Mối quan hệ giữa chính sách cổ tức đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Hàng không Việt Nam

ThS. BÙI NGUYÊN KHÁ - ThS. TRẦN THỊ THANH PHƯƠNG - NGUYỄN THỊ LAN ANH (Khoa Tài chính Kế toán, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Chính sách cổ tức (CSCT) thể hiện mối quan hệ hài hoà giữa chính sách đầu tư và chính sách tài trợ của một doanh nghiệp. Thông qua phương pháp nghiên cứu lịch sử, thu thập số liệu, nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính, kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô công ty, tăng trưởng doanh thu và tỷ lệ chi trả cổ tức có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động kinh doanh và tỷ lệ đòn bẩy tài chính có tác động ngược lại đối với các doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (HKVN).

Từ khoá: Cổ tức, hoạt động kinh doanh, ngành Hàng không, cổ phiếu, doanh nghiệp hàng không.

1. Đặt vấn đề

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2019), tăng trưởng khách du lịch HK tại Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á. Trong đó giai đoạn 2016 - 2021, Việt Nam có tăng trưởng kép ở mức 17,4% so với trung bình ASEAN là 6,1%. Tổ chức này cũng dự đoán mức tăng trưởng 2016-2026 của Việt Nam thậm chí còn cao hơn 20%. Hiệp hội Vận tải HK Quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam sẽ là thị trường HK phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình trên 10% trong 5 năm tới và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.

Theo báo cáo của Cục HK (2019), thị phần HK có sự thay đổi rõ rệt về số lượt hành khách và hàng hoá vận chuyển cũng như vốn điều lệ của các hãng HK. Trong quý 2/2019, Bamboo Airways mới tham gia thị trường và từng bước nâng thị phần, đạt 4,2% trong 6 tháng đầu năm 2019. Vietjet Air tiếp tục tăng trưởng với số chuyến bay khai thác tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018, nâng thị phần lên 44%, ngược lại Vietnam Airlines giảm mạnh 17% đưa thị phần về mức 35,9%, Jetstar Pacific và VASCO 2 chiếm 13,9%. Tỷ suất sinh lời của ngành HK thường cao hơn so với các ngành hàng khác, điển hình những công ty như ACV với tỷ suất lợi nhuận năm 2019 đạt khoảng 44,8%, còn tỷ suất lợi nhuận trung bình của ngành HK đạt khoảng 8,8%. Vấn đề được đặt ra khi các nhà quản trị thực hiện CSCT như thế nào để mang lại hài hoà giữa các nhà đầu tư và hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai.

2. Phương pháp nghiên cứu

Theo Ouma (2012), được phát triển bởi nghiên cứu của Rachid và Wiame Boujjat (2016), hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể được đại diện bởi biến lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận sau thuế càng lớn có nghĩa là hiệu quả hoạt động càng cao. Nghiên cứu của Mohammed Amidu (2007), sau đó các nghiên cứu của T.Velnampy (2014), Hasan (2015), Mula Nazar Khan (2016) cho thấy hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng có thể được đại diện bởi biến ROA là tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, hay sử dụng biến ROE là tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu để đại diện cho hiệu quả hoạt động kinh. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng ROA và ROE đại diện cho hiệu quả hoạt động của công ty.

Theo Mohammed Amidu (2007), CSCT có thể được đại diện bởi tỷ lệ thanh toán cổ tức của công ty được tính bằng cách lấy cổ tức trên một cổ phần chia cho thu nhập trên một cổ phần, từ đó các nghiên cứu T.Velnampy (2014), Hasan (2015), Mula Nazar Khan (2016) phát triển và đề xuất CSCT được đại diện bởi tỷ lệ thanh toán cổ tức. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu của Rachid và Wiame Boujjat (2016), khi nghiên cứu về CSCT đã xác định lấy tỷ lệ cổ tức tiền mặt chia cho mệnh giá cổ phiếu làm đại diện cho CSCT. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng tỷ suất cổ tức là biến đại diện cho CSCT.

Theo Rachid M’rabet và Wiame Boujjat (2016) và T. M. Murekefu và O. P. Ouma (2012) đã phát hiện CSCT tác động cùng chiều lên hiệu quả hoạt động của công ty. Ngược lại Hasan và cộng sự (2015), Richard Ndibanla Onanjiri và Thomas Korankye (2014) và Mohammed Amidu (2007) phát hiện sự tác động ngược chiều của CSCT đến hiệu quả hoạt động của công ty, Mula Nazar Khan và cộng sự (2016) phát hiện hỗn hợp CSCT tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động khi ROA là biến đại diện. Còn khi ROE là biến đại diện cho hiệu quả hoạt động thì CSCT tác động ngược chiều đến hiệu quả hoạt động. T.Velnampy và cộng sự (2014) không phát hiện mối quan hệ giữa CSCT và hiệu quả hoạt động của công ty. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất tỷ suất cổ tức có mối quan hệ cùng chiều với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Rachid M’rabet và Wiame Boujjat (2016), khi nghiên cứu các công ty trong lĩnh vực sản xuất được niêm yết trên thị trường chứng khoán Morocco từ năm 2004 đến 2011, kết quả cũng cho thấy các yếu tố khác như quy mô công ty và tăng trưởng doanh thu có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động kinh doanh và tỷ lệ đòn bẩy tài chính có mối quan hệ tương quan nghịch chiều đến hiệu quả hoạt động kinh doanh. Đề tài nghiên cứu được nhóm tác giả xây dựng trên các nghiên cứu trước đây về CSCT, sau đó nhóm tác giả tìm ra khe hở nghiên cứu, và các biến số liên quan đến CSCT, hiệu quả hoạt động kinh doanh và xây dựng mô hình nghiên cứu dựa vào các lý thuyết liên quan. Nguồn dữ liệu nhóm tác giả thu thập thông qua các báo cáo tài chính hàng năm của các công ty cổ phần thuộc nhóm ngành HK được niêm yết trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) trong vòng 5 năm từ năm 2015 đến 2019 gồm có 11 công ty niêm yết. Đây là các dữ liệu được các đơn vị kiểm toán xác nhận số liệu phù hợp với hoạt động công ty vào thời điểm lúc đó. Sau đó, nhóm tác giả tính toán lại các chỉ số liên quan đến CSCT và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành HK. Nhóm tác giả sử dụng công cụ phần mềm Eview 8.0 để xử lý số liệu và tiến hành phân tích kết quả thu được cho nghiên cứu.

Qua lược khảo các nghiên cứu thực nghiệm trước đây, điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp HKVN phù hợp với các đặc điểm kinh doanh của các doanh nghiệp trong các nghiên cứu trước đây, như nghiên cứu của Richard  M’rabet và Wiame Boujjat (2016), nên nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:

(*) ROAi,t = βo + β1DPOUTi,t + β2SIZEi,t +  β3LEVi,t + β4SGRTHi,t + εi,t

(*) ROEi,t = βo + β1DPOUTi,t + β2SIZEi,t +  β3LEVi,t + β4SGRTHi,t + εi,t

ROAi,t: thu nhập trước lãi và thuế chia giá trị sổ sách của tổng tài sản của công ty i thời kỳ t.

ROEi,t: thu nhập trước lãi và thuế chia vốn chủ sở hữu của công ty i thời kỳ t.

DPOUTi,t: là tỷ suất cổ tức được tính bằng cách lấy cổ tức bằng tiền trên một cổ phần chia giá cổ phiếu cuối năm của công ty i thời kỳ t.

LEVt,t: tỷ số tổng nợ chia tổng tài sản của công ty i thời kỳ t.

SIZEi,t: logarit tự nhiên của tổng tài sản của công ty i thời kỳ t.

SGRTHi,t: sự tăng trưởng doanh thu của công ty i thời kỳ t (được tính bằng cách lấy doanh thu năm t trừ doanh thu năm t-1 sau đó chia cho doanh thu năm t-1).

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thống kê mô tả

Dựa vào thu thập các báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán được kiểm toán và công bố trên Sở giao dịch, nhóm tác giả tổng hợp, tính toán và đưa ra kết quả, đòn bẩy tài chính (LEV) hay còn được gọi là hệ số nợ trên tổng tài sản (D/A) đo lường mức độ sử dụng nợ vay của doanh nghiệp để tài trợ cho tổng tài sản, có giá trị trung bình ngành là 48,98%. Trong đó, công ty có giá trị LEV nhỏ nhất là 10,79% của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) năm 2016, tức là công ty NCT có tỷ lệ đòn bẩy tài chính nhỏ hơn 3 lần mức trung bình ngành. Có thể nói đây là công ty có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy nhỏ nhất trong ngành. Bởi từ năm 2015 - 2019, công ty luôn duy trì tỷ lệ này dưới 16%, việc này phản ánh công ty chưa khai thác tốt đòn bẩy tài chính.

Giá trị lớn nhất của đòn bẩy tài chính là 86,38% của HVN năm 2015. Giá trị này cao gấp 2 lần hơn mức trung bình ngành, cho thấy công ty đang có mức sử dụng nợ cao, với mỗi một đồng tài sản của công ty thì trong đó công ty đã vay khoảng 0,8 đồng. Tỷ lệ này đang được công ty điều chỉnh trong khoảng thời gian vừa qua từ khoảng 86% năm 2015 xuống còn 75% năm 2019. Kèm theo đó là quy mô của công ty có sự giảm sút nhẹ từ 13.95 năm 2015 xuống còn 13.88 năm 2019 cho chúng ta thấy thị phần của công ty đang bị giảm xuống do sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ trong ngành mà tiêu biểu ở đây là VJC. Điều này đồng nghĩa với việc nếu HVN muốn tăng trưởng ổn định trở lại thì cần phải có những chính sách, động thái cụ thể để thay đổi lại chiến lược kinh doanh của mình trong thời gian sắp tới. 

Bảng 1. Thống kê mô tả

thong_ke_mo_ta Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Quy mô công ty (SIZE) là một trong những tiêu chí đầu tiên để các công ty khẳng định vị thế của mình trong ngành và thu hút được sự đầu tư của các nhà đầu tư. Những công ty có quy mô lớn sẽ có nhiều cơ hội khi cạnh tranh với các công ty có quy mô nhỏ và vừa trong cùng ngành trên thị trường. Kết quả của bảng thống kê mô tả thì quy mô công ty có giá trị trung bình là 12,09559. Với giá trị nhỏ nhất trong ngành là 10,72038 của IHK năm 2015. Giá trị lớn nhất là 13,98444 của HVN năm 2016. Điều này phản ánh quy mô của các công ty trong ngành không có sự dao động mạnh. Hơn nữa, việc tăng trưởng quy mô của các công ty trong ngành cũng chưa thực sự phát huy hết năng lực.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu (SGTH) có giá trị trung bình là 13,87%; trong đó giá trị lớn nhất là 185,98% của VJC năm 2015. Cất cánh từ năm 2011, những chỉ số tài chính đầu tiên của Vietjet chỉ được công bố từ năm 2013. Trong giai đoạn đầu, từ 2013-2015, doanh nghiệp này đều tăng trưởng 3 con số cả về doanh thu và lợi nhuận. Từ một hãng HK với doanh thu chỉ 3.790 tỷ đồng năm 2013, con số này tăng lên 8.706 tỷ đồng vào năm 2014, rồi lên gần 20.000 tỷ đồng vào năm 2015. Vietjet Air cũng chỉ mất 4 năm kể từ khi cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên để thu về khoản lợi nhuận nghìn tỷ vào năm 2015. Giai đoạn 2015-2017, hãng vẫn duy trì được đà tăng trưởng doanh thu lần lượt 39% và 54% trong khi lợi nhuận tăng trưởng 131% và 96%.

Năm 2018, tổng doanh thu hoạt động của hãng này chỉ tăng 24% trong khi lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 10%. Mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2018 là rất thấp kể từ khi chuyến bay đầu tiên của Vietjet cất cánh và chưa bằng 1/9 so với năm 2017. Cộng với việc giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Chính phủ đã cho hạn chế cất cánh và tạm dừng các chuyến bay vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020 khiến cho VJC chạm mức doanh thu thấp nhất lịch sử của công ty. Trong một năm, lợi nhuận từ hoạt động bán và thuê lại tàu bay giảm, khoản lợi nhuận trước thuế của Vietjet Air chỉ tăng chưa bằng 1/9 so với mức tăng năm 2017, thấp nhất từ năm 2014. Điều này cho thấy Vietjet đang tăng trưởng chậm lại.

Giá trị nhỏ nhất của quy mô công ty là 41,13% của ARM năm 2015. Do ảnh hưởng của Luật Đấu thầu nên các gói đầu tư thiết bị của ARM không thể tiếp cận, cạnh tranh khốc liệt với các đối tác bên ngoài; các dự án đầu tư tại các sân bay bị bão hòa hoặc hoãn đầu tư khiến cho doanh thu quý 4/2015 sụt giảm hơn 54% so với cùng kỳ, xuống còn đạt 45,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong kỳ ARM đã quản lý tốt mọi khoản chi phí phát sinh, tiết kiệm chi phí nên tổng chi phí quý 4/2015 giảm 65,9 tỷ, tương ứng bằng 36,8% cùng kỳ. Mặc dù doanh thu thấp nhưng do tỷ trọng doanh thu ủy thác tăng hơn 3 lần cùng kỳ, đây là khoản doanh thu mang lại lợi nhuận cao nên lợi nhuận sau thuế quý 4/2015 vẫn tăng 2,7 tỷ đồng (gấp hơn 31 lần cùng kỳ) lên đạt gần 2,8 tỷ đồng. Tính lũy kế cả năm 2015, doanh thu của Công ty đạt 219,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 7 tỷ đồng, tăng 14,7% so với thực hiện năm 2014.

Tỷ suất cổ tức có giá trị trung bình ngành là 16,02%; trong đó tỷ suất cổ tức có giá trị nhỏ nhất là 0 chủ yếu nằm ở các công ty như ACV (2015-2016), HVN (2015-2016) và 2019, NAS (2015-2016), NCS 2015, SAS 2015, SGN 2015, VJC (2015-2016). Lý do dễ nhận thấy khi các công ty này để có tỷ suất cổ tức bằng 0 thực ra là do các công ty trên bắt đầu tham gia vào thị trường chứng khoán và chính thức được tham gia giao dịch ngày đầu tiên là nằm trong năm 2015 và 2016. Vì vậy mà chưa thể chi trả cổ tức ngay tại thời điểm mới bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán, đồng thời cũng có một vài công ty do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào cuối năm 2019 dẫn tới thời điểm hiện tại vẫn chưa thể chi trả cổ tức của năm 2019.

  Xét về tỷ suất cổ tức có giá trị cao nhất là 50% của NCT năm 2017 và 2019. Công ty NCT luôn là công ty có tỷ suất chi trả cổ tức cao, dao động trong khoảng hơn 30% - 50%, điều này phản ảnh việc NCT trả cổ tức cao vì họ không còn khả năng tăng trưởng. NCT thì chưa có động thái mạnh mẽ để mở rộng kinh doanh, dù thị phần đã sụt giảm mạnh, dự báo chỉ còn 55% trong năm nay. NCT coi trọng giải pháp khai thác tối đa mặt bằng kho bãi, làm hết công suất nhưng lại không dành ưu tiên nguồn tiền cho đầu tư bởi phần lớn tiền đã đem chia cổ tức. Như đã trình bày ở các phần trước, thị phần, lĩnh vực, khu vực mà họ kinh doanh không thể phát triển hơn được nữa. Vì thế, mặc dù kinh doanh có lãi với tỷ suất sinh lời (ROE) luôn lớn hơn 40% và tạo ra nhiều tiền mặt nhưng ban lãnh đạo của NCT hiểu rằng dù có giữ lại tiền của cổ đông cũng không làm gia tăng thêm lợi nhuận. Điều tốt nhất là hoàn trả lại phần lớn lợi nhuận cho cổ đông.

3.2. Kết quả mô hình

Tham số hiệu chỉnh R2 của mô hình hồi quy 1 - biến phụ thuộc ROA là 0,666479 điều này có nghĩa là 66,6479% sự biến đổi của tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) được giải thích thông qua các biến độc lập trong mô hình, còn lại 33,3521% sự biến thiên của ROA được giải thích thông qua các nhân tố khác không nằm trong mô hình.

Bảng 2. Kết quả mô hình hồi quyket_qua_mo_hinh_hoi_quy_bien_phu_thuoc_roa

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Kết quả mô hình hồi quy với biến phụ thuộc ROA, nhóm tác giả thu được như sau:

ROA = 0,644818 *DPOUT + 0,108065*SGTH + 0,028377*SIZE – 0,53486*LEV

Qua mô hình trên, tỷ suất cổ tức, quy mô công ty, sự tăng trưởng doanh thu có tác động cùng chiều với ROA, điều này cho biết khi ROA tăng lên thì chứng tỏ khi các CTCP trong ngành HK có sự tăng trưởng ở quy mô công ty cũng như tăng trưởng doanh thu thì các công ty này sẽ đạt hiệu quả tài chính tốt, từ đó có thể đảm bảo được tỷ suất chi trả cổ tức của mình. Còn lại biến LEV có tác động ngược chiều với tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản. Nhìn về mức độ ảnh hưởng của các biến trong mô hình này, ta có thể thấy tỷ suất cố tức là biến có tác động mạnh nhất tới tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản. Bởi khi tỷ suất cổ tức tăng lên 64,4818% thì tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản cũng tăng thêm 1%.

Trên thực tế, khi các CTCP trong ngành HK muốn chi trả tỷ suất cổ tức ở mức cao cho NĐT thì họ cần phải nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản của mình. Về tốc độ tăng trưởng doanh thu trong ngành có giá trị 0,108065 có ý nghĩa thống kê và có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc là hiệu quả sử dụng vốn. Thực tế điều này có nghĩa là khi tăng trưởng doanh thu của ngành HK tăng 10,8065% thì hiệu quả sử dụng tài sản tăng 1%. Điều này phản ánh cần gia tăng doanh thu. Tuy nhiên trong giai đoạn như hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn đang phát triển và lây lan mạnh mẽ gây khó khăn rất lớn không chỉ đối với ngành HKVN mà ảnh hưởng tới cả ngành HK chung của thế giới. Vì vậy, tại thời điểm này các DN trong ngành cần có những phương án dự phòng khác nhằm duy trì doanh thu ổn định trong vòng một đến hai năm tiếp theo.

Quy mô công ty và hiệu quả sử dụng tài sản có mối quan hệ cùng chiều nhau với giá trị ảnh hưởng của SIZE đạt 0,028377 có ý nghĩa về mặt thống kê. Kết quả này phản ánh khi tăng quy mô công ty lên 2,8377% thì hiệu quả sử dụng tài sản tăng 1%. Điều này có nghĩa là xét về quy mô trên tài sản có ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng tài sản của các CTCP ngành HK. Qua đó, có thể thấy quy mô tài sản càng lớn thì khả năng sinh lời trên tài sản, khả năng cạnh tranh và phát triển của các CTCP ngành HK càng cao.

Trong các biến của mô hình thì chỉ có duy nhất biến đòn bẩy tài chính là có quan hệ nghịch chiều với hiệu quả sử dụng tài sản. Theo kết quả mô hình LEV có giá trị 0,53486 có ý nghĩa về mặt thống kê. Theo đó, khi tỷ lệ nợ vay tăng 53,486% thì tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản giảm 1%, để có thể tăng hiệu quả sử dụng tài sản,  các công ty trong ngành cần duy trì ổn định tỷ lệ đòn bẩy tài chính bằng cách như lợi nhuận sẽ được giữ lại nhiều hơn thay vì chi trả cổ tức, nhằm tài trợ cho các hoạt động kinh doanh của công ty, trả nợ cho chủ nợ, để từ đó làm giảm đòn bẩy nợ.

Trên thực tế, điều này có thể được lý giải là các DN có hiệu quả hoạt động tốt giai đoạn 2015 - 2019 sẽ không phải dựa vào nhiều vào nguồn vốn vay mà có thể sử dụng dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh để xoay vòng vốn thay vì sử dụng vay với lãi suất cao. Tham số hiệu chỉnh chỉnh R2 của mô hình hồi quy 2 - biến phụ thuộc ROE là 0.552676 điều này có nghĩa là 55,2676% sự biến đổi của tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) được giải thích thông qua các biến độc lập trong mô hình, còn lại 44,7324% sự biến thiên của ROE được giải thích thông qua các nhân tố khác không nằm trong mô hình. (Bảng 3)

Bảng 3. Kết quả mô hình hồi quy biến phụ thuộc ROE

ket_qua_mo_hinh_hoi_quy_bien_phu_thuoc_roe

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Kết quả mô hình hồi quy với biến phụ thuộc ROE, nhóm tác giả thu được như sau:

ROE = 0,876421*DPOUT + 0,291482*SGTH + 0,02192*SIZE – 0,29561 LEV

Qua mô hình, tỷ suất cổ tức (DPOUT), tăng trưởng doanh thu (SGTH) và quy mô công ty (SIZE) có tác động cùng chiều với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), còn biến đòn bẩy tài chính có tác động ngược chiều với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE). Tương tự như bảng kết quả hồi quy ROA, theo đó các biến tỷ suất cổ tức, tăng trưởng doanh thu và quy mô công ty cũng có quan hệ cùng chiều với biến phụ thuộc là tỷ suất sử dụng vốn hiệu quả.

Khi giá trị biến độc lập tỷ suất cổ tức tăng 0,876421 thì biến phụ thuộc hiệu quả sử dụng vốn tăng 1%. Qua đó cho thấy, việc các công ty trong ngành HK có tỷ lệ chi trả cổ tức cao thì thường có hiệu quả kinh doanh tốt. Cùng với biến tỷ suất cổ tức thì biến tăng trưởng doanh thu và biến quy mô công ty lần lượt có giá trị 0,291482; 0,02192 có ý nghĩa về mặt thống kê. Được hiểu là khi hai biến độc lập là tăng trưởng doanh thu và quy mô công ty tăng lần lượt giá trị 29,1482%; 2,192% thì biến phụ thuộc là hiệu quả sử dụng vốn tăng 1%. Dễ hiểu là khi các công ty có doanh thu tăng trưởng ổn định và quy mô công ty cũng tăng thì biến phụ thuộc là hiệu quả sử dụng vốn của các công ty trong ngành cũng sẽ tăng theo các biến độc lập trên.

Chỉ có duy nhất biến độc lập là đòn bẩy tài chính có sự tương quan ngược chiều với biến phụ thuộc hiệu quả sử dụng vốn. Bởi khi giá trị của đòn bẩy tài chính tăng lên 0.29561 có ý nghĩa về mặt thống kê thì biến phụ thuộc ROE sẽ giảm 1%. Thực tế cho thấy, tất cả các CTCP trong ngành HK mà đề tài nghiên cứu đều có sử dụng nợ vay nhằm bù đắp sự thiếu kinh doanh, một mặt nhằm hy vọng gia tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) hoặc thu nhập trên một cổ phần (EPS). Chưa kể, khoản tiền lãi vay phải trả được coi là khoản chi phí hợp lý và được tính trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Giúp số tiền thuế TNDN phải nộp ít đi, làm gia tăng lợi nhuận.

Đây được xem là “lá chắn thuế”. Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy tài chính không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tích cực cho chủ sở hữu doanh nghiệp (cổ đông). Nó có thể gây ra tác động tiêu cực cho doanh nghiệp nếu như không được sử dụng một cách có hiệu quả. Khi mô hình chỉ ra mối quan hệ tương quan ngược chiều thì có thể thấy việc sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính lúc này rất nguy hiểm đối với các CTCP trong ngành HK. Các công ty này nên giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy để giảm rủi ro tài chính và gia tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trong ngành.

4. Một số khuyến nghị

Mở rộng quy mô doanh nghiệp, đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động: Dựa vào kết quả nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng doanh thu có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, nên việc mở rộng quy mô làm cho doanh nghiệp tăng vị thế trên thị trường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch và HK thế giới đóng băng, các doanh nghiệp HK phải có những chiến lược, đặc biệt kết hợp với công ty du lịch để khai thác các điểm đến mới giúp khai thác các đường bay mới, tạm dừng các hoạt động kinh doanh, cắt giảm nhân sự chỉ là những giải pháp tạm thời. CSCT là một công cụ quảng bá hình ảnh của công ty: Trên thực tế Việt Nam thời gian qua khi DN công bố CSCT thì giá cổ phiếu có xu hướng tăng lên. Các doanh nghiệp đã tận dụng điều này như một sự phát tín hiệu đến các nhà đầu tư về tình hình, triển vọng phát triển của doanh nghiệp. Sau đó, khi đã có được thiện cảm của nhà đầu tư, họ lại tiến hành phát hành cổ phần mới với mức sẵn lòng trả giá cao hơn của các nhà đầu tư. Có lẽ đây là cách ứng xử thích hợp đối với tình trạng bất cân xứng thông tin của TTCK Việt Nam cộng thêm việc TTCK còn mới mẻ, non trẻ. Chính vì vậy, các công ty luôn dùng mọi cách để có thể truyền đạt thông tin đến các nhà đầu tư. Và việc dùng CSCT như là một công cụ phát tín hiệu hay hơn nữa là công cụ đánh bóng hình ảnh công ty là hợp lý.

Duy trì ổn định CSCT: Chính sách duy trì mức trả cổ tức ổn định cho phép công ty trả một số tiền cố định trên mỗi cổ phiếu trong một khoảng thời gian dài và rất ít khi thay đổi cho dù lợi nhuận của công ty bị giảm xuống. Nếu xét thấy hiện tượng này chỉ mang tính chất tạm thời thì công ty vẫn duy trì mức trả cổ tức như các năm trước đó.

Xây dựng tỷ lệ chi trả cổ tức mục tiêu: Căn cứ và chiến lược phát triển của công ty và những dự báo về thu nhập, yêu cầu về huy động vốn cho những năm tiếp theo, công ty sẽ xây dựng một tỷ lệ chi trả cổ tức mục tiêu cho các năm, được xác định là số lượng chi trả trên tổng thu nhập hàng năm.

Cân đối giữa lợi ích cổ đông và cơ hội đầu tư của DN: Một chính sách tối ưu của công ty phải có sự cân bằng giữa thu nhập cổ tức hiện tại và khả năng phát triển và trong tương lai. Như vậy, CSCT của công ty phải gắn liền với những chiến lược đầu tư cụ thể của công ty trong tương lai. Khi xây dựng CSCT, công ty cần cân đối giữa thu nhập hiện tại và phần giữ lại để đầu tư đảm bảo cho sự phát triển ổn định của công ty trong những năm tiếp theo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Black, F., M.C. Jensen and M. Scholes (1972). The capital asset pricing model: Some empirical tests. in: M.C. Jensen, ed., Studies in the theory of capital markets, Praeger Publishers Inc.
  2. M.J. (1970a), Investor taxes, market equilibrium and corporate finance. Ph.D. Thesis, M.I.T.. Cambridge, Mass.
  3. Brennan, M J. (1970b). Taxes, market valuation and corporate financial policy, National Tax Journal, 23, 417-427.
  4. Diamond, J.J. (1967). Earnings distribution and the evaluation of shares: Some recent cvidcncc, Journal of Financial and Quantitative Analysis, 2,14-29.
  5. E.F. and J.D. MacBeth. (1973). Risk, return and equilibrium: Empirical tests. Journal of Political Economy, 81, 607-634.
  6. L. and J. Lorie. (1964). Rates of return on investments in common stocks. Journal of Business, 37,1-21.
  7. Friend, I. and M. Puckett. (1964). Dividends and stock prices. American Economic Review, 54, 656-682.
  8. Gordon, M.J. (1959). Dividends, earnings, and stock prices, Review of Economics and Statistics, 41.99-105.
  9. Gordon, M.J. and E. Shapiro. (1956). Capital equipment analysis: The required rate of profit, Management Science, 3,102-l 10.
  10. Hasan et al. (2015). Dividend Payout Ratio and Firm’s Profitability. Evidence from Pakistan. Theoretical Economics Letters, 5(3), 441-445.
  11. Mohammed Amidu. (2007). How does dividend policy affect performance of the firm on Ghana Stock exchange? Investment Management and Financial Innovations,4(2),103-112.
  12. Mula Nazar Khan, Farooq Ali Khan Sherwani, Afshan, Fahad Islam, Ghulam Kabbir (2016), Impact of Capital Structure and Dividend Payout Policy on Firm’s Financial Performance: Evidence from Manufacturing Sector of Pakistan, American Journal of Business and Society, 2(1), 29-35.
  13. Murekefu, T. & Ouma, O.  P. (2012).  The relationship between dividend payout and firm performance: A study of listed companies in Kenya, European Scientific Journal, 8(9), 199-215.
  14. Rarchid M’rabet & Wiame Boujjat (2016). The Relationship Between Dividend Payments And Firm Performance: A Study Of Listed Companies In Morocco, European Scientific Journal, 12, 469.
  15. Richard Ndibanla Onanjiri, Thomas Korankye (2014), Dividend Payout and Performance of Quoted Manufacturing Firms in Ghana, Research Journal of Finance and Accouting, 5, 15. 

 

THE CORRELATIONS BETWEEN THE DIVIDEND POLICY AND THE BUSINESS PERFORMANCE OF VIETNAMESE AVIATION COMPANIES

Master. BUI NGUYEN KHA

Master. TRAN THI THANH PHUONG

NGUYEN THI LAN ANH

Faculty of Finance and Accounting,

Ho Chi Minh City University of Food Industry

ABSTRACT:

The dividend policy shows the harmonious relationship between the investment policy and the ownership structure policy of an enterprise. By using the method of historical research, data collection and linear regression analysis, this research’s findings show that the firm size, the revenue growth and the dividend payout ratio have positive correlations with the business performance and the financial leverage has a negative correlation with the business performance of Vietnamese aviation companies.

Keywords: Dividends, business performance, aviation industry, stock, aviation company.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 20, tháng 8 năm 2020]