TÓM TẮT:
Mặc dù nợ xấu của các ngân hàng thương mại đã được kiểm soát trong mức an toàn, nhưng để khơi thông sự lưu chuyển vốn từ nợ xấu là vấn đề khó cho các nhà quản lý tài chính. Nợ xấu hiện nay của các ngân hàng thương mại chủ yếu phát sinh từ thị trường bất động sản, giải quyết được nợ xấu là góp phần thúc đẩy thị trường lớn này và các thị trường vệ tinh xung quanh phát triển, điều này đóng góp một phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nhằm giúp cho các nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát về cách quản lý nợ xấu thông qua sản phẩm Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của các ngân hàng, bài viết tập trung nghiên cứu, đánh giá những thành tựu và hạn chế của công cụ CDS, từ đó đề ra một số giải pháp phát triển sản phẩm này tại Việt Nam.
Từ khóa: Nợ xấu, công cụ phái sinh, hoán đổi rủi ro tín dụng, ngân hàng thương mại.
I. Đặt vấn đề
Vào đầu năm 1994, Hợp đồng hoán đổi tín dụng (CDS) được tạo ra từ ngân hàng JP Morgan Inc của Mỹ, được xem là một cải cách quan trọng trong quản trị rủi ro tín dụng. Công cụ phái sinh tín dụng là một công cụ để tách rủi ro thị trường ra khỏi rủi ro tín dụng và cho phép giao dịch tách biệt của các công cụ phái sinh này. Công cụ này phụ thuộc vào bên thứ ba về việc thực hiện cam kết thanh toán về nghĩa vụ nợ. Các công cụ phái sinh tín dụng cho phép xác định và định giá rủi ro tín dụng hiệu quả hơn. Các bên tham gia mong muốn thoát khỏi rủi ro tín dụng có thể bán rủi ro này cho bên sẵn sàng đối phó với rủi ro tín dụng. Điều này giúp ích đáng kể cho những ai vay và cho vay, cho những ai giao dịch trong thị trường phái sinh mà phải gánh chịu vỡ nợ, với sự giúp đỡ của công cụ này đảm bảo cho họ một phần bù phù hợp với mức rủi ro. Đặc biệt là các ngân hàng sử dụng công cụ phái sinh tín dụng với cả hai tư cách là người mua và người bán. Ngân hàng giảm thiểu mức rủi ro đối với người đi vay khi họ bán rủi ro tín dụng cho một bên khác bằng việc sử dụng công cụ phái sinh tín dụng.
Các nhà đầu tư mua rủi ro tín dụng vì họ muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng như họ tin rằng mức rủi ro thực tế thấp hơn mức được định trong hợp đồng. Các chủ thể chính chấp nhận chuyển giao rủi ro tín dụng thông qua phái sinh tín dụng là các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ phòng ngừa.
Một giao dịch phái sinh liên quan đến ba chủ thể. Chủ thể đầu tiên là bên mua phái sinh tín dụng tức là bên hiện có rủi ro tín dụng và muốn loại trừ. Chủ thể thứ hai là bên bán phái sinh tín dụng tức là bên sẵn lòng nắm giữ rủi ro tín dụng. Chủ thể thứ ba là bên phát sinh ra khoản tín dụng cơ sở và được gọi là chủ thể liên quan. Ví dụ: Ngân hàng A cho công ty C vay. Hiện tại, ngân hàng A nhận thấy khoản tín dụng cho công ty C vay có độ nhạy cảm quá cao và muốn bán rủi ro tín dụng này. Ngân hàng tìm một công ty sẵn lòng nhận rủi ro là quỹ đầu tư B. Ngân hàng A là bên mua phái sinh tín dụng, quỹ B là bên bán phái sinh tín dụng và công ty C là chủ thể liên quan.
Ở các nước phát triển, ngân hàng thương mại thường sử dụng các công cụ phái sinh tín dụng như: Hoán đổi tổng tỷ suất sinh lợi (Total Return Swap), Hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap), Quyền chọn chênh lệch tín dụng (Credit Spread Option), Chứng khoán liên kết tín dụng (Credit Linked Security).
II. Thực trạng thị trường phái sinh Hoán đổi rủi ro tín dụng
1. Thị trường phái sinh Hoán đổi rủi ro tín dụng trên thế giới
Thị trường phái sinh tín dụng từ khi ra đời đã phát triển và tăng trưởng rất nhanh. Các nghiên cứu của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) chỉ thống kê một công cụ phái sinh tín dụng đó là hoán đổi rủi ro tín dụng. Năm 2001 là 918,87 tỷ USD, con số này đã tăng lên khoảng 34.422,8 tỷ USD vào năm 2006 và đạt đỉnh điểm trên 62.173,2 tỷ USD vào năm 2007. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng tín dụng tại Mỹ, phái sinh tín dụng có xu hướng giảm mạnh trong năm 2008 với tổng giá trị danh nghĩa khoảng 38.563,82 tỷ USD. Trong những năm gần đây, giá trị hợp đồng phái sinh tín dụng đều giảm qua các năm với giá trị khoảng 28.626 tỷ USD năm 2011, 25.068 tỷ USD năm 2012, năm 2013 là 21.020 tỷ USD, năm 2014 là 16.399 tỷ USD, năm 2015 là 12.294 tỷ USD và năm 2016 là 9.857 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, công cụ hoán đổi rủi ro rín dụng ngày càng giảm về tổng giá trị danh nghĩa, xuất phát từ những nguyên nhân: Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vừa qua, các chủ thể bán hợp đồng phái sinh tín dụng (bán công cụ bảo vệ rủi ro) thông qua các sản phẩm phái sinh rủi ro tín dụng như các quỹ đầu cơ, các công ty bảo hiểm và ngân hàng đầu tư đã chịu thua lỗ nặng nề. Tập đoàn bảo hiểm lớn nhất của Mỹ là AIG đã rơi vào bờ vực phá sản và phải cần đến sự cứu trợ của Chính phủ Mỹ thông qua khoản vay lên tới 85 tỷ USD vào tháng 9/2008. Chính vì vậy, theo tỷ phú người Mỹ Warren Buffet, “phái sinh rủi ro tín dụng như một thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt của hệ thống tài chính toàn cầu”.
2. Thực trạng thị trường công cụ phái sinh tín dụng tại Việt Nam
Ngày 18/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) (Nghị định 53). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 09/7/2013. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng.
Tính đến cuối năm 2016, tổng số tổ chức tín dụng đang nắm trái phiếu đặc biệt của VAMC là 41, với lũy kế tổng giá mua 205.659 tỉ đồng trên tổng dư nợ gốc 233.685 tỉ đồng. Các khoản nợ xấu VAMC đã nhận từ các tổ chức tín dụng đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp...
Cụ thể trong đó: Tài sản là bất động sản trị giá 268.872 tỉ đồng, chiếm 62%; tài sản trên đất trị giá 31.308 tỉ đồng, chiếm 7,2%; giấy tờ có giá trị giá 12.902 tỉ đồng, chiếm 3%; máy móc thiết bị trị giá 22.097 tỉ đồng, chiếm 5,1%; phương tiện vận tải trị giá 18.333 tỉ đồng, chiếm 4,2%; quyền đòi nợ trị giá 11.610 tỉ đồng, chiếm 2,7%; quyền phát sinh tài sản 34.805 tỉ đồng, chiếm 8,0%; các loại tài sản khác trị giá 34.051 tỉ đồng, chiếm 7,8%.
Các ngân hàng thương mại đang rốt ráo lên kế hoạch bán nợ cho VAMC để kịp thời hạn của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% trong các năm sau.
Hình 1: Số nợ xấu NHTM bán cho VAMC năm 2016Đvt: 1.000 đồngNguồn: Báo cáo tài chính VAMC
Việc bán nợ xấu cho VAMC giúp các ngân hàng kiểm soát được khoản nợ xấu. Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nơ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng tại Việt Nam giảm liên tục qua các năm như sau: Năm 2012: 4,79%; năm 2013: 3,79%; năm 2014: 3,25%; năm 2015: 2,6% và năm 2016: 2,58%.
Hoán đổi rủi ro tín dụng là một hình thức quản lý rủi ro tín dụng còn khá mới ở Việt Nam, cho nên công cụ này còn nhiều thiếu xót và hạn chế:
- Thứ nhất, hiện nay, VAMC chưa thực hiện đầy đủ các hoạt động nghiệp vụ xử lý nợ. Công tác mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC chưa có kết quả cụ thể. Nhiều hoạt động nghiệp vụ chưa được tổ chức thực hiện, như: Chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay; đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản đảm bảo (TSBĐ) đã được VAMC thu nợ; tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản; đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của tổ chức tín dụng (TCTD).
- Thứ hai, việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài không thể tiến hành. Theo Luật Đất đai, việc nhận thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất... đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Trong khi đó, TSBĐ là bất động sản và tài sản trên đất chiếm tỷ lệ 72% trong tổng giá trị TSBĐ của các khoản nợ mà VAMC đang nắm.
- Thứ ba, một ngân hàng thương mại (NHTM) khi bán nợ xấu cho VAMC theo cơ chế mới, VAMC trở thành chủ nợ mới, với toàn bộ trách nhiệm và quyền lợi của chủ nợ. Tuy nhiên, luật pháp tín dụng vẫn chưa đưa ra cơ sở để xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, đồng thời các quy định khác của luật pháp chưa được tu sửa để trao cho chủ nợ mới quyền lực cần thiết để xử lý nợ xấu và TSĐB như tại các nước tiên tiến.
- Thứ tư, luật pháp cho phép các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu để trả cho các khoản nợ xấu mua từ các TCTD, nhưng trái phiếu này chưa được giao dịch một cách rộng rãi trên thị trương chứng khoán mà chỉ được chuyển nhượng giữa các TCTD và giao dịch với các ngân hàng để tái cấp vốn. Trái phiếu theo cơ chế luật pháp hiện nay vẫn chưa thể hoán đổi ra tiền mặt một cách nhanh chóng và vì thế chưa có tính thanh khoản cao.
III. Kết luận và giải pháp
Phái sinh rủi ro tín dụng là một hình thái chuyển giao rủi ro tín dụng bậc cao nhằm giúp các ngân hàng có một công cụ để chuyển giao mua, bán, gia công, chế biến rủi ro tín dụng mà không cần phải chuyển giao các danh mục tín dụng của mình. Để sản phẩm này có thể phát triển góp phần vào việc quản lí rủi ro tín dụng của các NHTM Việt Nam đòi hỏi sự góp sức hỗ trợ từ phía NHNN cũng như các bộ, ngành có liên quan; hiệp hội ngân hàng và hơn nữa là bản thân nội tại các NHTM Việt Nam. Cụ thể:
Thứ nhất, cần có cách ứng xử đúng đắn đối với hoạt động cho vay dưới chuẩn. Việc nới rộng các điều kiện cho vay nhằm giúp đỡ người có thu nhập thấp không nên được thực hiện qua các NHTM, vì sẽ làm tăng tính rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng, tăng rủi ro cho người dân gửi tiền vào ngân hàng. Hoạt động cho vay này có thể được thực hiện thông qua những tổ chức đầu tư mạo hiểm hoặc các tổ chức nhà nước như Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách hoặc hệ thống các Quỹ Tín dụng nhân dân. Bên cạnh đó, việc cho vay thế chấp dưới chuẩn cũng phải nhằm vào đúng đối tượng là người muốn sở hữu nhà ở thực sự chứ không phải nhằm mục đích cho các nhà đầu cơ. Điều này có thể làm giảm bớt sự bùng nổ quá mức của thị trường bất động sản.
- Thứ hai, cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bất động sản của các ngân hàng; yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo tuân thủ những điều kiện về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng; kiểm soát tỷ lệ cho vay để hạn chế các nhà đầu tư sử dụng công cụ đòn bẩy tài chính quá mức dẫn đến rủi ro. Một vấn đề liên quan đến quản lý và giám sát mà NHNN có thể tính đến là hoàn thiện một hệ thống cảnh báo sớm để có thể thường xuyên cảnh báo cho các cơ quan quản lý thị trường về những rủi ro và nguy cơ xảy ra khủng hoảng.
- Thứ ba, cần có chính sách giám sát đối với các hoạt động chứng khoán hóa. MBS và CDS là các công cụ cần thiết trên thị trường chứng khoán nhằm tăng chủng loại hàng hóa trên thị trường chứng khoán và đồng thời tính thanh khoản cũng như khả năng sản sẻ rủi ro cho hoạt động cho vay của các ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình chứng khoán hóa và định giá phải được kiểm soát chặt chẽ nhằm tránh những rủi ro xảy ra trong quá trình phân loại và định giá các tài sản, chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc giám sát các hoạt động đầu tư tài chính của hệ thống NHTM. Việc quản lý và giám sát hệ thống ngân hàng một mặt giảm thiểu rủi ro nhưng mặt khác phải không phương hại đến mức độ cạnh tranh trong hệ thống tài chính. Hoạt động quản lý MBS và CDS trong tương lai cần được chuẩn hóa và giao dịch trên một thị trường chứng khoán tập trung.
- Thứ tư, ổn định và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán (TTCK) có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường mua bán nợ và việc tái cấu trúc nền kinh tế. Doanh nghiệp sau khi được mua bán sẽ được đầu tư vốn để khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, đến khi có đủ điều kiện, chủ nợ mới sẽ tiến hành phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và đưa doanh nghiệp lên niêm yết trên sàn chứng khoán để thu hồi vốn.
Một TTCK minh bạch, tăng trưởng tốt sẽ là thước đo chính xác sức khỏe của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng và nền kinh tế nói chung, đồng thời làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư (NĐT) mua nợ, bởi TTCK là một trong những biện pháp thu hồi vốn đầu tư.
- Thứ năm, mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thực lực của các công ty mua bán nợ tại Việt Nam hiện không đủ sức để xử lý khoản nợ xấu lớn với giá trị lớn, vì vậy, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích các NĐT nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ. Với nguồn vốn lớn và kinh nghiệm hàng chục năm phát triển thị trường mua bán nợ, các NĐT ngoại sẽ là một trong những đối tác tham gia hoạt động hiệu quả trên thị trường Việt Nam. Bởi vì, trong trường hợp VAMC không bán được nợ xấu, các TCTD sẽ phải mua lại các khoản nợ xấu đã bán và tiếp tục xử lý. Như vậy, nợ xấu không được xử lý dứt điểm, mà chỉ tạm thời chuyển khỏi bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp chuyển sang VAMC trong vòng 5 năm. Đây chỉ là biện pháp tạm thời để giảm bớt tỷ lệ nợ xấu, giúp các ngân hàng giải quyết một phần vốn tồn đọng trong nợ xấu để đưa dòng tiền vào lưu thông trong nền kinh tế.
- Thứ sáu, thúc đẩy phạm vi hoạt động của các AMC.
Các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các ngân hàng thường chỉ co hẹp hoạt động trong việc xử lý nợ của ngân hàng mẹ. Nếu các công ty này không tham gia mua bán các khoản nợ của các ngân hàng khác, thì không thể hình thành thị trường mua bán nợ tập trung. NHNN nên có quy định, các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% phải thành lập AMC riêng, phạm vi hoạt động là toàn bộ tài sản và các khoản nợ xấu trên thị trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Don M.Chance - Robert Brooks (2015), Sản phẩm phái sinh và quản trị rủi ro tài chính (9th)2.
2. OTC derivatives statistics Statement 2014, 2015 of Bank For International Settlements (BIS).
3. http://tapchitaichinh.vn/
4. http://tinnhanhchungkhoan.vn/
5. http://sbv.gov.vn/
CREDIT DEFAULT SWAP IN BAD DEBT MANAGEMENT
AT VIETNAMESE BANK
● MA. PHAM VAN RANG
Faculty of Finance and Accounting
Ho Chi Minh City College of Transport III
ABTRAST:
Although bad debt of commercial banks has been controlled in a safe level, it is difficult for financial managers to clear bad loans. The current bad debt of commercial banks mainly stemming from the real estate market, hence dealing with bad debt is contributing to promoting the economy development of this big market and the surrounding satellite markets. In order to provide investors with an overview of how to manage bad debt through banks' credit default swaps (CDS), the paper focuses on research and assess the achievements as well as the limitations of the CDS tool, thereby setting out some solutions to develop this product in Vietnam.
Keywords: Bad debt, derivative instruments, credit default swaps, commercial banks.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 09 tháng 08/2017 tại đây