Khung pháp lý về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu "Khung pháp lý về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam hiện nay" do tác giả Nguyễn Hoài Phương (NCS Học viện Khoa học xã hội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nợ xấu là vấn đề quan ngại lớn của hệ thống tài chính - ngân hàng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây là vấn đề mà tất cả các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên thế giới phải đối mặt. Nếu tỷ nợ xấu quá cao, hoạt động ngân hàng sẽ bị tê liệt, vì các ngân hàng không có vốn để thanh toán cho người gửi tiền khi đến hạn. Ở mức độ trầm trọng, sẽ dẫn tới sự phá sản ngân hàng. Do đó, vấn đề quản lý rủi ro tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế và xử lý nợ xấu là một công việc hết sức quan trọng tại các ngân hàng thương mại. Bài viết bàn về khung pháp lý về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: khung pháp lý, nợ xấu, tổ chức tín dụng, Việt Nam.

1. Tổng quan về nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, việc xác định nợ xấu ngân hàng trước hết phải thông qua việc phân loại nợ. Theo Điều 10 Thông tư số 11/2021/TT-NHNN, có 5 nhóm nợ: Nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn); Nhóm 2 (nợ cần chú ý); Nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn); Nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và Nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Để tính toán và phân loại nhóm nợ, cơ quan quản lý sẽ căn cứ theo chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ.

Quan sát báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết có thể thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến ngày 30/6/2021 ở đa số các ngân hàng đều giảm so với cuối năm 2020. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu rất thấp, như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB). Đây đều là những ngân hàng được thị trường đánh giá cao về chất lượng tài sản trong những năm gần đây.

Theo Nguyễn Đình Tuấn (2021), việc Techcombank và MB có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn cả Vietcombank là một tín hiệu mới, cho thấy nhóm ngân hàng thương mại tư nhân đã chú trọng nhiều hơn vào quản trị rủi ro. Một số ngân hàng thương mại tư nhân khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (Lienvietpostbank) cũng có tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 30/6/2021 thấp, chỉ từ 1,1-1,3%. Đáng chú ý, một số ngân hàng từng có tỷ lệ nợ xấu ở diện cảnh báo, vượt quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng đều đã giảm tỷ lệ nợ xấu xuống khá thấp, như: Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) giảm lần lượt là 1,08% và 1,4%.

Các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nửa đầu năm 2021 là: Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank) (2,3%), Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank) (2,7%), Ngân hàng Bản Việt (Bản Việt) (2,8%) hay Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) (3,4%), dù mức tăng trưởng tín dụng của nhóm này đều khá cao. Đáng chú ý, tính đến ngày 30/6/2021, nợ xấu nhóm 4 và 5 của một vài đơn vị tăng mạnh so với cuối năm 2020. Điều này có thể đến từ sự khác biệt trong áp dụng Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại nợ, lựa chọn tỷ lệ trích lập dự phòng với dư nợ được tái cơ cấu. Một số ngân hàng lớn tăng mạnh nợ nhóm 5, như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) tăng tới 103%; Vietcombank cũng tăng tới 19%; MB tăng 145%. Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại có quy mô tài sản nhỏ hơn, nhưng nợ nhóm 4,5 tăng khá cao, như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) nợ nhóm 5 tăng 29%; HDBank nợ nhóm 5 tăng 31%; ABBank nợ nhóm 5 tăng 40% hay Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (NamABank) nợ xấu nhóm 5 cũng tăng tới 100%; PGBank nợ nhóm 4 tăng 100%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank) nợ nhóm 4 tăng 100% (Nguyễn Đình Tuấn, 2021).

Ngược lại, một số ngân hàng có quy mô vốn nhỏ, có mức trích lập dự phòng rủi ro vốn thấp lại tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2021, nhưng hầu như đã tỏ ra thận trọng hơn với nợ xấu và tăng trích lập dự phòng (N.Thoan, 2022).

2. Các quy định pháp luật liên quan xử lý nợ xấu và thực tiễn xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam

2.1. Quy định pháp luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Theo Hiệp hội Ngân hàng (2021), để tạo hành lang pháp lý trong quá trình xử lý nợ xấu trên cơ sở Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/05/2013 của Chính phủ, ngày 31/05/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 843/

QĐ-TTg về việc phê duyệt: (i) Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”. Ngày 27/6/2013, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1459/QĐ-NHNN về việc thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đồng thời ban hành Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, cùng với việc ban hành Thông tư số 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài,... Bên cạnh đó, ngày 21/06/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”. Các quy định pháp luật đã dần hoàn thiện giúp cả hệ thống tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu đạt được kết quả khả quan. Tại Nghị quyết số 63/2022/QH15, Quốc hội đã đồng ý kéo dài thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14. Ngày 08/6/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu cụ thể của Đề án là triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các tổ chức tín dụng, Nhà nước nắm cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025; phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các tổ chức tín dụng đạt tối thiểu 10-11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11-12%.

2.2. Thực tiễn xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 

2.2.1. Kết quả đạt được

Theo Hiệp hội Ngân hàng (2021), các tổ chức tín dụng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xử lý nợ xấu hiệu quả và kết quả đạt được như sau: 

- Về kết quả xử lý nợ xấu nội bảng

Tính từ tháng 1/2012 đến tháng 8/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.299,9 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó: Giai đoạn 2012-2015 xử lý được 493,1 nghìn tỷ đồng; Giai đoạn 2016-2020 xử lý được 716,67 nghìn tỷ đồng; 8 tháng đầu năm 2021 xử lý được 90,1 nghìn tỷ đồng (phần lớn là sử dụng dự phòng rủi ro (38.906 tỷ đồng), bán nợ cho VAMC (17.387 tỷ đồng) và khách hàng trả nợ (24.986 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016-2020 được duy trì dưới mức 3%. 

- Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 

Các tổ chức tài chính đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro. Trong 4 tháng đầu 2022, tổng số dư nợ xấu được xử lý đạt 54,8 nghìn tỷ đồng, phần lớn là khách hàng trả nợ (23,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,0% tổng nợ xấu được xử lý); sử dụng dự phòng rủi ro (14,2 nghìn tỷ đồng, 25,9%) và bán nợ cho VAMC (11,4 nghìn tỷ đồng, 20,9%).

Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình giai đoạn 2012-2017, hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng); xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 148 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,9% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý (trung bình giai đoạn 2012-2017 chỉ khoảng 22,8%) (Hiệp hội Ngân hàng, 2021).  

2.2.2. Thực tiễn công tác xử lý nợ xấu

- Tình hình xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng: 

Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, hơn 70% các khoản nợ xấu được xử lý, đồng thời còn có tác động rất tích cực tới thái độ và trách nhiệm của khách hàng trong việc trả nợ hoặc hợp tác thu giữ và phát mại tài sản bảo đảm,… Hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng ngày càng ổn định, phát triển, năng lực tài chính được tăng cường thông qua việc tăng vốn điều lệ hàng năm, kết quả kinh doanh được cải thiện rõ nét (Hiệp hội Ngân hàng, 2021).

Các khoản nợ xấu được phân loại xử lý theo thứ tự ưu tiên sau: (1) Đối với các khách hàng có nguồn trả nợ nhưng bị quá hạn tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng/bên bảo đảm về việc cho khách hàng nộp tiền để giải chấp tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; (2) Đối với các khách hàng có nguồn trả nợ nhưng bị quá hạn do dòng tiền của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng; (3) Đối với các khoản nợ xấu mà khách hàng không còn khả năng trả nợ, tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng/bên bảo đảm hợp tác trả nợ hoặc bàn giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng để xử lý thu hồi nợ; (4) Đối với các khách hàng không hợp tác, trây ì, không thực hiện đúng cam kết, tổ chức tín dụng tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 của Quốc hội và tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật; (5) Các trường hợp không đủ điều kiện thu giữ tài sản đảm bảo theo Nghị quyết 42 và khách hàng bất hợp tác, tổ chức tín dụng tiến hành khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền đề nghị Tòa án phát mại tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; (6) Tổ chức tín dụng thực hiện bán khoản nợ xấu cho cá nhân, tổ chức (bao gồm bán nợ cho VAMC) theo giá thị trường. 

Tổ chức tín dụng tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước để giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác thu hồi nợ. Như vậy, quá trình triển khai Nghị quyết số 42 đã làm thay đổi tư duy về xử lý nợ xấu, khẳng định quyền của chủ nợ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người vay; ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao. 

- Tình hình xử lý nợ xấu tại VAMC: 

Nghị quyết 42 ra đời tạo hành lang pháp lý cùng với việc tăng năng lực về vốn (vốn điều lệ của VAMC tăng từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng năm 2017 và lên 5.000 tỷ đồng năm 2019) đã tạo điều kiện cho VAMC triển khai hoạt động mua nợ. Lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/03/2021 của VAMC là: 

Nguyễn Hoài Phương (NCS Học viện Khoa học xã hội)

+ Đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt được 27.693 khoản nợ của 17.130 khách hàng với dư nợ gốc nội bảng đã mua đạt 384.180 tỷ đồng, giá mua nợ đạt 351.574 tỷ đồng, đạt 110% so với chỉ tiêu được giao. 

+ Mua nợ theo giá trị thị trường với 330 khoản nợ của 189 khách hàng/nhóm khách hàng của các tổ chức tín dụng, dư nợ gốc nội bảng đã mua đạt 10.040 tỷ đồng với giá mua nợ đạt 9.796 tỷ đồng đạt 81% chỉ tiêu được giao đến hết năm 2020 theo Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. (Hiệp hội Ngân hàng, 2021)

3. Một số vấn đề về pháp lý đặt ra trong quá trình xử lý nợ xấu

Nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu: Thực tế quá trình xử lý nợ xấu cho thấy, nguồn lực tài chính chủ yếu là tự lực của các tổ chức tín dụng thông qua tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro. Việc phát hành trái phiếu đặc biệt VAMC và cho phép tổ chức tín dụng có thể cầm cố để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước chỉ là giải pháp hỗ trợ tạm thời, tạo thanh khoản cho các ngân hàng khi bán nợ xấu cho VAMC nhưng thực chất không có nguồn tiền thực sự chuyển cho các ngân hàng khi bán nợ xấu cho VAMC. Do đó, để xử lý nợ xấu thành công, cần có nguồn lực tài chính vững mạnh để thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Theo đó, cần có các phương án tài chính để mua trực tiếp và dứt điểm nợ xấu của các ngân hàng, chuyển số tiền mua nợ xấu cho các ngân hàng để ổn định kinh doanh, tăng cường hoạt động xử lý nợ xấu VAMC thông qua tái cấu trúc, bán cho các nhà đầu tư theo giá thị trường, xử lý tài sản bảo đảm, thanh lý tài sản bảo đảm,...

Yêu cầu tăng vốn cho các tổ chức tín dụng: Hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện còn đang gặp khó khăn về tài chính, sự thành công của quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, kể cả thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng phụ thuộc rất lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế, điều kiện thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng vốn cho các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước gặp nhiều khó khăn do theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP không cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước giữ lại lợi nhuận, sau khi trích lập các quỹ phải trả/phải nộp cho nhà nước. Đồng thời, tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 cũng quy định rõ việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước không sử dụng ngân sách nhà nước.

Hoạt động của các tổ chức tín dụng: Thời gian qua, trong hoạt động các ngân hàng đang gặp những khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, như: (i) Nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro và trái phiếu đặc biệt là chủ yếu, trong khi các biện pháp xử lý nợ xấu triệt để thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng vay trả nợ còn ở mức thấp. Do đó, tính hiệu quả và triệt để trong xử lý nợ xấu còn hạn chế. (ii) Tổ chức tín dụng cũng gặp những khó khăn trong việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu do theo quy trình, tổ chức tín dụng phải áp dụng các biện pháp thu hồi nợ từ khách hàng trước, thậm chí, xét điều kiện của khách hàng áp dụng các biện pháp hỗ trợ (cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, cơ cấu khoản vay,...) để nâng cao năng lực tài chính của khách hàng, tăng khả năng trả nợ của khách hàng, sau đó mới có thể sử dụng dự phòng rủi ro, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ để xử lý nợ xấu thuộc nhóm 5 hoặc khoản nợ của khách hàng bị giải thể, phá sản, mất tích, chết; (iii) Khả năng trả nợ của khách hàng vẫn còn hạn chế do sản xuất - kinh doanh còn khó khăn; (iv) Đối với việc thu giữ tài sản đảm bảo vẫn đang gặp khó khăn do khách hàng không hợp tác trong việc bàn giao tài sản; các cơ quan chức năng (UBND, cơ quan công an,…) chưa phối hợp, tham gia hỗ trợ một cách tích cực để giải quyết khó khăn cho tổ chức tín dụng; khó khăn về mặt truyền thông trong quá trình thu giữ tài sản theo tinh thần Nghị quyết 42.

Hoạt động của VAMC: Để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, đặc biệt để xử lý nhanh nợ và tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua của VAMC, một trong những giải pháp quan trọng là cần nâng cao tiềm lực tài chính cho VAMC. Theo lộ trình, giai đoạn 2017-2018, vốn điều lệ của VAMC sẽ được tăng lên mức 5.000 tỷ đồng và đạt mức 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên, cho đến nay, VAMC vẫn chưa được cấp vốn như lộ trình đề ra, trong khi các cơ chế, chính sách, quy định pháp lý mang tính đặc thù, gây ảnh hưởng lớn đến mục tiêu, hạn chế hiệu quả hoạt động của VAMC với vai trò là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu. Quy mô vốn thực tế hiện nay của VAMC là 2.000 tỷ đồng, trong khi doanh số mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC đến ngày 31/12/2017, đạt 3.141,07 tỷ đồng, do đó, rất khó để đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ theo giá thị trường.

Về pháp lý trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu: Các quy định pháp luật hiện hành vẫn còn những vướng mắc cho VAMC và các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu: (i) Công tác hướng dẫn tố tụng, thi hành án còn chưa có được hướng dẫn cụ thể của Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng các thủ tục tố tụng rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án; (ii) Chưa có thỏa thuận cụ thể về quyền thu giữ hoặc có thỏa thuận nhưng nội dung không rõ ràng có thể gây bất lợi cho tổ chức tín dụng trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện quyền lợi của mình. (iii) Về mua bán khoản nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ: trên thực tế, các tổ chức tín dụng chưa được hướng dẫn cách xác định giá bán thế nào là phù hợp với thị trường; phương pháp chuyển nợ thành vốn góp còn hạn chế và chưa phát huy được hiệu quả thực tế do giới hạn góp vốn mua cổ phần theo Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng, không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp; Việc mua bán nợ xấu chưa thật sự sôi động do chưa có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Ngoài ra, đối với nợ xấu trong lĩnh vực cho vay bất động sản, hiện còn gặp khó khăn do việc xử lý tài sản đảm bảo tại tổ chức tín dụng hiện nay còn một số khó khăn.

4. Kết luận

Ngành Ngân hàng đã tích cực, nỗ lực xử lý nợ xấu và đạt được kết quả. Tuy nhiên trong quá trình triển khai , các ngân hàng thương mại đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu. Bài viết có những góc nhìn khách quan đánh giá cụ thể một số cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các tổ chức tín dụng, quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu. Việc hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam rất có ý nghĩa và giá trị trong bối cảnh hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hiệp hội Ngân hàng (2021). Khung pháp lý về giải quyết nợ xấu và sự tham gia của khu vực tư nhân. Tham luận của Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng ngày 4/11/2021 tại Hà Nội về Giải quyết nợ xấu và sự tham gia của khu vực tư nhân.
  2. Nguyễn Đình Tuấn (2021). Nợ xấu và các biện pháp xử lý nợ xấu của Ngân hàng thương mại. Truy cập tại https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/no-xau-va-cac-bien-phap-xu-ly-no-xau-cua-ngan-hang-thuong-mai-d24308.html
  3. N.Thoan (2022). Năm 2022: Rủi ro lớn hơn thuộc về nhóm ngân hàng nhỏ. Truy cập tại https://nhadautu.vn/ nam-2022-rui-ro-lon-hon-thuoc-ve-nhom-ngan-hang-nho-d63348.html
  4. Minh Khuê (2022). Những thành tựu của đất nước có sự đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng. Truy cập tại https://thoibaonganhang.vn/nhung-thanh-tuu-cua-dat-nuoc-co-su-dong-gop-quan-trong-cua-nganh-ngan-hang-124136.html
  5. Trần Anh Quý và Vũ Mai Chi (2020). Kết quả đạt được trong công tác xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng và một số đề xuất trong giai đoạn 2021-2025. Truy cập tại https://tapchinganhang.gov.vn/ket-qua-dat-duoc-trong-cong-tac-xu-ly-no-xau-cua-nganh-ngan-hang-va-mot-so-de-xuat-trong-giai-doan-2.htm
  6. Văn Linh (2022). Ngân hàng tự tin kiểm soát nợ xấu. Truy cập tại https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/ngan-hang-tu-tin-kiem-soat-no-xau-post289502.html

THE CURRENT LEGAL FRAMEWORK FOR HANDLING BAD DEBTS OF CREDIT INSTITUTIONS IN VIETNAM

NGUYEN HOAI PHUONG

Ph.D student, Graduate Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

Bad debt is a major concern of the global banking and financial system, including Vietnam. This is a problem that all commercial banks and credit institutions in the world have to face. If the bad debt ratio is too high, banking activities will be frozen as banks struggle to pay back depositors, even facing the bankruptcy. Therefore, the credit risk management to prevent and handle bad debts is a very important task for commercial banks. This paper discusses the current legal framework for handling bad debts of credit institutions in Vietnam.

Keywords: legal framework, bad debt, credit institutions, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 7 năm 2022]

Tạp chí Công Thương