Chuỗi cung ứng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thực thi hiệp định CPTPP

Đề tài Chuỗi cung ứng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thực thi hiệp định CPTPP do Hoàng Minh Tuấn (Trường Đại học Đại Nam) thực hiện.

TÓM TẮT:

Từ một quốc gia với sản lượng xuất khẩu thấp, Việt Nam đã trở thành một quốc gia xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới. Trong 17 năm từ năm 2006-2022, vị thế hàng đầu thế giới của Việt Nam về xuất khẩu hạt điều luôn được giữ vững. Bài nghiên cứu phân tích, đánh giá những cơ hội và thách thức của chuỗi cung ứng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thực thi Hiệp định CPTPP. Từ đó, đề xuất những giải pháp cần thiết nhằm tối ưu hóa lợi ích Hiệp định CPTPP mang lại và giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn.

Từ khóa: chuỗi cung ứng hạt điều, xuất khẩu, Hiệp định CPTPP.

1. Đặt vấn đề

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tiền thân là Hiệp định TPP, được xem là một trong những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có ý nghĩa  đối với Việt Nam trong những năm gần đây. Hiệp định này tạo ra một khối tự do thương mại lớn với thị trường khoảng 500 triệu dân và GDP khoảng 13.500 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu. Với sự tham gia của 11 quốc gia thành viên, CPTPP mở ra những cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng điều - một trong những ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. CPTPP có các cam kết về thuế quan đối với nông sản trong đóViệt Nam được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính như hạt điều, cà phê, hạt tiêu, chè, mật ong. CPTPP không chỉ đưa ra những cam kết về thuế mà còn thúc đẩy hợp tác bảo vệ môi trường, trong đó có những quy định cụ thể nhằm ngăn cấm các hoạt động thương mại gây hại. Những cam kết này nhằm đảm bảo các hoạt động thương mại trong CPTPP không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ và phát triển bền vững môi trường, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.

Bài viết này sẽ đi sâu vào việc đánh giá tác động của CPTPP tới chuỗi cung ứng điều của Việt Nam, từ đó nhận diện những cơ hội và thách thức mà ngành Điều đang phải đối mặt. Qua đó, đề xuất những giải pháp cần thiết nhằm tối ưu hóa lợi ích mà hiệp định này mang lại, đồng thời giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn.

2. Thực trạng chuỗi cung ứng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam

2.1. Trồng trọt và thu hoạch

Việt Nam là quốc gia sản xuất, chế biến và cung ứng điều nhân lớn hàng đầu thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2023, diện tích trồng điều của cả nước hiện đạt khoảng 320.000 ha, trong đó Bình Phước chiếm khoảng 47% tổng diện tích, tiếp đến là Gia Lai khoảng 13%, Đồng Nai chiếm 11%, Đăk Lăk chiếm 9%; Lâm Đồng 7%; Bình Thuận 6%, còn lại là các tỉnh thành khác.

Giai đoạn 2000-2005, cây điều bắt đầu được chú trọng phát triển với việc trồng mới các giống điều cao sản, giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Từ năm 2011 đến 2015, diện tích điều giảm do cạnh tranh với cây trồng khác và ảnh hưởng của khí hậu, sâu bệnh và giá cả không ổn định, giảm từ 373.7 nghìn ha năm 2010 xuống còn 292.0 nghìn ha năm 2015.

Từ năm 2016 đến nay, diện tích điều tương đối ổn định khoảng 300.000 ha. Một số vùng trồng trọng điểm đã được tái canh và trồng mới, đặc biệt tại Đắk Lắk, Bình Phước, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận. Vùng Tây Nguyên có cơ cấu diện tích điều tăng cao nhất từ 24,2% năm 2011 lên 28,7% năm 2021, trong khi vùng Duyên hải Nam Trung bộ giảm từ 14,0% xuống còn 9,8%. Vùng Đông Nam bộ ổn định khoảng 61-63% diện tích cả nước.

Ngành Điều Việt Nam đang ngày càng phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ về diện tích, sản lượng và năng suất. Giai đoạn 2017-2022, diện tích trồng điều tăng 24,8 nghìn ha, sản lượng tăng 129,4 nghìn tấn và năng suất tăng 0,35 tấn/ha. Sự phát triển này là kết quả của việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm trồng trọt của người nông dân ngày càng được nâng cao. (Bảng 1)

Bảng 1. Diện tích, sản lượng và năng suất trồng điều của Việt Nam từ năm 2017-2022

Năm

Diện tích (nghìn ha)

Sản lượng (nghìn tấn)

Năng suất (tấn/ha)

2017

297,5

226,1

0,76

2018

299,5

281,5

0,94

2019

295

303,8

1,03

2020

302,4

374,9

1,24

2021

314,4

424,4

1,35

2022

322,3

360,9

1,12

                                                                                           Nguồn: Niên giám thống kê, 2023

2.2. Sản xuất và chế biến

Việt Nam là nước chế biến điều hàng đầu thế giới, với hơn 3.000 cơ sở chế biến, trong đó có khoảng 500 nhà máy có tổng công suất đạt hơn 4 triệu tấn điều thô, chiếm 50% tổng sản lượng điều thô toàn cầu. Các nhà máy chế biến điều sử dụng thiết bị tự động hiện đại, giúp nâng cao năng suất và tỷ lệ thu hồi nhân điều nguyên đạt 85-90%, cao hơn so với Brazil và Ấn Độ (60%) (Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, 2023).

Tuy nhiên, Việt Nam chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu, phải nhập khẩu phần lớn điều thô từ châu Phi, dẫn đến rủi ro về giá thành và thanh toán quốc tế. Giai đoạn 2017-2022, nhập khẩu hạt điều của Việt Nam tăng cao nhất vào năm 2021 với giá trị 3.620 triệu USD và 2.535 nghìn tấn, nhưng sau đó giảm xuống 2.299 triệu USD và 1.771 nghìn tấn vào năm 2022 (Tổng cục Hải quan, 2023).[A1] 

Sản lượng điều của Việt Nam từ 2011-2021 biến động không đều, phụ thuộc vào diện tích và năng suất. Năm 2021, sản lượng đạt cao nhất 399,3 ngàn tấn, tăng 1,3 lần so với năm 2011. Ngành Điều đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhiều địa phương và doanh nghiệp triển khai thâm canh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp nâng cao năng suất lên 30-35 tạ/ha, có nơi đạt 35-50 tạ/ha. (Hình 1)

Cơ giới hóa trong chế biến điều đã giúp tăng năng suất lên 1.400 kg/giờ với 5 nhân công, so với 3-5 kg/giờ/người khi xử lý bằng tay. Tuy nhiên, tỷ lệ vỡ hạt khi xử lý bằng máy là 2-3%, thấp hơn so với 10% khi xử lý bằng tay. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu điều nhân sơ chế với giá trị thấp (khoảng 10 USD/kg), chỉ chiếm 30% trong chuỗi giá trị ngành điều toàn cầu, trong khi nhân điều thành phẩm đến tay người tiêu dùng có giá khoảng 30 USD/kg. (Bảng 2)

Bảng 2. So sánh năng suất chế biến hạt điều giữa thủ công và cơ giới hóa

 

Xử lý bằng tay

Xử lý bằng máy

Năng suất

3-5kg/giờ/1 người. Muốn đạt 1.400 kg/giờ cần 280 công nhân

1.400 kg/giờ, 5 nhân công

Tỷ lệ sót hạt

0

5%

Tỷ lệ vỡ hạt

10%

2-3%

                                                                          Nguồn: Nguyễn Ngọc Lâm và cộng sự, 2023

Theo thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam, cả nước có trên 3.000 cơ sở chế biến điều, trong đó riêng Bình Phước có tới 1.400 cơ sở, chiếm tỷ lệ 46,7%. Bên cạnh đó, số lượng nhà máy chế biến điều ở Việt Nam cũng phát triển rất nhanh vào khoảng 500 nhà máy với công suất đạt 4 triệu tấn. Trong chuỗi giá trị hạt điều toàn cầu, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu điều nhân sơ chế giá trị thấp, khoảng 10 USD/kg; trong khi nhân điều thành phẩm đến tay người tiêu dùng ở các nước khoảng 30 USD/kg. Như vậy, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% trong chuỗi giá trị ngành điều.

2.3. Xuất khẩu

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong những năm vừa qua có sự tăng trưởng cả về số lượng và kim ngạch. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 2,9 tỷ USD; năm 2021, đạt 3,18 tỷ USD; năm 2022 đạt 3 tỷ USD. Riêng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 3,63 tỷ USD với sản lượng 641.000 tấn, tăng 17% về trị giá và tăng hơn 23% về sản lượng so với năm 2022.

Về chủng loại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các chủng loại hạt điều như W320, W240, W180, W210. Hiện nay các thành phẩm từ hạt điều thô cũng vô cùng phong phú và đa dạng, được phân loại theo 3 tiêu chí chuẩn quốc tế là hình dạng, màu sắc và kích cỡ. Từ 3 loại này, hạt điều xuất khẩu mới được chia thành nhiêu loại nhỏ với tiêu chuẩn chất lượng khác nhau.

Và từ những tiêu chí trên chúng ta có thể chia ra thành các phân khúc chất lượng khác nhau như: hàng chất lượng loại 1, hàng chất lượng loại 2,... Những điều này giúp cho việc xuất khẩu thuận lợi hơn khi có thể dễ dàng chọn ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất xuất khẩu ra thế giới. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các chủng loại hạt điều như W180, W240, W320 chiếm tỷ trọng 63,51% tổng lượng và 69,84% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Về thị trường, sản lượng xuất khẩu hạt điều sang thị trường CPTPP đã có xu hướng tăng trong giai đoạn 2016-2023 nhờ vào các ưu đãi thuế quan và những thuận lợi về thương mại do CPTPP mang lại. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2023, sản lượng hạt điều xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP tăng trưởng bình quân 5,1%/năm (Hình 2).

Qua Hình 2, Hình 3 có thể thấy, trong giai đoạn 2016-2023, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đã trải qua nhiều biến động. Mặc dù sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng do giá giảm ở tất cả các thị trường, kim ngạch xuất khẩu cũng sụt giảm ở đa số các thị trường. Nguyên nhân giá hạt điều giảm chủ yếu do tác động của dịch Covid-19, cũng như chính phủ các quốc gia áp dụng các chính sách mạnh nhằm kiểm soát dịch lan rộng như đóng cửa biên giới, đóng toàn bộ các cuỗi cửa hàng thiết yếu dẫn tới đứt gãy nghiêm trọng các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, nguồn cung hạt điều thô rất dồi dào và Việt Nam đang vào thời gian thu hoạch nên giá điều giảm mạnh. Với thị trường 11 nước trong khối các nước thành viên CPTPP, hạt điều của Việt Nam mới xuất khẩu được sang các nước Canada, Newzealand, Australia, Nhật Bản và Singapore. Các quốc gia còn lại như Mexico, Peru, Chile, Brunei và Malaysia chưa ghi nhận dữ liệu về nhập khẩu mặt hàng điều của Việt Nam. Lượng và giá trị hạt điều xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng vẫn ghi nhận ở mức thấp, mặc dù ghi nhận tốc độ xuất khẩu tăng khả quan qua các năm nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng kim ngạch chung toàn ngành. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu điều nhân sơ chế, sản phẩm qua chế biến sâu chiếm tỷ trọng còn khá khiêm tốn nên giá trị gia tăng chưa cao, lợi nhuận bị chia sẻ qua nhiều khâu trung gian.

3. Cơ hội và thách thức của Hiệp định CPTPP đối với chuỗi cung ứng điều của Việt Nam

3.1. Cơ hội

Cải thiện chất lượng sản phẩm: Hiệp định CPTPP khuyến khích Việt Nam nâng cao chất lượng hạt điều bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật vào quy trình thu hoạch, sản xuất và chế biến. Hạt điều Việt Nam, đặc biệt từ Bình Phước và Đồng Nai, đã nổi tiếng với chất lượng cao, mùi vị đặc trưng và được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. Việc nâng cao chất lượng này không chỉ giúp tăng tính cạnh tranh mà còn tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng.

Mở rộng thị trường xuất khẩu: CPTPP mở ra cơ hội kinh doanh mới và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các thị trường Nhật Bản, Singapore và các quốc gia CPTPP khác. Với cam kết giảm hoặc loại bỏ thuế quan, các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều có thể tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào sản xuất và xuất khẩu hạt điều, mở ra nhiều cơ hội phát triển.

Nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ: CPTPP tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cải thiện trình độ khoa học công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất như máy rang, tách hạt tự động và máy bắn màu. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất còn làm giảm thiểu sự phụ thuộc vào lao động thủ công, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất.

Xây dựng thương hiệu: CPTPP cung cấp cơ hội để Việt Nam xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho hạt điều. Việc tổ chức lại các nhãn hiệu điều và xây dựng thương hiệu mạnh giúp tăng giá trị và lợi nhuận của ngành Điều, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

3.2. Thách thức

Yêu cầu về tính minh bạch và cạnh tranh: CPTPP đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện khung pháp lý, thể chế để đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh cao. Việc sửa đổi và bổ sung các luật cần được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống quy định của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với các quốc gia thành viên khác, tạo ra thách thức lớn trong việc nâng cấp khung pháp lý.

Cạnh tranh về nguồn nguyên liệu: Mặc dù Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, nhưng lại phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana và Nigeria. Sự cạnh tranh về nguồn nguyên liệu này đang trở nên gay gắt hơn khi các quốc gia cung cấp cũng bắt đầu phát triển ngành Chế biến điều nội địa, làm giảm nguồn cung cho Việt Nam. Điều này tạo áp lực lớn lên sản lượng và khả năng cạnh tranh của ngành Điều Việt Nam.

Quy định ngặt nghèo về tiêu chuẩn kỹ thuật: Để hưởng ưu đãi về thuế suất từ CPTPP, sản phẩm hạt điều của Việt Nam phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt. Ngành Điều Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, điều này gây khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy tắc xuất xứ của CPTPP. Để khắc phục, ngành Điều cần tăng cường sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước, nâng cao quy trình chế biến và đảm bảo chất lượng sản phẩm.[A2] 

4. Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong bối cảnh thực thi Hiệp định CPTPP

4.1. Giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách

Các chính sách và pháp luật cần được cải thiện và bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hạt điều. Theo đó, cần tạo cơ chế phối hợp, xây dựng văn bản chính sách quy định về cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các bộ/ngành như Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhằm tránh chồng chéo và lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách khuyến khích sản xuất nông sản xuất khẩu như: chính sách khuyến khích tích tụ đất đai để sản xuất quy mô lớn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai cho sản xuất và chế biến. Chính sách thu hút đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng máy móc. Phát triển các mối liên kết giữa các bên trong chuỗi giá trị từ sản xuất, vận chuyển, chế biến đến tiêu thụ.

4.2. Đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, nâng cao chất lượng hạt điều

Để gia tăng diện tích trồng điều, các địa phương có tài nguyên phù hợp cần chú trọng bảo vệ và phát huy nguồn tài nguyên như đất đai, nước và khí hậu. Xây dựng chuỗi liên kết bằng cách tạo vùng nguyên liệu tập trung, phát triển kinh tế trang trại điều, áp dụng quy trình nông nghiệp tốt và công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Kiểm soát chất lượng hạt điều xuất khẩu bằng cách tạo cơ chế kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp chỉ chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng, đảm bảo chất lượng từ khâu sơ chế đến chế biến sâu.

4.3. Đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến sản xuất và xuất khẩu đa dạng các sản phẩm chế biến từ hạt điều

Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm chế biến từ hạt điều ở thị trường CPTPP ngày càng tăng. Vì vậy, cần đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới để đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cần đầu tư vào nghiên cứu sản phẩm chế biến đa dạng như hạt điều tẩm gia vị, hạt điều mật ong, sữa hạt điều, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tăng tính cạnh tranh. Đầu tư máy móc và thiết bị hiện đại để chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm mới được thị trường đón nhận tích cực.

4.4. Thúc đẩy hoạt động kinh doanh hạt điều thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử

Sử dụng các sàn giao dịch thương mại điện tử là hướng đi đột phá trong bối cảnh đại dịch và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cần tận dụng lợi ích của thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều, mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng quốc tế một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, kết hợp phương thức xuất khẩu ủy thác với áp dụng công nghệ, giúp doanh nghiệp nội địa ký kết hợp đồng ủy thác với doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp trung gian sẽ tiến hành các thủ tục xuất khẩu và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

5. Kết luận

Hiệp định CPTPP đã có ảnh hưởng đáng kể trong việc gia tăng giá trị xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp định CPTPP mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành Điều của Việt Nam, từ việc cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đến nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và xây dựng thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, những thách thức về yêu cầu minh bạch, cạnh tranh khốc liệt về nguồn nguyên liệu và quy định ngặt nghèo về tiêu chuẩn kỹ thuật cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Để tối ưu hóa các lợi ích từ CPTPP, ngành Điều Việt Nam cần tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách; đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào; nâng cao chất lượng sản phẩm; và đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến sản xuất. Việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng là một hướng đi đột phá trong bối cảnh hiện nay.\

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2024), Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023.
  2. Bộ Công Thương (2020), Xuất nhập khẩu của Việt Nam trong bối cảnh tự do hóa và bảo hộ thương mại, NXB Công Thương.
  3. Ngô Thị Mỹ, Trần Nhuận Kiên (2016). Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua cách tiếp cận của mô hình trọng lực. Tạp chí Kinh tế và Phát triển.
  4. Nguyễn Hữu Tịnh (2018), Đề xuất mô hình lý thuyết đánh giá hiệu quả hoạt động chuỗi cung ứng hạt điều tại vùng Đông Nam Bộ, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Liên kết vùng thúc đẩy sự phát triển kinh tế Đông Nam Bộ”.
  5. Nguyễn Hữu Tịnh (2020), Nhận diện điểm nghẽm trong chuỗi cung ứng hạt điều vùng Đông Nam Bộ, Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, tháng 9/2020.
  6. Tổng cục Hải quan, Tổng hợp báo cáo xuất khẩu nước/vùng lãnh thổ - mặt hàng chủ yếu qua các năm, truy cập tại: https://www.customs.gov.vn/index.jsp?pageId=4901&group=CÔNG%20BỐ%20VÀ%20THÔNG%20TIN&category=Số%20liệu%20định%20kỳ%20%20(Từ%20năm%202009%20-%20đến%20nay).
  7. Tổng cục Thống kê (2023), Niêm giám thống kê 2022.
  8. Tổng cục Thống kê, truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/
  9. Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (2023), Thông tin xuất khẩu vào Thị trường EU, Bộ Công Thương, https://trungtamwto.vn/file/21533/mat-hang-hat-dieu_0936.pdf

Vietnam's cashew export supply chain in the context of implementing the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP)

Hoang Minh Tuan

Dai Nam University

Abstract:

From a country with low export volume, Vietnam has been a leading cashew exporting country in the world for 17 years. This study analyzed and evaluated the opportunities and challenges to Vietnam's cashew export supply chain in the context of implementing the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP). Based on the study’s findings, some solutions were proposed to optimize the benefits the CPTPP brings and minimize potential risks to Vietnam's cashew export supply chain.

Keywords: cashew supply chain, export, the CPTPP.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 6 năm 2024]

Tạp chí Công Thương