Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Hậu Giang

PGS. TS. NGUYỄN HỒNG HÀ (Phó trưởng Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Trà Vinh) - TRƯƠNG THỊ NGỌC (Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Hậu Giang)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh doanh của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Hậu Giang (Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang) bằng phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp từ Phòng Kinh doanh tại Quỹ ĐTPT Hậu Giang giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, thu thập dữ liệu sơ cấp 50 mẫu, bao gồm cán bộ nhân viên của Quỹ, khách hàng đang giao dịch; nhóm tác giả sử dụng phương pháp thống kê, mô tả, so sánh, phân tích đánh giá. Kết quả nghiên cứu đã đánh giá được thực trạng kinh doanh tại Quỹ ĐTPT Hậu Giang thời gian qua và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh đối với Quỹ Hậu Giang tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.

Từ khóa: hiệu quả kinh doanh, Quỹ Đầu tư phát triển, tỉnh Hậu Giang.

1. Đặt vấn đề

Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang được thành lập tại Quyết định số 1569/QĐ-UBND ngày 30 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang. Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang là một tổ chức tài chính nhà nước của tỉnh, thực hiện chức năng đầu tư tài chính và đầu tư phát triển; Quỹ có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối kế toán riêng, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Phạm vi hoạt động của Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang như huy động vốn trung, dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; đầu tư, bao gồm đầu tư trực tiếp vào các dự án; cho vay đầu tư;góp vốn thành lập doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ủy thác cho vay đầu tư, thu hồi nợ; nhận ủy thác quản lý nguồn vốn đầu tư, cho vay đầu tư, thu hồi nợ, cấp phát vốn đầu tư, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn cho ngân sách địa phương theo ủy quyền của UBND tỉnh.

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2017, hoạt động của Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang thực hiện trực tiếp được một dự án Khu đô thị Nguyễn Huệ (Giai đoạn I) tại thị xã Ngã Bảy, diện tích 4,6ha, và hoàn thành trong năm 2017, lợi nhuận thu về 14,5 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đầu tư đến ngày 31 tháng 12 năm 2017 là 36,20 tỷ đồng. Giai đoạn từ năm 2018 đến 2020, Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang đã tiến hành đầu tư trực tiếp dự án: Khu đô thị Nguyễn Huệ (Giai đoạn II) tại thị xã Ngã Bảy, diện tích 5,6ha; lập thủ tục và tiến hành đầu tư dự án dự án Khu dân cư nông thôn mới Đại Thành, thị xã Ngã Bảy và Dự án: Khu Đô thị mới Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ. Bên cạnh đó, Quỹ cũng phải đầu tư hạ tầng theo chủ trương của tỉnh để nâng cấp thành phố Vị Thanh từ đô thị loại III lên loại II, nâng thị xã Long Mỹ và thị xã Ngã Bảy đạt đô thị loại III. Trong từng thời điểm, căn cứ vào khả năng nguồn lực, Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang trình cấp thẩm quyền quyết định đánh giá khả thi, đầu tư từng dự án theo quy chế tổ chức hoạt động.

Từ các vấn đề trên, cho thấy, Quỹ ĐTPT là một tổ chức tài chính nhà nước của địa phương, góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp, thực hiện đầu tư trực tiếp các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Chính vì vậy, hiệu quả hoạt động của Quỹ ĐTPT có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời điểm hiện nay.

2. Phân tích thực trạng hoạt động kinh doanh của Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020

2.1. Tình hình kinh doanh của Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang

Bảng 1. Kết quả hoạt động kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020

ĐVT: Triệu đồng

Kết quả hoạt động kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020

Nguồn: Báo cáo tài chính của Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang (2016 - 2020)

Bảng 1 cho thấy chi tiết hơn về kết quả hoạt động kinh doanh của Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua (2016-2020). Phân tích từ Bảng cho thấy, kết quả hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp của Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả rất cao. Cụ thể, giai đoạn năm 2017 doanh thu đạt được khoảng hơn 63,5 tỷ đồng, chi phí hoạt động với mức khoảng 46 tỷ đồng, vì vậy lợi nhuận cuối năm đạt 17,604 tỷ đồng. Nguyên nhân phần lớn nguồn thu của năm được hình thành bởi việc khai thác tốt sản phẩm đầu ra của dự án Khu đô thị Nguyễn Huệ (giai đoạn 1), thị xã Ngã Bảy (59,4 tỷ đồng), đồng thời duy trì dư nợ cho vay đã đem đến doanh thu từ cho vay không giảm so với năm 2016, (ở mức 2,1 tỷ đồng).

Năm 2018, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án Nguyễn Huệ (giai đoạn 1), Quỹ đã tiếp tục đầu tư và khai thác thêm dự án Khu đô thị Nguyễn Huệ (giai đoạn 2), tình hình hoạt động tiếp tục có tiến triển tốt hơn đem lại lợi nhuận lớn, doanh thu trong năm đạt được là hơn 60,3 tỷ đồng và chi phí hoạt động chỉ hơn 31 tỷ đồng, vì vậy lợi nhuận đạt được là gần 29 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Quỹ tiếp tục khai thác lợi thế về đầu tư dự án, trong năm sản phẩm bán ra thu về doanh thu hơn 55,6 tỷ đồng, trong khi đó chi phí của sản phẩm khai thác này chỉ 24,7 tỷ đồng.

Đến năm 2019, là giai đoạn đỉnh điểm của việc khai thác các sản phẩm của dự án đầu tư trực tiếp, cụ thể là đấu giá bán các thành phẩm thuộc dự án Khu đô thị Nguyễn Huệ (giai đoạn 2) thu về khoản doanh thu hơn 95 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí của các sản phẩm này là hơn 53 tỷ đồng, doanh thu từ cho vay và doanh thu từ các nghiệp vụ khác vẫn duy trì, từ đó nâng lợi nhuận hơn 42,3 tỷ đồng. Đến năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, Quỹ tổ chức đấu giá bán các thành phẩm thuộc dự án Khu đô thị Nguyễn Huệ (giai đoạn 2) không thu lại doanh thu khả quan do các nhà đầu tư ngại tham gia. Cụ thể doanh thu thu về chỉ được 11,589 tỷ đồng, trong khi đó chi phí của các sản phẩm này là 8,703 và lợi nhuận chỉ còn 2,886 tỷ đồng.

Bảng 2. Tổng nguồn vốn cho vay giai đoạn 2016 - 2020

ĐVT: Triệu đồng

Tổng nguồn vốn cho vay giai đoạn 2016 - 2020

Nguồn: Phòng TCKT-QLV của Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang

Trong thời gian qua, Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang tập chung cho vay đầu tư theo định hướng chiến lược kinh doanh và lĩnh vực cho phép của Nghị định số 37/2013/NĐ-CP và các lĩnh vực khác do UBND tỉnh quy định. Đồng thời, Quỹ cũng chú trọng đầu tư nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án cho vay đầu tư, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của Quỹ. Chú trọng hơn trong công tác thẩm định, thực hiện có hiệu quả, rút ngắn thời gian, hạn chế rủi ro trong công tác cho vay, đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng vốn.

Thông qua cho vay các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp công nghệ cao,… Quỹ đã từng bước tăng dư nợ các năm như năm 2016 là 49.411 triệu đồng, đến năm 2020 dư nợ cho vay đã tăng lên 56.515 triệu đồng.

Chênh lệch thu chi sau thuế qua các năm đều tăng và năm sau tăng cao hơn năm trước, điều này cho thấy hiệu quả hoạt động của Quỹ 5 năm gần đây rất tốt. Nếu như năm 2017 lợi nhuận là 14.579 tỷ đồng thì đến năm 2018 lợi nhuận tăng lên 23.074 tỷ đồng (tăng 158% so với năm 2017) và đến năm 2019 lợi nhuận đạt 33.890 triệu đồng (tăng 146% so với năm 2018). Riêng năm 2020 doanh thu của Quỹ bị giảm mạnh do tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến các khách hàng của Quỹ.

Bảng 3. Chênh lệch thu chi sau thuế giai đoạn 2016 - 2020

ĐVT: Triệu đồng

Chênh lệch thu chi sau thuế giai đoạn 2016 - 2020

Nguồn: Phòng TCKT-QLV của Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang

2.2. Những khó khăn, tồn tại trong hoạt động kinh doanh của Quỹ ĐTPT tỉnh Hâu Giang

Một là, hành lang pháp lý của Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang tuy đã đầy đủ, rõ ràng nhưng chưa đồng bộ dẫn đến một số dự án cho vay đầu tư không đáp ứng đầy đủ yêu cầu mà Quỹ quy định. Bên cạnh đó, Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang chưa có bộ phận pháp chế chuyên biệt dùng để nghiên cứu và hỗ trợ về pháp lý cho các cán bộ nghiệp vụ, dẫn đến việc mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu khi có một trường hợp vay vốn đầu tư mới.

Hai là, về nhiệm vụ huy động vốn: Nghị định số 138/2007/NĐ-CP cho phép Quỹ ĐTPT địa phương được huy động vốn dưới các hình thức như phát hành trái phiếu Quỹ, vay vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước, việc vay vốn nước ngoài thực hiện theo quy định về vay nợ nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay, Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang cho vay kỳ hạn trung, dài hạn với lãi suất thấp hơn thị trường (lãi suất hiện nay là 6,5%/năm). Trong trường hợp Quỹ huy động với lãi suất cao thì hoạt động của Quỹ không hiệu quả. Vì vậy, để đảm bảo nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư của mình, việc huy động vốn của các Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang là một điều kiện tiên quyết. Nhưng hiện nay, Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang không triển khai hoạt động phát hành trái phiếu Quỹ.

Ba là, về đối tượng, lĩnh vực đầu tư của Quỹ: Hiện nay, Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang đang cho vay đầu tư, đầu tư trực tiếp, góp vốn theo danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ưu tiên phát triển của địa phương do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong thực tế, một số đối tượng, lĩnh vực đầu tư mặc dù không nằm trong lĩnh vực này nhưng rất cần thiết với thực tế và nhu cầu đầu tư của địa phương song Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang lại không thể tham gia đầu tư hoặc góp vốn, điều này ảnh hưởng đến khả năng sử dụng vốn của Quỹ.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang

3.1. Giải pháp tăng trưởng tín dụng

Hợp vốn đầu tư: Với hình thức này, Quỹ ĐTPT sẽ lựa chọn các dự án trọng điểm và chuẩn bị các khâu ban đầu trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Sau khi thủ tục ban đầu đã hoàn tất, Quỹ sẽ tiến hành kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đến để đầu tư bằng các hình thức như: chuyển nhượng dự án, cùng hợp vốn để đầu tư dự án,… Đây cũng là một hình thức đầu tư có thể làm giảm gánh nặng nguồn vốn tự có. Ưu điểm của hình thức này là có thể kêu gọi và thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài địa bàn tỉnh vào đầu tư.

Cho vay các dự án đầu tư: Chủ động đẩy mạnh công tác tiếp xúc, tìm kiếm dự án đầu tư, cho vay hiệu quả các dự án, hướng dẫn, vận động các nhà đầu tư vay vốn tại Quỹ. Hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt cần thay đổi tư duy và cách thức phục vụ thị trường của cán bộ, người lao động để nâng tầm ảnh hưởng và nâng cao vị thế cũng như uy tín trên thị trường. Do đó, hiện tại, nhân sự có trình độ cao của Quỹ ĐTPT có thể thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho Quỹ ĐTPT Hậu Giang trong thời gian tới.

Thực hiện đầu tư trực tiếp: Ngoài việc kêu gọi các nhà đầu tư để hợp vốn đầu tư, cho vay đầu tư,… Quỹ ĐTPT Hậu Giang cần phải thực hiện một số dự án đầu tư trực tiếp trọng điểm, để tạo ra nguồn thu cho đơn vị và góp phần thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ kinh tế xã hội của tỉnh. Với sự hỗ trợ của tỉnh và nguồn lực hiện có của Quỹ có thể thực hiện được một vài dự án hiện tại và hoạch định trong tương lai.

3.2. Giải pháp khác biệt hóa sản phẩm

Trên cơ sở đẩy mạnh hoạt động đầu tư trực tiếp, Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang cần tăng cường quy hoạch và lập một số dự án mang tính khác biệt như dự án liên quan đến tiêu thụ và sản xuất nông sản dựa trên nguồn nguyên liệu trong tỉnh, những dự án du lịch sinh thái mang tính cộng đồng,... Qua đó, Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang có thể kêu gọi nhà đầu tư hoặc dựa trên nguồn lực của đơn vị xem xét tính khả thi của từng dự án và mức độ phù hợp với nguồn lực nội tại của Quỹ. Từ đó, Quỹ đưa ra quyết định đầu tư trực tiếp hay góp vốn với nhà đầu tư khác hoặc xin dự án sẵn và kêu gọi nhà đầu tư vào thực hiện dự án. Như vậy trên tinh thần hỗ trợ về tư vấn, thủ tục hành chính, Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang cho vay vốn thực hiện dự án nhằm mang lại lợi ích cho địa phương như giải quyết được việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho tỉnh. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư hợp tác với Quỹ ĐTPT trên tinh thần đôi bên cùng có lợi, như vay vốn của Quỹ ĐTPT để hỗ trợ cho việc thực hiện dự án.

3.3. Giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn huy động

Trước hết cần chú trọng thay đổi cơ cấu nguồn vốn, chủ động đề xuất với UBND tỉnh tăng cường năng lực tài chính cho Quỹ thông qua việc tập trung các nguồn lực của địa phương mang tính bền vững và dài hạn như bổ sung vốn từ nguồn ngân sách địa phương, tiếp nhận vốn từ việc hợp nhất các quỹ tài chính có cùng mục tiêu hoạt động phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhằm nâng cao tính thanh khoản và cân đối nguồn vốn cho vay, đầu tư trung và dài hạn tại Quỹ. Từ đó, giúp nâng cao năng lực tài chính và năng lực hoạt động để tiếp cận nguồn vốn ODA cho vay lại của Chính phủ.

Mặt khác, trên tinh thần thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp, kêu gọi nhà đầu tư về thực hiện đầu tư trong tỉnh và cho vay đầu tư thực hiện các dự án, mở rộng các sản phẩm cho vay, tăng cường thu hồi nợ quá hạn,... Quỹ ĐTPT thúc đẩy hoạt động cho vay đầu tư, thực hiện đầu tư nhằm khai thác tối đa nguồn vốn hiện có góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo nguồn thu cho đơn vị nhằm cải thiện tình hình hoạt động kém hiệu quả trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cần khai thác và sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả như ngoài việc cho vay đầu tư và đầu tư trực tiếp, Quỹ phải gửi một phần vốn nhàn rỗi nếu có vào các tổ chức tín dụng khác nhằm tạo ra nguồn thu khác cho đơn vị góp phần làm giảm chi phí sử dụng vốn. Qua đó, dần dần cải thiện được tình hình kết quả hoạt động kinh doanh yếu kém, khắc phục được những điểm yếu của đơn vị, phát triển được vị thế, uy tín trên thị trường.

3.4. Giải pháp phát triển khoa học công nghệ

Sử dụng các cơ chế ưu đãi của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn mà cụ thể là ngân sách dành cho việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để áp dụng cho các sản phẩm nông nghiệp mà Hậu Giang có thế mạnh. Với điều kiện thuận lợi này, Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang cần thành lập các dự án chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ để triển khai trong việc trồng trọt, chăn nuôi các sản phẩm nông nghiệp mà tỉnh có thế mạnh đến các nông hộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Bên cạnh đó, Quỹ cần lập các dự án nghiên cứu để tìm các giống mới, cách thức sản xuất mới nhằm đạt năng suất cao hơn. Một vấn đề quan trọng nữa là đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho nông sản. Quỹ cần tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức tài chính quốc tế vốn rất quan tâm và có sự ưu đãi đối với các dự án liên quan đến việc cải thiện thu nhập và chất lượng sống của nông dân để huy động vốn.

3.5. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Đó là cần tăng cường công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Quỹ, sắp xếp và bố trí nhân lực hợp lý với quy trình làm việc giữa các phòng, ban. Thường xuyên mở các khóa tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên và lãnh đạo đơn vị, đồng thời học hỏi kinh nghiệm hoạt động từ các Quỹ ĐTPT địa phương khác. Bên cạnh đó, Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang cần đầu tư phát triển và ứng dụng tối đa công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ của Quỹ. Đặc biệt, cần thành lập bộ phận nghiên cứu phát triển sản phẩm, tăng cường tiếp thị tìm kiếm khách hàng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang.

Tóm lại, Quỹ ĐTPT tỉnh Hậu Giang cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ Quỹ trong dài hạn và có hệ thống. Cần có kế hoạch xây dựng cơ chế thu hút những cán bộ trẻ có năng lực, làm việc có tính chuyên nghiệp để thực hiện tốt các công việc ngày càng đa dạng của Quỹ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2020). Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương.
  2. Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Hậu Giang (2016-2020). Báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ các năm 2016-2020.
  3. Nguyễn Quốc Tuấn (2010), Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Tiền Giang, luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  4. Nguyễn Việt Hùng (2008). Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
  5. Phạm Anh Dũng (2008). Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Học viện Tài chính.
  6. Trần Quốc Hiệp (2015). Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Hậu Giang. Luận văn Thạc Sĩ, Trường Đại học Trà Vinh.
  7. Tô Ngọc Hưng (2012). Phát triển bền vững ngân hàng thương mại Việt Nam. Truy cập tại http://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-ngan-hang-ben-vung-tai-viet-nam.htm

IMPROVING THE PERFORMANCE OF HAU GIANG PROVINCE

INVESTMENT AND DEVELOPMENT FUND 

• Assoc.Prof.Ph.D NGUYEN HONG HA1

•TRUONG THI NGOC2

1Vice Dean, Faculty of Economics and Law, Tra Vinh University

2Hau Giang Province Investment and Development Fund

ABSTRACT:

This research is to improve the business performance of Hau Giang Province Investment and Development Fund by analyzing secondary data which was collected from the Fund’s Sales Department over the period 2016 to 2020. This research also analyzed 50 primary data samples collected from the Funds staff and customers. In this research, statistical, descriptive, comparative, analytical and evaluation methods were used. The research assessed the performance of Hau Giang Province Development Investment Fund and found out the factors affecting the Funds performance. Based on the researchs findings, som solutions are proposed to improve the performance of Hau Giang Province Investment and Development Fund in the coming time.

Keywords: business performance, Investment and Development Fund, Hau Giang Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]