Một số vấn đề về địa vị pháp lý của tổ chức tín dụng theo Luật Các Tổ chức tín dụng 2024

Bài nghiên cứu "Một số vấn đề về địa vị pháp lý của tổ chức tín dụng theo Luật Các Tổ chức tín dụng 2024" do Phan Thỵ Tường Vi (Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang) thực hiện.

TÓM TẮT:

Hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung cũng như ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng được ví là “xương sống” của nền kinh tế vì nó đóng vai trò là nhịp cầu nối nguồn vốn trong xã hội, điều tiết dòng vốn lưu thông trong nền kinh tế từ nơi thừa vốn đến nơi cần vốn. Việc xác lập “hình ảnh” của một TCTD rất quan trọng để định vị sự đặc biệt của loại chủ thể này trong nền kinh tế quốc dân, điều này được thể hiện qua “địa vị pháp lý” của TCTD phải được quy định cụ thể, chặt chẽ trong đạo luật. Trong phạm vi bài viết này, tác giả làm rõ một số vấn đề pháp lý về tư cách của TCTD được ban hành trong Luật Các Tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 được Quốc hội ban hành vào ngày 18/01/2024, có những điểm mới cũng như vẫn còn một số vấn đề cần phải xem xét lại về địa vị pháp lý của TCTD tại Việt Nam.

Từ khóa: tổ chức tín dụng, ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, địa vị pháp lý, Luật Các Tổ chức tín dụng.

1. Đặt vấn đề

Với vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế và xã hội nên TCTD từ khi xuất hiện tại Việt Nam, đã được “ưu ái” xác lập địa vị đặc biệt của mình hơn các loại tổ chức kinh tế khác trong xã hội thông qua hình ảnh pháp lý được quy định bởi đạo luật (là văn bản pháp luật do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nước ban hành). Đạo luật đầu tiên ở Việt Nam được ban hành riêng cho TCTD là Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính vào ngày 23/5/1990. Tiếp đến là Luật Các TCTD số 02/1997/QH10 được QH khóa X ban hành ngày 12/12/1997, sau đó là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, số 20/2004/QH11 ban hành ngày 15/6/2004. Ngày 16/6/2010, QH khóa XII đã thông qua Luật Các TCTD số 47/2010/QH12 và đạo luật này được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD số 17/2017/QH14 ban hành ngày 20/11/2017.

Và để đáp ứng kịp trước những biến động của nền kinh tế Việt Nam và thế giới nên QH khóa XV đã ban hành Luật Các TCTD số 32/2024/QH15 ngày 18/1/2024. Như vậy, từ năm 1990 đến năm 2024 theo dòng chảy thời kỳ mở cửa, hội nhập kinh tế với thế giới của Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định Nhà nước Việt Nam đã nhận thức rất sớm và đúng đắn về vị trí quan trọng của TCTD, từ những quy định cơ bản, khá sơ sài về cơ cấu tổ chức, hoạt động của TCTD trong Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính vào ngày 23/05/1990 đến những nội dung quy định ngày càng chi tiết, cụ thể, chặt chẽ về mô hình của TCTD và hoạt động ngân hàng của TCTD trong Luật các TCTD số 32/2024/QH15 (sau đây gọi là Luật Các TCTD 2024).

tổ chức tín dụng
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong đạo luật mới nhất về TCTD (Luật Các TCTD 2024) có một số nội dung về địa vị pháp lý của TCTD cần phải xem xét thêm hoặc làm rõ hơn, trên cơ sở đối chiếu, so sánh với các quy định pháp luật liên quan gần nhất trước đó với Luật Các TCTD 2024, cụ thể là Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Các TCTD 2010. Tác giả hy vọng trong phạm vi nghiên cứu này của bài viết, có thể góp phần làm hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về hình ảnh của TCTD tại Việt Nam.

2. Khái niệm pháp lý về tổ chức tín dụng

Theo quy định Khoản 38 Điều 4 Luật Các TCTD 2024 đưa ra khái niệm về TCTD như sau: “Tổ chức tín dụng là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.” Trong khái niệm pháp lý này có sự thay đổi so với khái niệm TCTD được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Các TCTD 20101 đó là không còn định nghĩa TCTD là doanh nghiệp mà thay bằng cụm từ “tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân”.

Theo tác giả, sự thay đổi trong định nghĩa về  TCTD trong Luật Các TCTD 2024 là hợp lý, bởi vì như quy định trước đây nếu định nghĩa TCTD là “doanh nghiệp” dẫn đến sự không tương thích với quy định pháp lý về doanh nghiệp và hợp tác xã. Cho đến bây giờ, địa vị pháp lý về doanh nghiệp và hợp tác xã vẫn có sự quy định khác nhau bởi hai đạo luật là Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã2. Trong khi đó, mô hình của quỹ tín dụng nhân dân3 theo loại hình hợp tác xã mà không theo loại hình doanh nghiệp nên với định nghĩa TCTD là “tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân” trong Luật Các TCTD 2024 đã bao quát hình ảnh doanh nghiệp4 lẫn hợp tác xã5.

Tuy nhiên, cũng trong chính khái niệm pháp lý này lại nảy sinh ra sự khác nhau giữa quy định pháp luật với thực tế về hệ thống TCTD tại Việt Nam. Chiếu theo khái niệm pháp lý tại Khoản 38 Điều 4 Luật Các TCTD 2024, được hiểu hệ thống TCTD tại Việt Nam gồm 4 loại, đó là: ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân, mà không có chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quy định này vẫn giữ nguyên như tại Khoản 1 Điều 4 Luật Các TCTD 2010.

Điều này là hợp lý, vì chính trong Luật Các TCTD 2024, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định tại Khoản 5 Điều 4 là “tổ chức kinh tế không có tư cách pháp nhân và là đơn vị phụ thuộc của ngân hàng nước ngoài, được ngân hàng nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.”. Vốn dĩ chi nhánh là cơ sở kinh thế phụ thuộc của doanh nghiệp, không mang tính độc lập như mô hình công ty mẹ - công ty con6. Hơn thế nữa, ngay trong nội dung của Luật Các TCTD 2024, vẫn tách bạch cụm từ “tổ chức tín dụng” với “chi nhánh ngân hàng nước ngoài” trong các nội dung quy định pháp luật như:

- Điều 2: “Đối tượng áp dụng”;

- Chương IV: “Tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”;

- Chương V: “Hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”;

- Chương VII: “Các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”;

- Chương IX: “Can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Như vậy, với cách quy định thể hiện trong nội dung của đạo luật thì hệ thống TCTD tách bạch với chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nhưng thực tế ngay chính tại trang điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN Việt Nam) thì hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam như sau7: (Hình 1)

Hình 1: Hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam

Description: A chart with text and images

Description automatically generated with medium confidence

Và theo Báo cáo thường niên 2022 gần nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành vào ngày 29/12/2023, số liệu về các TCTD của Việt Nam theo như trình bày tại Bảng 1.

tổ chức tín dụng

Với những thông tin trên đây, sẽ dẫn đến việc hiểu hệ thống TCTD ở Việt Nam bao gồm nhiều loại, trong đó có chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây là một điều bất hợp lý, mâu thuẫn giữa nội dung quy định của Luật Các TCTD 2024 với những thông tin về hệ thống TCTD của Việt Nam được công bố công khai do chính cơ quan chủ quản là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra. Tác giả cho rằng, cần phải xem xét lại cách định nghĩa về khái niệm pháp lý của TCTD trong đạo luật nếu muốn tương thích với những thông tin do NHNN Việt Nam xác lập về hệ thống các TCTD tại Việt Nam hiện nay. Và  NHNN Việt Nam cần phải xem lại cách xác lập hệ thống TCTD là không gồm có chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Địa vị pháp lý của ngân hàng chính sách

Nếu như trong Luật Các TCTD 2010, chỉ dành một điều khoản để quy định về ngân hàng chính sách (NHCS) tại Điều 17, thì Luật Các TCTD 2024 dành trọn Chương II để quy định về đối tượng này, với 11 điều khoản, từ Điều 16 đến Điều 26. Đây là một trong những nội dung mới trong Luật Các TCTD 2024, điều đó cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của loại hình ngân hàng này đối với nền kinh tế và xã hội.

Tại Khoản 1 Điều 16 Luật Các TCTD 2024 quy định Ngân hàng chính sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước”. Như vậy, trong khái niệm pháp lý đã xác định được vai trò của NHCS để phục vụ cho các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Tuy nhiên, NHCS vẫn là một trong ba (03) loại TCTD là ngân hàng8, được phép thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật, chỉ có khác với hai (02) loại ngân hàng thương mại và ngân hàng hợp tác xã ở mục tiêu hoạt động mà thôi. Điều đó cho chúng ta biết rằng NHCS là một trong những loại TCTD ở Việt Nam với sự đặc biệt về chủ sở hữu là 100% vốn của Nhà nước9 và mục tiêu hoạt động phi lợi nhuận. Ngoài ra, trong Luật Các TCTD 2024 không xác lập hình thức pháp lý của NHCS theo loại hình doanh nghiệp nào hay mang một hình thức pháp lý nào khác?!

Tác giả cho rằng có sự không rõ ràng về tư cách pháp lý của NHCS theo Luật Các TCTD 2024. Bởi vì:

 - Thứ nhất, Luật Các TCTD 2024 không xác lập NHCS có là doanh nghiệp xã hội hay không. Xét về mục tiêu hoạt động tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về “Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội”. Nếu đối chiếu với mục tiêu hoạt động của NHCS theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Các TCTD 2024, đúng là khó xác định NHCS như một doanh nghiệp xã hội vì doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng10, còn NHCS có mục tiêu hoạt động là nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Tác giả cho rằng, xét về ngữ nghĩa của câu chữ quy định trên, mục tiêu cuối cùng mà Nhà nước thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội cũng là vì lợi ích của đất nước, lợi ích của người dân, trong đó có lợi ích cộng đồng. Song với quy định trong Luật Các TCTD 2024 có thể hiểu NHCS không được xem là một doanh nghiệp xã hội theo như Luật Doanh nghiệp 2020 và NHCS không thể là một đơn vị hành chính sự nghiệp có thu.

- Thứ hai, xét về nguồn vốn thành lập, Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Điều 8811; NHCS có Nhà nước là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ12 và có hoạt động ngân hàng13 tức là thực hiện hành vi kinh doanh cho dù mục tiêu phi lợi nhuận. Từ đó, theo ý kiến tác giả cho rằng NHCS như là một doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước với 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) là tổ chức, có cơ cấu tổ chức theo một trong hai mô hình như sau14: (i) bao gồm: Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát; (ii) bao gồm: Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức quản lý của NHCS được quy định tại Điều 19 Luật Các TCTD 2024 lại bao gồm Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc và cơ cấu quản trị khác theo quy định của Chính phủ. Như vậy, mô hình của NHCS thật sự không giống mô hình của công ty TNHH MTV mà lại mang dáng dấp mô hình của công ty cổ phần như trong Luật Doanh nghiệp 2020 quy định15. Thật sự không hiểu được ý đồ của nhà làm luật khi ban hành những nội dung liên quan về địa vị pháp lý của NHCS với những điều xung đột với Luật chung là Luật Doanh nghiệp 2020 như phân tích trên đây. Song vẫn phải cần xác định “chiếc áo pháp lý” để khoác lên mình NHCS một cách rõ ràng, cụ thể, từ đó mới xác định chính xác tư cách pháp lý của NHCS giữa các loại tổ chức trong xã hội. Đây là một vấn đề tác giả cho rằng các nhà lập pháp Việt Nam cần phải xem xét lại về việc xác định địa vị pháp lý của NHCS.

4. Tư cách pháp lý của ngân hàng thương mại nhà nước

Theo Khoản 2 Điều 6 Luật Các TCTD 2024 quy định: “Ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”. Quy định này kế thừa theo quy định về NHTM Nhà nước tại Khoản 2 Điều 6 Luật Các TCTD 2010. Vào thời điểm ban hành Luật Các TCTD 2010, Luật Doanh nghiệp 2005 là văn bản luật mang tính chất là luật chung quy định tổng quan những vấn đề về doanh nghiệp và theo Khoản 22 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định về doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Sau đó Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ban hành ngày 26/11/2014 có hiệu lực ngày 01/07/2015 thay thế cho Luật Doanh nghiệp 2005, lại quy định tại Khoản 8 Điều 4 như sau về doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Qua đây, chúng ta nhận thấy, vào thời điểm từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời đến trước khi bị thay thế bởi Luật Doanh nghiệp 2014 khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” bao gồm 2 trường hợp là (i) doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ; (ii) doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 50% thuộc sở hữu nhà nước. Như vậy, vào thời điểm đó NHTM Nhà nước là một trường hợp của doanh nghiệp nhà nước với vốn điều lệ 100% thuộc về Nhà nước, còn với những NHTM mà vốn chủ sở hữu trên 50% thuộc về Nhà nước thì chỉ được xem là doanh nghiệp nhà nước chứ không phải là NHTM Nhà nước. Điều này được lặp lại như trong Luật Các TCTD 2024 và trong Luật Doanh nghiệp 2020 tại Điều 88 quy định về DNNN.

Tại Bảng số 1 trong Báo cáo thường niên 2022 của Ngân hàng Nhà nước (được trình bày tại phần 2 ở trên), số lượng NHTM Nhà nước tính đến ngày 31/12/2022 là 4 ngân hàng với 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu Nhà nước theo mô hình công ty TNHH MTV, cụ thể là: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); NHTM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB Bank); NHTM TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GP Bank); NHTM TNHH MTV Đại dương (Ocean Bank).

Ngoài ra còn có 3 NHTM mà Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ, đó là: NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (Vietin Bank); NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcom Bank); NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ba NHTM này trước kia đều thuộc vốn chủ sở hữu 100% của Nhà nước16 cùng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, sau đó chỉ có Agribank không tiến hành cổ phần hóa. Tuy nhiên, trên trang điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại mục “Thống kê một số chỉ tiêu cơ bản tính đến ngày 31/05/2024”17 thì gọi chung các ngân hàng trên là “khối NHTM Nhà nước”. Và trên một số trang điện tử liên quan đến cung cấp dịch vụ tra cứu quy định pháp luật vẫn gọi chung tất cả các NHTM có vốn điều lệ trên 50% thuộc Nhà nước bằng cụm từ “NHTM Nhà nước”18.

Tác giả cho rằng, cách gọi gộp chung tất cả các NHTM có vốn điều lệ từ trên 50% đến 100% thuộc sở hữu Nhà nước bằng cụm từ “NHTM Nhà nước” là không tương đồng với quy định hiện hành trong Luật Các TCTD 2024, nếu muốn gọi như thế thì nên sửa lại việc định nghĩa về tư cách pháp lý NHTM Nhà nước như sau: “Ngân hàng thương mại Nhà nước là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ”.

5. Kết luận

Việc định hình địa vị pháp lý của TCTD nói chung, cũng như ngân hàng thương mại nói riêng là điều quan trọng trong công tác lập pháp. Bởi vì điều đó sẽ giúp xác định cụ thể, chính xác về hình ảnh TCTD vốn dĩ là chủ thể “đặc biệt” trong nền kinh tế quốc dân, từ đó phân định rạch ròi với các loại tổ chức kinh tế khác trong xã hội. Tuy nhiên, giữa luật chuyên ngành và luật chung cần có sự tương thích với nhau, cũng như cần xác định rõ ràng, minh bạch về tư cách pháp lý của TCTD để không bị nhập nhằng trong cách hiểu giữa thực tế với quy định pháp luật.

Tài liệu trích dẫn:

1Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Các TCTD 2010 quy định “Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân”

2Hiện nay là Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Hợp tác xã 2023

3Khoản 30 Điều 4 Luật Các TCTD 2024 “Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống”

4Khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”

5Khoản 7 Điều 4 Luật Hợp tác xã 2023 “Hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 05 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững; thực hiện quản trị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ”

6Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp

7https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/htctctd?_afrLoop=58902389406451023#%40%3F_afrLoop%3D58902389406451023%26

8Khoản 21 Điều 4 Luật Các TCTD 2024 “Ngân hàng là tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã”

9Khoản 1 Điều 17 Luật Các TCTD 2024 quy định “Nhà nước là chủ sở hữu của ngân hàng chính sách. Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu nhà nước đối với ngân hàng chính sách”

10Theo Điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật Các TCTD 2020

11Khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

“Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”

12Theo Điều 18 Luật Các TCTD 2024 quy định: Vốn điều lệ của ngân hàng chính sách do ngân sách nhà nước cấp và được bổ sung từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài chính hợp pháp khác.

13Khoản 17 Điều 4 Luật Các TCTD 2024 quy định: “Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ sau đây:

a) Nhận tiền gửi;

b) Cấp tín dụng;

c) Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.”

14Xem Điều 90 Luật Các TCTD 2020

15Xem Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020

16Bốn NHTM gồm Agribank, Vietcom bank, Vietin Bank, BIDV đến giờ vẫn được gọi là “bốn ông lớn” của hệ thống TCTD tại Việt Nam (Big Four)

17https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/tk/hdchtctctd/tkmsctcb?_afrLoop=58915766285848023#%40%3F_afrLoop%3D58915

18https://luatvietnam.vn/linh-vuc-khac/danh-sach-cac-ngan-hang-nha-nuoc-hien-nay-883-96854-article.html

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (1990). Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính ban hành ngày 23/5/1990.
  2. Quốc hội (1997). Luật Các Tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 được QH khóa X ban hành ngày 12/12/1997.
  3. Quốc hội (2004). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng, số 20/2004/QH11 ban hành ngày 15/6/2004.
  4. Quốc hội (2010). Luật Các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010.
  5. Quốc hội (2017). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng số 17/2017/QH14 ban hành ngày 20/11/2017.
  6. Quốc hội (2024). Luật Các Tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 ngày 18/1/2024.
  7. Quốc hội (2005). Luật Doanh nghiệp 2005.
  8. Quốc hội (2014). Luật Doanh nghiệp 2014.
  9. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp 2020.
  10. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2023). Báo cáo thường niên 2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  11. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2016). Hệ thống các tổ chức tín dụng. Truy cập tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/htctctd?_afrLoop=58902389406451023#%40%3F_afrLoop%3D58902389406451023%26
  12. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2024). Thống kê một số chỉ tiêu cơ bản, Truy cập tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/tk/hdchtctctd/tkmsctcb?_afrLoop=58915766285848023#%40%3F_afrLoop%3D58915 (31/5/2024)
  13. Nguyễn Hương (2024). Danh sách các Ngân hàng Nhà nước hiện nay cập nhật 2024. Truy cập tại https://luatvietnam.vn/linh-vuc-khac/danh-sach-cac-ngan-hang-nha-nuoc-hien-nay-883-96854-article.html

SOME CURRENT LEGAL ISSUES ABOUT CREDIT INSTITUTIONS UNDER THE LAW ON CREDIT INSTITUTIONS 2024

Phan Thy Tuong Vi

 Law Department, Van Lang University

Abstract:

The system of credit institutions, including commercial banks is considered the “backbone” of the economy because it plays a role as a bridge connecting capital sources in society, regulating capital flows in the economy from places with surplus capital to places in need of capital. Establishing the “image” of credit institutions is very important to position the specialness of this type of entity in the national economy.

Keywords: credit institutions, commercial banks, State-owned commercial banks.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16 tháng 7 năm 2024]