Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Để hệ thống ngân hàng có thể phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu số hóa, từng bước theo kịp các quốc gia phát triển trên thế giới thì hệ thống ngân hàng rất cần có một đội ngũ cán bộ đủ mạnh, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố không thể thiếu. Bài viết trình bày thực trạng nguồn nhân lực ngành ngân hàng trong giai đoạn vừa qua,  từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng. Đây sẽ là căn cứ để phát triển được nguồn nhân lực có chất lượng cao cho hệ thống ngân hàng ở Việt Nam trong thời gian tới.

TỪ KHÓA: nhân lực, ngành ngân hàng, chất lượng cao, ngân hàng thương mại…

1. Đặt vấn đề

Sự đầu tư của các tập đoàn tài chính nước ngoài với đặc thù của ngành là mức lương và các chế độ trả cho người lao động là khá cao, trong khi nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng nhân lực ngành tài chính, ngân hàng lại không đáp ứng được so với thực tế. Vì vậy, hàng loạt những doanh nghiệp ngành Tài chính, ngân hàng (TCNH) lớn, nhỏ tại Việt Nam xuất hiện tình trạng chảy máu chất xám, khan hiếm nguồn nhân lực có chất lượng.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu nhân lực ngành tài chính ngân hàng đang ở mức cao.Tổng hợp số liệu điều tra của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) (2018), nhu cầu đào tạo mới nhân lực ngành tài chính ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam là trên 1,6 triệu người và đến năm 2020, tổng số nhân lực làm việc trong ngành ngân hàng khoảng 300.000 người. Tuy nhiên, theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố (2018), Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao.

Bên cạnh đó do yêu cầu chuyển đổi số, các tổ chức tài chính ngân hàng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều nhu cầu về những vị trí việc làm đòi hỏi sự thích nghi với công nghệ và nhân lực ở trình độ cao. Nhân sự tại các doanh nghiệp tài chính công nghệ hay các ngân hàng hiện được tìm kiếm nhiều nhất không phải những vị trí nhân viên truyền thống mà giờ đã chuyển sang các vị trí mới, bao gồm các nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư tài chính và lập trình viên máy tính.

2. Thực trạng nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Trước thực trạng bảo mật thông tin khách hàng còn yếu và tình trạng nhân viên, cán bộ tiếp tay cho các vụ vi phạm những năm gần đây, các ngân hàng và doanh nghiệp tài chính bắt đầu xem lại chính sách tuyển dụng và điều chỉnh một cách phù hợp. Với các vị trí quản lý hoặc chuyên gia cấp cao, doanh nghiệp trong ngành TCNH đã nhờ đến sự hỗ trợ của các công ty tư vấn tuyển dụng nhằm hạn chế tình trạng ứng viên không phù hợp với các phương diện mà doanh nghiệp đề ra. 

Bên cạnh đó, với sự phát triển quá nhanh của công nghệ hiện nay, các ngành nghề thuộc lĩnh vực TCNH sẽ phát sinh thêm nhiều chức danh và công việc mới. Các doanh nghiệp hiện nay rất chú trọng vào mục tiêu và chất lượng mỗi đầu chức danh, đồng thời thực hiện hóa khát vọng vươn ra hoạt động tại các thị trường khu vực và quốc tế.

Theo Báo cáo thống kê năm 2022 do Vụ Tổ chức cán bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện, tính đến thời điểm cuối 2022, toàn ngành Ngân hàng ước tính có 456.614 người, với cơ cấu trình độ như sau: Tiến sĩ là 569 người, chiếm 0,16%; Thạc sĩ là 20.286 người, chiếm 5,85%; Đại học là 263.927 người, chiếm 76,16%; Cao đẳng là 23.453 người, chiếm 6,77%; Trung cấp là 20.054 người, chiếm 5,79%; Số còn lại (sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo) là 18.325 người, chiếm 5,29%. Số liệu trên cho thấy, nhân lực qua đào tạo chuyên môn có trình độ từ cao đẳng trở lên của ngành Ngân hàng chiếm đa số; so với các ngành khác là khá cao.

Quy mô nguồn nhân lực của các ngân hàng thương mại (NHTM) được mở rộng, số lượng nhân lực liên tục tăng qua các năm đáp ứng được việc tăng quy mô hoạt động mở rộng mạng lưới kinh doanh. Chất lượng nguồn nhân lực của NHTM ngày càng cao, năng lực, trình độ chuyên môn, trình độ công nghệ của cán bộ được nâng lên không chỉ ở năng lực thực tiễn, kỹ năng, kết cấu về trình độ, bằng cấp thay đổi mà quan trọng hơn, hầu hết đội ngũ cán bộ đã dần thoát khỏi tư duy bao cấp, định hình tư duy kinh doanh với nhận thức, hiểu biết cơ bản về ngân hàng hiện đại.

Dự báo đến 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành TCNH sẽ tăng khoảng 20%/năm, trong đó, trình độ đại học trở lên, cao đẳng chiếm tỷ lệ 80,4% nhu cầu tuyển dụng. Xu thế chuyển đổi số của các ngân hàng đang tạo ra những thay đổi to lớn về lực lượng lao động trong lĩnh vực này. Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2022, 95% ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Nhiều ngân hàng đã triển khai các bộ phận chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, sáng kiến đổi mới sáng tạo, như: Trung tâm chuyển đổi số của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Trung tâm Ngân hàng số của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), một số ngân hàng không thành lập bộ phận chuyên trách mà tích hợp luôn nhiệm vụ chuyển đổi số với trung tâm công nghệ thông tin, như Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank).

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp công nghệ và xác định đến năm 2024, nhân sự công nghệ sẽ chiếm tới 25% nhân sự toàn ngân hàng, trở thành lực lượng chủ chốt, giúp MB mở rộng quy mô, 49% các ngân hàng trả lời cho biết mức độ số hóa nghiệp vụ quản lý nhân sự của mình là trên 50%. Hiện đại hóa hệ thống thanh toán các dịch vụ, phương tiện thanh toán mới, hiện đại dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ - viễn thông phát triển mạnh, tạo thêm kênh thanh toán mới, thuận tiện và đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Theo Navigos Search - công ty đứng đầu thị trường về cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân cấp trung và cấp cao, năm 2022, do tập trung phát triển dịch vụ số hóa nên nhu cầu tuyển dụng các vị trí cấp trung và cấp cao của ngành TCNH ở Việt Nam tại các vị trí liên quan cũng tăng lên, cụ thể là các vị trí: Phân tích dữ liệu, phát triển kinh doanh dịch vụ ngân hàng số, phân tích trải nghiệm khách hàng và mảng công nghệ thông tin. Trong toàn hệ thống, hiện nay mới chỉ có khoảng 10 - 15% nhân sự cấp cao làm việc tại các hội sở, có năng lực khoa học - công nghệ trình độ cao, các chuyên gia TCNH có bằng cấp quốc tế, chủ yếu hoạt động trong các mảng quản trị rủi ro, quản lý và đầu tư

3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Từ những xu hướng mới trong kỷ nguyên số hóa cùng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng công việc, ngành TCNH cần thực hiện một số giải pháp.

Một là, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cao. Theo đó, cần dự báo nguồn nhân lực trong từng thời kỳ để có kế hoạch đào tạo; xây dựng chương trình đào tạo khung trên cơ sở chuẩn mực quốc tế; xây dựng bộ giáo trình chuẩn theo tiêu chuẩn ở những quốc gia phát triển có chỉnh sửa cho phù hợp trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam; chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ viên chức ngành ngân hàng... Các trường đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Ngân hàng cần xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với nhu cầu thị trường, không nên đào tạo chạy theo số lượng mà bỏ qua đến chất lượng đào tạo, từ đó dẫn tình trạng cung lớn hơn cầu.

Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp dạy và học, tạo môi trường học tập nghiên cứu lành mạnh cho sinh viên. Các cơ sở đào tạo cần tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo, coi người học là trung tâm, nâng cao ý thức tự học, khả năng tư duy sáng tạo, khả năng nghiên cứu độc lập của người học; giáo dục toàn diện cho sinh viên cả về kiến thức chuyên môn, kiến thức bổ trợ, cũng như giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống và thể chất cho sinh viên.

Hai là, đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở đào tạo và các ngân hàng. Các cơ sở đào tạo cần mở rộng hợp tác với các ngân hàng để chuyển giao khoa học công nghệ. Về phía các ngân hàng, hỗ trợ các sinh viên, giáo viên thực tập những kiến thức, tình huống xử lý trong thực tế, từ đó giúp cho sinh viên ra trường có thể vào làm việc ngay, không cần phải đào tạo lại nghiệp vụ. Các ngân hàng nên chủ động tham gia đào tạo nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng với các trường, viện nghiên cứu, có thể trực tiếp cử chuyên gia ngân hàng vào giảng dạy một số chuyên đề; cấp học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt, tuyển dụng những sinh viên đạt tiêu chuẩn ngay sau khi ra trường.

Tại các ngân hàng, các lãnh đạo cần nâng cao nhận thức và thay đổi quan điểm về vai trò của quản trị nhân tài trong xu thế cạnh tranh gay gắt về nguồn lực con người như hiện nay, cần có chiến lược thu hút và giữ chân nhân lực có chất lượng trong dài hạn để có thể phát triển bền vững.

Cần xác định được nhu cầu riêng biệt của từng cá nhân trong doanh nghiệp, tuy nhiên cũng cần hài hòa với văn hoá của doanh nghiệp, của người đứng đầu. Bằng các phương pháp khác nhau, doanh nghiệp có thể xác định những nhu cầu đã, đang và chưa được đáp ứng của nhân tài. Cụ thể như đối với nhân sự cấp cao, lương không phải là yếu tố quyết định, quan trọng nhất là họ được làm những gì (giao quyền), họ có quyền chủ động trong công việc không, có cơ hội sáng tạo hay không.

Ba là, tập trung xây dựng chiến lược tuyển dụng nhân tài, đa dạng hóa các nguồn tuyển dụng và lên kế hoạch tuyển dụng nhân tài để chủ động khắc phục tình trạng tốc độ thay thế nhân lực cao trong ngành TCNH. Dựa trên chiến lược phát triển của toàn ngành, nhu cầu tuyển dụng của mỗi ngân hàng, đưa ra chính sách tuyển dụng khoa học để thu hút nguồn nhân lực thực sự có chất lượng; khi tuyển dụng cần xem xét khả năng nhân sự cho từng vị trí tuyển dụng, phát hiện ra sở trường của mỗi cá nhân để bố trí vào vị trí phù hợp, từ đó người được tuyển dụng có thể phát huy được hết năng lực, sở trường của mình. Công tác tuyển dụng cần được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, công bằng, có như vậy mới tuyển được nguồn nhân lực thực sự có chất lượng.

Các doanh nghiệp ngành TCNH cần có thêm những chính sách khuyến khích phi tài chính đặc thù dành riêng cho nhân tài trong doanh nghiệp như thưởng cổ phiếu, chế độ bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, cho vay ưu đãi, du lịch... để giữ chân người giỏi.

Doanh nghiệp cần chuẩn hóa trình độ nhân lực theo chuẩn mực chung của quốc tế để kịp thời thích ứng và hội nhập; Kiến nghị với ngành hướng tới xây dựng bộ quy tắc chuẩn về chức danh các công việc ngân hàng, tiêu chuẩn nghề nghiệp ngân hàng tương đương với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực. Từ đó, làm tiêu chí để đánh giá công bằng và khách quan những nhân lực ngành ngân hàng nói chung và những nhân lực giỏi trong ngành.

Tóm lại, để hệ thống ngân hàng có thể phát triển nhanh và bền vững đáp ứng yêu cầu số hóa, từng bước theo kịp các quốc gia phát triển trên thế giới thì hệ thống ngân hàng rất cần có một đội ngũ cán bộ đủ mạnh, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố không thể thiếu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Chánh (2012), Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
  2. Nguyễn Ngọc Quân (2009), Giáo trình Quản trị nguồn nhân lực, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  3. Viện Năng suất Việt Nam (2015) - Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam .
  4. Báo cáo tài chính riêng lẻ quý/năm giai đoạn 2013 - 2016 nhóm 10 ngân hàng so sánh.
  5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2012), Quyết định Số: 219/QĐ-NHNN về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng giai đoạn 2011-2020.
  6. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) (2018), Tổng hợp số liệu điều tra về lực lượng lao động
  7. Nhà nước Việt Nam (2022), Khảo sát nguồn nhân lực ngành Tài chính ngân hàng năm 2022.

Solutions for developing high-quality workforce in the banking industry

Master. Dang Thu Trang

Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

To support the banking system's development quickly and sustainably, meet the digitalization requirement, and gradually keep up with developed countries in the world, Vietnam’s banking system needs a high-quality workforce. This paper presented the current human resources situation in the banking industry. Based on the paper’s findings, some solutions were proposed to improve the quality of human resources in the banking industry. This paper is expected to serve as the basis for developing high-quality human resources for the banking system in Vietnam in the coming time.

Keywords: human resources, banking industry, high quality, commercial banking.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 6 năm 2024]

Tạp chí Công Thương