Giải pháp hạn chế và xử lý nợ xấu tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Trà Vinh

PGS. TS. TRẦN HUY HOÀNG (Phó Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Marketing) - NGUYỄN THẾ HÀ (Học viên cao học ngành Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Trà Vinh, Ngân hàng Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Trà Vinh trên cơ sở sử dụng số liệu thứ cấp giai đoạn 2014 - 2018. Kết quả cho thấy, các nguyên nhân về năng lực của cán bộ nhân viên về chuyên môn; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ; môi trường pháp lý, chính sách nhà nước; khách hàng sử dụng vốn sai mục đích/lừa đảo là những nguyên nhân được đánh giá có tác động nhất đối với nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Trà Vinh.

Từ khóa: Nợ xấu, xử lý nợ xấu, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Trà Vinh.

1. Giới thiệu

Trong một vài thập kỷ gần đây, vấn đề “nợ xấu” (Non-performing - NPL) đã thu hút được nhiều sự chú ý hơn trước, nhất là khi nhiều nghiên cứu về sự thất bại của các ngân hàng đã cho thấy rằng chất lượng tài sản là một chỉ số của khả năng thanh toán [11 - 12]. Nhiều ngân hàng vẫn có một tỷ lệ cao của những khoản nợ xấu trước khi phá sản.

Mỗi một khoản nợ xấu trong lĩnh vực tài chính làm tăng khả năng dẫn đến ngân hàng gặp khó khăn và không có lợi nhuận. Do vậy, giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu là một phần không thể thiếu trong hoạt động tín dụng của ngân hàng với mục tiêu đảm bảo cho hoạt động tín dụng được an toàn, hiệu quả và là một điều kiện cần thiết để cải thiện tăng trưởng kinh tế. Khi tỷ lệ nợ xấu cao, chúng sẽ ảnh hưởng đến các nguồn lực tài chính, kèm theo đó là việc kinh doanh thua lỗ của các ngân hàng thương mại (NHTM). Như vậy, tỷ lệ nợ xấu có khả năng cản trở tăng trưởng kinh tế và làm giảm hiệu quả kinh tế [13].

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang từng bước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, đồng thời còn phải cạnh tranh gay gắt với các tổ chức tín dụng khác, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh (CN) Trà Vinh đã có những chiến lược riêng trong kinh doanh. Ngoài việc giữ chân những khách hàng truyền thống, khách hàng tiền gửi, tiền vay hiện có với nhiều chính sách ưu đãi về phí, khuyến mãi… CN còn tiến hành nghiên cứu thị trường, các sản phẩm dịch vụ của các NHTM khác về: lãi suất, chính sách ưu đãi, phí dịch vụ, những tiện ích gia tăng để đề ra chiến lược cạnh tranh phù hợp. Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả của CN cũng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. 

Nhận thức được điều này, VietinBank nói chung cũng như VietinBank - CN Trà Vinh nói riêng đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình nhằm hạn chế và xử lý nợ xấu một cách hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng vững mạnh. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng công tác hạn chế và xử lý nợ xấu tại VietinBank - CN Trà Vinh chưa kịp thời và còn tồn tại nhiều hạn chế. Chính vì thế, tác giả chọn đề tài "Giải pháp hạn chế và xử lý nợ xấu tại VietinBank - CN Trà Vinh", là cần thiết trong bối cảnh hiện tại và đó cũng là đề tài của bài nghiên cứu này.

2. Cơ sở lý thuyết về nợ xấu

2.1. Khái niệm nợ xấu

Theo định nghĩa nợ xấu của Phòng Thống kê - Liên hợp quốc: “Về cơ bản, một khoản nợ được coi là nợ xấu khi quá hạn trả lãi và/hoặc gốc trên 90 ngày; hoặc các khoản lãi chưa trả từ 90 ngày trở lên đã được nhập gốc, tái cấp vốn hoặc chậm trả theo thỏa thuận; Như vậy, nợ xấu về cơ bản cũng được xác định dựa trên 2 yếu tố: (i) quá hạn trên 90 ngày và (ii) khả năng trả nợ nghi ngờ”.

Theo Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng, tổ chức này không đưa ra định nghĩa cụ thể về nợ xấu. Tuy nhiên, trong các hướng dẫn về các thông lệ chung tại nhiều quốc gia về quản lý rủi ro tín dụng, BCBS xác định, việc các khoản nợ bị coi là không có khả năng hoàn trả khi một trong hai hoặc cả hai điều kiện xảy ra: Một là, ngân hàng nhận thấy người vay không có khả năng trả nợ đầy đủ khi ngân hàng chưa thực hiện hành động gì để cố gắng thu hồi, hai là người vay đã quá hạn trả nợ quá 90 ngày.

Tại Việt Nam, hiện nay khái niệm nợ xấu được quy định trong Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 của NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư trên nêu lên quan điểm về nợ, nợ quá hạn và nợ xấu như sau:

- “Nợ” bao gồm các khoản Cho vay; Cho thuê tài chính; Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác; Bao thanh toán; Các khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng; Các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng; Số tiền mua và ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom), không bao gồm mua trái phiếu chưa niêm yết bằng nguồn vốn ủy thác mà bên ủy thác chịu rủi ro;  Ủy thác cấp tín dụng; Tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán) tại tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và tiền gửi tại tổ chức tín dụng nước ngoài.

- “Nợ quá hạn” là khoản nợ mà một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi đã quá hạn.

- “Nợ xấu” là các khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4, 5 bao gồm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn.

2.2. Phân loại nợ xấu

Theo thông tư trên, các Tổ chức tín dụng được yêu cầu phân loại nợ theo 2 phương pháp như sau:

2.2.1. Phân loại nợ theo phương pháp định lượng

(1) Nợ nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn: (i) Nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày; (ii) Nợ gia hạn nợ lần đầu; (iii) Nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng; (iv) Nợ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Nợ của khách hàng hoặc bên bảo đảm là tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;

+ Nợ được bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng hoặc tiền vay được sử dụng để góp vốn vào một tổ chức tín dụng khác trên cơ sở tổ chức tín dụng cho vay nhận tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng nhận vốn góp;

+ Nợ không có bảo đảm hoặc được cấp với điều kiện ưu đãi hoặc giá trị vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi cấp cho khách hàng thuộc đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;

+ Nợ cấp cho các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát có giá trị vượt các tỷ lệ giới hạn theo quy định của pháp luật;

+ Nợ có giá trị vượt quá các giới hạn cấp tín dụng, trừ trường hợp được phép vượt giới hạn, theo quy định của pháp luật;

+ Nợ vi phạm các quy định của pháp luật về cấp tín dụng, quản lý ngoại hối và các tỷ lệ bảo đảm an toàn đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

+ Nợ vi phạm các quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay, chính sách dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

(v) Nợ đang thu hồi theo kết luận thanh tra.

(2) Nợ nhóm 4 - Nợ nghi ngờ, bao gồm: (i) Nợ quá hạn từ 181 - 360 ngày; (ii) Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; (iii) Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai; (iv) Khoản nợ quy định tại điểm (iv) theo quy định nợ nhóm 3 quá hạn từ 30 - 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi; (v) Nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng đã quá thời hạn thu hồi đến 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được.

(3) Nợ nhóm 5 - Nợ có khả năng mất vốn, bao gồm: (i) Nợ quá hạn trên 360 ngày; (ii) Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; (iii) Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai; (iv) Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn; (v) Khoản nợ quy định tại điểm (iv) theo quy định nợ nhóm 3 quá hạn trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi; (vi) Nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng đã quá thời hạn thu hồi trên 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được; (vii) Nợ của khách hàng là tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị phong tỏa vốn và tài sản.

2.2.2. Phân loại nợ theo phương pháp định tính

Theo đó, nợ cũng được phân thành 5 nhóm tương ứng như 5 nhóm nợ theo cách phân loại nợ theo phương pháp định lượng nhưng không nhất thiết căn cứ vào số ngày quá hạn chưa thanh toán nợ, mà căn cứ trên hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chính sách dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Các nhóm nợ bao gồm:

(1) Nhóm 1 - Nợ đủ tiêu chuẩn, bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn. Các cam kết ngoại bảng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là khách hàng có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo cam kết.

(2) Nhóm 2 - Nợ cần chú ý, bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi nhưng có dấu hiệu khách hàng suy giảm khả năng trả nợ. Các cam kết ngoại bảng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là khách hàng có khả năng thực hiện nghĩa vụ theo cam kết nhưng có dấu hiệu suy giảm khả năng thực hiện cam kết.

(3) Nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn, bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là không có khả năng thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn. Các khoản nợ này được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng tổn thất. Các cam kết ngoại bảng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là khách hàng không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo cam kết.

(4) Nhóm 4 - Nợ nghi ngờ, bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng tổn thất cao. Các cam kết ngoại bảng mà khả năng khách hàng không thực hiện cam kết là rất cao.

(5) Nhóm 5 - Nợ có khả năng mất vốn, bao gồm: Các khoản nợ được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là không còn khả năng thu hồi, mất vốn. Các cam kết ngoại bảng mà khách hàng không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ cam kết.

2.3. Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu

2.3.1. Nguyên nhân từ phía ngân hàng

Ngân hàng không có đủ thông tin chính xác để phân tích và đánh giá khách hàng, dẫn đến việc xác định sai hiệu quả của phương án vay vốn hoặc xác định thời hạn cho vay và trả nợ không phù hợp với phương án kinh doanh của khách hàng.

Đạo đức nghề nghiệp không tốt cùng năng lực chuyên môn của một số cán bộ ngân hàng chưa theo kịp yêu cầu; Tiêu cực trong khâu lập phương án, thẩm định, xét duyệt và theo dõi khoản vay.

Sự lơi lỏng trong công tác thanh, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay làm cho ngân hàng không phát hiện kịp thời vốn vay đã sử dụng sai mục đích, phương án vay vốn không còn khả thi như ban đầu.

Sự cạnh tranh giữa các ngân hàng gay gắt dẫn đến hiện tượng các NHTM chạy theo quy mô tăng trưởng dư nợ để đạt được các chỉ tiêu kinh doanh, bỏ qua các tiêu chuẩn, điều kiện cho vay, thiếu quan tâm đến chất lượng khoản vay.

2.3.2. Nguyên nhân từ phía khách hàng

Khách hàng vì không đủ điều kiện vay vốn nên cố tình chỉnh sửa, phóng đại số liệu báo cáo tài chính, lập hóa đơn, chứng từ khống và hợp đồng kinh tế giả mạo để qua mặt ngân hàng, làm sai lệch thông tin thẩm định, dẫn đến tình trạng ngân hàng vô tình cung ứng vốn cho những doanh nghiệp yếu kém về mặt tài chính, không có năng lực sản xuất - kinh doanh, cố tình chiếm đoạt nguồn vốn của ngân hàng… Lúc này khả năng thu hồi được nguồn vốn cho vay sẽ rất thấp và rủi ro của ngân hàng khi gặp những khách hàng này là rất lớn, xác suất nợ xấu xảy ra rất cao.

Khả năng quản lý điều hành yếu kém của những người lãnh đạo khiến cho các doanh nghiệp vay vốn hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, tình hình tài chính khó khăn dẫn đến tình trạng mất khả năng toán nợ vay cho ngân hàng khi đến hạn.

Tình hình tài chính của doanh nghiệp không minh bạch, yếu kém. Quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ bé, cơ cấu tài chính thiếu cân đối, công tác quản lý tài chính kế toán tùy tiện, mang tính đối phó dẫn đến thông tin ngân hàng có được khi lập các bảng phân tích tài chính, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp không chính xác, sai lệch quá nhiều và rủi ro xảy ra là rất lớn.          

2.3.3. Nguyên nhân khách quan khác

Do những diễn biến bất lợi của thị trường, đối thủ cạnh tranh, sự bất ổn của giá nguyên vật liệu đầu vào và nhu cầu thị trường đầu ra, sự trì trệ của nền kinh tế đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của các doanh nghiệp vay vốn. 

3. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

3.1. Dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính của VietinBank - CN Trà Vinh giai đoạn 2014 - 2018.

Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua điều tra, khảo sát 40 chuyên gia. Kết quả thu được từ khảo sát sẽ giúp VietinBank - CN Trà Vinh rút ra được những ưu điểm và bất cập trong hoạt động hạn chế và xử lý nợ xấu.

3.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thống kê, mô tả: Thu thập số liệu từ các báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính của VietinBank - CN Trà Vinh giai đoạn 2014 - 2018 nhằm phân tích và đánh giá thực trạng và nợ xấu của, từ đó đánh giá chung kết quả hoạt động của CN trong những năm gần đây, qua các tiêu chí: Tỷ lệ nợ quá hạn, tỷ lệ nợ xấu, hệ số thu nợ, vòng quay vốn, trích lập dự phòng.

Phương pháp chuyên gia: Thực hiện điều tra, khảo sát 40 chuyên gia thông qua bảng khảo sát và được các chuyên gia về tín dụng đánh giá và cho điểm theo thang đo Likert 5 điểm. 

Bảng câu hỏi gồm 2 phần là thông tin đánh giá và thông tin cá nhân:

- Phần 1: Thông tin đánh giá bao gồm 20 câu hỏi với nội dung: “Đánh giá tầm quan trọng của một số nguyên nhân gây ra nợ xấu tại VietinBank - CN Trà Vinh?” và “Đánh giá một số giải pháp đưa ra nhằm hạn chế và xử lý nợ xấu tại

VietinBank - CN Trà Vinh”.

- Phần 2: Thông tin cá nhân với nội dung hỏi về: Trình độ học vấn; Số năm kinh nghiệm việc trong lĩnh vực tín dụng của ngân hàng; Phòng làm việc; Mong đợi từ công tác hạn chế nợ xấu có hiệu quả trong chi nhánh là gì?

Số bảng hỏi thu lại trong quá trình khảo sát là 35 với tỉ lệ 87,5%; trong đó có 0% không hợp lệ và 100% phiếu hợp lệ.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả thực trạng nợ xấu theo thời hạn

Bảng 1. Tình hình nợ xấu theo thời gian tại VietinBank - Chi nhánh Trà Vinh giai đoạn 2014 - 2018

Đơn vị tính: Triệu đồng

Tình hình nợ xấu theo thời gian tại VietinBank - Chi nhánh Trà Vinh giai đoạn 2014 - 2018

Nguồn: Phòng Tín dụng VietinBank - CN Trà Vinh

Bảng 2. So sánh Tình hình nợ xấu theo thời gian tại VietinBank - Chi nhánh Trà Vinh giai đoạn 2014 - 2018

Đơn vị tính: Triệu đồng

So sánh Tình hình nợ xấu theo thời gian tại VietinBank - Chi nhánh Trà Vinh giai đoạn 2014 - 2018

Nguồn: Phòng Tín dụng VietinBank - CN Trà Vinh

Qua Bảng 1 và 2 cho thấy, tình hình nợ xấu ngắn hạn chiếm số tuyệt đối, không có phát sinh nợ xấu trung dài hạn. Nguyên nhân do trong tổng dư nợ tại chi nhánh, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao, việc thẩm định các dự án/phương án cho vay trung dài hạn khá chặt chẽ, đối tượng khách hàng vay trung dài hạn có tình hình tài chính tốt. Trong khi dư nợ cho vay ngắn hạn chủ yếu phục vụ nông nghiệp nông thôn, giá nông sản thường xuyên biến động theo chiều hướng giảm, chi phí sản xuất luôn có chiều hướng tăng, người chăn nuôi luôn phải đối mặt với tình trạng thua lỗ, nên ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trả nợ.

Cụ thể, năm 2014, nợ xấu ngắn hạn là 5,998 triệu đồng. Năm 2015, nợ xấu ngắn hạn có phần giảm đáng kể chỉ còn 562 triệu đồng, từ đó cho thấy với nợ xấu tăng cao từ năm 2014, đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nợ, thu nhập, trích lập dự phòng của chi nhánh nên Ban giám đốc đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác xử lý nợ trong năm 2015.

Kết quả đến cuối năm 2016, các món nợ xấu của năm 2015 hầu như được xử lý dứt điểm. Qua đến năm 2016, 2017, 2018, tình hình nợ xấu không giảm mà vẫn được duy trì. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng của tổng dư nợ năm 2016 là 1,576 tỷ đồng, đến năm 2018 là 1,979 tỷ đồng thì dư nợ xấu ngắn hạn tại chi nhánh vẫn ở mức thấp; bên cạnh đó, chi nhánh đã nỗ lực áp dụng mọi biện pháp nhằm hạn chế phát sinh nợ xấu. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong công tác thu hồi nợ xấu của VietinBank - CN Trà Vinh.

4.2. Công tác trích lập nợ dự phòng và xử lý nợ xấu

Số tiền trích lập dự phòng giai đoạn 2014 - 2018 đươc thể hiện như sau: Nhóm 1 có tỷ lệ trích lập là 0%. Nhìn chung, số tiền trích lập của mỗi nhóm đều tăng, nhưng chủ yếu tăng ở khoảng dự phòng chung do tăng dư nợ (chiếm tỷ lệ 0.75%/tổng dư nợ), còn số dư của dự phòng cụ thể ở nhóm 2 đến nhóm 5 tuy có phát sinh nhưng không đáng kể.

Bảng 3. Tình hình trích lập dự phòng rủi ro tại VietinBank

- Chi nhánh Trà Vinh giai đoạn 2014 - 2018          

       Đơn vị tính: Triệu đồng

Tình hình trích lập dự phòng rủi ro tại VietinBank - Chi nhánh Trà Vinh giai đoạn 2014 - 2018

Nguồn: Phòng Tín dụng VietinBank - CN Trà Vinh

Thông qua đó cho thấy, việc định giá tài sản bảo đảm và mức cho vay so với giá trị tài sản bảo đảm được Ban giám đốc chỉ đạo áp dụng rất triệt để. Nghĩa là, trong giai đoạn 2014 - 2018 có nợ quá hạn phát sinh, nhưng số tiền trích lập dự phòng cụ thể qua Bảng 3 ta thấy rất thấp, chứng tỏ chi nhánh áp dụng tỷ lệ cho vay so với giá trị tài sản bảo đảm không cao. Đây cũng là một trong những biện pháp nhằm hạn chế số tiền trích lập dự phòng cụ thể, hạn chế rủi ro, hạn chế chi phí cho VietinBank - CN Trà Vinh.

4.3. Kết quả khảo sát chuyên gia

Bảng 4. Cơ cấu trình độ học vấn và số năm kinh nghiệm

Cơ cấu trình độ học vấn và số năm kinh nghiệm

Nguồn: Khảo sát của tác giả

Qua Bảng 4 có thể thấy, toàn bộ các chuyên gia tham gia khảo sát đều có trình độ từ đại học trở lên, với 26 chuyên gia trình độ đại học chiếm 74,3%, 9 chuyên gia có trình độ thạc sỹ chiếm 25,7%. Như vậy, các chuyên gia có đủ trình độ chuyên môn để nắm bắt vấn đề về nợ xấu và thực hiện khảo sát.

Kết quả khảo sát cho thấy, đa phần chuyên gia tham gia phỏng vấn đều có số năm kinh nghiệm nhiều hơn 3 năm (chiếm 80%), vì vậy khảo sát đảm bảo được độ tin cậy về chất lượng câu trả lời.

Thống kê về mong muốn của các chuyên gia được khảo sát về công tác quản lý nợ xấu thực hiện hiệu quả trong chi nhánh VietinBank - CN Trà Vinh như sau: Giảm tổn thất tài chính với 35 lựa chọn tương đương 100%; nâng cao uy tín của ngân hàng đối với khách hàng với 34 lựa chọn tương đương 97,1%; nâng cao lợi nhuận ròng với 32 lựa chọn tương đương 91,4%; cải thiện hoạt động kinh doanh của ngân hàng với 33 lựa chọn tương đương 94,3%; cải thiện hình ảnh của ngân hàng với 32 lựa chọn tương đương 91,4%. Các lựa chọn cho thấy các chuyên gia đều có mong muốn cải thiện và nâng cao hệ thống quản lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu xảy ra tại VietinBank - CN Trà Vinh.

4.3.1. Về nguyên nhân gây ra nợ xấu

Bảng khảo sát đưa ra 12 nguyên nhân dẫn đến nợ xấu xuất phát chủ yếu từ ngân hàng và xuất phát từ môi trường cũng như từ khách hàng. Các nguyên nhân gây ra nợ xấu được lấy ý kiến chủ quan của các chuyên gia về tín dụng đang làm việc tại VietinBank - CN Trà Vinh, đánh giá tầm quan trọng của các nguyên nhân như thế nào dẫn đến nợ xấu tại ngân hàng. Đánh giá sự quan trọng của các nguyên nhân này để cho thấy tác động của các nguyên nhân đến nợ xấu đang diễn ra hiện nay tại VietinBank - CN Trà Vinh. Qua thang điểm từ 1 là “hoàn toàn không quan trọng” đến 5 là “rất quan trọng”, tác giả khảo sát cho ra kết quả tại Hình 1.

Hình 1: Đánh giá tầm quan trọng của nguyên nhân gây ra rủi ro

Đánh giá tầm quan trọng của nguyên nhân gây ra rủi ro

Nguồn: Khảo sát của tác giả

Từ Hình 2, có thể thấy các nguyên nhân đều được các chuyên gia lựa chọn ở mức thang điểm 3 trở lên, tức là các nguyên nhân gây ra rủi ro đều quan trọng và gây tác động đến nợ xấu của ngân hàng. Điều này cũng như kết quả nghiên cứu của tác giả tại chương 2 về thực trạng nợ xấu tại VietinBank - CN Trà Vinh. Trong đó có các nguyên nhân về năng lực của cán bộ nhân viên về chuyên môn; tỷ lệ nợ xấu/ tổng dư nợ; môi trường pháp lý, chính sách nhà nước; khách hàng sử dụng vốn sai mục đích/lừa đảo là những nguyên nhân được đánh giá có tác động nhất đối với nợ xấu tại chi nhánh.

Hình 2: Đánh giá tầm quan trọng của nguyên nhân gây ra rủi ro

Đánh giá tầm quan trọng của nguyên nhân gây ra rủi ro

Nguồn: Khảo sát của tác giả

4.3.2. Về các giải pháp hạn chế rủi ro

Bảng khảo sát (Hình 2) đưa ra 8 giải pháp giúp hạn chế và xử lý nợ xấu tại VietinBank - CN Trà Vinh. Các giải pháp được lấy ý kiến khảo sát từ các chuyên gia về tín dụng đang làm việc tại VietinBank - CN Trà Vinh với thang điểm từ 1 đến 5 trong đó từ 1 là “hoàn toàn không quan trọng” đến 5 là “rất quan trọng”.

Sau khi tổng hợp kết quả điều tra khảo sát, kết quả tác giả thu được tại Hình 2. Từ biểu đồ kết quả nhận được thấy rằng, cả 8 giải pháp đều được các chuyên gia đánh giá tầm quan trọng khá cao. Trong đó, hoàn thiện mô hình quản lý nợ xấu với điểm trung bình là 4,46; đào tạo cán bộ ngân hàng điểm trung bình là 4,49; hoàn thiện hệ thống xếp hàng tín dụng nội bộ điểm trung bình là 4,46; đó là 3 giải pháp được lựa chọn cao về tầm quan trọng trong các giải pháp hạn chế nợ xấu tại VietinBank - CN Trà Vinh. Tiếp đến là giải pháp về bộ phận kiểm tra với trung bình 4,40; về tăng cường hoạt động trung tâm nghiên cứu với trung bình là 4,34 và giải pháp về thông tin với giải pháp về quy trình thẩm định cùng có điểm trung bình là 4,31. Giải pháp đánh giá tình hình tài chính định kỳ được lựa chọn với điểm trung bình là 4,06.

  1. Giải pháp hạn chế và xử lý nợ xấu tại VietinBank - CN Trà Vinh

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện chiến lược hạn chế nợ xấu: Để hạn chế nợ xấu tại VietinBank - CN Trà Vinh, giải pháp đề ra là cần xây dựng và hoàn thiện chiến lược quản lý nợ xấu. Theo yêu cầu của Ủy ban Basel, cơ cấu tổ chức của NHTM cần có sự thay đổi nhằm thực hiện tốt hơn hoạt động quản lý nợ xấu.

Thứ hai, xây dựng chiến lược khách hàng: Chiến lược lựa chọn khách hàng phù hợp là một trong những công cụ cần thiết để giảm thiểu nợ xấu. Việc xây dựng chiến lược khách hàng sẽ giúp VietinBank - CN Trà Vinh thực hiện được phân loại khách hàng, lựa chọn những khách hàng kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh, có phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, làm ăn có uy tín và sẵn lòng trả nợ ngân hàng.

Thứ ba, nâng cao chất lượng thẩm định: Nợ xấu bắt nguồn từ những phân tích và thẩm định tín dụng không cẩn trọng và thiếu chính xác về khả năng trả nợ dẫn đến những quyết định cho vay sai lầm. Đây là bước quan trọng nhất trong quy trình cấp tín dụng, chất lượng thẩm định tốt sẽ hạn chế nợ xấu và đảm bảo an toàn trong hoạt động cho vay. Giải pháp về tổ chức, điều hành công tác thẩm định tín dụng là tổ chức bố trí cán bộ thẩm định phải hợp lý, tránh sự chồng chéo, đảm bảo sắp xếp cán bộ có đủ trình độ, năng lực, chuyên môn và trách nhiệm. Phân công cán bộ thẩm định cũng phải căn cứ vào trình độ, kinh nghiệm, năng lực của từng cán bộ.

Thứ tư, định giá và sử dụng hiệu quả tài sản bảo đảm: VietinBank - CN Trà Vinh cần phải tách bộ phận đề xuất tín dụng với bộ phận định giá tài sản bảo đảm và bộ phận thẩm định rủi ro. Bởi vì, hiện nay, cán bộ khởi tạo đề xuất tín dụng đồng thời là cán bộ thẩm định giá tài sản bảo đảm, do hoạt động thẩm định giá tài sản phân tán sẽ xảy ra trường hợp một số cán bộ không chuyên sâu, không nắm bắt giá trị thị trường của tài sản chính xác sẽ định giá cao hơn giá trị thị trường; hoặc một số cán bộ do áp lực chỉ tiêu kinh doanh được giao, để cho vay đã chấp nhận định giá cao hơn giá trị thực tế, tất cả điều này đều gây ra rủi ro tổn thất khi khách hàng không trả được nợ cho ngân hàng.

Thứ năm, kiểm soát có hiệu quả sau giải ngân: Kiểm tra trước khi vay từ việc thẩm định, tái thẩm định các dự án nhưng sau khi cho vay nợ xấu vẫn xuất hiện. Thời điểm sau khi cho vay, nợ xấu không chỉ đến từ phương án kinh doanh kém hiệu quả, khách hàng vay sử dụng vốn sai mục đích, mà còn do ngân hàng không kiểm soát được dòng tiền sau khi kết thúc phương án kinh doanh, dẫn đến tình trạng khách hàng sử dụng nguồn tiền từ phương án kinh doanh vào các mục đích không minh bạch, hoặc kém hiệu quả.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát tín dụng: VietinBank - CN Trà Vinh cần tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra sau khi cấp tín dụng và thực hiện các biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro. Đồng thời nâng cao nghiệp vụ về thẩm định, đánh giá hiệu quả, cấp tín dụng và thu hồi nợ đối với khách hàng, khách hàng và người có liên quan theo quy định của pháp luật, đặc biệt đối với các trường hợp cấp tín dụng trên 15% và 25% vốn tự có.

Thứ bảy, xử lý có hiệu quả nợ có vấn đề: Qua phân tích tình hình nợ xấu và xử lý nợ xấu tại VietinBank - CN Trà Vinh cho thấy có nhiều rủi ro cao từ các khoản nợ có vấn đề. Do đó, giải pháp hạn chế rủi ro góp phần quan trọng là VietinBank - CN Trà Vinh cần tập trung xử lý có hiệu quả nợ quá hạn, nợ xấu, nợ ngoại bảng đang tồn tại hiện nay.

Thứ tám, phân tán nợ xấu.

Thứ chín, nâng cao chất lượng chuyên nghiệp của cán bộ tín dụng, đào tạo cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ và mức độ am hiểu về các ngành nghề kinh doanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tiếng Việt:

1. Chính phủ, (2009). Nghị định số 59/2009/NĐ-CP. Ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của NHTM.

2. Đỗ Văn Độ (2007), “Quản lý nợ xấu của NHTM nhà nước thời kỳ hội nhập”, Tạp chí Ngân hàng, 76 (15), tr.20 - 27.

3. Lê Thị Huyền Diệu (2006). Vài nét về mô hình tín dụng mới, khả năng áp dụng của Việt Nam. Tạp chí Khoa học đào tạo số 48/2006.

4. Lê Vân Chi và Hoàng Trung Lai, (2014). Các nhân tố ảnh huởng tới rủi ro tín dụng của các NHTM Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 207 tháng 9/2014, 98 - 107.

5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, (2005). Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước số 493/2005/QĐ-NHNN. Ban hành về quy định phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng.

6. Trần Hoàng Ngân và các cộng sự, (2014). Thực trạng nợ xấu của NHTM Việt Nam và giải pháp phòng ngừa.

7. Trần Trọng Phong, Trần Văn Bằng, Nguyễn Song Phương (2015), Các nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu tại các NHTM Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 216(II) tháng 6/2015, 54 - 60.

8. TS. Lê Thị Huyền Diệu (2009), Luận cứ khoa học về xác định mô hình Quản lý nợ xấu tại hệ thống NHTM Việt Nam.

9. Võ Thị Quý và Bùi Ngọc Toản, (2014). Các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của hệ thống NHTM Việt Nam. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở TP. HCM - số 3 (36) 2014.

10. Báo cáo tài chính của VietinBank - CN Trà Vinh, từ năm 2013 - 2018.

Tài liệu tiếng Anh:

11. Barr, R., Siems, T. (1994), Predicting Bank Failure using DEA to quantify management quality. Federal Reserve Bank of Dallas, Financial industry Studies Working papers N0 94.

12. Demirg#ç-Kunt, A. (1989), Deposit-institution failures: A review of empirical literature. Economic Review, Federal Reserve Bank of Cleveland, 4, 2 - 18.

13. Hou, Y. (2007), The Non-performing Loans: Some Bank-level Evidences. The 4th Advances in Applied Financial Economics, the Quantitative and Qualitative Analysis in Social Sciences conferences.

SOLUTIONS TO HANDLE AND LIMIT BAD DEBT

OF VIETNAM JOINT STOCK COMMERCIAL

BANK FOR INDUSTRY AND TRADE - TRA VINH BRANCH

● Assoc.Prof. Ph.D TRAN HUY HOANG

Vice Dean, University of Finance – Marketing

● NGUYEN THE HA

Postgraduate student, Faculty of Finance and Banking, Tra Vinh University

Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade

- Tra Vinh Branch

ABSTRACT:

This study is to assess the current situation of bad debts at Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade - Tra Vinh Branch on the basis of using secondary data collected from 2014 to 2018. The study’s results show that staff capacity, bad debt/total debt ratio, legal environment, governement’s policies and capital misusing of clients/frauds are the most reasons for bad debts of Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade - Tra Vinh Branch.

Keywords: Bad debt, bad debt settlement, Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade - Tra Vinh Branch.