TÓM TẮT:
Trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới, sự cạnh tranh về các lĩnh vực dịch vụ, trong đó có dịch vụ hàng không mà Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cung ứng đang ngày càng trở nên gay gắt. Sự cạnh tranh đó buộc các nhà quản lý phải tìm kiếm và áp dụng các biện pháp không ngừng nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh doanh của mình.
Nghiên cứu hệ thống hóa cơ sở lý luận về hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của ACV trong giai đoạn 2016 – 2019, từ đó rút ra được những điểm mạnh, cũng như những hạn chế còn tồn tại. Nhóm tác giả cũng đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của ACV bao gồm: (1) Nâng cao doanh thu; (2) Cải tiến về cơ cấu, chính sách quản lý nguồn nhân lực; và (3) Giải pháp bổ trợ khác.
Từ khóa: Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, ACV, hiệu quả kinh doanh.
1. Đặt vấn đề
Năng lực cạnh tranh của ACV được đặt trong môi trường hoạt động chung của toàn bộ nền kinh tế. Như vậy, năng lực cạnh tranh trước hết phụ thuộc vào sản xuất kinh doanh và hiệu quả hoạt động của ACV, của ngành Hàng không và môi trường đầu tư kinh doanh của quốc gia với các yếu tố quan trọng như định hướng kinh tế vĩ mô và hệ thống pháp luật, pháp quy và chính sách của Nhà nước về các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, cải cách doanh nghiệp, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ.
Mặc dù đã trải qua 34 năm kể từ khi đổi mới, sự phát triển về dịch vụ và năng lực cạnh tranh của ACV vẫn chưa xứng với tiềm năng, còn thua kém so với các cảng hàng không trong khu vực. Một trong những nguyên nhân là do chất lượng dịch vụ còn hạn chế, môi trường phát triển dịch vụ hàng không chưa thực sự có tính cạnh tranh.
Từ thực tế đó, nhóm tác giả nhận thấy việc thúc đẩy phát triển nâng cao hiệu quả kinh doanh và tiếp tục giữ vững vị trí, vai trò của ACV là doanh nghiệp nhà nước có vị trí chủ đạo trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quản lý khai thác cảng hàng không sân bay của Việt Nam, là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển các lĩnh vực giao thông vận tải khác và các quy hoạch có liên quan, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.
2. Cơ sở lý luận về cổ phần hóa
2.1. Khái niệm
- Theo Đỗ Hoàng Toàn (1994): “Hiệu quả kinh doanh là chỉ tiêu KT - XH tổng hợp để lựa chọn các phương án hoặc các quyết định trong quá trình hoạt động thực tiễn ở mọi lĩnh vực kinh doanh và tại mọi thời điểm. Bất kỳ các quyết định cần đạt được phương án tốt nhất trong điều kiện cho phép, giải pháp thực hiện có tính cân nhắc, tính toán chính xác phù hợp với sự tất yếu của quy luật khách quan trong từng điều kiện cụ thể”.
- Theo Nguyễn Văn Công (2009): “Hiệu quả kinh doanh là một phạm trù kinh tế, phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp để đạt kết quả cao nhất trong kinh doanh với chi phí thấp nhất”. Theo quan điểm này, hiệu quả kinh doanh khác với kết quả kinh doanh và có mối quan hệ chặt chẽ với kết quả kinh doanh.
2.2. Vai trò nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh
- Hiệu quả hoạt động kinh doanh là mục tiêu của doanh nghiệp.
- Hoạt động kinh doanh là động lực phát triển đối với toàn bộ nền kinh tế.
- Nâng cao hiệu quả kinh doanh là yếu tố cơ bản thúc đẩy sự cạnh tranh và tiến bộ trong kinh doanh.
- Việc nâng cao hiệu quả kinh doanh chính là nhân tố cơ bản tạo ra sự thắng lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh trên thị trường.
3. Thực trạng nâng cao hiệu quả kinh doanh của ACV
3.1. Phân tích thực trạng về nội dung nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của ACV
3.1.1. Nâng cao doanh thu
Doanh thu của ACV đến từ 2 nguồn chính là:
- Dịch vụ hàng không bao gồm dịch vụ khai thác nhà ga hành khách, dịch vụ khai thác khu bay, dịch vụ khai thác nhà ga, kho hàng hóa, dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không.
- Dịch vụ phi hành không: Dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách, cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa, dịch vụ cơ bản thiết yếu tại nhà ga hành khách.
Chính vì vậy, để nâng cao doanh thu, ACV đã chú trọng vào 2 hoạt động:
- Nâng cao doanh thu dịch vụ hàng không: Thực hiện các dự án đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng hạ tầng, điều chỉnh dây chuyền khai thác để đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không.
- Nâng cao doanh thu dịch vụ phi hàng không: Cho thuê mặt bằng tại các nhà ga hành khách cho các đơn vị nhượng quyền kinh doanh dịch vụ hoặc trực tiếp thực hiện cung cấp các dịch vụ cơ bản thiết yếu.
3.1.2. Tiết kiệm chi phí
Để tiết kiệm chi phí cho công ty, ACV thực hiện quản lý quán triệt việc sử dụng tiết kiệm nguồn nguyên vật liệu, thay thế các nguồn năng lượng sạch quá trình hoạt động để giảm thiểu chi phí. Cụ thể, ACV đã áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng tại tất cả các chi nhánh trực thuộc ACV như thực hiện các phương án tiết kiệm năng lượng, sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế năng lượng truyền thống để giảm thiểu chi phí. Ngoài ra, doanh nghiệp còn giảm đầu tư các dự án không cần thiết để tiết kiệm chi phí đối với những thiệt hại do chịu ảnh hưởng dịch Covid 19.
3.1.3. Sử dụng vốn có hiệu quả
- Thực hiện vay vốn các đối tác chiến lược
Bảng 1. Tình hình nợ phải trả của ACV giai đoạn 2016 – 2019
Nguồn: Báo cáo thường niên ACV
Để sử dụng vốn có hiệu quả, ACV đã lựa chọn các đối tác ngân hàng chiến lược để tối đa hóa các nguồn vốn vay, bên cạnh sử dụng các khoản vay ODA để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất như một cách để tiết kiệm các nguồn vốn của mình. Khoản vay này chủ yếu là khoản vay ODA bằng đồng Yên Nhật để xây dựng các nhà ga tại cảng hàng không.
- Hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân
Mở rộng cho tư nhân đầu tư vào xây dựng sân bay như đối với dự án sân bay Vân Đồn và dự án sân bay Long Thành.
3.1.4. Cải tiến về cơ cấu, chính sách, quản lý nguồn nhân lực
- Xây dựng, thực hiện các chính sách nguồn nhân lực
+ Thực hiện tổ chức hội nghị người lao động, tăng cường sự hiểu biết, hợp tác giữa người lao động và người sử dụng lao động; bảo đảm việc thực hiện đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm hai bên.
+ Thực hiện các chế độ, chính sách chăm lo, đảm bảo người lao động yên tâm công tác, nâng cao năng suất lao động.
+ Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.
- Kiện toàn bộ máy
+ Sáp nhật một số đơn vị để tinh gọn bộ máy quản lý
+ Thành lập Ban Kế hoạch, Ban Kinh doanh - Phát triển thị trường
- Đào tạo nguồn nhân lực
Theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, các chức danh nhân viên hàng không được công ty cho tham dự học các khóa đào tạo cơ bản. Tùy thuộc vào nhóm chức danh, nhân viên hàng không sẽ được huấn luyện định kỳ 2 hoặc 3 năm một lần.
Ngoài ra, ACV cũng tổ chức các khóa học để cập nhật, nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, kỹ năng mềm như: Bồi dưỡng nghiệp vụ quản trị hành chính văn phòng; quản trị hệ thống mạng MCSA Windowns Server 2016, Quản trị mạng CCNA, bảo mật mạng Checkpoint CCSA, an ninh mạng căn bản; tìm kiếm cứu nạn đường hàng không; bồi dưỡng nghiệp vụ về lao động tiền lương, bảo hiểm; kỹ thuật điều tra tai nạn tàu bay; các giải pháp công nghệ mới và chỉ dẫn xử lý kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; lập kế hoạch và quản lý công việc khoa học, hiệu quả; kỹ năng hướng dẫn, kèm cặp nhân viên dành cho cán bộ quản lý; nghiệp vụ đấu thầu.
3.1.5. Gia tăng mức độ nhận biết thương hiệu
Hàng năm, ACV trích một số nguồn tài chính để thực hiện những hoạt động vì cộng đồng hướng đến việc hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, tri ân các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, trợ cấp các đối tượng chính sách và trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.
Bảng 2. Các hoạt động hỗ trợ vì cộng đồng của ACV giai đoạn 2016 - 2019
ĐVT: Triệu đồng
Nguồn: Báo cáo thường niên của ACV
Ngoài ra, việc ACV luôn chú trọng vào đầu tư mở rộng, nâng công suất phục vụ hành khách tại các CHK, cải tiến chất lượng dịch vụ như nâng cấp phòng chờ, cung cấp dịch vụ ca bin ngủ, khu vui chơi trẻ em,… đã khiến cho các doanh nghiệp luôn muốn trở thành đối tác chiến lược của ACV.
3.2. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ACV
- Môi trường bên ngoài
+ Nhân tố pháp luật, chính trị
+ Nhân tố về kinh tế: Tỷ lệ lạm phát và tốc độ tăng trưởng GDP; xu thế phát triển hàng không trong nước và quốc tế
+ Nhân tố văn hóa, xã hội, địa lý và nhân khẩu
- Môi trường bên trong
+ Nguồn nhân lực
+ Nhân tố sản phẩm thay thế
+ Nhân tố khoa học công nghệ
+ Nhân tố giá cả
+ Nhân tố cơ sở vật chất, kỹ thuật
3.3. Phân tích các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của ACV
3.3.1. Nhóm chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tổng hợp
Bảng 3. Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả chi phí của ACV giai đoạn 2016 – 2019
Nguồn: Báo cáo thường niên của ACV
Qua Bảng 3, HĐKD của ACV ngày càng có hiệu quả thông qua việc các chỉ số về lợi nhuận. Lợi nhuận giai đoạn qua luôn dương và tăng mạnh theo từng năm, tăng bình quân 48,44%/năm. Trong đó, lợi nhuận chủ yếu là từ hoạt động kinh doanh của công ty chiếm 99,62%, còn lại lợi nhuận từ các hoạt động khác.
3.3.2. Nhóm chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính
Bảng 4. Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính của ACV
giai đoạn 2016 – 2019
Nguồn: Báo cáo chiến lược kinh doanh ACV
Hoạt động kinh doanh của ACV luôn đạt lợi nhuận cao và tăng trưởng đều qua các năm trong giai đoạn 2016 – 2019. Dòng tiền tích lũy luôn duy trì ổn định, đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng CHK, SB.
4. Đánh giá thực trạng hiệu quả kinh doanh của ACV
4.1. Những thành quả đạt được
- Nâng cao doanh thu:
Đầu tư nâng cấp, mở rộng các dự án quan trọng, nâng cao chất lượng dịch vụ tăng nguồn thu cho ACV.
- Tiết kiệm chi phí:
Chú trọng đến việc sử dụng các nguồn nguyên liệu sạch thay thế nguồn nguyên liệu truyền thống.
- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn:
Kết hợp với các bên thứ ba là các ngân hàng nhà nước để vay vốn mở rộng địa bàn các cảng hàng không với lãi suất ưu đãi và hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân trong việc xây dựng các cảng hàng không.
- Cải tiến về cơ cấu chính sách, quản lý nguồn nhân lực:
Chú trọng công tác đào tạo, đảm bảo điều kiện an toàn - phúc lợi - sức khỏe cho người lao động. Kiện toàn cơ cấu tổ chức tại các phòng ban và xây dựng lại các quy định quản lý và phân cấp quản lý lao động. Ngoài ra, tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường tại khu vực công tác.
- Một số thành quả khác:
Thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người khai thác cảng, tổ chức điều hành khai thác CHK thông suốt, hiệu quả, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao.
Các chỉ tiêu tài chính luôn đảm bảo duy trì tăng trưởng ổn định qua các năm, cơ cấu tài sản và nguồn vốn được duy trì ổn định và hợp lý.
4.2. Những vấn đề tồn tại và nguyên nhân
- Nâng cao doanh thu:
+ Dịch vụ hàng không
Một số CHK bị chịu sức ép khi cần phải được tiếp tục đầu tư nâng cấp nhanh chóng để đáp ứng việc nâng cao số lượng hành khách, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.
Trang thiết bị một số CHK địa phương (cấp 2, 3) chưa được đầu tư. Ngoài ra, cơ chế khai thác, quản lý đầu tư khu bay chưa được duyệt.
Tình hình triển khai một số dự án còn chậm so với kế hoạch do những bất cập trong khó khăn về thủ tục đầu tư xây dựng.
+ Dịch vụ phi hàng không
Do buông lỏng quản lý, xuất hiện tình trạng mỗi CHK tổ chức lựa chọn đơn vị thuê mặt bằng, cung ứng dịch vụ phi hàng không theo một cách khác nhau.
- Cải tiến về cơ cấu chính sách, quản lý nguồn nhân lực:
Một trường hợp bổ nhiệm đội trưởng tại CHK Rạch Giá không đảm bảo về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo quy chế.
- Các vấn đề tồn tại khác:
Mặc dù ACV thực hiện mức giá giảm đối với các hãng hàng không đang sử dụng dịch vụ tại các CHK nhưng không hiệu quả, các loại phí dịch vụ vẫn cao như phí sân đỗ máy bay.
Do tính chất thị trường độc quyền nên chưa tạo sự cạnh tranh thực sự phát triển của các CHK. ACV chỉ quan tâm đến đối tượng khách hàng các hãng hàng không mà quên đi các khách hàng trực tiếp sử dụng dịch vụ phi hàng không.
5. Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của ACV
5.1. Giải pháp nâng cao doanh thu
5.1.1. Nâng cao doanh thu dịch vụ hàng không
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị hoạt động kinh doanh khai thác trong phạm vi CHK.
- Rà soát quy trình phục vụ, bố trí mặt bằng hợp lý tại nhà ga, khu bay; tăng cường áp dụng công nghệ mới trong hoạt động khai thác; nâng cao năng lực nhân viên hàng không; tham gia tích cực vào việc xây dựng và triển khai thực hiện quy trình phối hợp ra quyết định khai thác tại CHK (A - CDM).
- Tổ chức tốt việc quản lý, khai thác hiệu quả các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng; thực hiện tốt các công tác bảo trì, bảo dưỡng thường xuyê; đảm bảo hoạt động khai thác liên tục, thông suốt, đảm bảo an ninh an toàn; nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không và phi hàng không; giám sát quản lý chặt chẽ chất lượng, giá cả dịch vụ.
- Tập trung đẩy nhanh các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm.
5.1.2. Nâng cao doanh thu dịch vụ phi hàng không
Ban hành quy chế quản lý kinh doanh dịch vụ phi hàng không; rà soát tất các nguồn thu của ACV; phát triển và nhân rộng mô hình, hình thức kinh doanh đạt hiệu quả cao (hợp tác kinh doanh, nhượng quyền,…).
Từng bước đầu tư hệ thống công nghệ thông tin quản trị đồng bộ, kiểm soát doanh thu dịch vụ phi hàng không tại các CHK và trong quản lý kinh doanh, khai thác cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao sức mạnh cạnh tranh và năng lực quản lý, khai thác, cung cấp dịch vụ.
Rà soát quy trình phục vụ, phân bố mặt bằng hợp lý tại nhà ga, khu bay.
5.2. Cải tiến về cơ cấu, chính sách quản lý nguồn nhân lực
Hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 71/2017/NĐ - CP về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.
Xây dựng cơ chế đào tạo và triển khai các chương trình đào tạo nhân sự có năng lực, khai thác các thỏa thuận hợp tác, kết nghĩa với các CHK quốc tế trong khu vực, cử nhân sự ra nước ngoài làm việc theo hướng onsite training, job exchange cho các tập đoàn hàng không lớn như Boeing, Airbus, các CHK Changi, Narita,…
Xây dựng chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng tài năng trong các lĩnh vực chính của ACV: Kinh doanh, quản lý, kỹ thuật hàng không, công nghệ thông tin.
Đảm bảo sở hữu đội ngũ cán bộ, công nhân viên có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi ngoại ngữ, có trình độ chuyên môn, trình độ quản lý và năng lực điều hành giỏi trong công tác tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, bảo dưỡng,… các CHK, SB.
Tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên hàng đầu cho nhu cầu phát triển đội ngũ nhân viên kỹ thuật, nhân viên khai thác CHK, SB và nhân viên quản lý hoạt động bay.
Tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ chuyên môn.
Bố trí lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu của công việc và năng lực quản lý của cán bộ.
Hoàn thành việc thành lập Công ty TNHH MTV An ninh hàng không trực thuộc ACV.
Chuẩn bị đủ nguồn lực cho các công trình dự án nâng cấp, mở rộng xây mới trọng điểm sắp tới.
5.3. Các giải pháp bổ trợ
- Tăng cường phối hợp các cơ quan, bộ ngành
- Giải pháp về tài chính
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ
- Áp dụng tiết kiệm năng lượng
- Bảo vệ môi trường
- Mở rộng và phát triển thị trường
6. Kết luận
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành Hàng không trên thế giới cùng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các hãng hàng không trong nước đang là một thách thức lớn nhưng cũng tạo ra không ít cơ hội thuận lợi. Chính vì thế, vấn đề nâng cao hiệu quả kinh doanh của ACV là hết sức cần thiết, nhằm góp phần đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chiến lược và phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Để nâng cao được hiệu quả kinh doanh thì ACV buộc phải đầu tư về nhân lực, vật lực, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các tiêu chuẩn quốc tế để quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, dịch vụ phi hàng không của mình; phải đổi mới tư duy quản lý chất lượng dịch vụ hàng không hướng đến đối tượng trung tâm là khách hàng sử dụng dịch vụ, ở đây có thể kể đến là các hãng hàng không và khách hàng đi máy bay. Nếu các dịch vụ hàng không được cải thiện sẽ thu hút được nhiều hãng hàng không thiết lập đường bay tới và sử dụng trực tiếp dịch vụ hàng không do ACV cung ứng, từ đó nâng cao được nguồn thu, phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Văn Công (2009), Giáo trình phân tích kinh doanh, NXB Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
- Chính phủ (2017), Nghị định số 71/2017/NĐ - CP ban hành ngày 06/6/2017, Nghị định hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.
- Đỗ Hoàng Toàn (1994), Giáo trình Những vấn đề cơ bản của quản trị doanh nghiệp, NXB Thống kê.
- Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Báo cáo thường niên 2016, 2017, 2018, 2019, TP. Hồ Chí Minh
ENHANCING THE BUSINESS PERFORMANCE
OF AIRPORTS CORPORATION OF VIETNAM
NGUYEN NAM THAI
Postgraduated student, University of Economics and Finance – UEF
Ph.D. VONG THINH NAM
Ho Chi Minh City University of Technology and Education
ABSTRACT:
In a market economy, especially in the period of world economic integration, the service sector, including special services such as aviation services faces a fierce competition. As a result, business managers have to seek and apply measures to continuously enhance their business performance.
This paper reviews theoretical basis of production and business performance of an enterprise and assesses the business performance of Airports Corporation of Vietnam (ACV) from 2016 to 2019. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the business performancce of ACV, including: (1) the solution for increasing the corporation’s revenues, (2) the solution for improving the corporation’s strructure and human resource management, and (3) and other solutions.
Keywords: Airports Corporation of Vietnam, ACV, business performance.