TÓM TẮT:
Các nhà thầu là một thành phần quan trọng của khung pháp lý quốc tế về quản lý hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên đáy biển sâu tại các khu vực nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia. Họ đã đầu tư vốn, công nghệ và chuyên môn một cách đáng kể góp phần vào sự phát triển của nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng này. Các nhà thầu được ghi nhận một loạt các quyền theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển và pháp luật quốc tế. Bài viết xem xét vai trò của các nhà thầu và các quyền của họ theo UNCLOS khi thực hiện các hoạt động trong Vùng.
Từ khóa: nhà thầu, các hoạt động được tiến hành trong Vùng, cơ quan quyền lực.
1. Khái quát về các hoạt động được tiến hành trong Vùng
“Vùng” là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia. Vùng và tài nguyên của Vùng là di sản chung của loài người[1].
Khai thác dưới đáy biển nhằm tới các mỏ khoảng sản và kim loại dưới đáy đại dương, bao gồm 3 hình thức là khai thác các quặng đa kim giàu trầm tích, khai thác các trầm tích sunfua đa kim và các lớp vỏ ferromangan giàu cobalt[2]. Các quặng và lớp vỏ này chứa các vật liệu như niken, đất hiếm hay cobalt[3] cần thiết cho pin và các vật liệu năng lượng tái tạo khác, cũng như cho công nghệ hàng ngày như điện thoại di động và máy tính.
Khai thác tài nguyên quý hiếm của đáy biển sâu được coi là một giải pháp tiềm năng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các khoáng sản, đặc biệt là khi các nguồn trên đất liền trở nên cạn kiệt. Nhu cầu này có khả năng sẽ tiếp tục tăng khi các quốc gia mở rộng nỗ lực của mình trong quá trình khử cacbon.
Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và Thỏa thuận năm 1994 liên quan đến việc thực hiện Phần XI của UNCLOS (Thỏa thuận năm 1994) thiết lập khuôn khổ pháp lý và quy định quản lý các hoạt động thăm dò và khai thác các tài nguyên của Vùng (các hoạt động được tiến hành trong Vùng - DSM). Khuôn khổ đó tập trung vào Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy biển (Cơ quan quyền lực - ISA). ISA là tổ chức mà thông qua đó các quốc gia thành viên tổ chức và kiểm soát các hoạt động thăm dò và khai thác thương mại được tiến hành trong Vùng, đặc biệt là nhằm mục đích quản lý bền vững các tài nguyên của Vùng[4]. Tất cả các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản phải được một quốc gia tham gia UNCLOS bảo trợ và được ISA chấp thuận.
Theo khoản 2 Điều 153, các thành phần được tiến hành các hoạt động trong Vùng bao gồm (a) Xí nghiệp và (b) quốc gia thành viên hay các Xí nghiệp nhà nước, hoặc các cá nhân hay pháp nhân có quốc tịch của các quốc gia thành viên hay do quốc gia đó hoặc các công dân của các quốc gia đó kiểm soát thực sự, khi họ được sự bảo trợ của các quốc gia này[5]. Các hoạt động tiến hành trong Vùng phải theo một kế hoạch làm việc chính thức và bằng văn bản, được lập ra theo đúng Phụ lục III và được Hội đồng chuẩn y, sau khi được Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật (LTC) xem xét. Trong trường hợp các hoạt động tiến hành trong Vùng theo giấy phép của ISA do các thực thể hay cá nhân nói ở điểm b khoản 2 thực hiện, kế hoạch làm việc mang hình thức của một hợp đồng, theo đúng Điều 3 của Phụ lục III.
Hợp đồng được ký kết giữa ISA và các thực thể hay cá nhân được nêu ở điểm b khoản 2 Điều 153 - người ký kết hợp đồng (gọi chung là nhà thầu được một quốc gia bảo trợ - nhà thầu) là cơ sở để nhà thầu tiến hành hoạt động thăm dò hoặc khai thác trong Vùng. ISA thay mặt cho toàn thể loài người tổ chức, thực hiện và kiểm soát các hợp đồng tiến hành trong Vùng theo đúng các quy định của Phần XI và Phụ lục liên quan cũng như các quy tắc, quy định và thủ tục của mình.
Nhà thầu được hưởng hai loại quyền chính theo chế độ của UNCLOS: (1) các quyền theo Hợp đồng thăm dò hoặc khai thác được ký kết với ISA, phù hợp với quy định của Công ước; và (2) các quyền theo pháp luật quốc tế thông thường liên quan đến việc bảo vệ đầu tư. Hai loại quyền này có mối quan hệ với nhau. Các quyền rõ ràng, cụ thể có trong hợp đồng được kết hợp và phản ánh một số tiêu chuẩn theo luật quốc tế thông thường; Luật quốc tế thông thường cũng cung cấp một nguồn bảo vệ độc lập từ luật kinh tế quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn pháp lý đã được thiết lập trong việc bảo vệ đầu tư nước ngoài (các nhà thầu có thể yêu cầu bảo vệ trong trường hợp quyền, lợi ích của mình bị xâm hại bởi ISA hoặc các quốc gia thành viên).
Bài viết này tập trung nghiên cứu các quyền của nhà thầu theo Hợp đồng thăm dò và khai thác tài nguyên của Vùng phù hợp với quy định của UNCLOS.
2. Quyền theo Hợp đồng thăm dò và khai thác
Theo quy định tại khoản 3 Điều 153 UNCLOS, các hoạt động tiến hành trong Vùng chỉ có thể được thực hiện theo một kế hoạch làm việc chính thức bằng văn bản, được thiết lập dưới hình thức hợp đồng giữa ISA và nhà thầu được bảo trợ. Hiện tại, các nhà thầu mới chỉ được ký hợp đồng thăm dò cho phép họ tiến hành các hoạt động thăm dò cần thiết trước khi bắt đầu khai thác[6]. Để bắt đầu sản xuất thương mại, các nhà thầu sẽ cần phải tìm kiếm và được cấp hợp đồng khai thác.
Các hợp đồng thiết lập mối quan hệ pháp lý trực tiếp giữa ISA và nhà thầu. Nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các nhà thầu khỏi sự xâm phạm và gián đoạn có thể xảy ra đối với DSM, trên cơ sở các quy định của UNCLOS, các điều khoản chuẩn của Hợp đồng thăm dò đã được ISA công bố (các chi tiết cụ thể của từng hợp đồng có thể khác nhau tùy thuộc vào các bên liên quan) quy định nhà thầu được hưởng 3 loại quyền sau:
- Quyền được bảo đảm về quyền sở hữu;
- Quyền đặc quyền thăm dò và khai thác;
- Quyền được bảo vệ khỏi những thay đổi quy định tùy tiện, không công bằng và thiếu thiện chí.
Thứ nhất, quyền được bảo đảm về quyền sở hữu
Được bảo đảm về quyền sở hữu cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ cho các quyền theo hợp đồng của các nhà thầu khai thác đáy biển quốc tế. Có thể lập luận rằng, ISA chỉ được phép đơn phương đình chỉ, chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng trong một số trường hợp hạn chế nhất định.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 153 UNCLOS, mọi hợp đồng được ký kết theo đúng khoản 3 đều trù định việc bảo đảm danh nghĩa. Do vậy, các quyền theo hợp đồng của người ký kết hợp đồng chỉ có thể bị đình chỉ hay chấm dứt trong các trường hợp sau: (i) Khi đã có những lời cảnh cáo của ISA, người ký hợp đồng vẫn tiến hành các hoạt động dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng, kéo dài và cố ý, đối với các điều khoản cơ bản của hợp đồng, đối với các quy tắc, quy định và thủ tục của ISA và đối với Phần XI, hoặc (ii) Khi người ký kết hợp đồng không tuân theo một quyết định dứt khoát và bắt buộc do cơ quan giải quyết các tranh chấp đề ra[7]. Theo ý kiến của một trong các bên, khi xảy ra hay có thể xảy ra các hoàn cảnh có tác dụng làm cho một hợp đồng trở nên không công bằng, hoặc gây tổn hại, hoặc ngăn cản việc thực hiện các mục tiêu được đề ra trong hợp đồng, hay trong Phần XI, các bên tiến hành các cuộc thương lượng nhằm xét lại hợp đồng theo hoàn cảnh mới. Một hợp đồng được ký kết theo đúng khoản 3 Điều 153 chỉ có thể được xét lại với sự thỏa thuận của các bên ký kết[8].
Trên cơ sở quy định của UNCLOS, các điều khoản của mẫu hợp đồng thăm dò của ISA (ISA Contract for Exploration - Public Information Template)[9] cũng xác định: nhà thầu sẽ được bảo đảm quyền sở hữu và Hợp đồng này sẽ không bị đình chỉ, chấm dứt hoặc sửa đổi (trừ khi theo các Mục 20, 21 và 24 của Hợp đồng này). Cụ thể:
- Trong trường hợp nhà thầu không tìm được nhà tài trợ khác đáp ứng các yêu cầu trong thời hạn quy định (do quốc tịch hoặc quyền kiểm soát của nhà thầu thay đổi hoặc quốc gia bảo trợ của nhà thầu chấm dứt bảo trợ) nhà thầu phải thông báo ngay cho ISA, hợp đồng này sẽ chấm dứt ngay lập tức.
- Hợp đồng có thể tạm dừng hoặc chấm dứt mà không ảnh hưởng đến bất kỳ quyền nào khác mà ISA có thể có, nếu bất kỳ sự kiện nào sau đây xảy ra: (a) Nếu, bất chấp các cảnh báo bằng văn bản của ISA, nhà thầu đã tiến hành các hoạt động của mình theo cách dẫn đến vi phạm nghiêm trọng, dai dẳng và cố ý các điều khoản cơ bản của hợp đồng này, Phần XI của Công ước, Thỏa thuận và các quy tắc, quy định và thủ tục của ISA; hoặc (b) Nếu nhà thầu không tuân thủ quyết định ràng buộc cuối cùng của cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng cho nhà thầu; hoặc (c) Nếu nhà thầu trở nên mất khả năng thanh toán hoặc thực hiện thủ tục phá sản hoặc tham gia vào bất kỳ thỏa thuận nào để hòa giải với các chủ nợ của mình cho dù bắt buộc hay tự nguyện.
- Hợp đồng có thể được sửa đổi, (i) Khi có những tình huống phát sinh hoặc có khả năng phát sinh mà theo ý kiến của ISA hoặc nhà thầu, sẽ khiến hợp đồng này trở nên bất công hoặc khiến việc đạt được các mục tiêu nêu trong hợp đồng này hoặc trong Phần XI của Công ước hoặc Thỏa thuận trở nên không khả thi hoặc không thể thực hiện được, các bên sẽ tiến hành đàm phán để sửa đổi hợp đồng cho phù hợp; (ii) Hợp đồng này cũng có thể được sửa đổi theo thỏa thuận giữa nhà thầu và ISA để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng bất kỳ quy tắc, quy định và thủ tục nào do ISA thông qua sau khi hợp đồng này có hiệu lực; (iii) Hợp đồng này chỉ có thể được sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi theo cách khác khi có sự đồng ý của nhà thầu và ISA bằng một văn bản thích hợp có chữ ký của đại diện được ủy quyền của các bên.
Thứ hai, quyền đặc quyền về thăm dò và khai thác
Theo quy định tại Điều 3 (4), Điều 10 và Điều 16 Phụ lục III UNCLOS, ISA, theo Phần XI và các quy tắc, quy định và thủ tục của mình, phải trao cho người khai thác đặc quyền thăm dò, khai thác một loại tài nguyên nhất định trong khu vực mà kế hoạch làm việc nhằm vào, luôn chú ý để không cho một thực thể hay một cá nhân nào khác tiến hành trong cùng khu vực nói trên các hoạt động nhằm vào một loại tài nguyên khác, một cách có thể gây trở ngại cho các hoạt động của người khai thác. Người khai thác được bảo đảm danh nghĩa theo đúng khoản 6 Điều 153.
Theo Mục 2 của mẫu hợp đồng thăm dò của ISA, (i) nhà thầu sẽ có quyền đặc quyền thăm dò các sulfua đa kim hoặc lớp vỏ ferromangan giàu coban trong khu vực thăm dò theo các điều khoản và điều kiện của hợp đồng này. ISA sẽ đảm bảo rằng không có thực thể nào khác (hoạt động trong khu vực thăm dò đối với một loại tài nguyên khác một cách có thể gây trở ngại cho hoạt động của nhà thầu) xâm phạm vào các quyền đó; (ii) nhà thầu, bằng thông báo gửi cho ISA, vào bất kỳ lúc nào cũng có thể từ bỏ tất cả hay một phần các quyền của mình đối với khu vực do kế hoạch làm việc nhằm vào mà không phải chịu phạt[10] (với điều kiện nhà thầu vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ phát sinh trước ngày từ bỏ đó đối với khu vực đã từ bỏ); và (iii) quyền của nhà thầu được quy định rõ ràng trong hợp đồng. ISA có quyền ký kết hợp đồng liên quan đến các nguồn tài nguyên khác ngoài vỏ coban với bên thứ ba trong khu vực được bao phủ bởi hợp đồng này.
Thứ ba, quyền được bảo vệ khỏi những thay đổi và quy định tùy tiện, không công bằng và thiếu thiện chí
ISA phải thông qua và áp dụng một cách thống nhất các quy tắc, quy định và thủ tục của mình; trong việc thi hành các quyền hạn và chức năng của mình đã được nêu trong Phần XI, phải tránh phân biệt đối xử và thực hiện chúng một cách thiện chí.[11]
Quyền sở hữu, quyền độc quyền và quyền ưu tiên là những thành phần quan trọng của khuôn khổ quản lý của UNCLOS, được nhắc lại trong Công ước cũng như các quy định về thăm dò của ISA. Chúng cho phép các nhà thầu được bảo trợ tham gia vào quá trình khai thác đáy biển sâu kéo dài và tốn kém quyền được đảm bảo chắc chắn về mặt pháp lý, về vốn đầu tư... Bên cạnh đó, quyền được bảo vệ khỏi hành vi quản lý tùy tiện đảm bảo rằng ISA không thể tự ý sửa đổi hợp đồng, áp dụng các quy định đã sửa đổi không phù hợp với hợp đồng mà không có sự đồng ý của nhà thầu hoặc phân biệt đối xử với nhà thầu trong quá trình thực hiện quyền hạn và chức năng của mình. Điều này có thể làm tăng sự tin cậy của nhà thầu đối với cơ quan quản lý quốc tế về đáy biển. Xét cho cùng, sự tham gia của nhà thầu là nền tảng của toàn bộ chế độ pháp lý DSM - nếu không có nó, ISA sẽ không còn lý do để tồn tại.
Tính đến nay, chưa có hoạt động khai thác thương mại chính thức nào diễn ra ở Vùng. Năm 2023, không thông qua được các quy định về khai thác DSM, ISA đã đặt ra mốc thời gian (mục tiêu) là năm 2025 để quyết định xem các quốc gia có được phép khai thác ở vùng đáy biển quốc tế hay không và khai thác như thế nào. Do lỗ hổng pháp lý kéo dài 2 năm, ISA có thể xem xét và phê duyệt tạm thời các hợp đồng khai thác khoáng sản do các nhà thầu đệ trình (quyền này đã được ISA công nhận tại Phần II Kỳ họp thứ 28). Việc trì hoãn thêm mốc thời gian để xây dựng và thông qua các quy định khai thác hoặc sự từ chối xem xét bất kỳ đơn nào được nộp đều có thể dẫn đến các vi phạm một cách rõ ràng đối với các quyền của nhà thầu. Trong trường hợp như vậy, nhà thầu có thể sử dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc của UNCLOS để tìm kiếm các biện pháp phù hợp cho việc thực thi các quyền của mình, như yêu cầu ISA và các quốc gia thành viên tuân thủ các nghĩa vụ của họ theo Công ước hoặc thay vào đó là bồi thường bằng tiền cho các chi phí đã mất và lợi nhuận bị mất của họ.
3. Kết luận
Khi ISA hoàn thiện được khung pháp lý toàn diện để bảo đảm các hoạt động khai thác đáy đại dương được thực hiện một cách có trách nhiệm và bền vững theo đúng các quy định của UNCLOS, dựa trên cơ sở khoa học và được hỗ trợ bởi một chế độ quản lý hiệu quả, đảm bảo bảo vệ và bảo tồn hiệu quả môi trường biển khỏi những tác động có hại có thể phát sinh từ các hoạt động trong Vùng[12], DSM có tiềm năng đóng góp vào việc hiện thực hóa Mục tiêu Phát triển bền vững 14[13], đặc biệt là đối với các quốc gia không có biển, quốc gia bất lợi về mặt địa lý và các quốc đảo nhỏ đang phát triển phụ thuộc nhiều vào đại dương và các nguồn tài nguyên của đại dương để phát triển kinh tế[14].
Các nhà thầu đã đầu tư nguồn lực một cách đáng kể vào việc chuẩn bị thực hiện các hoạt động thương mại trong Vùng trong nhiều thập kỷ. Họ đã tiến hành các hoạt động thăm dò quy mô lớn, thu thập dữ liệu cơ sở môi trường và thông tin địa chất quan trọng, thử nghiệm thiết bị khai thác thương mại trong Vùng theo các quy định thăm dò do ISA ban hành. Hiểu được các quyền của nhà thầu và cách thực thi các quyền này sẽ là chìa khóa để bảo vệ và hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của các khoản đầu tư của họ vào hoạt động khai thác đáy biển sâu trong tương lai.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Điều 1(1) và Điều 136 Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
[2] https://www.isa.org.jm/exploration-contracts/exploration-areas/
[3] Khu vực Clarion-Clipperton (CCZ) ở Thái Bình Dương có trữ lượng lớn nhất thế giới về các nốt đa kim, bao phủ một khu vực có diện tích xấp xỉ bằng châu Âu, có thể chứa khoảng 340 triệu tấn niken. Cho đến nay, ISA đã cấp 12 giấy phép thăm dò cho CCZ. Việc chỉ định các khu vực được bảo tồn và các khu vực có lợi ích môi trường đặc biệt (APEI) đã diễn ra.
Truy cập tại: https://oceanfdn.org/deep-seabed-mining/#introduction và https://worldoceanreview.com/en/wor-3/environment-and-law/international-commitments/
[4] Điều 137(2) và Điều 157(1) UNCLOS.
[5] Theo đúng điểm b khoản 2 Điều 153 và đã thoả mãn các điều kiện được quy định ở khoản 6 Điều 4 và khoản 2 Điều 13 của Phụ lục III UNCLOS.
[6] Cho đến nay, ISA đã ký kết các hợp đồng 15 năm để thăm dò các nốt đa kim (PMN), sunfua đa kim (PMS) và lớp vỏ ferromanganese giàu coban (CFC) dưới đáy đại dương với 22 nhà thầu. Trong đó: 19 hợp đồng dành cho việc thăm dò các nốt đa kim ở vùng đứt gãy Clarion-Clipperton, lưu vực Trung Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương; 7 hợp đồng thăm dò sunfua đa kim ở sống núi Tây Nam Ấn Độ, sống núi Trung tâm Ấn Độ và sống núi Trung Đại Tây Dương và 5 hợp đồng thăm dò lớp vỏ giàu coban ở Tây Thái Bình Dương. Truy cập tại: https://www.isa.org.jm/exploration-contracts/.
[7] Điều 18 Phụ lục III UNCLOS.
[8] Điều 19 Phụ lục III UNCLOS.
[9] https://www.isa.org.jm/wp-content/uploads/2022/10/Public-information-on-contracts-COMRA_CFC.pdf
[10] Tương tự quy định tại mục e khoản 2 Điều 17 Phụ lục III UNCLOS.
[11] Điều 6, Điều 17 và Điều 22 Phụ lục III UNCLOS.
[12] Dựa trên UNCLOS, Phần XI và Thỏa thuận năm 1994, ISA đã xây dựng các điều khoản, quy định và khuyến nghị chi tiết và có nội dung liên quan đến việc đánh giá các tác động môi trường có thể phát sinh từ hoạt động thăm dò khoáng sản trong Vùng, trong đó xác định loại hoạt động cần đánh giá tác động môi trường (EIA), hình thức và nội dung của các EIA đó khi cần thiết, cũng như hướng dẫn về các nghiên cứu cơ sở, giám sát và báo cáo. Hướng dẫn này ( ISBA/25/LTC/6 ) đề cập đến các tác động đến đa dạng sinh học biển trên đáy biển và trong cột nước phía trên đáy biển. ISA cũng đang soạn thảo dự thảo quy định ( ISBA/25/C/WP.1 ) về khai thác tài nguyên khoáng sản trong Vùng, bao gồm các điều khoản chi tiết và phức tạp liên quan đến EIA. Các quy định này sẽ được bổ sung bằng một bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn về môi trường. Truy cập tại: https://www.isa.org.jm/protection-of-the-marine-environment/environmental-impact-assessments/
[13] Tại Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc năm 2017 ở New York, ISA đã công bố 7 Cam kết tự nguyện nhằm thúc đẩy Mục tiêu Phát triển bền vững số 14: bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển để phát triển bền vững. Truy cập tại: https://www.isa.org.jm/isa-voluntary-commitments/
[14] Biên niên sử Liên hợp quốc. Truy cập tại: https://www.un.org/en/chronicle/article/international-seabed-authority-and-deep-seabed-mining
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
United Nations Convention on the Law of the Sea 1982. Available at: https://www.un.org/depts/los/convention_agreements/texts/unclos/unclos_e.pdf
Michael W Lodge (2020). International Seabed Authority (ISA), Max Planck Encyclopedias of International Law [MPIL], Oxford Public International Law.
N Craik (2020), Implementing adaptive management in deep seabed mining: Legal and institutional challenges, Marine Policy 5–6, The International Journal of Marine and Coastal Law.
Linlin Sun (2017). Dispute Settlement relating to Deep Seabed Mining: A Participant's Perspective, 18(1) Melbourne Journal of International Law.
Alberto Pecoraro (2022). The Regulatory powers of the International Seabed Authority: Security of tenure and its limits, Ocean Development & International Law, 53.
THE RIGHTS OF SPONSORED CONTRACTORS UNDER THE DEEP SEABED MINING PROVISIONS OF UNCLOS 1982
DAO THI THU HUONG
University of Law, Vietnam National University, Hanoi (VNU)
ABSTRACT:
Abstract:
Contractors play an essential role in the international legal framework governing the exploration and exploitation of deep-sea resources beyond national jurisdiction. Through significant investment in capital, technology, and expertise, they contribute to the development of these critical mineral resources. Contractors are granted a range of rights under the United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS) and international law. This study examines the position of contractors and analyzes the rights conferred upon them under UNCLOS in conducting activities in the Area.Keywords: Contractors, deep seabed mining (DSM), International Seabed Authority (ISA).
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13/2025]