Nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Định

ThS. TRẦN THỊ YẾN (Khoa Kinh tế và Kế toán - Trường Đại học Quy Nhơn)

TÓM TẮT:

Tại Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu các nghiên cứu chỉ ra các nhân tố tác động đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp theo phương pháp định lượng. Bài nghiên cứu đã đưa ra các nhân tố và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tác động đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định. Từ đó, đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Từ khóa: Kế toán quản trị, doanh nghiệp, tỉnh Bình Định.

1. Đặt vấn đề

Kế toán quản trị (KTQT) được xem là quá trình cung cấp cho các nhà quản lý và người lao động trong một tổ chức với các thông tin có liên quan, cả về tài chính và phi tài chính; đưa ra quyết định, phân bổ nguồn lực và giám sát, đánh giá và khen thưởng việc thực hiện. Atkinson et al. (2012). Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và các công ty trên địa bàn tỉnh Bình Định nói riêng phải đối phó với sự cạnh tranh trong nước và quốc tế gay gắt. Do vậy, để tồn tại và phát triển cùng với sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường thì trước hết các DN phải hiểu thấu đáo các quy luật kinh tế, phải biết sử dụng tốt nhất các nguồn lực sẵn có của mình, phải biết nắm bắt những cơ hội… DN phải có thông tin hữu ích liên quan đến thông tin bên trong và bên ngoài DN. Việc vận dụng KTQT vào công tác quản lý DN trên địa bàn tỉnh Bình Định chịu sự tác động của nhiều nhân tố. Do vậy, việc nghiên cứu nhận diện và lượng hóa mức độ tác động của từng nhân tố đến việc vận dụng KTQT trên địa bàn tỉnh Bình Định là chủ đề quan trọng và cấp thiết.

2. Cơ sơ lý thuyết, mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Nghiên cứu của nhóm tác giả phần lớn dựa trên lý thuyết bất định và lý thuyết quan hệ lợi ích - chi phí. Lý thuyết này nghiên cứu KTQT doanh nghiệp trong mối quan hệ tương tác với môi trường hoạt động của DN. Điều này cho thấy không thể xây dựng một mô hình KTQT khuôn mẫu áp dụng cho tất cả các DN mà việc vận dụng KTQT vào DN phải tùy thuộc vào đặc thù từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời phải phù hợp với cơ cấu tổ chức, quy mô DN, trình độ công nghệ sản xuất và chiến lược tổ chức trong từng giai đoạn. Lý thuyết quan hệ lợi ích - chi phí chỉ ra rằng lợi ích có được từ việc các thông tin kế toán được cung cấp phải được xem xét trong mối quan hệ với chi phí dùng để tạo ra và cung cấp thông tin đó. Lý thuyết này tác động đến việc vận dụng KTQT thông qua hai nhân tố: mức chi phí đầu tư cho việc tổ chức KTQT và lợi ích do thông tin KTQT mang lại.

Trên thế giới có rất nhiều các nghiên cứu chuyên sâu về KTQT và việc vận dụng KTQT trong các DN. Khi bàn về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vận dụng KTQT trong DN thì có nhiều tác giả trên thế giới và Việt Nam đề cập đến các nhóm nhân tố sau:

Thứ nhất, nhân tố quy mô DN là một nhân tố quan trọng được cho là có sự tác động đến cả cấu trúc lẫn các sự sắp xếp về mặt kiểm soát trong DN. Theo nghiên cứu của Haldma và Laats (2002) cũng chỉ ra rằng khi quy mô DN tăng lên thì DN có xu hướng gia tăng, mở rộng việc vận dụng các công cụ kỹ thuật KTQT. Quy mô DN thì thể hiện ở nhiều mặt như: doanh thu, số lượng nhân viên và các phòng ban, chi nhánh... Do đó, nhân tố quy mô DN có sự liên kết chặt chẽ với việc vận dụng KTQT (Khaled Abed Hutaibat, 2005).

Thứ hai, nhân tố trình độ nhân viên kế toán DN là một nhân tố quan trọng tác động đến việc vận dụng KTQT. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai và vận dụng KTQT, nên nếu trình độ chuyên môn về KTQT không đáp ứng yêu cầu sẽ khiến cho việc vận dụng KTQT trong DN sẽ không thực hiện được, hoặc thực hiện không hiệu quả. Trình độ nhân viên kế toán càng cao dẫn đến khả năng vận dụng KTQT trong DN càng thành công (Kamilar Ahmad, 2012).

Thứ ba, nhân tố mức độ cạnh tranh của thị trường đây là nhân tố có thể lý giải và đo lường qua mức độ của các hành động cạnh tranh như sau: Cạnh tranh về giá, cạnh tranh trong việc phát triển sản phẩm mới, cạnh tranh về các kênh phân phối/marketing, cạnh tranh về thị phần/doanh thu, số lượng các đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc thị trường và các hành động cạnh tranh của các đối thủ (Tuan Zainun Tuan Mat, 2010, Khaled Abed Hutaibat, 2005).

Thứ tư, nhân tố nhận thức về KTQT của người chủ/ người điều hành DN, trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam, là nền kinh tế mới chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, nên hầu hết các DN chưa làm quen với KTQT mà chỉ tập trung vào KTTC theo các yêu cầu, mệnh lệnh của cơ quan quản lý hơn là nhu cầu quản trị thực tế của DN. Do đó, việc vận dụng KTQT khó thành công hoặc thậm chí không thể vận dụng nếu người chủ/người điều hành DN không hiểu biết về lợi ích do việc vận dụng các công cụ kỹ thuật KTQT mang lại (Trần Ngọc Hùng, 2016).

Dựa vào các lý thyết nền tảng, các đề tài nghiên cứu về KTQT của các tác giả nước ngoài và Việt Nam, kết quả thảo luận và phỏng vấn thì tác giả đề xuất phương trình hồi quy dự kiến phản ánh mối tương quan giữa “Khả năng vận dụng KTQT và các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT trong các doanh nghệp trên địa bàn tỉnh Bình Định” theo phương trình hồi quy như sau:

POSSi= α + β1SIZEi + β2 QUALi + β3COMPi + β4PERCi + ε

Các biến SIZEi, QUALi, COMPi  và PERCi lần lượt là các biến Quy mô doanh nghiệp, Trình độ nhân viên kế toán trong DN, Mức độ cạnh tranh của thị trường và nhận thức của người chủ/điều hành DN. Và biến POSSi là khả năng vận dụng KTQT trong các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo đó, tác giả đưa ra 4 giả thuyết như sau:

Giả thuyết H1: Các DN có quy mô càng lớn thì khả năng vận dụng KTQT thành công càng cao.

Giả thuyết H2: Các DN có nhân viên kế toán được đào tạo có chứng chỉ nghề hoặc bằng cấp kế toán chuyên nghiệp thì khả năng vận dụng KTQT thành công cao hơn.

Giả thuyết H3: Các DN hoạt động trong thị trường có mức độ cạnh tranh càng cao thì khả năng vận dụng KTQT thành công cao hơn.

Giả thuyết H4: Các DN có người chủ/người điều hành DN đánh giá cao tính hữu ích công cụ kỹ thuật KTQT thì vận dụng KTQT thành công cao hơn.

3. Phương pháp nghiên cứu

Đối với phương pháp định tính: Tác giả sẽ khảo sát trực tiếp qua bảng câu hỏi và kết hợp với gửi bảng câu hỏi qua bưu điện, email và các phương tiện truyền thông khác cho đến khi thu thập thông tin cần thiết, các thông tin có tính chất như nhau sẽ ngưng. Đối tượng khảo sát là kế toán trưởng và các giảng viên nghiên cứu, giảng dạy về KTQT trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Đối với phương pháp định lượng: Chọn mẫu sẽ được tiến hành theo phương pháp phi xác suất thuận tiện. Đối tượng khảo sát là giám đốc, kế toán trưởng, kế toán viên, chuyên viên KTQT và những người tham gia KTQT của DN. Phạm vi khảo sát là các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong nghiên cứu, tác giả chọn cỡ mẫu từ 90 DN với mỗi phiếu khảo sát cho một DN.

Sau khi dữ liệu được thu thập, tác giả tiến hành làm sạch dữ liệu và sau đó phân tích dữ liệu theo các mục tiêu và các giả thuyết nghiên cứu đưa ra. Tác giả sử dụng phần mềm SPSS 22.0 phục vụ cho việc phân tích, thống kê, xử lý dữ liệu và chạy hồi quy tuyến tính bội.

4. Kết quả nghiên cứu

Tổng số phiếu phát ra là 90 phiếu, tổng số phiếu thu về là 82 phiếu, khảo sát diễn ra trong vòng 3 tháng, bắt đầu từ tháng 12/2016. Sau khi sàng lọc và loại bỏ các phiếu không đạt yêu cầu, số phiếu đưa vào phân tích là 75 phiếu.

4.1. Kiểm định chất lượng thang đo

Sử dụng kiểm đinh Cronbach Alpha để đánh giá chất lượng của thang đo xây dựng. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả thì các thang đo đều có hệ số Cronbach Alpha lớn hơn 0.6 và hệ số tương quan biến tổng của thang đo đều lớn hơn 0.3. Do đó, các thang đo đều đạt yêu cầu và các biến quan sát được tiếp tục sử dụng phân tích nhân tố khám phá (EFA).

4.2. Phân tích nhân tố khám phá

Kết quả nghiên cứu cho thấy, KMO thu được bằng 0,762 (thỏa mãn tiêu chí 0,5< KMO < 1), nên kết luận là phân tích yếu tố là thích hợp với dữ liệu thực tế, ngoài ra các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện do Sig.=0,000 =< 0,05 (Nguyễn Đình Thọ, 2011).

Theo kết quả nghiên cứu thì phương sai cộng dồn các yếu tố là 76,981% thỏa mãn tiêu chuẩn phương sai trích phải >50%. Điều này có nghĩa là 76,981% thay đổi của các nhân tố được giải thích bởi các biến quan sát. Tiếp tục với kết quả của phân tích nhân tố khám phá, cho thấy 4 nhân tố có giá trị Eigen lớn hơn 1. Kết quả nghiên cứu cho biết các biến đặc trưng đều có hệ số tải nhân tố lớn hơn 0,75. Như vậy, qua kiểm định chất lượng thang đo và các kiểm định của mô hình EFA, nhận diện có 4 thang đo đại diện cho sự ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT trong DN và 1 thang đo đại diện cho khả năng vận dụng KTQT trong các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định với 13 biến đặc trưng.

4.3. Phân tích hồi quy đa biến

Kiểm định hệ số hồi quy. Kết quả nghiên cứu ta thấy, 3 biến có Sig. =< 0,02. Như vậy, F1, F2, F3 tương quan có ý nghĩa với POSS với độ tin cậy là 98%. Còn lại một biến F4 có Sig. = 0,229 > 0,05 nên không có ý nghĩa tương quan với POSS nên ta loại biến này.

Kiểm định mức độ phù hợp của mô hình. Theo kết quả nghiên cứu thì kết quả R2 hiệu chỉnh là 0,514, có nghĩa là 51,4% sự thay đổi về khả năng vận dụng KTQT trong các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định được giải thích bằng 3 biến độc lập trong mô hình nghiên cứu. Ngoài ra, các biến độc lập này có Sig.= 0,000 (<0,05) nên các biến độc lập tương quan với biến phụ thuộc, hay có thể kết luận rằng mô hình đưa ra phù hợp với dữ liệu thực tế.

Kiểm định phương sai phần dư không đổi. Theo kết quả nghiên cứu thì các biến F1, F2 và F3 có Sig. lần lượt là 0,400, 0,396 và 0,120 (> 0,05), như vậy kiểm định này cho biết phương sai phần dư của 3 biến này không thay đổi và có ý nghĩa về mặt nghiên cứu. Qua các kiểm định của mô hình hồi quy, các biến có ý nghĩa thống kê bao gồm F1, F2 và F3. Về hiện tượng đa cộng tuyến, do đã tiến hành phân tích nhân tố khám phá, các biến độc lập của mô hình phân tích hồi quy sẽ không có hiện tượng đa cộng tuyến.

5. Thảo thuận và đề xuất

Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng vận dụng KTQT trong các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định chịu ảnh hưởng của 3 nhân tố, cụ thể:

Biến F1 có hệ số 0,030, quan hệ cùng chiều với biến POSS. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng khi người chủ/người điều hành DN đánh giá cao về tính hữu ích các công cụ kỹ thuật KTQT, có hiểu biết về các công cụ kỹ thuật KTQT, có nhu cầu càng cao về việc vận dụng KTQT hay chấp nhận mức chi phí càng cao trong việc đầu tư vận dụng KTQT sẽ làm gia tăng mức độ khả thi của việc vận dụng KTQT. Kết quả này cũng phù hợp với Trần Ngọc Hùng (2016). Các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định thì phần lớn các DN nhỏ và vừa nên nhận thức của người chủ/người điều hành DN là rất quan trọng, điều này dẫn đến việc chấp nhận đầu tư chi phí để vận dụng KTQT vào DN, làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp cũng như các công cụ kỹ thuật quản lý mà DN sẽ lựa chọn.

Biến F2 có hệ số 0,031, quan hệ cùng chiều với biến POSS. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng nhân tố trình độ của nhân viên kế toán DN tương thích với mức độ khả thi của việc vận dụng KTQT theo hướng nhân viên kế toán có trình độ từ trung cấp, cao đẳng nghề, cử nhân kế toán trở lên và có các chứng chỉ về kế toán chuyên nghiệp trong nước (kế toán trưởng, giám đốc tài chính…) sẽ làm gia tăng mức độ khả thi cho việc vận dụng KTQT. Kết quả này khác với kết quả của Trần Ngọc Hùng (2016). Nhưng kết quả này đồng nhất với nghiên cứu của Kamilah Ahmad, 2012; Ismail and King, 2007.

Biến F3 có hệ số 0,727, quan hệ cùng chiều với biến POSS. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng quy mô DN tương thích với mức độ khả thi của việc vận dụng KTQT theo hướng là quy mô DN càng lớn thể hiện qua doanh thu, số lượng nhân viên và số lượng các phòng ban, chi nhánh tăng lên. Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với Trần Ngọc Hùng (2016). Đa số các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định chủ yếu là nhỏ và vừa nên việc áp dụng KTQT vào còn yếu kém và ít. Như vậy, một DN với quy mô vừa và lớn thì có nhu cầu cao về vận dụng KTQT nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động, tiềm lực kinh tế tốt hơn và đứng vững trên thị trường hơn. DN có quy mô lớn sẽ lựa chọn vận dụng KTQT ở mức độ phức tạp hơn so với DN có quy mô nhỏ. Đồng thời, kết quả này đồng nhất với nghiên cứu của Abdel-Kader và Luther, R. (2008).

6. Kết luận và kiến nghị

Qua việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT trong các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định, tác giả đã đưa ra một số kiến nghị cho việc áp dụng KTQT vào điều hành DN, góp phần quan trọng trong vấn đề hỗ trợ thông tin cho nhà quản lý. Một là, thông qua các chương trình kết nối doanh nghiêp, câu lạc bộ khởi nghiệp kết nối với các doanh nghiệp, chủ động kết nối với các chủ/ người điều hành DN tập huấn về KTQT để nâng cao vốn hiểu biết của họ, các DN vận dụng KTQT đi đến thành công sẽ có sự tương tác với các doanh ngiệp khác, là đòn bẩy kích thích các DN vận dụng KTQT vào DN mình. Vì vậy, người chủ DN cần sớm trang bị kiến thức về KTQT cho bản thân mình. Điều đó, giúp họ nhận biết được tầm quan trọng của KTQT trong việc hoạch định chính sách, lập dự toán ngân sách, hỗ trợ ra quyết định nhằm tăng khả năng quản trị cho DN để từ đó tăng lợi nhuận, tăng tích lũy tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng quy mô của DN… Hai là, mở ra các khóa học ngắn hạn về KTQT để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nâng cao và trang bị kiến thức từng bước ứng dụng vào trong hoạt động của bộ phận. Ba là, các trường đại học, cao đẳng đưa KTQT vào trong chương trình giảng dạy như một môn chuyên ngành và dành nhiều thời gian hơn cho môn học này; DN cần phải gắn kết với các nơi đào tạo và nghiên cứu kế toán để thường xuyên cập nhật kiến thức và quy định về kế toán mới nhất, hiện đại nhất.

Bên cạnh đó cũng rất cần sự hướng dẫn, hỗ trợ từ phía Nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp. Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 53/2006/TT-BTC về việc hướng dẫn áp dụng KTQT trong DN nhưng điều này vẫn chưa phát huy được khả năng tự vận dụng KTQT của các DN. Do vậy, Nhà nước cần tăng cường và nâng cao vai trò của các chuyên gia đối với công tác kế toán nói chung và công tác KTQT nói riêng. Thành lập các tổ hay đội tư vấn, hỗ trợ để có thể tư vấn ngay qua điện thoại, qua email hay qua các hình thức truyền thông khác. Hiện nay, chương trình đào tạo mang tính lý thuyết cao thiếu việc gắn liền với thực tiễn. Do đó, phải đổi mới nội dung hướng dẫn chuyên ngành kế toán theo hướng cập nhật kiến thức hiện đại và nâng cao tính thực hành. Đồng thời, các tổ chức đào tạo có thể lập các mô hình phòng kế toán ảo, để người học có thể thực hành áp dụng các kiến thức đã học nhằm tăng tính gắn với thực tế và tạo ra một mô hình đào tạo gắn kết giữa nhà trường với DN, lý thuyết với thực hành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

I. Tiếng Việt

1. Bộ Tài chính (2006). Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/06/2006 về việc Hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp.

2. Nguyễn Đình Thọ (2011). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh -Thiết kế và thực hiện. NXB Lao động - Xã hội.

3. Trần Ngọc Hùng (2016). Các nhân tố tác động đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ. Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

II. Tiếng Anh

1. Abdel-Kader M. and Luther. R, 2008. The impact of firm characteristics on management accounting practices: A UK-based empirical analysis. The British Accounting Review, 40: 2-27.

2. Anthony A.Atkinson, Robert S.Kaplan, Ella Mae Matsumura, S.Mark Young, 2012. Management Accounting - New, Sixth Edition,Pearson International, Inc.

3. Ahmad K, 2012. The use of management accounting practices in Malaysia SMEs. PhD thesis. University of Exeter.

4. Hutaibat, A.K., 2005. Management Accounting Practices in Jordan - A Contingency Approach. Ph.D thesis. University of Bristol, United Kingdom.

5. Kosaiyakanont A., 2011. SME Entrepreneurs in Northern Thailand: Their Perception of and Need for Management Accounting. Journal of Business and Policy Research, 6: 143-155.

6. Tuan Zainun Tuan Mat, 2010. Management accounting and organizational change: impact of alignment of management accounting system, structure and strategy on performance. PhD thesis. Edith Cowan University, Perth Western Australia.

FACTORS AFFECTING THE APPLICATION OF MANAGEMENT ACCOUNTING IN ENTERPRISES IN BINH DINH PROVINCE

MA. TRAN THI YEN

Faculty of Economics - Accounting, Quy Nhon University

ABSTRACT:

Currently, there is a lack of research in Vietnam indicating the factors affecting the application of management accounting in enterprises by quantitative method. The paper presents the factors and the influence of factors affecting the application of management accounting in enterprises in Binh Dinh province. From there, there are some solutions to improve management efficiency for enterprises in Binh Dinh province.

Keywords: Management accounting, enterprise, Binh Dinh province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây