TÓM TẮT:
Số lượng doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam tăng nhanh trong thời gian qua cả về số lượng, loại hình hoạt động cũng như sự phát triển về khả năng cạnh tranh. Đối với một DN nếu đặt mục tiêu là tăng lợi nhuận và mở rộng quy mô sản xuất thì đầu tư và tái đầu tư là một trong những hoạt động căn bản quan trọng nhất. Qua đó có thể thấy vai trò của quỹ đầu tư là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi DN nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Xuất phát từ tình hình thực tiễn trên, tác giả tiến hành nghiên cứu quỹ đầu tư trong DN tại Việt Nam giai đoạn 2016-2022.
Từ khóa: quỹ đầu tư, doanh nghiệp, tái đầu tư.
1. Tình hình sử dụng quỹ đầu tư tại các doanh nghiệp Việt Nam
1.1. Đầu tư phát triển tài sản vô hình
Tài sản vô hình là nguồn lực quan trọng trong sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển kinh tế, thu hút các khoản đầu tư từ nước ngoài. Các nước càng phát triển thì tỷ trọng đầu tư vào các nguồn lực vô hình càng có xu hướng chiếm ưu thế so với các khoản đầu tư vào các nguồn lực hữu hình.
Vì lẽ đó, hàng loạt các DN đang đầu tư rất mạnh tay để nâng cao giá trị tài sản vô hình trong DN bao gồm: thương hiệu, hoạt động marketing, quảng cáo phân phối… chiếm khoảng từ 18% đến 22% tổng giá trị đầu tư của DN .
1.2. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực là động lực quan trọng nhất, là nhân tố chủ yếu quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi DN . Chính vì vậy, đầu tư phát triển nguồn nhân lực là mục tiêu hàng đầu của hầu hết các DN . Hàng loạt các tổng công ty nhà nước, các tập đoàn đã và đang mở những lớp đào tạo ngay tại chính DN của mình tạo ra một lực lượng lao động có đầy đủ chuyên môn, phù hợp nhất với nhu cầu của DN và ngoài ra còn cung cấp cho những DN khác cùng địa bàn. Đây là một hướng đầu tư tích cực đang được Nhà nước khuyến khích bằng nhiều chính sách cụ thể như Nghị định số 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10/12/2020 về việc tổ chức đào tạo nhân lực tại các DN …
1.3. Đầu tư nghiên cứu triển khai các hoạt động khoa học công nghệ
Đây là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của DN . Nhiều DN đã chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình đã và đang được triển khai nhân rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ đầu ra.
Nhưng thực tế đầu tư về khoa học công nghệ trong một số DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ vẫn chưa được chú trọng, các hoạt động này chỉ chiếm khoảng từ 1-3% tổng lượng đầu tư của DN. Và Nhà nước vẫn đang khuyến khích các DN tích cực đầu tư vào lĩnh vực này để phần nào tăng cường cho nền công nghệ vốn đang còn lạc hậu của Việt Nam.
1.4. Đầu tư tài chính
Đầu tư tài chính là một hình thức đầu tư chủ yếu thông qua hình thức mua chứng khoán (chứng khoán vốn - cổ phiếu hoặc chứng khoán nợ - trái phiếu) hoặc các công cụ tài chính khác. Nhà đầu tư tài chính thông thường nhắm vào mục đích mua và bán chứ ít khi làm tăng giá trị thực của công ty mà họ đầu tư vào. Đây còn là hoạt động sử dụng vốn nhàn rỗi với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, gia tăng giá trị vốn đầu tư ban đầu với chiến lược lâu dài, chủ yếu mua chứng khoán, trái phiếu hoặc các công cụ tài chính.
Việc liên doanh liên kết với các DN khác đang dần trở thành một xu hướng mới trong chiến lược phát triển của các DN.
1.5. Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp
Một xu hướng khác đang hình thành và ngày càng phát triển mạnh mẽ đó là đầu tư ra nước ngoài. Đây là một hướng đi mới, là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam, khẳng định các DN nhà nước đang ngày càng lớn mạnh đủ tiềm lực kinh tế để kinh doanh ở những thị trường mới.
2. Kết quả đạt được
2.1. Hiệu quả hoạt động đầu tư giữa các khu vực doanh nghiệp
Theo Báo cáo thường niên hàng năm từ Bộ Tài chính, bình quân giai đoạn 2016-2019, mỗi năm DN đang hoạt động có kết quả SX-KD thu hút 35,8 triệu tỷ đồng vốn cho SX-KD, tăng 90,3% so với vốn bình quân giai đoạn 2011-2015.
Theo loại hình DN : bình quân giai đoạn 2016-2019 so với bình quân giai đoạn 2011-2015, khu vực DN ngoài nhà nước thu hút vốn cho SX-KD chiếm tỷ trọng cao nhất với 20,2 triệu tỷ đồng vốn, chiếm 56,3% vốn của toàn bộ khu vực DN , tăng 116,7%; khu vực DN nhà nước mặc dù giảm đáng kể về số DN , nhưng hiện vẫn là khu vực thu hút vốn khá lớn với 9,2 triệu tỷ đồng, chiếm 25,6%, tăng 51,0% (trong đó, khu vực DN 100% vốn nhà nước thu hút 4,5 triệu tỷ đồng, chiếm 12,6%, tăng 14,7%); khu vực DN FDI thu hút gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm 18,1%, tăng 88,1%.
2.2. Hiệu quả hoạt động tài chính của quỹ
2.2.1. Doanh thu thuần trên vốn
Theo Báo cáo thường niên hàng năm từ Bộ Tài chính, bình quân giai đoạn 2016-2019, mỗi năm các DN đang hoạt động có kết quả SX-KD tạo ra 22,0 triệu tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 77,1% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
Theo loại hình DN : Giai đoạn 2016-2019, khu vực DN ngoài nhà nước tạo ra doanh thu chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ khu vực DN , bình quân mỗi năm khu vực này tạo ra 12,5 triệu tỷ đồng, chiếm 56,8% doanh thu toàn bộ khu vực DN , tăng 91,3% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; khu vực DN FDI tạo ra 6,3 triệu tỷ đồng, chiếm 28,4%, tăng 106,2%; khu vực DN nhà nước tạo ra 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm 14,7%, tăng 13,8% (trong đó, khu vực DN 100% vốn nhà nước tạo rma 2,0 triệu tỷ đồng, chiếm 9,3%, tăng 14,6%).
2.2.2. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn
Bình quân giai đoạn 2016-2019, mỗi năm DN đang hoạt động, có kết quả SX-KD tạo ra 843,5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 84,1% so với mức lợi nhuận thu được bình quân giai đoạn 2011-2015.
Theo loại hình DN : bình quân giai đoạn 2016-2019 so với bình quân giai đoạn 2011-2015 mỗi năm khu vực DN nhà nước tạo ra 198,7 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chiếm 23,6% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ khu vực DN , tăng 15,6% (trong đó khu vực DN 100% vốn nhà nước tạo ra 114,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,6%, tăng 14,6%); khu vực DN ngoài nhà nước tạo ra 269,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,0%, tăng 167,7%; khu vực DN FDI tạo ra 374,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 44,4%, tăng 102,1%.
2.2.3. Doanh thu thuần theo lao động
Bình quân giai đoạn 2016-2019, các DN đang hoạt động có kết quả SX-KD cả nước thu hút 14,6 triệu lao động, tăng 25,6% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
Theo loại hình DN : giai đoạn 2016-2019, bình quân mỗi năm khu vực DN ngoài nhà nước thu hút nhiều lao động nhất với hơn 8,8 triệu lao động, chiếm 60,5% tổng lao động toàn bộ khu vực DN , tăng 25,9% so với lao động bình quân giai đoạn 2011-2015; khu vực DN FDI thu hút 4,6 triệu lao động, chiếm 31,4%, tăng 47,6%; khu vực DN nhà nước thu hút gần 1,2 triệu lao động (trong đó khu vực DN 100% vốn nhà nước thu hút xấp xỉ 0,7 triệu lao động), chiếm 8,1%, giảm 21,0%.
3. Một số hạn chế
Thứ nhất, thiếu vốn trầm trọng: Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước (Hạnh Nguyễn, 2021). Trong đó, tổng cầu giảm mạnh khiến các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng của các doanh nghiệp đều sụt giảm, trung bình nhu cầu trong các ngành đi xuống từ 40 - 50%, đặc biệt đối với ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn khi nhu cầu cắt giảm lên đến 70 - 80%. Điều này khiến doanh thu của các ngành đồng loạt giảm mạnh trên diện rộng, như ngành Du lịch không phát sinh doanh thu, doanh thu ngành hàng không đã sụt giảm trung bình 61% trong năm 2021 so với năm 2019, đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh thu bị sụt giảm đồng nghĩa với việc dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng, gây khó khăn cho DN trong việc trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm như các khoản chi phí cho người lao động, tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng) trong khi phải tạm ngưng hoạt động và trả lãi các khoản vay ngân hàng đúng hạn.
Các chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất trong nền kinh tế. Việc phát sinh nhiều khoản chi phí mới liên quan đến công tác phòng, chống dịch cũng khiến chi phí hoạt động của DN cao lên.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu liên tục bị gián đoạn, đình trệ cục bộ do dịch bệnh khiến các nhiều DN sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng.
Thứ hai, chỉ một số được ưu đãi về vốn: Chỉ một số nhỏ DN thuộc khu vực quốc doanh được ưu đãi về vốn và chính sách tín dụng, số còn lại dựa nhiều vào vốn tự có của các cá nhân. Thị trường vốn chưa thực sự phát triển nên khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư của DN bị hạn chế, các DN nhỏ rơi vào tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau. Nhiều DN khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ ba, khả năng quản lý yếu kém: Khả năng quản lý nguồn quỹ yếu kém cộng thêm các hiện tượng tiêu cực trong các DN dẫn đến thất thoát vốn hoặc sử dụng vốn không đem lại hiệu quả. Kém công khai và không minh bạch đang là một trong số các vấn đề lớn của quản trị công ty hiện nay ở Việt Nam và đặc biệt là ở các DN vừa và nhỏ. Chủ sở hữu và các cổ đông không nhận được một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ các thông tin cơ bản về DN.
Một điều rõ ràng là hiện nay các DN hoạt động còn chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa ứng dụng được nhiều các thành tựu về khoa học quản trị trong điều hành DN . Điều này cũng là tất yếu bởi mọi nỗ lực của DN đang đổ dồn vào khâu tạo ra sản phẩm. Các DN quá coi trọng đến việc tung ra thị trường các sản phẩm chất lượng ngày càng cao, mẫu mã đẹp nhưng lại ít quan tâm đến một lúc nào đó sự thay đổi về lối sống, tâm lý tiêu dùng, khách hàng sẽ không sử dụng sản phẩm trên nữa. Việc kinh doanh có sản xuất tốt đến đâu, đẹp đến đâu nhưng không tiêu thụ được thì cũng thất bại mà thôi.
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ đầu tư trong các doanh nghiệp Việt Nam
Thứ nhất, tăng cường quỹ đầu tư: Muốn huy động nguồn vốn có hiệu quả, DN cần phải tập trung vào 4 giải pháp cụ thể: Xác định cơ cấu vốn tối ưu; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn; huy động vốn qua thị trường chứng khoán là giải pháp tối ưu mang lại hiệu quả to lớn cho DN; nâng cao chất lượng quản trị DN. Cụ thể như sau:
- Xác định cơ cấu vốn tối ưu: Thiết lập cơ cấu vốn tối ưu sẽ dựa trên cơ sở xác định chi phí sử dụng vốn thấp nhất. Tuy nhiên, các DN rất khó có thể đạt được điểm cơ cấu vốn tối ưu mà chỉ có thể tiến gần tới điểm cơ cấu vốn tối ưu đó.
- Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn: Để các DN Việt Nam có đủ nguồn lực vốn để tận dụng lợi thế trong thời kỳ mới, DN cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn. Ngoài việc huy động vốn từ chủ sở hữu và tín dụng ngân hàng, giải pháp cơ bản về phía DN cần tận dụng kênh huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu và cổ phiếu DN. Cùng với đó, các DN có thể sử dụng đến kênh cho thuê tài chính hoặc các hình thức tài trợ thương mại quốc tế.
- Huy động vốn qua thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán được đánh giá là giải pháp huy động vốn mang lại hiệu quả to lớn cho DN, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
- Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp: Để quản trị DN tốt cần xác định rõ cơ chế, quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các thành viên, quy trình khi ra các quyết định quan trọng... Có 3 vấn đề quản trị mà các DN nhất là DN nhà nước cần coi trọng, đó là: quản trị chiến lược phát triển SX-KD; quản trị tài chính và quản trị nguồn nhân lực.
Thứ hai, tăng hiệu quả sử dụng vốn: DN cần phải phân tích chính xác các chỉ tiêu tài chính của kỳ trước, những biến động chủ yếu trong vốn lưu động, mức chênh lệch giữa kế hoạch và thực hiện về nhu cầu vốn lưu động ở các kỳ trước. Dựa trên nhu cầu vốn lưu động đã xác định, huy động kế hoạch huy động vốn: xác định khả năng tài chính hiện tại của DN, số vốn còn thiếu, so sánh chi phí huy động vốn từ các nguồn tài trợ để tài trợ để lựa chọn kênh huy động vốn phù hợp, kịp thời, tránh tình trạng thừa vốn, gây lãng phí hoặc thiếu vốn làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của DN , đồng thời hạn chế rủi ro có thể xảy ra. Khi lập kế hoạch vốn lưu động phải căn cứ vào kế hoạch vốn kinh doanh đảm bảo cho phù hợp với tình hình thực tế thông qua việc phân tích, tính toán các chỉ tiêu kinh tế, tài chính của kỳ trước cùng với những dự đoán về tình hình hoạt động kinh doanh, khả năng tăng trưởng trong năm tới và những dự kiến về sự biến động của thị trường.
Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý:
- Với những khách hàng lớn, trước khi ký hợp đồng, công ty cần phân loại khách hàng, tìm hiểu kỹ về khả năng thanh toán của họ.
- Mở sổ theo dõi chi tiết các khoản nợ, tiến hành sắp xếp các khoản phải thu theo tuổi. Như vậy, DN sẽ biết được một cách dễ dàng khoản nào sắp đến hạn để có thể có các biện pháp hối thúc khách hàng trả tiền. Định kỳ, DN cần tổng kết công tác tiêu thụ, kiểm tra các khách hàng đang nợ về số lượng và thời gian thanh toán, tránh tình trạng để các khoản thu rơi vào tình trạng nợ khó đòi.
- DN nên áp dụng biện pháp tài chính thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và hạn chế vốn bị chiếm dụng như chiết khấu thanh toán và phạt vi phạm quá thời hạn thanh toán.
- Nếu khách hàng thanh toán chậm, DN cần xem xét cụ thể để đưa ra các chính sách phù hợp như thời gian hạn nợ, giảm nợ, nhằm giữ gìn mối quan hệ sẵn có và chỉ nhờ có quan chức năng can thiệp nếu áp dụng các biện pháp trên không mạng lại kết quả.
- Khi mua hàng hoặc thanh toán trước, thanh toán đủ, phải yêu cầu người lập các hợp đồng bảo hiểm tài sản mua nhằm tránh thất thoát, hỏng hóc hàng hóa dựa trên nguyên tắc “giao đủ, trả đủ” hay các chế tài áp dụng trong ký kết hợp đồng.
Thứ tư, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án: Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến kết quả đầu tư trong suốt quá trình tiến hành dự án. Bước đầu tiên đòi hỏi đối với một dự án đầu tư có hiệu quả là xác định đúng mục đích đầu tư, bao gồm lĩnh vực sẽ đầu tư và quy mô dự án. Việc phân tích các chỉ tiêu của dự án, lập kế hoạch, đặc biệt là báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ giúp DN tránh được rủi ro tối đa. Báo cáo gồm những nội dung chính sau: Hoàn thiện cơ chế quản trị nội bộ trong DN; Xây dựng chỉ tiêu quản trị rủi ro trong DN; Tăng cường quản lý bảo đảm an toàn về tài chính.
Thứ năm, có biện pháp phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra: Khi đã kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, DN luôn luôn phải nhận thức được rằng phải sẵn sàng đối phó với mọi sự thay đổi, biến động phức tạp có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Những rủi ro bất thường trong kinh doanh như: nền kinh tế lạm phát, giá cả thị trường tăng lên,… nhiều khi nhà quản lý không lường hết được. Vì vậy, để hạn chế phần nào những tổn thất có thể xảy ra, DN cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để khi vốn kinh doanh nói chung và vốn lưu động nói riêng bị hao hụt, doanh nghiệp có thể có ngay nguồn bù đắp, đảm bảo cho quá trình hoạt động kinh doanh diễn ra liên tục.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- TS. Từ Quang Phương - TS. Nguyễn Bạch Nguyệt (2004). Giáo trình Kinh tế đầu tư Trường Đại học Kinh tế quốc dân, NXB Thống kê, Hà Nội.
- PGS.TS. Lưu Thị Hương (2005). Giáo trình Tài chính doanh nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân. NXB Thống kê, Hà Nội.
- Tổng cục Thống kê (2022). Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2022. Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/11/sach-trang-doanh-nghiep-viet-nam-2022/
- Bộ Tài chính (2022). Báo cáo thường niên. Truy cập tại https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/cddh/thong-ke-tai-chinh/bao-cao-thuong-nien
- Hạnh Nguyễn (2021). 8 nhóm giải pháp phục hồi thị trường sau dịch Truy cập tại https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttncdtbh/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM206796
A STUDY ON VIETNAMESE ENTERPRISES’S INVESTMENT FUND OPERATIONS
• Ph.D NGUYEN THI THUONG
National Economics University
ABSTRACT:
The number of enterprises in Vietnam has increased rapidly in recent years. The type and capacity of Vietnamese enterprises are also improved. Investment and reinvestment play a key role in the operation of for-profit enterprises to improve their profits and expand their businesses. It can be seen that the investment fund plays an important role in the development of enterprises in particular and the whole economy in general. This study is to explore the operation of investment fund of enterprises in Vietnam over the period from 2016 to 2022.
Keywords: investment fund, enterprise, reinvestment.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]