa Kỳ. Khi bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, mất đi ưu đãi thuế quan, các nhà đầu tư sản xuất giày da có thể di dời nhà máy ra khỏi Việt Nam để lẩn tránh phòng vệ thương mại. Khi đó hậu quả để lại là gánh nặng an sinh xã hội, hàng trăm nghìn người mất việc làm.
Thứ ba là dệt may. Hiện tại EU đang điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp mặt hàng sợi của nhiều quốc gia. Việt Nam hiện vẫn đang nhập khẩu sợi phục vụ sản xuất nhưng dự báo với lợi thế ưu đãi từ EVFTA, Việt Nam có thể sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư FDI sản xuất mặt hàng sợi để xuất sang EU, lúc đó sợi sẽ là mặt hàng có nguy cơ cao bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ tư là thép. Tỷ trọng của nhóm hàng này xuất sang EU không nhiều nhưng có nguy cơ cao vì EU đã áp dụng với các thị trường khác. Thép là mặt hàng được EU ưu tiên bảo hộ chỉ sau nông nghiệp và thực tế EU đã áp dụng tự vệ toàn cầu hạn ngạch thuế quan 25%. Khi biện pháp tự vệ hết hiệu lực, EU có thể sẽ áp dụng phòng vệ trực diện với từng quốc gia bao gồm cả Việt Nam để ngăn chặn hành vi lợi dụng lẩn trốn phòng vệ thương mại từ một số quốc gia khác.
Thứ năm là các ngành hàng đồ gỗ, xe đạp và phụ tùng. Vừa qua Bộ Công Thương đã nhận được nhiều đề nghị từ phái đoàn thương mại EU tại Việt Nam. Phía bạn yêu cầu Việt Nam chủ động kiểm tra làm rõ nguồn gốc xuất xứ của một số lô hàng, đồng thời cảnh báo tốc độ tăng trưởng quá nhanh của các nhóm mặt hàng trên vào EU đang gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong khối.
Năm 2019 kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ của nước ta hơn 6 tỷ USD thì EU là thị trường lớn thứ 3. Có những quốc gia thuộc EU mà nguồn thu GDP chủ yếu từ sản xuất đồ gỗ. Do vậy, trong trường hợp thiệt hại do hàng nhập khẩu, quốc gia đó sẽ kiến nghị EU và liên minh này sẵn sàng đưa ra biện pháp phòng vệ cho cả 25 quốc gia trực thuộc.
Mặc dù từ năm 2010 đến nay EU mới chỉ áp dụng 01 biện pháp phòng vệ thương mại có liên quan đến hàng hóa từ Việt Nam, đó là biện pháp tự vệ toàn cầu với 26 nhóm sản phẩm thép nhưng sự gia tăng nhanh chóng của kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang EU nhờ EVFTA có thể khiến EU xem xét sử dụng đến công cụ phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong khối.
Trong bối cảnh đó, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, để bảo vệ lợi ích chính đáng của bản thân, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần tăng cường hơn nữa kiến thức về công cụ phòng vệ thương mại; đồng thời theo sát diễn biến chính sách, quy định tại các nước EU để kịp thời nhận diện nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại.
Mặt khác, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng, ngay từ công tác thông tin thường xuyên cho đến quá trình xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.