Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Chuyển đổi số ngành Du lịch đã được đưa vào Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và phê duyệt theo Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Một vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp du lịch chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch, sẽ lấy nguồn vốn ở đâu để thực hiện hoạt động này. Bài viết dưới đây tập trung phân tích nhằm đưa ra các giải pháp về nguồn tài trợ giúp doanh nghiệp du lịch thực hiện hiệu quả hoạt động chuyển đổi số, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Du lịch nói chung và mỗi doanh nghiệp du lịch nói riêng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.

Từ khóa: chuyển đổi số, doanh nghiệp du lịch, nguồn vốn.

1. Đặt vấn đề

Giai đoạn phát triển hiện nay thường được gọi là kỷ nguyên số, đây là giai đoạn đạt được những thành tựu to lớn mang tính chất đột phá nhờ cuộc cách mạng 4.0 đang lan tỏa và tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Chuyển đổi số mang lại cơ hội bứt phá cho mọi ngành, mọi lĩnh vực trong nền kinh tế, trong đó có ngành Du lịch. Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, do đặc trưng là ngành có tính hội nhập cao, đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo không ngừng. Ngành Du lịch cần có định hướng phát triển, tạo nên không gian mới, hạ tầng mới và tài nguyên mới với nhiều phương thức hoạt động hiệu quả để có thể đạt được kết quả mang tính bền vững.

Một công cụ quan trọng giúp ngành Du lịch đạt được mục tiêu, đó chính là chuyển đổi số. Khi thực hiện chuyển đổi số, ngành Du lịch sẽ tạo ra hệ thống dữ liệu, hạ tầng số và không gian số giúp làm tăng hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách. Bởi vậy, trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh”. Bài viết sử dụng cách tiếp cận định tính dựa trên phương pháp thu thập các nguồn dữ liệu thứ cấp để tập trung phân tích sự cấp bách phải tìm nguồn vốn tài trợ cho chuyển đổi số của doanh nghiệp du lịch. Đồng thời đề xuất một số giải pháp về tìm nguồn vốn cho hoạt động này của doanh nghiệp du lịch, nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số của ngành kinh tế mũi nhọn này.

2. Cơ sở lý luận về chuyển đổi số, nguồn vốn cho chuyển đổi số trong doanh nghiệp du lịch

Khi hoạt động chuyển đổi số trở thành nhiệm vụ quan trọng của mọi ngành, mọi lĩnh vực, các chủ thể cũng luôn tìm kiếm các nhận thức về chuyển đổi số, từ đó mới xác định được hướng đi cho mình trong cuộc cách mạng này. Ý kiến tác giả H. Kuzu cho rằng, chuyển đổi số là những thay đổi mà công nghệ kỹ thuật số có thể là nguyên nhân hoặc là nhân tố ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống con người. Theo Bloomberg (2018), có thể hiểu chuyển đổi là cách thức mà nhiều lĩnh vực của cuộc sống xã hội được tổ chức lại bằng phương tiện truyền thông và các cơ sở hạ tầng theo công nghệ số. Còn với Microsoft, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra những giá trị mới. Quan đểm của FPT cho rằng, chuyển đổi số trong tổ chức là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang tổ chức số bằng cách ứng dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computing)...

Tóm lại, nếu hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số mô tả việc ứng dụng công nghệ số (digitalize) vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho người sử dụng. Chuyển đổi số có khả năng ứng dụng rất rộng và đa dạng như dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở (Chính phủ số), tài chính số, thương mại điện tử (kinh tế số), ứng dụng trong giáo dục, y tế, văn hóa (xã hội số) và ứng dụng trong các ngành kinh tế như nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông,...

Chuyển đổi số là hoạt động không thể thiếu để các doanh nghiệp tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, chỉ khi các nhà quản trị doanh nghiệp hiểu rõ bản chất của chuyển đổi số mới có thể thực hiện thành công quá trình này.

Chuyển đổi số hoàn toàn khác với các cuộc cải tổ hay chỉnh sửa nội bộ thông thường trong doanh nghiệp. Hoạt động cải tổ hay chỉnh sửa doanh nghiệp thường áp dụng các biện pháp khác nhau về kinh tế, kỹ thuật hay hành chính để sắp xếp lại quá trình hoạt động hay kết cấu tổ chức để đạt được hiệu quả cao hơn và được thực hiện trong một khoảng thời gian nào đó. Còn chuyển đổi số là sự thay đổi về chất các phương thức làm việc, phương thức quản lý bằng những công cụ hiện đại và hữu hiệu để định hình lại cách một doanh nghiệp hành động và thích nghi với môi trường. Các công nghệ 4.0 sẽ dẫn dắt hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển theo hướng thay đổi tích cực trong suốt quá trình hoạt động và là sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Chuyển đổi số tạo nên một không gian làm việc rộng mở, đòi hỏi cách tiếp cận hiện đại, đồng thời tạo môi trường để mọi chủ thể, mọi doanh nghiệp phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong quá trình phát triển.

Chuyển đổi số trong ngành Du lịch là sự chuyển dịch từ hình thức kinh doanh truyền thống sang hình thức kinh doanh hiện đại hơn để tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, tăng cường hiệu quả quản lý doanh nghiệp, sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ mới. Việc ứng dụng công nghệ mới mang lại lợi ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp. Một số các giải pháp công nghệ đang được ứng dụng như: trí tuệ nhân tạo (AI) và Chatbots, điểm đánh giá của khách hàng (Rating và Review), thực tế ảo (Virtual Reality)... Khi đó, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận các khách hàng tiềm năng, thử sức với các sản phẩm dịch vụ mới, đồng thời giải quyết tốt hơn các vấn đề về nhân lực, chi phí hoạt động, tiết kiệm thời gian.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp du lịch thuận lợi khi thích nghi với biến động của thị trường. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019 làm cho khách không thể đi du lịch, trên cơ sở dữ liệu sẵn có, các doanh nghiệp du lịch vẫn có thể tương tác để nắm bắt nhu cầu và tâm lý của khách để giới thiệu những sản phẩm phù hợp. Không chỉ doanh nghiệp, tại các điểm đến cũng tích cực áp dụng công nghệ của chuyển đổi số như thuyết minh tự động, quét mã QR giới thiệu hiện vật... Kết quả là một số địa phương đã hoàn thành hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch, đồng thời tạo điều kiện để du khách có thể phản ánh chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý một cách kịp thời.

Hoạt động du lịch bắt đầu có tín hiệu hồi phục là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong đó, ứng dụng chuyển đổi số trong thanh toán đang dần trở thành tiêu chuẩn mới trong ngành Du lịch vì tính thuận tiện, bảo mật, tốc độ; hình thức thanh toán này không chỉ thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp mà còn giúp cho khách hàng có nhiều trải nghiệm tốt hơn, hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, ứng dụng chuyển đổi số vào ngành Du lịch đã mang đến nhiều đột phá: hình thành thói quen mới là đặt tour, vé máy bay, khách sạn qua internet và thanh toán trực tuyến thông qua ngân hàng số hoặc các trung gian thanh toán. Không những thế, đối với du khách quốc tế khi đến Việt Nam, việc thanh toán không dùng tiền mặt là điểm cộng vô cùng lớn. Họ không cần phải đổi ngoại tệ, tiết kiệm thời gian và công sức, có nhiều thời gian hơn cho việc tận hưởng cảnh đẹp và thưởng thức các đặc sản. Đó cũng là biện pháp hữu hiệu để gia tăng chi tiêu của du khách khi trải nghiệm đa dạng dịch vụ, từ đó, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch.

Hiện nay, phong trào cá nhân hóa trong du lịch với hình thức du lịch tự túc, tự mình tham quan trải nghiệm ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ví dụ như hình thức “tour ảo” tại nhà về các danh lam thắng cảnh nổi tiếng với chi phí thấp. Cùng với các tour du lịch ảo ứng dụng VR và AR là một cách ứng dụng chuyển đổi số trên các nền tảng truyền thông tích hợp để quảng bá, nhằm giới thiệu đầy đủ, chân thực nhất về các điểm đến, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.

Du lịch là ngành dịch vụ có đặc điểm hầu như không có sản phẩm tồn kho, quá trình sản xuất và tiêu thụ dịch vụ trùng nhau nên đặc trưng về nguồn tài trợ cũng khác so với doanh nghiệp trong các ngành kinh tế khác. Ngành Du lịch có nhiều mảng hoạt động đa dạng, nhu cầu đầu tư cho doanh nghiệp du lịch vì thế cũng khá đa dạng và có nhiều điểm khác biệt nhau. Ví dụ ngành kinh doanh khách sạn thường có nhu cầu vốn đầu tư ban đầu lớn và nằm chủ yếu ở tài sản cố định là khách sạn và máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động của khách sạn, còn tài sản lưu động chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Nguồn vốn đầu tư cho khách sạn thường lớn và có thể huy động từ hai nguồn là vốn của chủ đầu tư (vốn chủ sở hữu) và vốn vay (nợ phải trả). Còn doanh nghiệp lữ hành, vốn đầu tư không nhiều, chủ yếu nằm ở tài sản lưu động là vốn quay vòng để phục vụ cho việc tổ chức các tour du lịch, phần đầu tư cho tài sản cố định ít hơn nhiều, vì vậy nhu cầu nguồn tài trợ cho doanh nghiệp lữ hành cũng thấp hơn và nếu các tour được tổ chức đều đặn sẽ đảm bảo quay vòng vốn nên cũng ít áp lực tài chính hơn. Đốivới các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng thì nhu cầu đầu tư vào tài sản lưu động và tài sản cố định tương đương nhau hoặc có thể nhiều hơn ở tài sản lưu động là các nguyên liệu dành cho quá trình chế biến, phục vụ ăn uống của nhà hàng.

Với đặc điểm về tài sản như vậy, nguồn tài trợ của các doanh nghiệp du lịch khá đa dạng. Doanh nghiệp có thể tính toán quay vòng vốn nhờ doanh thu có được nếu hoạt động ổn định, nhưng do đại dịch Covid-19, sau gần 2 năm giảm hoặc ngừng hoạt động, khi khách du lịch bắt đầu quay lại, các doanh nghiệp gần như bắt đầu lại từ đầu từ việc tuyển dụng nhân sự; đầu tư sửa chữa, cải tạo, mua sắm phương tiện vận chuyển hoặc xây dựng sản phẩm du lịch mới để đón khách... Các hoạt động như đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay, đều cần ứng tiền… Lúc này, sự thiếu hụt nguồn lực tài chính trong quá trình phục hồi kinh doanh du lịch đang làm cho doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn.

Đứng trước yêu cầu vượt lên để hồi phục hoạt động kinh doanh, chuyển đổi số là con đường đúng đắn các doanh nghiệp du lịch có thể lựa chọn. Nhưng vốn quay vòng để kinh doanh còn thiếu, hoạt động chuyển đổi số cũng cần đầu tư cả về vật chất và nhân lực thì nguồn tài trợ ở đâu? Đây là câu hỏi mà lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch đặt ra và đang đi tìm lời giải.

3. Thực trạng nguồn tài chính dành cho chuyển đổi số trong doanh nghiệp du lịch

Xác định được tầm quan trọng cũng như xu thế tất yếu phải chuyển đổi số, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xây dựng hệ thống các sản phẩm ứng dụng các công nghệ của chuyển đổi số trong ngành du lịch. Hoạt động này tạo nền tảng hình thành hệ sinh thái số cho ngành Du lịch, giúp cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tiến hành chuyển đổi số nhanh hơn.

Phong trào chuyển đổi số tác động mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến liên tục tìm kiếm các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số để thích nghi và tồn tại. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã đạt số hóa 100% quy trình hoạt động, toàn bộ hệ thống quản lý và vận hành đều làm việc trên các phần mềm; các ứng dụng AI giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, hệ thống chatbot được nâng cấp giúp doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng, các công nghệ trong thanh toán, nhận diện khách hàng, quản lý tài sản đều được thực hiện một cách thường xuyên làm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy vậy, hoạt động chuyển đổi số trong ngành Du lịch vẫn còn một số hạn chế như chưa được thực hiện một cách đồng bộ và thống nhất. Có sự khác biệt về ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương, nhất là giữa các tỉnh với các thành phố lớn. Đồng thời, chuyển đổi số giữa các vùng và địa phương còn rời rạc, thiếu sự kết nối và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn một cách hiệu quả.

Tương tự như các ngành khác, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch cũng vấp phải vấn đề thiếu hụt nguồn lực, cả nguồn lực con người, nguồn lực công nghệ và nhất là nguồn lực tài chính. Nguồn lực tài chính đầu tư cho chuyển đổi số cần đáp ứng mấy nhu cầu sau:

- Việc áp dụng công nghệ mới khi chuyển đổi số đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Chuyển đổi số không chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật, phương pháp làm việc mà còn cần có sự thay đổi cả phần cứng, đó là cần có các máy móc công nghệ hiện đại. Cơ sở vật chất, hạ tầng mạng, trang thiết bị (máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ Internet… là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số. Tại nhiều doanh nghiệp du lịch hiện nay, những điều kiện này còn thiếu hoặc lạc hậu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu cho chuyển đổi số. Doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo thống kê, các doanh nghiệp này thường có nguồn vốn khoảng 10 tỷ đồng, lực lượng lao động bình quân dưới 50 người. Do nguồn vốn hạn chế nên có tới hơn 90% doanh nghiệp đang sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ đã lỗi thời, hao phí sức lao động rất lớn, năng suất lao động thấp, việc áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10%. Vì vậy, để chuyển đổi số thành công, một điều kiện không thể thiếu là cần có các thiết bị, máy móc phù hợp.

- Một vấn đề nữa phát sinh khi chuyển đổi số là doanh nghiệp du lịch thiếu hụt nhân sự có trình độ về lĩnh vực này để đưa hoạt động trở nên bài bản, có hệ thống, áp dụng có hiệu quả và đạt được sự tương thích với hệ thống chung. Để thực hiện số hóa được cơ sở dữ liệu và các sản phẩm du lịch của doanh nghiệp đòi hỏi sự đầu tư lớn cả về nhân lực và tài chính. Bởi vậy, chìa khóa để mở cánh cửa chuyển đổi số ngành Du lịch chính là nguồn nhân lực chất lượng, đội ngũ chuyên gia có khả năng về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được xu hướng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động du lịch số. Để có nhân lực cần thiết cần có chế độ đãi ngộ phù hợp; thậm chí ngay cả việc đào tạo cho lao động mới và đào tạo lại cho lao động cũ về chuyển đổi số cũng cần có kinh phí, song với nguồn lực tài chính hạn chế như hiện nay khiến các doanh nghiệp du lịch khó chồng khó.

Hậu quả của hơn 2 năm đại dịch Covid - 19, doanh nghiệp du lịch không có hoặc có rất ít doanh thu, thiếu vốn lưu động nhưng vẫn phải cố gắng trả nợ, trả lãi vay cùng nhiều khoản khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ở mức độ thấp nhất mà không phải đóng cửa. Các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn vay bởi do quy mô doanh nghiệp là vừa và nhỏ nên giá trị tài sản đảm bảo của doanh nghiệp thấp, dẫn đến không có trong nhóm đối tượng ưu tiên cho vay của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Trong tình hình hiện tại, bất động sản của doanh nghiệp du lịch có thể thế chấp không có hoặc đang dùng để thế chấp cho các khoản đã vay, nhiều chủ doanh nghiệp đã tính tới việc thế chấp bằng bất động sản của cá nhân nhưng lại không đúng quy định.

Có doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuyển đổi số rất sáng tạo nhưng chưa tìm được hướng triển khai cũng chỉ vì "nút thắt" dòng tiền. Dòng tiền từ hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường ít và không ổn định làm cho hầu hết các doanh nghiệp hầu như không đáp ứng được các điều kiện như tài sản thế chấp hoặc tỷ lệ tăng trưởng doanh thu khi muốn nhận được các khoản tín dụng ưu đãi, tín dụng trung và dài hạn. Ngay cả đối với các doanh nghiệp không gặp trở ngại bởi hai yếu tố trên thì trong bối cảnh hiện nay họ vẫn chưa chắc đã vay được vì các ngân hàng thương mại cũng không cho vay với lý do hết “room” tín dụng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch còn phải ký một khoản quỹ khá lớn theo quy định của Luật Du lịch (250.000.000đ cho lữ hành inbound và 500.000.000đ cho lữ hành outbound). Nguồn vốn để duy trì hoạt động còn thiếu nên các doanh nghiệp du lịch gần như không tìm được nguồn nào để đầu tư cho chuyển đổi số dù rất muốn đẩy nhanh quá trình này.

Khi hội nhập quốc tế, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành Du lịch đã được một số doanh nghiệp du lịch triển khai. Điển hình là những khách sạn, resort cao cấp, các đơn vị lữ hành lớn đã tích cực thực hiện nhằm hiện đại hóa công tác quản lý của họ. Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong ngành Du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai người đó làm và chưa có sự thống nhất, một trong các nguyên nhân do thiếu nguồn vốn cho chuyển đổi số. Vấn đề này cần có các giải pháp kịp thời và hữu hiệu, mới giúp doanh nghiệp du lịch thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số.

4. Giải pháp tìm nguồn vốn cho hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp du lịch

Đối với doanh nghiệp du lịch hiện nay, chuyển đổi số là con đường tất yếu để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch và đảm bảo khả năng cạnh tranh trong quá trình tồn tại và phát triển. Tìm kiếm và kêu gọi nguồn vốn đáp ứng đòi hỏi của chuyển đổi số là công việc đầu tiên phải thực hiện. Chuyển đổi số cũng đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài cho vấn đề nguồn vốn, bởi khi đã thực hiện thì cần duy trì và nâng cấp thường xuyên mới phát huy hết hiệu quả và quá trình này sẽ tác động lên toàn bộ mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp.

- Trước hết, doanh nghiệp cần xây dựng và lựa chọn chiến lược chuyển đổi số, chuẩn bị nguồn vốn phù hợp với tình hình thực tế hoạt động và thực trạng tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi số từng bước, tùy thuộc vào nguồn vốn huy động được cho hoạt động này. Để tạo được nguồn vốn cho chuyển đổi số, doanh nghiệp du lịch cần xây dựng lại hệ thống quản trị tinh gọn, vận hành trên nền tảng công nghệ để tiết kiệm chi phí, đồng thời cấu trúc lại hệ thống bán hàng, phát triển các sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ để mở rộng hoạt động, tăng doanh thu. Cần trích từ doanh thu một tỷ lệ nhất định dành cho chuyển đổi số, không nên chờ bao giờ có nguồn vốn thì thực hiện.

Tuy nhiên, nguồn vốn huy động được thường chỉ đủ để quay vòng, doanh nghiệp du lịch rất cần sự tiếp sức của các ngân hàng thương mại và trên hết là sự hỗ trợ từ Chính phủ, các chính sách chi ngân sách nhà nước có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và ngành Du lịch.

- Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có thể xem xét các biện pháp giúp doanh nghiệp du lịch tiết kiệm chi phí như giảm giá nhiên liệu, điện, nước cho hoạt động kinh doanh du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch, tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp du lịch sẽ có thêm nguồn vốn dành cho hoạt động chuyển đổi số.

- Chính phủ nên nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất cho dành riêng cho doanh nghiệp thuộc ngành Du lịch như doanh nghiệp khách sạn, hàng không, du lịch và dịch vụ du lịch khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại để tăng cường nguồn vốn cho khôi phục hoạt động du lịch và dành cho chuyển đổi số. Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ trước đây áp dụng chung cho doanh nghiệp thuộc nhiều ngành khác nhau. Thực tế giai đoạn đó, rất ít doanh nghiệp du lịch tiếp cận được khoản vay này vì vướng nhiều rào cản. Để có được hiệu quả thiết thực, chính sách mới cần gỡ bỏ các rào cản như thiếu tài sản thế chấp do các tài sản hiện có đều đã thế chấp hết rồi, chưa trả hết nợ cũ nên chưa được vay mới. Đồng thời các khoản vay nên có thời hạn vay dài hơn để doanh nghiệp du lịch đủ thời gian triển khai thực hiện chuyển đổi số và phát huy tác dụng của chuyển đổi số trong quá trình hoạt động.

- Thực hiện hoạt động chuyển đổi số yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư về cơ sở vật chất và nhân lực nên đòi hỏi nguồn vốn khá lớn. Chính phủ cần có chính sách nhằm tăng cường hợp tác giữa các đơn vị trong ngành Du lịch và Công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ, đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch phù hợp với tình hình nguồn vốn eo hẹp của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ.

- Đồng thời, chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ của các doanh nghiệp, ngành Du lịch và các địa phương cũng cần dành nguồn vốn thích hợp để xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất trên toàn quốc, giúp kết nối, liên kết hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý địa phương và các doanh nghiệp. Cần thiết lập hệ thống tài nguyên số, dữ liệu số dùng chung trong cả nước, sao cho hệ thống dữ liệu của mỗi doanh nghiệp đảm bảo tương thích với hệ thống chung. Từ đó, cung cấp dữ liệu mở phục vụ cho cả cơ quan quản lý hoạch định chính sách, cả doanh nghiệp và gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, đưa đến cho du khách sự thuận tiện từ việc lên ý tưởng, tìm kiếm thông tin tới việc đặt phòng, đặt vé, đặt tour, giao dịch và thanh toán điện tử.

- Chính phủ cũng cần có chính sách thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp du lịch nói chung và hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp du lịch nói riêng. Cần tích cực huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm du lịch, thiết kế các nền tảng số cho ngành và cho doanh nghiệp du lịch… Đây là nguồn vốn dồi dào và dài về thời hạn, đồng thời, đi cùng nguồn tài trợ này là kinh nghiệm kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm vận hành các công nghệ của chuyển đổi số mà nhiều doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ còn thiếu.

Mặc dù hành trình thực hiện chuyển đổi số còn nhiều thách thức, song nếu các giải pháp được thực thi sẽ huy động được nguồn vốn đáp ứng yêu cầu của chiến lược chuyển đổi số, không những sẽ phát huy được tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp du lịch, tối ưu hóa chi phí vận hành, cải thiện trải nghiệm khách hàng mà còn nâng cao vị thế của ngành kinh tế quan trọng này. Mặt khác, khi giải quyết được thách thức về thiếu nguồn vốn, việc chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp du lịch chủ động hơn trong đối mặt và ứng phó với mọi biến động của môi trường kinh doanh.

5. Kết luận

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu phấn đấu được thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử và kinh tế số. Để mục tiêu trên trở thành hiện thực, một trong những điều kiện tiên quyết là tìm và tạo được nguồn vốn giúp doanh nghiệp du lịch thực hiện quá trình chuyển đổi số. Các giải pháp trên đây được đưa ra dựa trên nghiên cứu của tác giả về thực trạng nguồn vốn của doanh nghiệp du lịch và nhu cầu nguồn vốn cho hoạt động chuyển đổi số. Trong thời gian tới, khi nhu cầu về nguồn vốn được đáp ứng bằng các giải pháp thiết thực, hoạt động chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, giúp doanh nghiệp du lịch và ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững hơn, khai thác nhiều hơn các giá trị kinh tế số từ hệ sinh thái du lịch thông minh, góp phần quan trọng để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Hồ Thị Bảo Nhung (2022), Chuyển đổi số ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 3/2022.

3. Khuất Hương Giang, Bùi Thị Hồng Nhung (2023), Chuyển đổi số ở các doanh nghiệp du lịch: Thực trạng và một số đề xuất trong thời gian tới, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14, tháng 5/2023.

4. McKinsey (2023) "Rewired: A McKinsey Guide to Outcompetition in the Age of Digital and AI" (Wiley, ngày 20 tháng 6 năm 2023),

5. Mỹ Phương (2021), Nâng tầm du lịch nội địa: Bài toán điểm đến an toàn, tiện lợi, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/nang-tam-du-lich-noi-dia-bai-toan-diem-den-an-toan-tien-loi/700609.vnp.

6. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 1671/QÐ-TTg, ngày 30/11/2018 phê duyệt "Ðề án Tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025".

 Funding sources for digital transformation of tourism enterprises

Master: Tran Thuy Nga

Hanoi Tourism College

Abstract

The Vietnam Tourism Development Strategy for 2030, as approved under Decision No. 147/QD-TTg on January 22, 2020, by the Prime Minister's Office, encompasses the transformation of various tourism industries. A pivotal concern revolves around the provision of capital for tourism businesses still grappling with post-pandemic recovery efforts. This article endeavors to analyze and propose funding solutions aimed at facilitating the effective implementation of digital transformation activities within the tourism sector. This, in turn, will bolster the overall competitiveness of the tourism industry and individual businesses within the context of the ongoing technological revolution Industry 4.0.

Keywords: digital transformation, tourism industry, funding sources.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 6 năm 2024]

Tạp chí Công Thương